Tìm
Khoa học & HTQT
Thứ tư, 15/11/2023 - 10:25

Học viện Tài chính chủ trì Hội thảo quốc tế “Tài chính – kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” – (FASPS-5), lần thứ 5, năm 2023

Hội thảo diễn ra vào chiều 10/11, tại trụ sở chính, Học viện Tài chính chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Tài chính-Marketing, Trường Đại học Tài chính-Kế toán, Trường Đại học Tài chính-Quản trị kinh doanh, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đồng tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với hàng trăm các nhà quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước. Có 136 bài báo được chọn đăng trong kỷ yếu bằng tiếng Anh. 2 bài của 2 Keynote speakers và 12 tham luận đã được trình bày trong các phiên của Hội thảo. 10 bài báo được trao giải Best paper tại Hội thảo.

Đại biểu tham dự trực tiếp tại phiên toàn thể thứ nhất

Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Tài chính, có NGND.PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường; NGƯT.PGS.TS. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện; TS. Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Học viện cùng đông đảo giảng viên, sinh viên Học viện Tài chính.

Hội thảo được tiếp đón các đại biểu, khách quý từ các trường Đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học: PGS.TS. Hồ Thủy Tiên - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.,TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Marketing; ThS. Đỗ Văn Trường – Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính, Bộ Tài chính; TS. Nguyễn Như Quỳnh -  Viện trưởng; TS. Lê Thị Thúy Vân – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính – Bộ Tài chính; TS. Phạm Sỹ Hùng - Hiệu trưởng; TS. Bùi Thị Yến Linh - Hiệu phó Trường Đại học Tài chính – Kế toán; TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng; TS. Đào Văn Tú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh.

Các nhà khoa học nước ngoài, có: Ông Tshering Lama - Chủ tịch và đồng sáng lập Idea Studio Nepal, Young Global Leader thuộc diễn đàn kinh tế thế giới; Cố vấn đại học Kathmandu và diễn giả chính: PGS.,TS. Simone Domenico Scagnelli - Phó Trưởng khoa Kế toán - Tài chính, trường Kinh doanh và Luật, Đại học Cowan, Australia; GS. Mark Holmes - Trường Quản lý, Đại học Waikato, New Zealand; Asst. Prof. Dr. Kanitsorn Terdpaopong Rangsit University, Thailand; Asst. Prof. Dr. Shivani Agarwal KIET Group of Institutions, India và Capt.Dr Joshua Loo Head of Department, school of Business UOW Malaysia;

Hội nghị bàn tròn vủa 5 trường đại học tham gia hội thảo

Hội thảo diễn với 2 phiên toàn thể và 3 chủ đề chuyên sâu và phiên hội nghị bàn tròn. Tại Hội nghị bàn tròn diễn ra trước đó, lãnh đạo và đại diện lãnh đạo các trường đồng tổ chức Hội thảo đã trao đổi, thảo luận về nâng cao chất lượng NCKH của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu thuộc Bộ Tài chính, gắn kết nghiên cứu hàn lầm với nghiên cứu phục vụ đào tạo, xây chính sách, kinh tế tài chính đương đại.

NGND.,PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu

Phát biểu đề dẫn Hội thảo tại phiên toàn thể, NGND.,PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính đã khẳng định những chủ trương, đường lối và chính sách đúng đắn Đảng và Nhà nước về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ đổi mới. Nhờ đó, đã thúc đẩy kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế nhanh. NGND.,PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức đặt ra cho sự phát triển của kinh tế tư nhân trong tình hình kinh tế toàn cầu đang diễn biến cực kỳ phức tạp, khó lường, khó dự báo, cộng với những tồn tại của nền kinh tế,…Bên cạnh đó, cuộc cách 4.0 với công nghệ số và những tiến bộ đột phá về khoa học công nghệ; tình hình dịch bệnh, chính trị thế giới đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường là những thách thức to lớn. NGND.,PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ nhấn mạnh: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc phát triển kinh tế tư nhân là một nhân tố không chỉ bảo đảm cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn tham gia vào giải quyết hàng loạt những vấn đề xã hội như: tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực,…Nhằm đưa ra các giải pháp, đề xuất cũng như kiến nghị để thúc đẩy kinh tế tư phát triển trong bối cảnh mới, Học viện Tài chính tiếp tục phối hợp với các trường Trường Đại học Tài chính – Marketing, Trường Đại học Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, cùng tổ chức Hội thảo Quốc tế lần thứ năm với chủ đề: “Tài chính - Kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững”.

 PGS. Simone Domenico Scagnelli - Phó Trưởng khoa Kế toán - Tài chính, trường Kinh doanh và Luật, Đại học Cowan, Australia trình bày tham luận

Với phiên toàn thể đầu tiên, PGS. Simone Domenico Scagnelli - trình bày tham luận “Harmonizing sustainability reporting: an overview of the recent developments and a research agenda” (Hài hòa báo cáo phát triển bền vững: Tổng quan những nghiên cứu gần đây và nội dung nghiên cứu”. Tham luận đã nêu ra hoàn cảnh, động lực và thách thức phải hài hòa các tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững. Ông cũng đề cập đến 2 khung tiêu chuẩn là ISSB S1, S2 và khung tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu ESRS; những khía cạnh của các khung tiêu chuẩn này và mối liên hệ giữa chúng. Đồng thời ông nêu bật những điểm ưu việt và thách thức khi sử dụng 2 khung này và các khuyến nghị của mình.

 Chủ tọa tại phiên chuyên đề chuyên sâu với chủ đề “Tài chính”

Hội thảo tiếp tục với 3 phiên chủ đề chuyên sâu: Phiên thứ nhất với chủ đề “Tài Chính”, điều hành bởi Chủ tọa:  TS. Lê Thị Thúy Vân, TS. Trần Hoàng Vũ, PGS.,TS. Nguyễn Thị Mỹ Linh và PGS.,TS. Phạm Thị Thanh Hòa;

 Chủ tọa và đại biểu tham dự tại phiên thứ hai, chủ đề “Quản lý và kế toán”

Phiên thứ hai với chủ đề “Quản lý và kế toán”, điều hành bởi các Chủ tọa: PGS. ,TS. Simone Domenico Scagnelli, TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, TS. Ngô Nhật Phương Diễm.

 Chủ tọa phiên chuyên đề thứ ba, chủ đề “Kinh tế”

Phiên thứ ba với chủ đề “Kinh tế”, điều hành bởi các Chủ tọa: PGS., TS. Phan Thị Hằng Nga; PGS., TS. Lý Phương Duyên; TS. Nguyễn Anh Quang và TS. Nguyễn Hữu Đại.

 Tác giả trình bày báo cáo tham luận tại phiên chuyên đề, chủ đề “Tài chính”

Tại Phiên chuyên đề thứ nhất, tác giả Nguyễn Phương Hà trình bày tham luận “ Building a function to assessment of corporate liquidity via discriminant alalysis:  a case study of listed construction companies on Vietnam stock exchange” (Xây dựng chức năng đánh giá tính thanh khoản của doanh nghiệp thông qua phân tích phân biệt: nghiên cứu trường hợp các công ty xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam”. Với mẫu nghiên cứu gồm 90 công ty xây dựng niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2013-2022, nghiên cứu đã xây dựng hàm phân biệt với các chỉ số đo lường tính thanh khoản công ty trên các khía cạnh khác nhau gồm các tỷ số thanh khoản truyền thống, chu kỳ chuyển đổi tiền và các tỷ số dòng tiền hoạt động kinh doanh nhằm đo lường tính thanh khoản của các công ty xây dựng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, thông qua hàm phân biệt, kết quả của nghiên cứu cũng xác định được giá trị điểm thanh khoản (liquidity score) làm cơ sở để phân loại công ty xây dựng niêm yết có thanh khoản tốt và công ty xây dựng niêm yết có thanh khoản kém.

Tham luận “Impact of the pandemic shock on the Vietnamese stock market and policy implications” của nhóm tác giả Vương Duy Lâm; Lưu Ánh Nguyệt, Nguyễn Ngọc An đã nghiên cứu tác động của đại dịch COVID-19 tới thị trường chứng khoán Việt Nam (VNX) với việc sử dụng phương pháp tự hồi quy Vector (VAR) để định lượng tác động của COVID 19 lên VNX. Mô hình VAR được sử dụng để phân tích sự tương tác động giữa các biến chuỗi thời gian. Nghiên cứu giúp hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa các yếu tố kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán trong bối cảnh đại dịch, đồng thời xác định các giải pháp, hàm ý nhằm nâng cao tính bền vững của VNX;

