HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Giới thiệu Khoa Tài chính doanh nghiệp
Thứ tư, 14/06/2023 - 7:27

Khoa Tài chính doanh nghiệp - Những mốc son lịch sử trong chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển

Năm 2023 này, Khoa Tài chính doanh nghiệp - Học viện Tài chính vừa tròn 60 tuổi. Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, có thể thấy Khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN) đã có sự trưởng thành và phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng, cả về chiều sâu đội ngũ lẫn bề dày thành tích và truyền thống, làm cho mỗi cán bộ, giáo viên cũng như sinh viên của khoa đều cảm thấy tự hào vì là một thành viên của Khoa TCDN.

Tập thể CBVC Khoa Tài chính doanh nghiệp hôm nay đang kế thừa và viết tiếp truyền thống của các thế hệ đi trước

1. Khái quát quá trình xây dựng, phát triển và truyền thống của Khoa TCDN

Khoa TCDN (tiền thân là khoa Tài vụ - Kế toán) được thành lập năm 1963, cùng với sự ra đời và phát triển của Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính). Các chuyên ngành thuộc Khoa quản lý và đào tạo lúc ban đầu bao gồm: Tài vụ Công nghiệp; Tài vụ Nông nghiệp; Tài vụ Xây dựng cơ bản; Tài vụ Thương nghiệp; Kế toán Công nghiệp; Kế toán Nông nghiệp; Kế toán Xây dựng cơ bản; Kế toán Thương nghiệp.

Đầu năm học 1966-1967, Khoa Tài vụ - Kế toán tách ra thành 2 khoa: Khoa Tài vụ các ngành và Khoa Kế toán các ngành.

Từ học kỳ 2 năm học 1972-1973, Khoa Tài vụ các ngành hợp nhất với Khoa Tài chính Ngân sách thành Khoa Tài chính. Từ cuối năm học 1980-1981, Khoa Tài chính lại được tách ra thành 2 Khoa là Khoa Tài chính các ngành kinh tế quốc dân (gọi tắt là Khoa Tài chính ngành) và Khoa Tài chính Ngân sách. Tháng 9/1990Khoa Tài chính ngành tiếp nhận thêm hai Bộ môn mới là Bộ môn Tiền tệ - Tín dụng và Bộ môn Cấp phát - Cho vay đầu tư XDCB. Theo đó, chuyên ngành Kho bạc Nhà nước hình thành và được nhà trường giao cho khoa Tài chính ngành trực tiếp quản lý, đào tạo.

Từ tháng 8/1992Khoa Tài chính ngành tiếp nhận Bộ môn Bảo hiểm từ Khoa Tài chính Ngân sách. Các Bộ môn trong Khoa được sắp xếp lại thành: Bộ môn TCDN, Bộ môn Tiền tệ - Tín dụng và Bộ môn Bảo hiểm. Chuyên ngành Kho bạc Nhà nước và Bộ môn Cấp phát - Cho vay đầu tư XDCB được chuyển giao về khoa Tài chính Ngân sách.

Từ tháng 11/1994, theo Quyết định số 1152/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Khoa Tài chính ngành được mang tên mới cho đến hôm nay - Khoa Tài chính doanh nghiệp.

Từ tháng 8/2001, cùng với sự ra đời của Học viện Tài chính, các Bộ môn: Bảo hiểm, Thị trường chứng khoán và Tiền tệ - Tín dụng tách ra khỏi Khoa TCDN hình thành nên Khoa mới là Khoa Ngân hàng - Bảo hiểm. Khoa TCDN được tổ chức, sắp xếp lại bao gồm 3 Bộ môn: TCDN, Kinh tế các ngành SX và Quản lý kinh tế.

Từ đầu năm học 2003-2004, Bộ môn Kinh tế các ngành sản xuất và một số giáo viên Bộ môn TCDN được Học viện điều chuyển sang làm nòng cốt của Bộ môn mới: Bộ môn Định giá tài sản và Kinh doanh bất động sản (gọi tắt là Định giá tài sản) và Khoa mới: Khoa Quản trị kinh doanh. Khoa TCDN tiếp nhận Bộ môn Phân tích TCDN từ khoa Kế toán chuyển sang.

Bước vào năm học 2004-2005, Bộ môn Quản lý kinh tế được điều chuyển sang khoa Quản trị Kinh doanh. Khoa TCDN tiếp nhận trở lại Bộ môn Định giá tài sản từ khoa Quản trị Kinh doanh.

Hiện nay, Khoa TCDN có 3 Bộ môn: Tài chính doanh nghiệp, Phân tích Tài chính, Định giá tài sản. Các bộ môn trong khoa hiện đang giảng dạy 19 môn học, trực tiếp quản lý đào tạo 3 chuyên ngành: TCDN, Phân tích tài chính, Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản. Trong đó, Khoa đang quản lý 2 chương trình đào tạo chất lượng cao của chuyên ngành: Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính và quản lý 3 chương trình đào tạo chuẩn của chuyên ngành: TCDN, Phân tích tài chính, Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản.

