Hội thảo khoa học sinh viên chương trình đào tạo chất lượng cao Khoa Tài chính doanh nghiệp năm học 2024-2025- Định hướng tầm nhìn Tài chính cho sinh viên trong kỷ nguyên số.
Được sự đồng ý của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện Tài chính, sáng ngày 15/01/2025 tại HT A1 - Học viện Tài chính, Ban chủ nhiệm Khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN) đã phối hợp với Liên chi đoàn Khoa TCDN tổ chức Hội thảo Khoa học dành cho SV chương trình đào tạo chất lượng cao (CLC) Khoa TCDN với chủ đề “Năng lực tài chính của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên và thầy cô trong Khoa. Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với rất nhiều kiến thức có tính thực tiễn cao được chia sẻ, đánh dấu một mốc thành công nhân dịp đầu năm mới 2025 của Khoa TCDN trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học sinh viên.
Hội thảo khoa học SV CLC năm nay là một diễn đàn hữu ích để các sinh viên tham dự, chia sẻ những kiến thức tích lũy và rèn luyện khả năng nghiên cứu khoa học, là cơ hội phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu với tư duy phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, phát huy tính sáng tạo đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của xã hội. Định hướng trao đổi trong Hội thảo đã tập trung giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn về năng lực tài chính của các công ty cổ phần niêm yết trên sàn chứng khoán.
Hội thảo khoa học SV chương trình CLC với chủ đề “Năng lực tài chính của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”
Tham dự Hội thảo, về phía các phòng, ban trong Học viện có sự tham dự của: TS. Nguyễn Thị Thuý Nga - Phó trưởng ban Quản lý Khoa học; TS. Vũ Thị Phương Liên - Đại diện ban điều hành CTĐT định hướng chứng chỉ Quốc tế. Về phía Khoa TCDN, có sự tham dự của PGS.TS Vũ Văn Ninh - Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa TCDN; NGƯT.PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó Trưởng khoa TCDN, Trưởng bộ môn TCDN; TS. Nguyễn Thị Thanh - Phó trưởng khoa TCDN, Trưởng bộ môn PTTC; TS. Đặng Phương Mai - Phó trưởng bộ môn TCDN cùng đông đảo các thầy cô, CBVC trong khoa và toàn bộ sinh viên chương trình CLC Khoa TCDN.
Hội thảo năm nay đã thu hút được sự quan tâm đông đảo của toàn bộ sinh viên trong và ngoài Khoa có niềm đam mê về lĩnh vực Tài chính tham gia cùng 69 bài viết ấn tượng.
Để buổi tham luận nghiên cứu khoa học diễn ra thành công, không thể thiếu vai trò của Ban điều hành, Ban thư ký và Ban cố vấn với sự tham gia của các Thầy Cô dày dặn kinh nghiệm - người sẽ trực tiếp giải đáp những thắc mắc về những vấn đề xung quanh chủ đề của hội thảo lần này. Ban điều hành hội thảo bao gồm TS. Phạm Minh Đức - Bí thư LCĐ Khoa TCDN, Giảng viên Bộ môn TCDN; Ths. Lê Hải Anh - Uỷ viên BCH LCĐ, Giảng viên bộ môn PTTC. Để ghi chép tiến trình hội thảo, ban thư ký có sự góp mặt của: ThS. Nguyễn Vũ Anh Quân - Giảng viên bộ môn TCDN.
Ban điều hành Hội thảo KHSV chương trình Chất lượng cao Khoa TCDN
Dưới sự chủ trì của Ban điều hành, Hội thảo đã tập trung vào khai thác chủ đề: “Năng lực tài chính của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” và đi sâu thảo luận làm rõ thêm những vấn đề lý thuyết và thực tiễn xoay quanh năng lực tài chính của các công ty, tiến tới phân tích về các quan niệm, các yếu tố ảnh hưởng; thực trạng hiệu quả sử dụng vốn cùng các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính tại công ty cổ phần trong các ngành nghề: điện, xây dựng, hàng hải,....
Trước khi chính thức bắt đầu các hoạt động tham luận, PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó Trưởng khoa TCDN đã có bài phát biểu Đề dẫn Hội thảo. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu những vấn đề của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế Việt Nam đang trải qua những bước phát triển vượt bậc thì năng lực tài chính của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ là một chủ đề nghiên cứu quan trọng mà còn mang đầy tính cấp thiết ở cả hai khía cạnh lý luận và thực tiễn.