Tham luân “factors affecting the start-up ecosystem of the private economy” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Linh Phương, Vũ Hồng Nhung, Nguyễn Thị Phương Ngọc đã xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp kinh tế tư nhân. Với phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng qua 346 mẫu khảo sát, các tác giả đã chỉ ra các yếu tố khác nhau và lý giải sự thành công của hệ sinh thái khởi nghiệp kinh tế tư nhân và chỉ ra sự thành công trong hệ sinh thái khởi nghiệp có tác động tích cực từ cấp cao đến cấp thấp của các yếu tố gồm văn hóa; chấp nhận rủi ro; điều kiện công nghệ và công nghiệp; nguồn vốn dồi dào, các vườn ươm, công ty khởi nghiệp; và sự hỗ trợ của chính phủ.

Tham luận “Asymmetric impact of public debt on credit supply to private sector in Vietnam - a nardl model approach” (Tác động bất cân xứng của nợ công đến cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân ở Việt Nam - cách tiếp cận mô hình Nardl) của nhóm tác giả Nhóm tác giả: Lê Thị Thúy Hằng, Phan Thị Hằng Nga, Nguyễn Thị Mỹ Linh, Nguyễn Xuân Dũng đã xem xét tác động không đồng đều của nợ nhà nước đến việc cung cấp vốn vay cho khu vực tư nhân ở Việt Nam. Với mô hình NARDL, nghiên cứu sử dụng để đánh giá mức độ ảnh hưởng của nợ công đến việc cung cấp tín dụng cho khu vực tư nhân. Ngoài ra, kết hợp các biến kiểm soát như nhu cầu vốn của khu vực tư nhân, mở rộng cung tiền rộng rãi và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dữ liệu được thu thập định kỳ hàng quý trong khoảng thời gian từ quý I năm 2000 - quý I năm 2021, các phát hiện cho thấy ảnh hưởng của nợ công đối với khu vực tư nhân khá đồng đều, gồm cả mặt tích cực và tiêu cực. Nghiên cứu cũng chỉ ra lưu ý khi nợ công vượt quá một ngưỡng cụ thể, những tác động bất lợi có thể phát sinh: nợ công tăng có thể dẫn đến hiện tượng sự lấn chiếm, trong đó nguồn cung tín dụng cho khu vực tư nhân bị hạn chế, từ đó cản trở nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tư nhân. Các tác giả cũng đề xuất thực hiện các biện pháp thận trọng để quản lý nợ công trong ngưỡng có thể chấp nhận được, nhằm mục đích giảm thiểu những hậu quả bất lợi và giảm thiểu tác động lấn át tiềm ẩn của khu vực công đối với khu vực tư nhân.

Tại Phiên chuyên đề thứ hai, báo cáo tham luận “Organizing the reward, discipline system according to managerial responsibility at Hoa Phat’s iron and steel manufacturing subsidiaries” (Tổ chức hệ thống khen thưởng, kỷ luật theo trách nhiệm quản lý tại các đơn vị sản xuất sắt thép Hòa Phát) của các tác giả Nguyễn Thanh Huyền; Nguyễn Thị Đào; Bùi Thị Vân; Đào Thị Hằng; Nguyễn Thị Phương Hoa; Hoàng Văn Thắng được trình bày đã sử dụng nhiều phương pháp thu thập dữ liệu như quan sát, bảng câu hỏi, phỏng vấn... và các phương pháp phân tích dữ liệu bao gồm thống kê. Nghiên cứu sđã chỉ ra thực trạng tổ chức khen thưởng theo trách nhiệm quản lý trong sản xuất sắt thép doanh nghiệp của Tập đoàn Hòa Phát, từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện tổ chức hệ thống khen thưởng này, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả hành chính. 

Trong tham luận “Social responsibility accounting – international experience and lessons for vietnam” (Kế toán trách nhiệm xã hội – kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam) của nhóm tác giả Ngô Thị Thu Hồng; Lê Thị Yến Oanh; Bùi Thị Hằng; Nguyễn Thị Nga; Ngô Thị Minh đã nêu vai trò xã hội kế toán trách nhiệm và các công cụ quản lý các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ngoài ra, bài viết này cung cấp một cái nhìn tổng quan về kinh nghiệm toàn cầu và thực tiễn kế toán trách nhiệm xã hội và bài học cho Việt Nam. Từ đó, đề xuất những giải pháp cho thực tiễn về xã hội kế toán trách nhiệm ở Việt Nam.