Đội ngũ giảng viên của khoa đã tham gia đào tạo hàng chục vạn cán bộ quản lý tài chính trình độ đại học, Sau đại học cho đất nước và cho các nước bạn Lào, Căm pu chia. Những năm gần đây, mỗi năm khoa cung cấp cho nền kinh tế từ 800 - 900 sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy theo chương trình chuẩn và chương trình đào tạo chất lượng cao thuộc các chuyên ngành do khoa quản lý. Khoa TCDN đã tham gia đào tạo hàng chục nghìn Thạc sĩ kinh tế và hàng trăm Tiến sĩ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng cho đất nước. Chỉ tính riêng giai đoạn từ 01/2001 - 08/2018 đã có trên 100 NCS sinh hoạt chuyên môn tại các Bộ môn trong khoa đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ kinh tế. Nhiều cựu sinh viên, cựu nghiên cứu sinh các chuyên ngành của khoa đã trưởng thành vượt bậc, được giao những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo cấp cao của đất nước, những doanh nhân tài năng, những nhà khoa học và quản lý tên tuổi, như: Nguyên UVTƯ, Phó Thủ tướng chính phủ - Vũ Văn Ninh (cựu sinh viên khóa 10 – Tài chính Công nghiệp); Nguyên UVTƯ, Phó Chủ tịch Quốc hội - Phùng Quốc Hiển (cựu sinh viên khóa 14 – Tài chính Công nghiệp); UVTƯ, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Đức Hải (cựu sinh viên khóa 16 – Tài chính Nông nghiệp); UVTƯ, Tổng Thanh tra chính phủ - Đoàn Hồng Phong (cựu sinh viên lớp 19.04E);

Đại diện BCN khoa tặng hoa tri ân các Thầy Cô nguyên là Lãnh đạo khoa và giảng viên các bộ môn của khoa TCDN các thời kỳ trong ngày kỷ niệm 20-11.

UVTƯ, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc (cựu sinh viên khóa 21 – Tài chính Xây dựng cơ bản); Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh Hà Giang - Nguyễn Văn Sơn (cựu sinh viên K4 – Tài chính Công nghiệp); Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục 8 Bộ Công an (cựu sinh viên khóa 18 - Tài chính Công nghiệp); Đỗ Việt Đức - Tổng cục trưởng Tổng cục dự trữ quốc gia (cựu sinh viên khóa 24 - Tài chính Xây dựng cơ bản); Thiếu tướng, Tiến sĩ Lưu Sỹ Quý - Cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng (cựu nghiên cứu sinh chuyên ngành TCDN); Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (cựu nghiên cứu sinh chuyên ngành TCDN); Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (cựu sinh viên K4 – Tài chính Công nghiệp); PGS,TS. Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing thành phố Hồ Chí Minh (cựu sinh viên khóa 35 - Tài chính doanh nghiệp); PGS,TS. Phạm Văn Liên – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Tài chính (cựu sinh viên khóa 15 – Tài chính Nông nghiệp); PGS,TS. Nguyễn Thị Hoài Lê – Viện Trưởng Viện nghiên cứu Con người, Viện HLKHXH Việt Nam  (cựu sinh viên khóa 28 – Tài chính doanh nghiệp); Trần Văn Tuấn - TGĐ Tổng công ty Sông Đà (cựu sinh viên khóa 23 – Tài chính Nông nghiệp); Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng TGĐ  Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam – EVN (cựu sinh viên khóa 20 - Tài chính Xây dựng cơ bản) và rất nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc Sở, Trưởng Ban tài chính; Kế toán trưởng các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước; nhiều PGS,TS và nhiều nhà khoa học, nhà quản lý có tên tuổi là cựu sinh viên hoặc nghiên cứu sinh các chuyên ngành của Khoa TCDN.

Do những đóng góp to lớn vào sự phát triển của ngành Tài chính và sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước, Khoa TCDN đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:

- Tập thể Khoa đã được Chủ tịch nước trao tặng HCLĐ hạng Ba (năm 2004); HCLĐ hạng Hai (năm 2010); HCLĐ hạng Nhất (năm 2021); hai lần được Bộ Tài chính tặng cờ thi đua vào các năm học 2006-2007 và 2008-2009.

- 2 Bộ môn (TCDN, Phân tích Tài chính) và 10 giảng viên của Khoa vinh dự được Nhà nước trao tặng HCLĐ hạng ba; 01 Giảng viên được tặng thưởng HDLĐ hạng Nhì, 01 giảng viên của Khoa được tặng HCLĐ hạng ba của chính phủ Lào. Hàng chục cán bộ, giảng viên của khoa được tặng Bằng khen Thủ tướng, Bằng khen Bộ trưởng, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, Vì sự nghiệp Tài chính; 01 thầy giáo được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân; 06 thầy cô được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú v.v. Chi bộ khoa và 3 đảng viên của Chi bộ được tặng Bằng khen của Đảng uỷ khối cơ quan trung ương; Công Đoàn khoa 2 lần được tặng Bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Liên chi đoàn Khoa và nhiều cán bộ đoàn viên được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn, của Thành đoàn Hà Nội.

2. Những thành tích đạt được của khoa TCDN trong 60 năm xây dựng và phát triển

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, với nhiều lần biến động về mặt cơ cấu tổ chức (nhập, tách), nếu nhìn nhận xuyên suốt chiều dài lịch sử có thể chỉ ra những dấu son in đậm trong quá trình xây dựng và phát triển của Khoa TCDN đó là:

Thứ nhất, Đội ngũ giảng viên Khoa TCDN không ngừng lớn mạnh và phát triển cả về số lượng và chất lượng

Bảng 1: Cơ cấu đội ngũ giảng viên Khoa TCDN qua các thời kỳ

 

Năm

Số CBVC

PGS,TS

Tiến sĩ

Thạc sĩ

Cử nhân

Tổng số

GV

SL

%

SL

%

SL

%

SL

%

1963

10

9

0

0

0

0

0

0

9

100,00

1981

19

17

0

0

1

5,88

0

0

16

94,12

2008

35

33

1

3,03

7

21,21

14

42,42

11

33,33

2018

45

43

6

13,95

18

41,86

19

44,19

0

0

2023

43

41

7

17,07

26

63,41

8

19,52

0

0

Khi trường mới thành lập (1963), Khoa Tài vụ - Kế toán (tiền thân của khoa TCDN ngày nay) chỉ có 9 người, không ai có trình độ sau đại học thuộc các tổ bộ môn: Kế toán Công nghiệp, Tài vụ Công nghiệp và Kế toán Kiến thiết cơ bản. Đội ngũ giáo viên giảng dạy các chuyên ngành của Khoa chủ yếu là kiêm chức, phần lớn là cán bộ làm việc ở Bộ Tài chính, làm công tác nghiệp vụ lâu năm.

