Chuyên mục

Ảnh hoạt động
Ảnh-25-04-2022-15-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Ảnh-25-04-2022-14-img0 Hoisach20220

Thứ tư, 19/11/2014 - 14:20

Địa vị thầy giáo xưa và nay
"Công cha, áo mẹ, chữ thầy". Nghề giáo từ xưa đã được xem là nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, kính trọng.

Kính thầy là tôn vinh sự học.

Sở dĩ có được điều đó trước hết là do dân ta vốn có truyền thống hiếu học. Ngày xưa nhiều nhà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vẫn cố xin cho con được đến cửa thầy để học. Có người cho con học để mong đỗ đạt làm quan, có người chỉ mong con học để lĩnh hội được chữ thánh hiền để làm người, để giữ đạo nhà. Vì thế, những người có học thường có lối sống, cách ứng xử hợp đạo lý, một phần do thầy truyền dạy, một phần để giữ gìn cái thanh danh của người có học và thanh danh cho thầy.
 
Cũng chính vì vậy mà xã hội xưa rất coi trọng người có học, luôn phân biệt người biết chữ và người không biết chữ. Lệ xưa quy định trọng người cao tuổi, khi việc làng, ai cao tuổi nhất sẽ được ngồi trên. Tuy nhiên, lệ cũng quy định, nếu người nào đỗ đạt thì được ngồi ngang hàng với các cụ. Trong số những người đi học, có những người đậu ông nghè, ông cống được vinh quy bái tổ làm rạng danh cả dòng họ, làng quê… Tất cả vinh quang ấy đều được khởi nguồn từ chữ thánh hiền do thầy truyền dạy.
 
Thầy giáo: Biểu tượng của sự hiểu biết và phẩm hạnh
 
Trong xã hội phong kiến ông đồ tài không chỉ giỏi về thơ phú, chữ nghĩa, mà còn giỏi bốc thuốc trị bệnh cứu người, xem đất đai, tướng số… để dân làng lo làm những đại sự. Nhiều ông đồ từng đỗ ông nghè, ông cống được xã hội rất mực kính trọng, quan lại địa phương rất nể sợ.
 
Họ là những người học chữ "thánh hiền" nên họ luôn có ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm cách, vì vậy xã hội luôn gửi gắm ở họ niềm tin về nhân cách, tài năng, luôn coi họ là chuẩn mực, là hình mẫu để vươn tới. Không những thầy giáo là chuẩn mực về nhân cách, mà vợ con, người nhà cũng phải hết sức giữ gìn về đạo đức, giữ gìn danh tiếng cho chồng, cho cha. Vợ ông đồ được làng tôn trọng gọi là bà giáo, con cháu cũng được dân làng tôn trọng.
 
Từ cửa Khổng, sân Trình, dưới sự dạy bảo của thầy giáo, bao người đã trở thành người có học, được xã hội tôn trọng, có người đỗ đạt được làm quan, cùng với sự hiểu biết, đức độ của mình, uy tín của thầy giáo càng được khẳng định.
 
Địa vị của thầy giáo thời nay
 
Ngày nay, bên cạnh sự tôn vinh người dạy học và nghề dạy học, xã hội có sự thay đổi nhiều, vì vậy nghề dạy học cũng như địa vị người thầy cũng có sự thay đổi. Người thầy không còn chiếm vị trí “độc tôn” trong làng xã như xưa, mà nhiều ngành nghề, chức danh khác trong xã hội lần lượt xuất hiện, đôi khi trở thành “thời thượng”, là mục tiêu phấn đấu của lớp trẻ.
 
Đã có thời lớp trẻ truyền nhau câu nói cửa miệng khi chọn nghề: “Nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, sư phạm cho qua” hay “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Trong nghề dạy học cũng đang chuyển sang phương pháp giáo dục hướng vào người học, “lấy học trò làm trung tâm”, là chủ thể, thầy giáo không còn là “trung tâm” là “nơi cung cấp kiến thức duy nhất”, mà học sinh có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, nên quan hệ thầy - trò cũng có sự thay đổi.
 
Đây cũng là sự thay đổi tất yếu trong quá trình phát triển, chứ không phải thang giá trị đạo đức xã hội có sự thay đổi như một số người đã lo lắng. Mặt khác, ngày nay từ khi đi học mẫu giáo đến khi có nghề nghiệp, mỗi người học với rất nhiều thầy, vậy nên mối quan hệ thầy trò cũng khác. Cũng không thể phủ nhận mặt trái của cơ chế thị trường đang len lỏi vào đội ngũ nhà giáo, không ít giáo viên không giữ được cốt cách, phẩm hạnh như các thầy giáo thời xưa.
 
Để đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước, chúng ta đang cần đổi mới giáo dục một cách toàn diện, nên sẽ có nhiều thay đổi trong nghề dạy học. Tuy nhiên đổi mới không có nghĩa là phủ nhận giá trị giáo dục truyền thống. Vẫn rất cần sự trân trọng nghề dạy học và khẳng định vị thế người học trong xã hội mới. Xã hội nào cũng cần có nghề dạy học và người dạy học. Xã hội càng phát triển, yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân, của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo càng cao. Tìm hiểu cái tâm, cái tài của thầy giáo xưa để các nhà giáo trẻ hôm nay nhìn lại mình, mà phấn đấu luyện rèn để cái tâm, cái tài trong nghề dạy học thời đại mới thêm đủ đầy.
 
Được vậy chắc chắn truyền thống “tôn sư trọng đạo” của ông cha ta sẽ được truyền mãi đến muôn đời sau.
Minh Túy (theo www.vanhoadoisong.vn)
Số lần đọc: 1251
Các bài đã đăng
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức  |  Ảnh hoạt động  |  Hỏi đáp  |  Gửi yêu cầu  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THƯ VIỆN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Địa chỉ: Học viện Tài chính, Phường Đức Thắng, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội
Điện thoại:
E-mail: thuvien@hvtc.edu.vn
Website: http://www.hvtc.edu.vn/thuvien
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà