1. BỘ MÔN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Bộ môn Định giá Tài sản được thành lập theo quyết định số 424/QĐ-HVTC, do Giám đốc Học viện Tài chính ký ngày 11 tháng 8 năm 2003. Cho đến nay, Bộ môn và chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản (16) đã có lịch sử 16 năm trưởng thành và phát triển.
1.1 Về giảng viên:
Đội ngũ giảng viên của bộ môn gồm 8 người, trong đó có 05 giảng viên có học vị tiến sĩ, 03 giảng viên có trình độ thạc sĩ đang làm nghiên cứu sinh, bao gồm: TS. Nguyễn Minh Hoàng- Trưởng Bộ môn; TS. Nguyễn Hồ Phi Hà - Phó trưởng Bộ môn; TS. Trần Thị Thanh Hà - Phó trưởng Bộ môn; TS. Vương Minh Phương (Giảng viên), Ths. Nguyễn Thị Tuyết Mai (Giảng viên – NCS); Ths. Vũ Thị Lan Nhung (Giảng viên – NCS); Ths. Lâm Thị Thanh Huyền (Giảng viên – NCS); TS. Phạm Văn Bình - Giảng viên kiêm chức – Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá – Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính.
Đội ngũ giảng viên bộ môn Định giá Tài sản trong ngày kỷ niệm nhà giáo VN
1.2 Về Đào tạo:
Đào tạo đại học chính quy tập trung:
Học viện Tài chính là một trong những cơ sở đào tạo đại học đầu tiên ở Việt Nam thành lập chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản. Từ năm 2003 đến nay, bộ môn đã đào tạo gần 1.000 sinh viên chuyên ngành 16 ra trường làm việc và được xã hội đánh giá cao.
Có khoảng một nửa số sinh viên dài hạn chính quy tập trung thuộc các chuyên ngành khác của Học viện Tài chính được học về Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản với ý nghĩa là môn học bổ trợ chuyên ngành chính mang tính bắt buộc tại Học viện Tài chính.
TS. Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng bộ môn Định giá Tài sản trao
bằng tốt nghiệp cho sinh viên CQ 52.16 – Chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản (16)
Đào tạo Sau đại học và quản lý nghiên cứu sinh:
Thẩm định giá đang là một học phần quan trọng và không thể thiếu trong chương trình đào tạo nghiên cứu sinh và đào tạo cao học, nhất là đối với cao học thuộc ngành Tài chính - ngân hàng. Hàng năm Bộ môn đảm nhận giảng dạy cho khoảng 300 học viên Sau đại học tại Học viện Tài chính và khoảng 200 học viên cao học tại các trường đại học khác ngoài Học viện Tài chính.
Bộ môn Định giá Tài sản hiện nay cũng đang quản lý và hỗ trợ các Nghiên cứu sinh: Tổ chức gặp mặt nghiên cứu sinh, giải đáp, hỗ trợ có mối liên kết chặt chẽ với các nghiên cứu sinh đang sinh hoạt tại Bộ môn.
Bộ môn Định giá Tài sản phối hợp với Bộ môn Tài chính doanh nghiệp tổ chức buổi gặp mặt Nghiên cứu sinh
Bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ thẩm định giá - kinh doanh bất động sản và chuyển giao công nghệ:
Ngoài khối lượng công việc chính là đào tạo tại Học viện, Bộ môn còn thường xuyên hợp tác đào tạo với các tổ chức, đơn vị ngoài Học viện dưới nhiều dạng khác nhau như: Ôn thi cấp thẻ Thẩm định viên quốc gia về giá; Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật mới về giá; Bồi dưỡng kiến thức và chuyển giao công nghệ cho giảng viên các trường Đại học chưa có chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh BĐS.