Từ đầu năm học 1966 – 1967, sau khi khoa Kế toán các ngành tách khỏi khoa Tài vụ - Kế toán, Khoa Tài vụ các ngành bao gồm các tổ bộ môn: Tài vụ Công nghiệp, Tài vụ Nông nghiệp, Tài vụ Kiến thiết cơ bản, Tài vụ Thương nghiệp, đảm nhận giảng dạy 2 môn học Tài vụ ngành và Phân tích hoạt động kinh tế.

Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/01/1973), trong năm học 1972-1973, nhà trường đã thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới của đất nước. Hai khoa: Tài vụ các ngành và Khoa Tài chính Ngân sách nhập lại với nhau thành khoa Tài chính. Các giáo viên bộ môn Phân tích hoạt động kinh tế được chuyển sang khoa Kế toán. Giáo viên các tổ Tài vụ ngành sinh hoạt chung trong Bộ môn Tài vụ các ngành do Tiến sĩ Võ Thành Hiệu làm Trưởng bộ môn.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (5/1975), để đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế trên phạm vi cả nước, tháng 9/1976 Bộ môn Tài vụ các ngành được tách ra thành các Bộ môn Tài chính Công nghiệp, Tài chính Nông nghiệp, Tài chính Xây dựng cơ bản, Tài chính Thương nghiệp. Giai đoạn từ 1976 – 1980, các Bộ môn Tài chính ngành được bổ sung nhiều giáo viên trẻ đi học ở các nước XHCN về và sinh viên tốt nghiệp các khóa 9, 11, 12, 13, 14 chuẩn bị cho việc tái lập Khoa Tài chính các ngành.

Năm 1981, Khoa Tài chính các ngành kinh tế quốc dân (gọi tắt là khoa Tài chính ngành, tiền thân của khoa TCDN ngày nay) được tái lập trên cơ sở tách các bộ môn Tài chính ngành ra. Số giáo viên cơ hữu của Khoa Tài chính ngành tại thời điểm tái lập (1981) chỉ có 17 người; trong đó, chỉ có 1 giảng viên có trình độ Phó Tiến sĩ (5,88%), 16 giảng viên còn lại có trình độ Cử nhân (94,12%).

Sau khi tái thành lập, Khoa TCDN được nhà trường tăng cường thêm lực lượng cán bộ khoa học gồm một số giảng viên đã hoàn thành nghiên cứu sinh ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu về, cũng như cử một số giáo viên cốt cán của các bộ môn tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế ở nước ngoài. Cũng ở giai đoạn này, nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các khóa 15, 16, 17 và 18 được giữ lại trường, bổ sung lực lượng cho các bộ môn nghiệp vụ trong khoa. Phong trào thi đua NCKH và học tập tự bồi dưỡng nâng cao trình độ trong đội ngũ giáo viên được đẩy mạnh; nhờ đó, đến năm 2008, đội ngũ giảng viên của Khoa đã có sự biến đổi mạnh mẽ về cả lượng và chất. Tổng số giảng viên cơ hữu của Khoa lên tới 33 người; trong đó, có 1 là PGS,TS (3,03%); 4 Tiến sĩ (21,21%); 66,67% số giảng viên của khoa có trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ; số giảng viên có trình độ cử nhân giảm xuống chỉ còn 33,33%.

Hiện nay (tại thời điểm 06/2023), tổng số cán bộ viên chức của Khoa là 43 người; gồm 2 cán bộ văn phòng khoa và 41 giảng viên cơ hữu. 100% giảng viên của khoa đều có trình độ Sau đại học; trong đó: 33 giảng viên có trình độ PGS,TS và TS (80,5%); 07 giảng viên là PGS,TS (17,1%); 26 Tiến sĩ (63,4%); hơn 50% đội ngũ giảng viên của khoa là giảng viên cao cấp và giảng viên chính. Khoa TCDN là một trong những khoa chuyên ngành hiện nay có đội ngũ giảng viên có chiều sâu về kiến thức chuyên môn, có bề dày về thành tích NCKH ở Học viện Tài chính. Khoa hiện có 4 giảng viên đang làm NCS (có 1 NCS ở nước ngoài). Như vậy, chỉ sau 3 đến 4 năm nữa, số giảng viên có trình độ Tiến sĩ và PGS,TS của khoa sẽ đạt tỷ lệ rất cao: 90%. Đặc biệt, khoa TCDN có số giảng viên đi tu nghiệp Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài về thuộc loại đông nhất của Học viện Tài chính: 17 người (41,5%). Hiện nay, 15 giảng viên của khoa có thể đảm nhiệm giảng dạy môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng tiếng Anh. Bộ môn TCDN đã đưa vào giảng học phần TCDN bằng tiếng Anh từ CQ46 cho sinh viên các lớp chuyên ngành. Số sinh viên chuyên ngành của khoa viết luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh tăng nhanh qua các năm. Nếu như năm đầu triển khai (CQ50) mới có 6 sinh viên đăng ký; đến CQ51 đã tăng lên 18 sinh viên; CQ52 có 36 sinh  viên. Đặc biệt, những năm gần đây số lượng và tỷ lệ sinh viên viết luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh của sinh viên khoa TCDN do giảng viên trong khoa hướng dẫn ngày càng tăng, đứng tốp đầu trong số các khoa chuyên ngành của Học viện (Xem số liệu Bảng 2). Điều này đã minh chứng thuyết phục về năng lực ngoại ngữ - điều kiện tiền đề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý tài chính chất lượng cao cho nền kinh tế của đội ngũ giảng viên các Bộ môn thuộc Khoa TCDN. Đây là cơ sở quan trọng để Học viện Tài chính giao cho khoa quản lý đào tạo sinh viên theo chương trình đào tạo chất lượng cao với 2 chuyên ngành TCDN (từ năm 2016) và Phân tích tài chính (từ năm 2018) với quy mô ngày càng tăng lên.