NGƯT. PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh - Phó trưởng Khoa TCDN phát biểu Đề dẫn Hội thảo
Bên cạnh đó, cô còn bày tỏ sự phấn khởi, tự hào và kỳ vọng về chất lượng những bài NCKH chương trình CLC của Khoa TCDN trong năm nay bởi sự chuẩn bị chỉn chu, chặt chẽ và thực tế. Cô mong hôm nay, các bài tham gia tham luận sẽ nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo, các bạn sinh viên để buổi hội thảo được hoàn thiện và thành công. Đồng thời cô kỳ vọng rằng tất cả mọi sinh viên sẽ ngày càng tự giác, sáng tạo, tiên phong hơn nữa trong hoạt động học tập, NCKH và tu dưỡng rèn luyện bản thân của mình tại Học viện để không ngừng hoàn thiện hơn mỗi ngày, tiếp nối truyền thống vẻ vang đáng tự hào của Khoa TCDN nói riêng và Học viện Tài chính nói chung. Cuối cùng, PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh đã gửi lời chúc cho Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp!
Mở đầu phiên tham luận là bài viết “Những vấn đề lý luận về năng lực tài chính của công ty cổ phần” do nhóm ba tác giả Lê Ngọc Anh - CQ61/09.04CLC, Phạm Trần Minh Anh - CQ61/09.04CLC, Nguyễn Phương Giang - CQ61/09.04CLC cùng nghiên cứu và thực hiện.
Bài tham luận mở đầu Hội thảo của nhóm sinh viên Lê Ngọc Anh, Phạm Trần Minh Anh, Nguyễn Phương Giang - CQ61/09.04CLC
Đến với bài tham luận, tác giả đề cập đến các khái niệm và nội dung liên quan đến năng lực tài chính của công ty cổ phần. Bằng cách phân tích tầm ảnh hưởng của năng lực tài chính đến công ty, tham luận rút ra kết luận rằng các công ty cổ phần cần sử dụng năng lực tài chính để huy động vốn, quản lý rủi ro và tối ưu hóa hoạt động nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh cạnh tranh hiện nay. Đồng thời, tác giả cũng đã chỉ ra những yếu tố then chốt để nâng cao năng lực tài chính của công ty cổ phần. Điều này bao gồm việc huy động vốn từ các nguồn như cổ đông, ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán; tối ưu hoá quản lý dòng tiền, chi phí và cấu trúc vốn; cũng như đầu tư vào công nghệ và phát triển bền vững. Một năng lực tài chính vững mạnh giúp công ty không chỉ tăng cường lợi thế cạnh tranh mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn trong môi trường kinh doanh đầy biến động.
Bài tham luận thứ hai với tựa đề “Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính của công ty cổ phần” do hai tác giả Nguyễn Ngọc Anh - CQ60/11.01CLC và Đỗ Bảo Ngọc - CQ59/11.11CLC.
Nhận diện rõ nét các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính của công ty cổ phần làm cơ sờ để đề xuất giải pháp hiệu quả
Xoay quanh nội dung liên quan đến tầm quan trọng của năng lực tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh tự do hóa và toàn cầu hóa kinh tế, bài nghiên cứu đã khẳng định sự tác động mạnh mẽ của năng lực tài chính lên tình hình và phương hướng của công ty cổ phần. Từ đó mà các công ty cổ phần cần nắm bắt và kiểm soát các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực tài chính của công ty. Việc phân tích tài chính không chỉ giúp nhận diện điểm mạnh, điểm yếu mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các chiến lược phù hợp, tối ưu hóa cơ cấu vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản và giảm thiểu rủi ro. Xuất phát từ nền tảng đó, nhóm tác giả đã đưa ra những phương án, giải pháp để có thể tận dụng và điều chỉnh các nhân tố bên ngoài để đạt được mục tiêu ổn định và phát triển bền vững.
Tiếp đó, là bài tham luận với nội dung “Bài học cải thiện tình hình tài chính cho các DN tại Việt Nam qua kinh nghiệm của một số công ty tại Mỹ và Nhật Bản” được sinh viên Ngô Thị Ngọc Hà lớp CQ59/09.02CLC nghiên cứu và trình bày.