1.3 Về nghiên cứu khoa học:
Chặng đường 16 năm qua, Bộ môn Định giá tài sản có quyền tự hào về thành tích nghiên cứu khoa học. Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay giảng viên của Bộ môn đã chủ biên 03 giáo trình chuyên ngành và 02 cuốn hệ thống câu hỏi và bài tập Định giá tài sản, kinh doanh bất động sản; Chủ nhiệm 03 đề tài khoa học cấp Bộ, 20 đề tài cấp Học viện đạt loại xuất xắc; Hướng dẫn 14 nghiên cứu sinh và 80 cao học viên. Các giảng viên của Bộ môn Định giá Tài sản đã tham gia viết nhiều bài báo và chủ trì nhiều diễn đàn hội thảo khoa học chuyên ngành.
Hội thảo khoa học “Xác định giá trị doanh nghiệp - Từ lý luận đến thực tiễn”.
2. CHUYÊN NGÀNH THẨM ĐỊNH GIÁ & KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN (16)
2.1 Mục tiêu đào tạo:
Chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản được thiết lập nhằm cung cấp cho xã hội những cử nhân thành thạo, có trình độ chuyên nghiệp về Thẩm định giá tài sản và kinh doanh bất động sản:
- Sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng các phương pháp có cở sở khoa học và thực tiễn để định giá BĐS, máy móc thiết bị ít có giao dịch trên thị trường.
- Có thể xác định mức giá hợp lý của các tài sản thế chấp, đánh giá mức độ mạo hiểm, độ tin cậy và tính khả thi của các dự án đầu tư.
- Đánh giá được tính chất "ảo", tính đầu cơ, mức độ "bong bóng" và tính "bầy đàn" về giá cả diễn ra trên thị trường chứng khoán và thị trường BĐS.
- Đánh giá và định giá được mức giá hợp lý của một doanh nghiệp, cổ phiếu và thương hiệu của doanh nghiệp.
- Tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước, cho doanh nghiệp và cá nhân ra quyết định đầu tư, mua sắm hợp lý, giảm rủi ro đến mức thấp nhất.
- Có năng lực quản trị kinh doanh, maketing, môi giới, quản lý sàn giao dịch và thẩm định tính khả thi của các dự án đầu tư vào bất động sản.
2.2 Chương trình đào tạo và kỹ năng chuyên ngành 16
Chương trình đào tạo
Ngoài phần kiến thức đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đào tạo chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản gồm hai khối kiến thức: kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành.
- Về khối kiến thức cơ sở ngành: có các môn học Pháp luật kinh tế, Tài chính tiền tệ, Tin học ứng dụng, Kinh tế lượng, Quản lý tài chính công, Quản trị ngân hàng thương mại, Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Quản trị kinh doanh, Thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán, Cơ sở hình thành giá cả thị trường, Quản lý và quy hoạch đất đai, Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính doanh nghiệp, Kiểm toán Báo cáo tài chính…
- Về khối kiến thức chuyên ngành: Bắt đầu từ khóa 56 khối kiến thức chuyên ngành đã được thiết kế lại, nhằm đáp ứng đòi hỏi của xã hội và trao thêm cơ hội việc làm cho sinh viên chuyên ngành bao gồm các học phần:
1. Thẩm định giá bất động sản
2. Thẩm định giá máy thiết bị và tài sản vô hình
3. Thẩm định giá doanh nghiệp
4. Kinh doanh BĐS 1
5. Kinh doanh BĐS 2
Kỹ năng chuyên ngành
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Thẩm định giá tài và kinh doanh BĐS tại Học viện Tài chính ngoài kiến thức chuyên môn còn được đào tạo các kỹ năng:
- Phân tích, đánh giá các giao dịch kinh tế trên cả 2 mặt tốt và xấu, ưu điểm và nhược điểm, trên nhiều góc độ lợi ích và các trên nhiều giai đoạn khác nhau để rút ra kết luận. Kỹ năng này sẽ đi vào thói quen nghề nghiệp và nếp sống của sinh viên sau này.