Bảng 2: Tình hình sinh viên viết luận văn TN bằng tiếng Anh giai đoạn 2021-2023

Năm học, Khóa

Số sinh viên tốt nghiệp

Số luận văn TN bằng tiếng Anh

Tổng số

Hệ chất lượng cao

Số lượng

Tỷ lệ (%)

2020-2021 / CQ55

725

117

177

24,4

2021-2022 / CQ56

706

140

228

32,3

2022-2023 / CQ57

813

174

266

32,7

Thứ haiCác bộ môn trong khoa thường xuyên đổi mới nội dung giảng dạy môn học, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn quản lý kinh tế - tài chính của đất nước.

Nội dung giáo trình các môn học của Khoa TCDN thường xuyên được đổi mới, cập nhật và điều chỉnh theo hướng bám sát các kiến thức quản lý tài chính hiện đại của thế giới và đáp ứng nhu cầu thực tiễn về quản lý Kinh tế - Tài chính của đất nước trong từng thời kỳ.

Trong thời kỳ nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, các giáo trình - bài giảng của Bộ môn Tài vụ ngành luôn bám sát và truyền tải kịp thời những thay đổi về chính sách, chế độ mới của nhà nước trong quản lý tài chính xí nghiệp quốc doanh thuộc các ngành kinh tế. Vì vậy, trong giai đoạn này Khoa TCDN tổ chức thành các bộ môn nghiệp vụ theo ngành kinh tế (Tài chính Công nghiệp, Tài chính Nông nghiệp, Tài chính XDCB và Tài chính Thương nghiệp - Dịch vụ), thực hiện đào tạo cán bộ quản lý tài chính doanh nghiệp chuyên sâu theo các ngành kinh tế. Quy mô sinh viên đào tạo hệ đại học chính quy từng năm với từng chuyên ngành do Nhà nước phân bổ theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành hoàn toàn do Nhà nước phân công công tác.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (1986) đánh dấu bước ngoặt lớn: Nền kinh tế Việt Nam chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang vận hành theo cơ chế thị trường, đã đặt ra yêu cầu phải đổi mới kịp thời nội dung, chương trình đào tạo của các chuyên ngành. Giáo trình “Tài chính doanh nghiệp sản xuất” của tập thể giảng viên Bộ môn TCDN biên soạn, do GS,TSKH Trương Mộc Lâm làm chủ biên (xuất bản năm 1987) được ghi nhận là cuốn giáo trình đầu tiên của trường Đại học Tài chính - Kế toán được biên soạn lại với sự đổi mới mạnh mẽ có tính tiên phong, có tầm nhìn xa và cập nhật những kiến thức hiện đại về quản lý Kinh tế - Tài chính trong các công ty, doanh nghiệp của các nước kinh tế thị trường phát triển. Trong các lần biên soạn lại vào các năm 1998, 2007, 2013, 2015 và 2023; giáo trình TCDN vẫn giữ được tư tưởng chủ đạo là: thường xuyên cập nhật, bổ sung những kiến thức mới và bám sát nhu cầu của thực tiễn quản lý tài chính trong các doanh nghiệp. Thay vì diễn giải các văn bản, chế độ chính sách cụ thể của nhà nước trong quản lý TCDN như trước,  giáo trình TCDN hiện nay tập trung vào hình thành cho người học phương pháp tư duy về căn cứ và cách thức lựa chọn phục vụ cho việc đưa ra các quyết định tối ưu trong thực tế quản lý TCDN có thể gặp phải. Đây là một trong các yếu tố góp phần hình thành nên ưu điểm nổi bật của sinh viên chuyên ngành và Khoa TCDN, đó là: vững vàng về bản lĩnh, năng động, phát huy cao độ tính sáng tạo của nhà quản trị trước những thời cơ và thách thức mới do thực tiễn quản lý đặt ra. Đây là những phẩm chất của ứng viên mà mọi nhà tuyển dụng đến từ các ngân hàng, doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty đều rất ưa chuộng.

Bộ môn Phân tích tài chính cũng chuyển hướng kịp thời từ giảng dạy phân tích hoạt động kinh tế (đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất, giá thành, lao động, doanh thu, lợi nhuận,..) sang giảng dạy phân tích tài chính đa lĩnh vực (doanh nghiệp, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại,..), đáp ứng nhu cầu phân tích tài chính đa dạng trong nền kinh tế.

Bộ môn Định giá tài sản cũng mở rộng nội dung giảng dạy từ định giá tài sản, định giá doanh nghiệp sang thẩm định giá và kinh doanh bất động sản, đón đầu và đáp ứng kịp thời nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của thị trường bất động sản và hoạt động thẩm định giá tài sản thế chấp trong nghiệp vụ tín dụng của các ngân hàng thương mại, thẩm định giá tài sản cho các giao dịch kinh tế...v.v. Nhờ đó, sinh viên chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản luôn hấp dẫn các nhà tuyển dụng với tỷ lệ sinh viên có việc làm thường xuyên đạt 100% trước khi sinh viên nhận bằng tốt nghiệp.

Ngoài việc thiết kế các khối kiến thức phục vụ thuận lợi cho việc giảng dạy và học tập theo phương thức tín chỉ, các Bộ môn trong khoa còn thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, thống nhất nội dung, chương trình giảng dạy; tổ chức hội thảo về những nội dung chuyên môn có tính chất giao thoa giữa các môn học. Điều này không những giúp cho các giảng viên trẻ nhanh chóng nắm bắt, làm chủ kiến thức môn học, mà còn tạo điều kiện để giảng viên các Bộ môn có cơ hội trao đổi quan điểm của mình về những vấn đề lý luận khoa học dưới các góc độ tiếp cận khác nhau.