SV Ngô Thị Ngọc Hà - CQ59/09.02CLC cùng bài tham luận sâu sắc của mình
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang trên đà hội nhập và phát triển, vươn mình trên thị trường quốc tế thì việc nghiên cứu bài học kinh nghiệm của các nước phát triển là một vấn đề cấp thiết để nhanh chóng nâng cao năng lực tài chính của mình. Tác giả lựa chọn Mỹ và Nhật Bản, hai nền kinh tế lớn đang thống trị, để phân tích tình hình tài chính, phương hướng đầu tư, huy động vốn, cách phân phối lợi nhuận và quảng bá. Bên cạnh đó, bài tham luận cũng đề cập đến những yếu tố quan trọng khác như: con người, môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ. Qua đó, bài tham luận đã khái quát hóa, đưa ra những lý luận cơ bản và rút ra bài học nâng cao tình hình tài chính cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Đến với Hội thảo, sinh viên Đỗ Hải Anh - CQ60/09.04CLC đại diện nhóm tác giả đã đem đến phần nghiên cứu với tựa đề: “Thực trạng hiệu quả sử dụng vốn của Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3)”
Bài tham luận đầy ấn tượng của sinh viên Đỗ Hải Anh - CQ60/09.0CLC
Bài nghiên cứu phân tích hiệu quả sử dụng vốn của Tổng công ty Phát điện 3 thông qua hai khía cạnh: hiệu suất sử dụng vốn và khả năng sinh lời từ vốn. Dựa trên những số liệu, chỉ tiêu và báo cáo tài chính thực tế đến từ Tổng công ty Phát điện 3, nhóm tác giả đã chỉ ra tốc độ luân chuyển vốn lưu động tăng, hiệu suất sử dụng vốn kinh doanh và vốn cố định có sự tăng trưởng nhẹ cùng với những kết quả đạt được và sự cải thiện qua từng năm. Ngoài ra, bài nghiên cứu cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn đọng và nguyên nhân dẫn đến những hạn chế hiện có. Từ đó, bài tham luận đã đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Tổng công ty Phát điện 3 thông qua việc quản lý nguồn tiền, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và tiếp tục đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn lưu động, triển khai các công nghệ mới và tiên tiến hơn.
TS. Vũ Thị Phương Liên - Đại diện ban Điều hành CTĐT theo định hướng chứng chỉ Quốc tế đưa ra những lời nhận xét với các tác giả tham luận
Sau phiên tham luận thứ nhất với 4 tác giả/nhóm tác giả trình bày, Hội thảo đã tiến hành trao đổi, góp ý và giải đáp câu hỏi trực tiếp. Không chỉ có sự hưởng ứng của sinh viên các khóa, TS. Vũ Thị Phương Liên, đại diện cho ban điều hành CTĐT theo định hướng chứng chỉ quốc tế đã chia sẻ một vài suy nghĩ và cảm nhận về hội thảo, cũng như những trải nghiệm thực tế liên quan đến quy mô và dự định hiện tại của tập đoàn EVN trong việc chuyển hóa nguồn nhiên liệu từ năng lượng hóa thạch thành năng lượng xanh. Cô đưa ra những phương án khai thác sâu sắc hơn chủ đề tham luận cho các sinh viên qua việc xây dựng kế hoạch huy động vốn và nguồn đầu tư trong tương lai, dự đoán và đưa ra giải pháp cho các vấn đề liên quan năng lực tài chính.
NGƯT. PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh – Phó trưởng Khoa, Trưởng bộ môn TCDN chia sẻ niềm phấn khởi về chất lượng các bài viết năm nay
TS. Nguyễn Thị Thuý Nga đưa ra nhận xét, góp ý về các bài tham luận
Cùng với đó, NGƯT. PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh cũng đồng tình và khuyến khích sinh viên trực tiếp khảo sát thực tiễn để có thể đưa ra những bài nghiên cứu sắc nét và bám sát với tình hình thực tế hơn. Cuối cùng, TS. Nguyễn Thị Thúy Nga phát biểu ý kiến bày tỏ sự đánh giá rất cao đối với phong trào thi đua nghiên cứu khoa học của các sinh viên tại Học viện và sinh viên Khoa TCDN, Cô cũng gửi lời chúc hội thảo gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp.