Tham luận “The implementation of green accounting: sustainable development in vietnamese small and medium enterprises” (Thực hiện kế toán xanh: Phát triển bền vững tại doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam) của nhóm tác giả Đặng Thu Lan, Nguyễn Thị Thuận đã điều tra và nêu ra một số yếu tố tác động đến việc thực hiện kế toán xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam. Thông qua phương pháp nghiên cứu kết hợp định tính và định lượng, bài viết giới thiệu mô hình các biến số ảnh hưởng đến kế toán xanh ở Việt Nam trong khuôn khổ toàn cầu hóa. Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ kết quả của 207 bảng câu hỏi khảo sát. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra việc thực hiện xanh kế toán do sự ảnh hưởng của các hiệp hội nghề nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hai yếu tố nhận thức của người quản lý và đặc điểm kinh tế có tác động tiêu cực đến việc thực hiện kế toán xanh ở Việt Nam.

Tham luận “Relationship between business environment and economic development: evidence from Southeast Asia” (Mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh và phát triển kinh tế: bằng chứng từ Đông Nam Á) của nhóm tác giả Hoàng Phương Hải Châu; Lý Phương Duyên. Nghiên cứu thời gian từ năm 1998 đến năm 2021 để đề cập đến tác động của Covid ở ASEAN. Thông qua chạy mô hình hiệu ứng cố định với kiểm tra độ tin cậy, chi tiêu của Chính phủ như một biến độc lập trong tâm chính của bài viết này sẽ là các khía cạnh định lượng của môi trường về tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên ASEAN.

Tại Phiên chuyên đề thứ 3, trong tham tham luận “Financial statements’ reliability affect firms’ performance listed in Vietnam” (Độ tin cậy của báo cáo tài chính ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam) của các tác giả Nguyễn Kim Quốc Trung, Trần Hồng Vân, Lê Văn Tuấn, Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Nguyễn Minh Hằng đã nêu vai trò quan trọng của độ tin cậy của báo cáo tài chính và ảnh hưởng của độ tin cậy của báo cáo tài chính đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết tại Việt Nam. Tham luận đã xác định độ tin cậy này và ảnh hưởng của độ tin cậy của báo cáo tài chính đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết tại Việt Nam, đặc biệt là trên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2015 đến năm 2022. Độ tin cậy là một thuộc tính được liệt kê của chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính và bằng cách sử dụng phương pháp định lượng (bình phương tối thiểu tổng quát khả thi – FGLS). Kết quả nghiên cứu cho thấy độ tin cậy ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động của các công ty niêm yết với khoảng tin cậy là 95%. Trên nền tảng lý thuyết, độ tin cậy của báo cáo tài chính được coi là công cụ để các nhà quản lý và ban giám đốc thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người sử dụng bên ngoài, trong khi lý thuyết các bên liên quan nhấn mạnh đến ưu điểm của báo cáo tài chính đáng tin cậy trong việc đạt được hiệu quả hoạt động. 

Báo cáo tham luận“Proposed research model of business digital transformation inVietnam” (Đề xuất mô hình nghiên cứu chuyển đổi số doanh nghiệp tại Việt Nam) của nhóm tác giả Nguyễn Thị Như Mai, Diệp Quỳnh Trâm. Nghiên cứu đã thông qua quá trình tổng hợp, phân tích các nghiên cứu trước đây để có cái nhìn sâu sắc hơn về khái niệm chuyển đổi số, các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số cũng như chuyển đổi số trong doanh nghiệp có tác động đến hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, đề xuất mô hình nghiên cứu về chuyển đổi số doanh nghiệp tại Việt Nam với các yếu tố ảnh hưởng bao gồm: Lãnh đạo; Chiến lược kinh doanh số; Năng lực nhân viên; Văn hóa doanh nghiệp; Nền tảng công nghệ; Áp lực doanh nghiệp; An ninh thông tin; Sẵn sàng công nghệ và tương thích. Nghiên cứu cũng đề xuất coi hiệu quả kinh doanh là kết quả chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đây là chủ đề nghiên cứu đang được các nhà nghiên cứu và xã hội quan tâm. Kết quả nghiên cứu phản ánh thực trạng về chuyển đổi số và các nhân tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Báo cáo tham luận “Corporate social responsibility impact on tax avoidance: empirical evidence in Vietnam” của nhóm tác giả Thái Trần Văn Hạnh, Ngô Nhật Phương Diễm đã đánh giá tác động của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) tới việc tránh thuế ở Việt Nam khi có tác động điều tiết quyền lực của giám đốc điều hành (quyền CEO). Nghiên cứu sử dụng mẫu dữ liệu của 499 công ty phi tài chính niêm yết trong giai đoạn 2016 – 2022 với 3.493 quan sát. Báo cáo sử dụng mô hình bình phương tối thiểu tổng quát khả thi để đánh giá tác động của CSR với tác động điều tiết của quyền lực CEO đối với việc tránh thuế. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra: nếu các công ty niêm yết có CEO quyền lực công bố nhiều thông tin CSR hơn thì hành vi trốn thuế sẽ gia tăng. Ngoài ra, nghiên cứu thừa nhận chất lượng công ty kiểm toán, đòn bẩy tài chính có tác động tiêu cực đến việc tránh thuế, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ngành có tác động đến việc tránh thuế. Bài viết đã bổ sung thêm nghiên cứu thực nghiệm vào lý thuyết nền tảng về tránh thuế, làm cơ sở cho các nghiên cứu khác sau này. Nghiên cứu có những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn đối với cách thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp.