Không chấp nhận bằng lòng với những gì đã có, tập thể giảng viên các bộ môn thuộc Khoa TCDN luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, biên soạn thêm giáo trình của các môn  học mới như: Tài chính tập đoàn kinh tế; Quản trị tài chính doanh nghiệp; Quản lý nhà nước về doanh nghiệp; thị trường bất động sản; Thẩm định giá tài sản; Thẩm định giá máy móc, thiết bị; Phân tích kinh tế; Phân tích tài chính; Giám sát tài chính... cùng với hàng loạt sách tham khảo, chuyên khảo cho các chuyên ngành; điều này đã góp phần duy trì bản sắc riêng có của một khoa giàu truyền thống trong việc đào tạo sinh viên chuyên ngành có thể đáp ứng tốt nhu cầu trong thực tiễn ở nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Định hướng đúng đắn của BCN khoa và lãnh đạo các Bộ môn trong khoa thể hiện ở sự tiếp nhận và phản hồi của các cơ quan, đơn vị sử dụng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành của khoa TCDN. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản (nay là Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản) đảm bảo 100% có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Chuyên ngành TCDN: gần 99% có việc làm đúng và gần đúng ngành đào tạo sau 6 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Chuyên ngành Phân tích tài chính tuy thành lập chưa lâu nhưng có sức hút lớn với các tân sinh viên khi đăng ký lựa chọn chuyên ngành. Thu nhập phổ biến của sinh viên tốt nghiệp sau khi có việc làm là từ 9 - 12 triệu đồng/tháng. Nhìn danh sách Cựu sinh viên TCDN thành đạt có thể thấy không thiếu trên bất kỳ lĩnh vực nào: từ Bộ - Sở - Cục Tài chính, Tổng cục - Cục Thuế, Hải quan, Ngân hàng, công ty Kiểm toán, thành viên Ban Kiểm soát, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà lập pháp, nhà chính trị, …v.v. Mọi thành viên của Khoa TCDN từ lãnh đạo Khoa, Bộ môn tới giảng viên, cán bộ VPK đều hiểu rằng: đó là thành quả của cả một quá trình phấn đấu, làm việc nghiêm túc của nhiều thế hệ mà những người hôm nay cần phải có trách nhiệm tiếp tục duy trì thương hiệu “Tài chính doanh nghiệp” và nâng cao giá trị của hình ảnh và thương hiệu này.

Thứ ba, Công tác NCKH được coi trọng và ngày càng phát triển cả chiều sâu và chiều rộng

Trong môi trường ở khoa nghiệp vụ thuộc chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng của một trường đại học khối kinh tế, công tác NCKH luôn được đề cao. Tuy vậy, trong giai đoạn trước khi thành lập Học viện Tài chính (2001), do sự hạn chế về lực lượng cán bộ khoa học đầu đàn, nên công tác NCKH ở Khoa TCDN còn khá khiêm tốn. Các đề tài NCKH chủ yếu ở cấp khoa, bộ môn nhằm giải quyết những vấn đề về chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của công tác giảng dạy của giảng viên và học tập của sinh viên, như biên soạn giáo trình các môn học, hoặc hệ thống hoá các chế độ, chính sách của nhà nước về quản lý TCDN. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong suốt giai đoạn từ lúc tái lập khoa đến dịp kỷ niệm 45 năm thành lập trường (1981-2008), các giảng viên khoa TCDN đã tham gia 2 đề tài cấp Nhà nước, chủ nhiệm 2 và tham gia 6 đề tài cấp Bộ; ngoài ra, còn là chủ nhiệm của 7 đề tài cấp trường với kết quả đạt loại Khá, giỏi và Xuất sắc.

Thầy trò Khoa TCDN trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2016)

Giai đoạn 2013-2023 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về công tác NCKH ở Khoa TCDN. Độ chín về mặt chuyên môn của đội ngũ giảng viên - Nhà nghiên cứu khoa học trong khoa, cộng với định hướng khuyến khích hoạt động NCKH của Đảng uỷ, BGĐ đã thúc đẩy phong trào NCKH và hoạt động học tập bồi dưỡng trong đội ngũ giảng viên của khoa. Nếu như cả giai đoạn 2001-2012 chỉ có 12 giáo viên của khoa hoàn thành bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp nhà nước, thì giai đoạn 2013-2023 có tới 23 giảng viên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (trong đó, có 6 giảng viên bảo vệ luận án Tiến sĩ ở nước ngoài. Đặc biệt, trong giai đoạn này có 7 giảng viên của khoa được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư. Ngoài ra, trong 10 năm gần đây (từ 2013-2023), các giảng viên Khoa TCDN đã hoàn thành và nghiệm thu 224 đề tài NCKH các cấp; trong đó có 15 đề tài cấp Bộ; 209 đề tài cấp Học viện; viết và đăng tải 944 bài báo trên các tạp chí khoa học chuyên ngành và Kỷ yếu các Hội thảo quốc tế, quốc gia, Học viện và cấp khoa; nhiều giảng viên có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Một số giảng viên của khoa có báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị khoa học quốc tế tổ chức ở trong và ngoài nước; tham gia điều hành các phiên Hội thảo chuyên đề trong các cuộc hội thảo quốc tế do Học viện phối hợp với các đơn vị khác đồng tổ chức. Giảng viên các bộ môn trong khoa còn hoàn thành biên soạn 64 đầu sách tham khảo, chuyên khảo và giáo trình các môn học trong giai đoạn này.