Đến với phần 2 của buổi Hội thảo, nhóm SV Đinh Phương Linh - CCQ60/11.06CLC; Hà Vi An Na - CQ60/11.06CLC đã mang đến buổi hội thảo bài tham luận với tựa đề: “Năng lực tài chính của công ty cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình”.
Bài tham luận của nhóm tác giả thu hút sự chú ý của buổi Hội thảo
Bài tham luận thông qua nghiên cứu phân tích năng lực tài chính của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) giai đoạn 2021-2023, cho thấy HBC đã đối mặt với khó khăn lớn về tài chính, đặc biệt là sự suy giảm nghiêm trọng về khả năng sinh lời, tỷ suất lợi nhuận và cơ cấu vốn. Nợ phải trả chiếm tỷ trọng cao, khiến công ty phụ thuộc lớn vào vốn vay, gây rủi ro thanh khoản. Từ đó, nhóm tác giá thông qua bài tham luận đã đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực tài chính cho công ty như huy động, quản lý và sử dụng vốn, cải thiện hiệu quả quản lý dự án và đầu tư công nghệ xây dựng xanh nhằm khôi phục năng lực tài chính và phát triển bền vững.
Để tiếp tục đưa ra những phân tích tổng quát đến năng lực tài chính của doanh nghiệp, sinh viên Nguyễn Hà Chi - CQ60/11.07CLC đại diện nhóm đã đem tới bài nghiên cứu với tựa đề: “Analysis of current financial situation of Gemadept” - “Báo cáo tình hình tài chính hiện tại của CTCP Gemadept”.
Phần trình bày đầy tự tin và rõ ràng của nhóm sinh viên
Bài tham luận tập trung nghiên cứu Báo cáo tài chính của công ty Cổ phần Gemadept, một trong những công ty logistic hàng đầu tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2018-2022. Thông qua đó giúp hội thảo có cái nhìn tổng quát về khả năng kiên cường và thích ứng của công ty trong môi trường cạnh tranh và thách thức. Mặc dù có sự biến động về tài chính và giá cổ phiếu, công ty vẫn duy trì dòng tiền ổn định và tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Bài tham luận cũng nhấn mạnh việc cải thiện khả năng sinh lời và quản lý biến động vẫn là yếu tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của công ty.
Ngay sau đó, là bài tham luận “Các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” do sinh viên Nguyễn Thị Kiều Oanh - CQ60/11.03CLC trình bày.
Bài tham luận mạch lạc, tự tin của sinh viên Ngô Thị Kiều Oanh - CQ60/11.03CLC
Bài tham luận nghiên cứu đưa ra các giải pháp chung nhất giúp các công ty nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả quản lý, củng cố niềm tin từ các nhà đầu tư, đối tác và các cổ đông, tạo đà phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Các giải pháp được đưa ra bao gồm: Cải thiện khả năng thanh toán để duy trì ổn định và tạo uy tín; cơ cấu vốn hợp lý giúp cân bằng rủi ro và lợi nhuận; tối đa hóa giá trị doanh nghiệp, đa dạng hóa nguồn huy động vốn, tối ưu hóa dòng tiền cho hoạt động kinh doanh; quản lý tài sản và lao động hiệu quả giúp giảm chi phí. Việc cải thiện khả năng thanh toán không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định mà còn tạo dựng uy tín với đối tác và nhà đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đầu tư vào nâng cao năng lực quản lý, xây dựng hệ thống kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ pháp luật nhằm duy trì uy tín, củng cố niềm tin từ nhà đầu tư và tạo nền tảng phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường đầy cạnh tranh.
Cuối cùng, hội thảo đi tới nghiên cứu về bài tham luận: “ Trí tuệ nhân tạo: Chìa khóa tăng cường năng lực tài chính bền vững của doanh nghiệp niêm yết” do sinh viên Nguyễn Công Mạnh Khôi - CQ60/11.08 CLC trình bày.