Báo cáo tham luận “Completing the institution to promote innovation in the current Vietnamese economy” (Hoàn thiện thể chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay) của tác giả Vũ Thị Thu Hương đã khẳng định yêu cầu tất yếu cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế là luôn đổi mới và phải tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới thực hiện. Một trong những yếu tố đầu vào tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới là thể chế. Các thể chế khuyến khích đổi mới cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng, truyền bá tri thức mới, quy trình mới, công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới. Qua phân tích dữ liệu từ báo cáo Đổi mới toàn cầu, báo cáo chỉ ra Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc cả về điểm số và thứ hạng, đã tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường nhưng vẫn cần phải cải thiện. Nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện thể chế nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong thời gian tới.

 GS. Mark Holmes -  Trường Quản lý, Đại học Waikato, New Zealand trình bày báo cáo tham luận trực tuyến

Tại Phiên toàn thể thứ hai, GS. Mark Holmes - Trường Quản lý, Đại học Waikato, New Zealand trình bày báo cáo tham luận “Is it all in the mind? A reflection on psychological prices and price barriers in retail business and commodity markets” (Phản ánh về tâm lý giá cả và rào cản giá cả trong kinh doanh bán lẻ và thị trường hàng hóa trong tâm trí chúng ta?). Báo cáo đã đặt ra vấn đề liệu tất cả có phải nằm ở tâm trí? Sự phản chiếu của tâm lí giá cả và giới hạn giá cả trong thị trường bán lẻ và thị trường hàng tiêu dùng. Tác giả đã chỉ ra ảnh hưởng của tâm lí giá cả trong 2 mặt hàng là xăng dầu và cà phê. Từ đó đưa ra những nhận định về sự ảnh hưởng của các yếu tố này lên giá cả của 2 mặt hàng trên.

Tại các phiên của Hội thảo, có nhiều ý kiến phản biện, đóng góp của đại biểu tham dự đã đặt ra cho các tác giả các bài tham luận, làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề được đề cập, nghiên cứu.

 Đại diện các tác giả của 10 bài báo tiêu biểu đã được Ban Tổ chức đã trao Giải Best paper tại Hội thảo

Tại Hội thảo10 bài báo tiêu biểu đã được Ban Tổ chức đã trao Giải Best paper.

 PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện phát biểu bế mạc

Phát biểu bế mạc, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh: Hội thảo Quốc tế lần thứ 5 với chủ đề: “Tài chính - Kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững”, (FASPS5) là một diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề Tài chính - Kế toán, nhằm đưa ra các nhận định, phân tích đánh giá, nhận diện những các rào cản, cơ hội và thách thức, đề xuất các chính sách, giải pháp… để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, theo đó, đạt được các mục tiêu đã được đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 – 2030. Đây là sự kiện khoa học đóng góp tích cực vào việc tạo ra những sản phẩm khoa học ngang tầm khu vực và quốc tế; góp phần xây dựng, phát triển mạng lưới các nhà khoa học trong lĩnh vực Tài chính, kế toán, kinh tế và kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. 136 bài viết đăng trong kỷ yếu. Các bài viết được nhận định là có chất lượng, có hàm lượng khoa học cao, bao quát nhiều vấn đề nổi bật gắn với vấn đề Tài chính – Kế toán, với các góc nhìn và phương pháp nghiên cứu đa dạng.  Hội thảo FASPS 5 đã tập trung vào các chủ đề sau: Kế toán, tài chính với phát triển kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng hướng tới phát triển nhanh và bền vững; Các tiếp cận về quản trị, nhân lực, kế toán, kiểm toán, môi trường kinh doanh, đổi mới, khởi nghiệp …  đối với phát triển kinh tế và với việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; Nhận định, đánh giá, các chính sách, giải pháp, các vấn đề đương đại, toàn cầu hóa, kinh tế thế giới và khu vực liên quan đến lĩnh vực tài chính – kế toán …để thúc đẩy kinh tế tư nhân. 136 bài viết đăng trong kỷ yếu đều có là có chất lượng, hàm lượng khoa học cao, bao quát nhiều vấn đề nổi bật gắn với vấn đề Tài chính – Kế toán, với các góc nhìn và phương pháp nghiên cứu đa dạng. Hơn 50 câu hỏi và các ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp, hàng trăm tương tác qua nền tảng trực tuyến của các nhà khoa học, học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế; những người quan tâm đến lĩnh vực tài chính, kế toán. Tham dự Hội thảo có 06  nhà khoa học nước ngoài, hơn 200 giảng viên các trường Đại học trực thuộc Bộ tài chính, hơn 700 Sinh viên các trường, trong đó, số người tham dự trực tiếp là 400, tham dự qua nền tảng trực tuyến là 300 người.

Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó Trưởng ban Hợp Tác Quốc tế, Học viện Tài chính chia sẻ tại Hội thảo: Hội thảo quốc tế thường niên “Tài chính – kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” là diễn đàn NCKH chuyên ngành tài chính - kế toán hội tụ các nhà khoa học uy tín,  các nhà quản lý đầu ngành trong nước và Quốc tế. Ở diễn đàn này, các nhà khoa học, nhà quản lý cùng đưa ra cùng bàn luận, chia sẻ những nghiên cứu, những kinh nghiệm và những hiểu biết sâu sắc, quan trọng về các vấn đề liên quan và đưa ra những kiến nghị nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra trong tình hình mới như phát triển bền vững, kinh tế xanh… dưới sự tác động của toàn cầu hóa, cách mạng 4.0, tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên… Trong đó, nghiên cứu của Phó Giáo sư Scagnelli chủ yếu là về Kế toán, đặc biệt tập trung vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Ông đã trình bày tại các hội thảo quốc tế tổ chức tại Học viện Tài chính về nội dung và các khác biệt từ các tiêu chuẩn quy định thực hiện trách nhiệm xã hội, ESG, phát triển bền vững (chuẩn mực IFRS-S1, S2; chuẩn mực GRI, tiêu chuẩn ESG, ...). Vấn đề thách thức khi áp dụng các chuẩn mực quy định khác nhau, vấn đề hài hoà các quy định này như thế nào? được PGS thảo luận tại hội thảo.

Sinh viên Lê Doãn Nam Anh, lớp CQ60/21.02CLC, khoa Kế toán, Học viện Tài chính tham dự Hội thảo chia sẻ: Đây là Hội thảo quốc tế uy tín do Học viện Tài chính chủ trì mà em được tham dự. Nội dung Hội thảo với các tham luận và ý kiến phản biện có ý nghĩa thực tiễn và học thuật bổ ích về Kế toán, Tài chính. Kênh thông tin quan trọng này giúp sinh viên được  cập nhật, bổ sung thêm những kiến thức đã được học và chúng em đang tìm hiểu. Hơn nữa, nội dung các tham luận, các ý kiến phát biểu là những ý tưởng lý thú cho các đề tài NCKH. Đặc biệt, toàn bộ Hội thảo được sử dụng chủ yếu bằng tiếng Anh đã giúp cho chúng em tăng cường thêm kỹ năng nghe, hiểu từ vựng chuyên ngành về kinh tế, tài chính, kỹ năng trình bày tham luận bằng tiếng Anh.