 Bảng 3Khối lượng NCKH & học tập bồi dưỡng khoa TCDN giai đoạn 2013-2023

Năm học

Số đề tài khoa học thực hiện

Số bài báo khoa học

Số giáo trình, sách chuyên khảo biên soạn

Số công trình NCKHSV hướng dẫn

Số GV

bảo vệ LATS

2013-2014

15

43

2

31

1

2014-2015

23

84

4

40

3

2015-2016

21

81

5

45

0

2016-2017

30

92

6

54

2

2017-2018

28

79

6

46

6

2018-2019

20

102

5

45

1

2019-2020

20

96

7

44

2

2020-2021

15

107

4

47

2

2021-2022

28

144

6

60

4

2022-2023

24

116

19

68

2

Cộng

224

944

64

480

23

Việc tổ chức các buổi hội thảo khoa học (HTKH) giáo viên ở Khoa TCDN đã được thay đổi theo hướng: mở rộng về phạm vi đại biểu tham dự, nâng cao tầm của chủ đề hội thảo và nhất là luôn coi chất lượng hội thảo là mục tiêu hàng đầu. Các hội thảo khoa học do Khoa TCDN tổ chức như: “Phương pháp xác định giá trị DN trong tiến trình cổ phần hoá”- năm 2015; “Giám sát tài chính đối với DNNN và DN có vốn nhà nước tại Việt Nam”- năm 2016; “Xác định giá trị DN - Từ lý luận đến thực tiễn” - năm 2017; “Tái cơ cấu DN  nhà nước ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” – năm 2018; “Thoái vốn nhà nước đầu tư vào DN ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp” – năm 2019: đều có sức hấp dẫn lớn, thu hút sự tham gia viết bài và tranh luận tại hội thảo của nhiều nhà khoa học đến từ các Học viện và trường đại học tên tuổi, các viện nghiên cứu có uy tín, các nhà quản lý đến từ các doanh nghiệp và Tập đoàn kinh tế lớn, các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô, đại diện các tổ chức xã hội về nghề nghiệp,v.v. Hội thảo về “Giám sát tài chính đối với DNNN và DN có vốn nhà nước tại Việt Nam” tổ chức tại Khách sạn Thắng Lợi năm 2016 đã thu hút sự quan tâm và tham gia của các diễn giả đến từ văn phòng quốc hội, Ban kinh tế trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu QLKT Trung ương, Cục TCDN- Bộ Tài chính, Viện Chiến lược và chính sách tài chính, nhiều trường đại học, các Tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam, cũng như phóng viên nhiều báo, đài về đưa tin, ghi hình. Khoa TCDN cũng là khoa đầu tiên trong Học viện xuất bản các số chuyên san trong 2 năm liên tiếp (2018 và 2019) đăng tải các bài viết, các kết quả nghiên cứu có tính chất chuyên đề theo các chủ đề nóng đang thu hút sự chú ý của chính phủ, dư luận xã hội cũng như giới nghiên cứu. Điều này góp phần vào việc nâng cao uy tín của Tạp chí Nghiên cứu Tài chính – Kế toán và các nhà khoa học thuộc Học viện Tài chính.

Công tác NCKH trong sinh viên khoa TCDN cũng đạt được những kết quả rất khả quan. Chỉ tính riêng trong vòng 10 năm từ năm học 2012-2013 tới 2022-2023, các giảng viên của khoa đã hướng dẫn sinh viên thực hiện 480 công trình NCKH dự thi cấp khoa và cấp Học viện, nhiều công trình dự thi cuộc thi Olimpic kinh tế lượng toàn quốc với kết quả nhiều công trình đạt giải cao cấp Bộ, cấp trường. Các cuộc Hội thảo khoa học của sinh viên khoa TCDN gây ấn tượng mạnh không chỉ ở chủ đề hội thảo là những vấn đề có tính thời sự cao, ở số lượng sinh trong và ngoài khoa tham dự, mà còn ở chỗ luôn đổi mới về cách làm theo hướng: HTKH sinh viên phải là hội thảo của sinh viên, do sinh viên tổ chức thực hiện và vì sinh viên. Hội đồng khoa học khoa chỉ đóng vai trò cố vấn về chuyên môn. Đây là những kết quả mà không phải khoa nào trong Học viện cũng có thể đạt được.

Thứ tư, Các hoạt động hướng nghiệp ngoại khóa, hoạt động phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên của khoa được tổ chức ngày càng có tính chuyên nghiệp cao

Để tạo điều kiện cho sinh viên hiểu biết và yên tâm với chuyên ngành đã lựa chọn, Ban chủ nhiệm khoa và lãnh đạo các bộ môn luôn quan tâm tới việc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như đưa sinh viên đi tham quan, khảo sát thực tế, kiến tập tại các doanh nghiệp và Tập đoàn kinh tế như: Công ty Honda Việt Nam; Công ty IBM Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát; Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, Công ty AJINOMOTO Việt Nam;.. v.v - (Bộ môn TCDN); Công ty bất động sản Tân Long  Land; Công ty TNHH Thẩm định giá Việt Nam VNG; Công ty TNHH Kiểm toán và Thẩm định giá Việt Nam VTA; Cty cổ phần Thẩm định giá Thế kỷ;…v.v – (Bộ môn Định giá tài sản); APEC Group; FPT Telecom; KPMG; PwC; MBS;… v.v – (Bộ môn Phân tích Tài chính). Bên cạnh đó, liên chi đoàn khoa và các bộ môn đều tổ chức nhiều buổi giao lưu nghề nghiệp với các cựu sinh viên, hoặc các nhà tuyển dụng để giúp các sinh viên hiểu biết hơn về các phẩm chất và kỹ năng cần có, chủ động xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện và bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng phù hợp với các vị trí việc làm mà bản thân đã dự định.

Chung kết cuộc thi “Giám đốc Tài chính tương lai” hàng năm luôn thu hút đông đảo sinh viên chuyên ngành TCDN tham gia

Khoa TCDN luôn duy trì hàng năm việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các chuyên ngành đào tạo trong Khoa dưới hình thức sân khấu hóa nội dung các phần thi như: “Giám đốc Tài chính tương lai – CFO”; “Nhà Thẩm định và kinh doanh bất động sản tài ba”. Đặc biệt, Bộ môn PTTC đã phối hợp với Công ty cổ phần chứng khoán MB tổ chức cuộc thi “Phân tích đầu tư Tài chính” từ năm 2018 đến nay, tạo cơ hội cho các sinh viên được trải nghiệm đầu tư chứng khoán thật trên thị trường. Bên cạnh đó, Bộ môn TCDN còn bảo trợ chuyên môn cho Câu lạc bộ Kỹ năng kinh doanh (BSC) tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp trẻ” thu hút sự tham gia của sinh viên nhiều trường Đại học lớn trên địa bàn Hà Nội. Bộ môn Định giá tài sản bảo trợ chuyên môn cho CLB Thẩm định giá và kinh doanh BĐS.

Lãnh đạo Bộ môn TCDN và các sinh viên CQ58 và 59/11.CLC trong chuyến

 khảo sát thực tế tại Công ty AJINOMOTO (tháng 5/2023).

Tất cả các hoạt động nói trên đều được lãnh đạo khoa, bộ môn và liên chi đoàn khoa phối hợp tổ chức một cách rất chặt chẽ, chuyên nghiệp, đã gây tiếng vang lớn trong Học viện Tài chính, cũng như ra ngoài xã hội. Sự tin tưởng về một môi trường lành mạnh cho việc học tập, rèn luyện và trưởng thành đã góp phần khiến cho số thí sinh đăng ký xét tuyển vào các chuyên ngành thuộc khoa quản lý không ngừng tăng lên qua các năm; quy mô sinh viên các chuyên ngành do khoa TCDN quản lý vì vậy cũng tăng theo.    

Thứ năm, Là khoa có phong trào của CBVC và sinh viên toàn diện, dẫn đầu trong Học viện Tài chính.

Là khoa có truyền thống đoàn kết, nhất trí cao; trong đó, Chi ủy – Ban chủ nhiệm khoa là hạt nhân lãnh đạo, các hoạt động và sự kiện diễn ra trong năm học đều được dự kiến trước; nhờ vậy, việc bố trí các hoạt động và sự kiện rải đều, không dồn vào cuối kỳ, cuối năm. Sinh viên của khoa học giỏi, năng động; lại được Ban chủ nhiệm khoa và liên chi đoàn khoa hỗ trợ nhiệt tình khi triển khai các hoạt động ; vì vậy, rất nhiều DN và tổ chức xã hội nghề nghiệp sẵn sàng tài trợ cho các cuộc thi và sự kiện, hoạt động của sinh viên và CBVC Khoa TCDN. Sơ bộ, đến nay có trên 40 Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty và các tổ chức nghề nghiệp có uy tín đang có liên hệ mật thiết, đồng hành cùng khoa TCDN trong việc tổ chức các sự kiện, hoạt động và cuộc thi của giáo viên và sinh viên trong khoa. Tiêu biểu phải kể đến: Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); TCT Sông Đà; TCT Bưu điện; TCT bảo hiểm Bảo Minh; Công ty cổ phần Hãng sơn Đông Á; Tập đoàn thép Đinh Lê; Công ty TNHH Tano Group; Công ty MBS; Cty TNHH thẩm định giá và đại lý thuế Việt Nam (VTA); ACCA; ICAEW; CPA Australia; MISA; và rất nhiều đơn vị khác. Điều này mang lại nguồn tài chính quan trọng, tạo điều kiện để khoa chủ động triển khai các hoạt động mang màu sắc riêng có của khoa TCDN. Đây là những yếu tố góp phần tạo nên một khoa TCDN mạnh toàn diện về phong trào sinh viên, từ học tập, rèn luyện, NCKH, đến các hoạt động đoàn thể. Liên chi đoàn khoa TCDN luôn đứng tốp đầu về số sinh viên được kết nạp Đảng trong các năm học. Chính từ cái nôi rèn luyện mang tên TCDN này, nhiều chính khách trong bộ máy lãnh đạo Đảng, quốc hội, chính phủ, quân đội, công an; nhiều doanh nhân tên tuổi của đất nước lúc thành danh đều tự hào khi bản thân là Cựu sinh viên, nghiên cứu sinh của khoa TCDN. Công đoàn khoa TCDN cũng luôn là lá cờ đầu trong việc động viên CBVC thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Học viện giao, nhiều lần được nhận bằng khen của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.

Thành viên các đội dự thi đêm chung kết “Nhà thẩm định và kinh doanh bất động sản tài ba 2023”diễn ra ngày 23/05/2023

Công đoàn khoa TCDN là đơn vị duy nhất trong Học viện duy trì liên tục từ năm 2015 đến nay hoạt động thiện nguyện giàu chất nhân văn vào dịp tết nguyên đán hàng năm. CBVC khoa TCDN liên tục được xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ các năm học. Do những thành tích xuất sắc trong giảng dạy, NCKH và quản lý sinh viên, khoa TCDN tự hào là khoa đầu tiên trong Học viện Tài chính 2 lần được đón nhận cờ “Đơn vị có phong trào thi đua xuất sắc” của Bộ Tài chính; đặc biệt, Khoa TCDN cũng là khoa đầu tiên được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2021).

Một điều chỉ có ở khoa TCDN; đó là tất cả các sự kiện do khoa, liên chi đoàn và các bộ môn trong khoa tổ chức đều được viết bài truyền thông một cách cẩn thận, có chất lượng đưa lên website của Học viện, cũng như kênh thông tin khoa TCDN. Các bài truyền thông của Khoa TCDN luôn có sức hút lớn với các độc giả kỹ tính, kén thông tin và khắt khe trong đánh giá; nhiều bài viết thu hút hàng vạn người đọc. Không thoả mãn với những gì đã có, sau mỗi sự kiện, Ban tổ chức đều tiến hành rút kinh nghiệm kịp thời những mặt được, chưa được, cải tiến cách làm, để lần sau tổ chức có chất lượng cao hơn.

