DANH MỤC CHÍNH
HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
FES08_20240 FES08_20241 FES08_20242 FES08_20243 FES08_20244 FES08_20245 FES08_20246 FES08_20247 FES08_20248 FES08_20249
Nghiên cứu khoa học
Thứ tư, 09/03/2016 - 17:3

Tóm tắt công trình NCKH cấp Học viện 2015 Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào một số nước Đông Nam Á trong điều kiện hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN

Tên đề tài: Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào một số nước Đông Nam Á trong điều kiện hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN”

Chủ nhiệm:        TS. Vũ Duy Vĩnh

Thành viên: 

1. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Tâm

2. ThS. Nguyễn Đình Dũng

3. ThS.  Lê Thị Mai Anh

I. Sự cần  thiết của đề tài

Như chúng ta đã biết ngày 22 tháng 11 năm 2015, tại Malaysia các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN đã ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về "Thành lập Cộng đồng ASEAN" trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31 tháng 12 năm 2015.

Với việc hình thành AEC, đã mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế của các nước ASEAN nói chung, đầu tư lẫn nhau giữa các nước ASEAN nói riêng.

Từ 20 năm trước, ngay sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN, các DN Việt Nam đã đầu tư trực tiếp sang các nước ASEAN. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế và mức độ ưu đãi đầu tư chưa lớn nên những năm trước đây, các DN Việt Nam đầu tư sang các nước ASEAN chưa đáng  kể, hiệu quả đầu tư ra nước ngoài còn thấp. Đầu tư của DN Việt Nam chỉ tập trung vào 2 nước là Lào và Campuchia. Đến nay, tiềm lực của các DN Việt Nam đã mạnh hơn trước, đặc biệt là việc hình thành AEC với mức độ tự do, thông thoáng và ưu đãi đầu tư lớn đã mở ra cơ hội lớn để các DN Việt Nam  đầu tư sang khu vực ASEAN. Vấn đề ở đây là tìm ra những giải pháp để tận dụng tác động tích cực do AEC mang lại nhằm thúc đẩy đầu tư của Việt Nam sang khu vực ASEAN thì sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia và doanh nghiệp.  

Trước thực tế đó, nhóm giảng viên Bộ môn Kinh tế quốc tế đã lựa chọn đề tài “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào một số nước Đông Nam Á trong điều kiện hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN” làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện .

II. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài

- Hệ thống hóa lý luận về đầu tư quốc tế trực tiếp, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

- Hệ thống hóa những nội dung hợp tác trong AEC, nhất là Hiệp định về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) và  Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA).   

- Chỉ ra những cơ hội và thách thức của DN Việt Nam khi đầu tư vào các nước ASEAN trong điều kiện AEC thành lập.

- Phân tích thực trạng hoạt động đầu tư trực tiếp của DN Việt Nam sang các nước Đông Nam Á thời gian qua.

- Đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư của Việt Nam vào một số nước Đông Nam Á Trong điều kiện hình thành AEC.

III. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hoạt động đầu tư trực tiếp của DN Việt Nam sang các nước Đông Nam Á

- Phạm vi nghiên cứu của đề tài là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, khu vực đầu tư là các nước Đông Nam Á, tập trung hơn vào 3 thị trường trọng điểm là Lào, Campuchia và Myanmar. Trong khuôn khổ đề tài sử dụng cụm từ đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN). Cụm từ này được hiểu là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của DN. Thời gian nghiên cứu tập trung vào giai đoạn 2010 đến 2014, có một số số liệu cập nhật đến tháng 7 năm 2015.

IV. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài kết hợp sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, so sánh, tổng hợp cùng với việc tham khảo ý kiến chuyên gia dựa trên nền tảng chủ nghĩa duy vật biện chứng.

V. Kết cấu của đề tài 

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được kết cấu thành 3 chương, 9 tiết

Chương 1: Tổng quan về đầu tư quốc tế và Cộng đồng kinh tế ASEAN

Một số nội dung chính của chương 1 là:

Thứ nhất, đề tài đã hệ thống hóa một số vấn đề lý luận về đầu tư quốc tế, trong đó đề tài tập trung sâu hơn vào đầu tư quốc tế trực tiếp.

Thứ hai, đứng từ góc độ nước đi đầu tư, đề tài hệ thống hóa lý luận về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài

Thứ ba, đề tài hệ thống hóa một số vấn đề về về Cộng đồng kinh tế ASEAN như các nội dung chủ yếu của AEC, Các khuôn khổ và lĩnh vực hợp tác trong AEC.

Chương 2: Thực trạng đầu tư của Việt Nam sang một số nước Đông Nam Á

      Trong chương 2, đề tài đã đạt được một số kết quả như:

Một là, đề tài phân tích làm rõ môi trường đầu tư ở khu vực ASEAN có ảnh hưởng đến đầu tư của Việt Nam sang khu vực này. Môi trường đầu tư ở đây tương đối rộng, bao gồm cả môi trường chính trị, xã hội, môi trường chính sách, luật pháp, và môi trường kinh tế. Trong đó, đề tài đi sâu làm rõ hơn môi trường đầu tư ở 3 nước mà trong những năm qua các DN Việt Nam có nhiều hoạt động đầu tư là Lào, Campuchia, Myanmar    

Hai là, đề tài phân tích thực trạng đầu tư của DN Việt Nam sang khu vực ASEAN trên các mặt như: theo số vốn đầu tư và số dự án đầu tư;  theo ngành, lĩnh vực đầu tư; theo hình thức đầu tư; và theo quốc gia nhận đầu tư. Theo quốc gia nhận đầu tư thì đề tài tập trung vào 3 thị trường trọng điểm là Lào, Campuchia, Myanmar   

Ba là, đề tài dành thời lượng đáng kể để đánh giá thực trạng đầu tư sang các nước Đông Nam Á của các DN Việt Nam thời gian qua, bao gồm những kết quả đạt được, những mặt hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó.

Chương 3: Giải pháp thúc đẩy đầu tư của Việt Nam sang một số nước Đông Nam Á khi hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN

Trong chương 3, đề tài đã tổng kết những quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước về đầu tư ra nước ngoài thông qua một số văn bản như: “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2001 - 2010” tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020” tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Luật Đầu tư năm 2005, 2014, Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 20/02/2009  của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt  Đề án Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài”…  

Nội dung chính của chương 3 là đề tài đề xuất 2 nhóm giải pháp nhằm tận dụng những tác động tích cực từ AEC để thúc đẩy đầu tư của DN Việt Nam vào khu vực ASEAN bao gồm những giải pháp từ phía Nhà nước và những giải pháp từ phía các DN.

Mặc dù nhóm tác giả đã có nhiều cố gắng để đề tài có giá trị cao cả về lý luận và thực tiễn, song do việc thu thập số liệu gặp nhiều khó khăn cùng với trình độ và thời gian có hạn nên đề tài không tránh khỏi thiếu sót. Nhóm tác giả mong nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và những người quan tâm để đề tài được hoàn thiện hơn.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn! 

Số lần đọc: 3483