Sinh viên Nguyễn Công Mạnh Khôi - CQ60/11.08CLC cùng bài thuyết trình vô cùng mạch lạc, tự tin
Bài tham luận được đánh giá cao do tập trung nghiên cứu về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động tài chính, kinh doanh của các công ty trong thời đại hiện nay. Bài nghiên cứu đưa ra những lợi ích, sự cần thiết của AI trong lĩnh vực kinh tế nói riêng, lĩnh vực khác nói chung. Đồng thời, nêu lên thực trạng của việc áp dụng AI vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty trong và ngoài nước như Amazon, Google, VinGroup, FPT Corporation, Viettel,...; những tồn tại, khó khăn mà các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải như thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí đầu tư cao hay thiếu dữ liệu chất lượng,...Từ đó đưa ra những giải pháp hữu ích nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng AI trong doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm: đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực, tối ưu hóa chi phí đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu hiệu quả, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số linh hoạt và có chiến lược, thúc đẩy văn hóa đổi mới và phát triển khung pháp lý hỗ trợ. Qua bài tham luận, nhóm tác giả nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo là chìa khóa chiến lược giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, nâng cao trải nghiệm khách hàng và cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Kết thúc phiên tham luận thứ 2, ngoài những đóng góp đến từ các cá nhân sinh viên tham gia Hội thảo, các thầy cô ban cố vấn cũng đã đưa ra thêm những ý kiến nhận xét hữu ích giúp các bạn sinh viên có thể hoàn thiện nghiên cứu của mình hơn trong những bài tham luận tiếp theo.
PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh đưa ra phần giải đáp và đánh giá cao về sự thể hiện của các bạn sinh viên
Ths. Lê Hải Anh gợi ý về một số phương pháp phân tích tối ưu trong quá trình nghiên cứu
Các bạn sinh viên có mặt tại Hội thảo đóng góp ý kiến về những vấn đề nổi bật của chủ đề nghiên cứu năm nay
Với 08 bài tham luận xuất sắc được lựa chọn trình bày tại Hội thảo và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo bàn luận xoay quanh về năng lực tài chính của DN, có thể thấy rõ sự đầu tư kỹ lưỡng, tinh thần ham học hỏi, sự quan tâm sâu sắc tới vấn đề nóng về tình hình kinh tế nước nhà của các sinh viên chương trình chất lượng cao của Khoa TCDN, cũng như sự tận tâm của các thầy cô giáo đã hướng dẫn và giúp đỡ các sinh viên hoàn thiện bài nghiên cứu khoa học của mình. Các bài viết tham dự Hội thảo đã đề cập khá toàn diện các vấn đề từ lý luận đến thực tiễn về năng lực tài chính của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này thể hiện rõ việc các bạn sinh viên đã nắm vững kiến thức chuyên môn, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, nắm bắt các vấn đề liên quan đến chủ đề của buổi Hội thảo.
Sau hơn 3 tiếng làm việc liên tục, Hội thảo KHSV chương trình CLC “Năng lực tài chính của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự hợp tác, thảo luận sôi nổi của các thầy cô cùng các bạn sinh viên tham dự. Để tổng kết lại, NGƯT.PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh đã có đôi lời phát biểu tổng kết hội thảo, Cô đưa ra một vài góp ý cho các phần tham luận hôm nay cũng như triển khai phân tích, chỉ ra những giải pháp cụ thể hơn cho những ngành nghề đặc thù, từ đó tăng thêm tính thực tiễn cho nghiên cứu. Bên cạnh đó, cô cũng bày tỏ niềm vui trước tinh thần nhiệt huyết, niềm đam mê học tập, khả năng tự nghiên cứu của toàn thể sinh viên cũng như đánh giá cao những bài thuyết trình xuất sắc bởi sự triển khai chỉn chu, chặt chẽ đã làm nổi bật chính xác những vấn đề cốt lõi xoay quanh năng lực tài chính của công ty cổ phần. Kết thúc Hội thảo, toàn thể Thầy Cô cùng SV tham dự đã cùng nhau chụp những bức ảnh lưu niệm - đánh dấu một sự kiện thành công của Khoa TCDN trong đầu năm mới 2025!
Ban tổ chức HT, Thầy cô chụp ảnh cùng các bạn sinh viên tham dự Hội thảo
Một số hình ảnh khác tại Hội Thảo:
Lãnh đạo Khoa và Bộ môn tham dự hội thảo
Đại biểu và lãnh đạo Khoa tham dự hội thảo
Các bạn sinh viên là tác giả của các bài NCKH xuất sắc
Các tác giả trả lời câu hỏi phản biện được đưa ra bởi khán giả trong hội trường
Thầy cô cùng các bạn sinh viên rạng rỡ trước sảnh HT A1
Ban chủ nhiệm Khoa