Ban tổ chức, các đại biểu và các đội dự chung kết cuộc thi “Phân tích đầu tư tài chính 2019” do Bộ môn PTTC phối hợp với MBS tổ chức.

Yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công trong việc tổ chức các sự kiện và hoạt động của khoa chính là việc Ban chủ nhiệm khoa đã phối hợp chặt chẽ với Công đoàn, liên chi đoàn khoa và lãnh đạo các bộ môn trong việc hoạch định thời gian, kế hoạch và mục tiêu trong tổ chức các sự kiện và hoạt động. Khoa TCDN cũng là đơn vị khởi xướng và duy trì nề nếp bình chọn các cá nhân và lãnh đạo tiêu biểu của khoa trong năm để vinh danh vào dịp tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hàng năm. Điều này có tác dụng động viên CBVC nỗ lực đóng góp hết mình cho phong trào và các hoạt động của tập thể, góp phần tạo nên một tập thể đoàn kết, nhất trí và có tinh thần trách nhiệm cao đối với các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, cứ vào cuối các năm, khoa TCDN lại sôi động diễn ra việc bình chọn các sự kiện tiêu biểu sau một năm tổ chức các hoạt động, tổ chức truyền thông với các hình thức phong phú và đa dạng trên nhiều kênh thông tin khác nhau, từ đưa lên website của Học viện, tới quảng bá qua mạng xã hội như Zalo, facebook, v.v; góp phần quảng bá hình ảnh và thông tin của các chuyên ngành trong khoa, cũng như của Học viện Tài chính ra ngoài xã hội.

*Thay cho lời kết

Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, chúng ta có quyền tự hào bởi mỗi thành viên dù là cán bộ, giáo viên hay sinh viên đều đã đóng góp phần công sức bé nhỏ của mình vào sự trưởng thành và lớn mạnh của khoa TCDN và Học viện Tài chính. Tuy vậy, trong điều kiện thế giới luôn vận động và phát triển, yêu cầu đào tạo cán bộ quản lý tài chính chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp thế hệ thứ tư và trong bối cảnh Học viện Tài chính đang chuyển dần sang thực hiện tự chủ về tài chính và tự chủ về đào tạo đã đặt ra trước toàn thể CBVC và sinh viên khoa TCDN những thời cơ và thách thức mới, đòi hỏi chúng ta cần phải nỗ lực vượt qua. Hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện, sự định hướng đúng đắn của Chi bộ khoa cùng với sự tận tình, tâm huyết của đội ngũ CBGV, sinh viên trong khoa; nhất định Khoa TCDN sẽ tiếp tục phát triển vươn lên những tầm cao mới; góp sức, chung tay cùng các Khoa, Ban khác xây dựng Học viện Tài chính trở thành trung tâm đào tạo có uy tín trong khu vực và trên thế giới về quản lý tài chính - kế toán, góp phần thực hiện sứ mạng của Học viện Tài chính là: "Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học Tài chính- Kế toán chất lượng cao cho xã hội".

Ngày đó sẽ không còn xa nữa!

*TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Học viện Tài chính - 50 năm xây dựng và phát triển (1963-2013)- Nhà xuất bản Lao động, 2013.

  2. Kỷ yếu bộ môn Tài chính doanh nghiệp (2008).

  3. Kỷ yếu hội thảo“Học viện Tài chính - 55 năm xây dựng và phát triển’- Nhà xuất bản Tài chính, 2018.

  4. Báo cáo tổng kết các năm học từ 2013-2014 đến 2022-20238 của khoa TCDN.

Một số hình ảnh về các hoạt động của khoa TCDN:

Đại hội Chi bộ Khoa TCDN nhiệm kỳ 2022-2025

Hội nghị viên chức và tổng kết năm học 2021-2022 của Khoa TCDN

Khoa tổ chức chào đón và tiếp nhận viên chức mới về Khoa công tác

Ban chủ nhiệm khoa và BCH công đoàn khoa chúc mừng các viên chức

của Khoa được Giám đốc Học viện bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo bộ môn PTTC

Hội thảo khoa học giáo viên Khoa TCDN về chủ đề “Tài chính trong điều kiện kinh tế số”

Ký kết hợp tác giữa các DN và Học viện Tài chính trong việc phối hợp đào tạo

sinh viên chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản

PGS.Đoàn Hương Quỳnh – Đại diện cho Đội Giáo viên Bộ môn TCDN nhận giải Nhì cuộc thi “Giới thiệu sách Học viện Tài chính năm 2022”

Cán bộ giáo viên Khoa tham gia Giải thể thao truyền thống CBVC của Học viện Tài chính năm 2022

Đại diện Ban chủ nhiệm khoa trao quà cho các Tân sinh viên CQ60 của khoa có kết quả cao trong học tập hoặc có chứng chỉ IELTS cao

Tổng kết năm học khối sinh viên năm học 2021-2022

Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp hệ đại học chính quy khóa 56 Khoa TCDN

Hội thảo khoa học sinh viên Khoa TCDN với chủ đề thiết thực và thời sự

Đội sinh viên chuyên ngành Phân tích Tài chính của Khoa đạt giải Nhất

cuộc thi “Giới thiệu sách Học viện Tài chính năm 2022”

Bộ môn PTTC đưa sinh viên chuyên ngành đi thực tế tại FPT Telecom

Thầy cô và SV chuyên ngành Thẩm định giá & Kinh doanh BĐS thăm quan, khảo sát Công ty Tân Long Land

Đội tuyển bóng đá nam sinh viên tham gia Giải vô địch bóng đá nam sinh viên

 Học viện Tài chính năm 2022

Tác giả bài viết:

PGS,TS. Bùi Văn Vần – Nguyên Trưởng Khoa TCDN

PGS,TS. Vũ Văn Ninh – Trưởng Khoa TCDN

 
Khoa Tài chính doanh nghiệp
 
Số lần đọc: 7397
Trang 1/1