DANH SÁCH BÀI ĐỀ XUẤT TRAO GIẢI

1. "ASYMMETRIC IMPACT OF PUBLIC DEBT ON CREDIT SUPPLY TO PRIVATE SECTOR IN VIETNAM - A NARDL MODEL APPROACH" 

Tác giả: Le Thi Thuy Hang, Phan Thi Hang Nga, Nguyen Thi My Linh, Nguyen Xuan Dung

2. "CORPORATE SOCIAL RESPONSIBILITY IMPACT ON TAX AVOIDANCE: EMPIRICAL EVIDENCE IN VIETNAM" 

Tác giả: Thai Tran Van Hanh, Ngo Nhat Phuong Diem

3. FASPS115: PROPOSED RESEARCH MODEL OF BUSINESS DIGITAL TRANSFORMATION IN VIETNAM

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Như Mai

4. ORGANIZING THE REWARD, DISCIPLINE SYSTEM ACCORDING TO MANAGERIAL RESPONSIBILITY AT HOA PHAT’S IRON AND STEEL MANUFACTURING SUBSIDIARIES.

Tác giả: "Ph.D. Nguyen Thanh Huyen Ph.D. Nguyen Thi Dao MA. Bui Thi Van MA. Dao Thi Hang M.A. Nguyen Thi Phuong Hoa M.A. Hoang Van Thang"

5. IMPACT OF THE PANDEMIC SHOCK ON THE VIETNAMESE STOCK MARKET AND POLICY IMPLICATIONS

Nhóm tác giả: Vuong Duy Lam, Luu Anh Nguyet, Nguyen Ngoc An

6. THE IMPLEMENTATION OF GREEN ACCOUNTING: SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN VIETNAMESE SMALL AND MEDIUM ENTERPRISES        

Nhóm tác giả: Đang Thu Lan; Nguyen Thi Thuan

7. RELATIONSHIP BETWEEN BUSINESS ENVIRONMENT AND ECONOMIC DEVELOPMENT: EVIDENCE FROM SOUTHEAST ASIAN       Nhóm tác giả: Tác giả: Hoang Phuong Hai Chau; Ly Phuong Duyen

8. FACTORS AFFECTING THE START-UP ECOSYSTEM OF THE PRIVATE ECONOMY

Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Linh Phương; Vũ Hồng Nhung, Nguyễn Thị Phương Ngọc.

9. COMPLETING THE INSTITUTION TO PROMOTE INNOVATION IN THE CURRENT VIETNAMESE ECONOMY

Nhóm tác giả: TS Vu Thi Thu Huong; Academy of Finance

10. SOCIAL RESPONSIBILITY ACCOUNTING – INTERNATIONAL EXPERIENCE AND LESSONS FOR VIETNAM

Nhóm tác giả:

PGS.TS Ngo Thi Thu Hong

TS. Le Thi Yen Oanh

TS. Bui Thi Hang

TS. Nguyen Thi Nga

TS. Ngo Thi Minh

Một số hình ảnh khác:

Chủ tọa, đại biểu trình bày tham luận, phát biểu ý kiến tại Hội thảo

Đại biểu tham dự tại HT

 
Số lần đọc: 657
Tin tiêu điểm
Thông báo Tuyển sinh chương trình Đào tạo chứng chỉ CertIFR của ACCA tại Học viện Tài chính
Chương trình đào tạo chứng chỉ CertIFR là chương trình hợp tác giữa Học viện Tài chính (AOF) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh (ACCA) nhằm trang bị cho học viên nền tảng vững chắc về kiến thức và kỹ năng lập báo cáo tài chính theo các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), từ đó giúp người học dễ dàng chinh phục chứng chỉ CertIFR danh giá.
Học viện Tài chính thông báo tuyển sinh lớp Vườn ươm ACCA
Căn cứ Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ đào tạo giữa Học viện Tài chính và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh ACCA. Học viện Tài chính thông báo tuyển sinh lớp Vườn ươm ACCA từ ngày 05/05/2023 đến hết ngày 31/05/2023.
Vươn xa hơn cùng Học bổng Chính phủ Australia 2023
(Vòng tuyển chọn bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký từ ngày 01/2/2023 đến ngày 01/5/2023)
Hình ảnh hoạt động
Ảnh-26-01-2024-11-img0 Ảnh-26-01-2024-11-img1 Ảnh-26-01-2024-11-img2 Ảnh-26-01-2024-11-img3 Ảnh-26-01-2024-11-img4 Ảnh-26-01-2024-11-img5 Ảnh-26-01-2024-11-img6 Ảnh-26-01-2024-11-img7 Ảnh-26-01-2024-11-img8 Ảnh-26-01-2024-11-img9
Truy cập
Truy cập Truy cập: 465813
Truy cập Online: 8