- Phân tích, đánh giá các chu kỳ thị trường: thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Phân tích, đánh giá tác động của các chính sách kinh tế nói riêng, tác động của môi trường vĩ mô nói chung đến sự di chuyển của các dòng vốn làm cơ sở dự báo giá cả của các hàng hóa, dịch vụ chủ yếu trong nền kinh tế.
- Tổ chức các hoạt động tập thể, làm việc theo nhóm, xác định vai trò chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của từng thành viên trong công tác thẩm định giá trị tài sản và trong các nghiệp vụ cụ thể của hoạt động kinh doanh BĐS.
- Có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết và tôn trọng pháp luật; biết phân tích và xử lý thông tin, có tư duy khoa học và làm việc độc lập.
Sinh viên chuyên ngành CQ 52.16 trong chuyến thực tế tại Công ty Tân Long Land năm 2018
3. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHUYÊN NGÀNH 16
Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản tại Học viện Tài chính yêu cầu chuẩn đầu ra như sau:
- Có quan điểm chính trị vững vàng, có ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, có đạo đức nghề nghiệp, am hiểu và tôn trọng pháp luật.
- Có chuyên môn sâu về Thẩm định giá tài sản và kinh doanh bất động sản, đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và có khả năng hành nghề độc lập.
- Sử dụng tốt tiếng Anh trong giao tiếp và trong công tác chuyên môn.
- Sử dụng thành thạo máy tính, làm việc độc lập và làm việc theo nhóm để hoàn thành tốt công việc được giao.
- Có khả năng phân tích tình huống và đánh giá rủi ro nghề nghiệp và có khả năng nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
4. CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH 16
Sinh viên thuộc chuyên ngành Thẩm định giá tài sản và kinh doanh BĐS có nhiều lựa chọn cho tương lai nghề nghiệp của mình:
- Các công ty Thẩm định giá chuyên nghiệp là loại doanh nghiệp hình thành ở Việt Nam theo yêu cầu mở rộng và phát triển kinh tế thị trường. Loại công ty này có nhiều tên gọi khác nhau, như: công ty định giá tài sản, công ty dịch vụ tư vấn tài sản và thẩm định giá, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán và dịch vụ tài chính...Tại các công ty này, phải khuyến cáo, tư vấn và đưa ra mức giá hợp lý các loại máy móc thiết bị, nhà đất, cổ phiếu... và kể cả thương hiệu của doanh nghiệp, để khách hàng có thể ra quyết định đầu tư, mua bán với rủi ro thấp nhất.
- Thẻ “Thẩm định viên” luôn là một tấm thẻ danh giá ở mọi quốc gia. Bạn muốn có tấm thẻ này hãy đăng ký học chuyên ngành Thẩm định giá & kinh doanh bất động sản. Sau khi ra trường đủ 36 tháng, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành sẽ là những người đủ điều kiện dự thi cấp thẻ Thẩm định viên do Cục Quản lý giá Bộ Tài Chính Việt Nam tổ chức hàng năm.
- Các Ngân hàng thương mại: Bộ phận thẩm định tín dụng và đánh giá tài sản thế chấp luôn cần có bằng cấp chuyên nghiệp để thẩm định giá trị các tài sản đảm bảo, thẩm định tính pháp lý, tính hiệu quả các dự án đầu tư làm cơ sở ra quyết định cho vay một cách an toàn và hiệu quả nhất.
- Các doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh BĐS: Ở những đơn vị này sinh viên có thể làm hầu hết công việc như một nhà kinh doanh BĐS thực thụ, từ công tác quảng cáo, môi giới, maketing, thẩm định và quản lý dự án, cho đến quản lý sàn giao dịch bất động sản. Đó là môi trường để bạn chiêm nghiệm cơ hội và rủi ro của các đại gia đầu tư và kinh doanh bất động sản.
- Các cơ quan nhà nước có nhu cầu về sinh viên tốt nghiệp của chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh BĐS là: các Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường; Bộ, Sở Xây dựng; Bộ Tài chính, Cục quản lý giá Bộ Tài Chính, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán, các trường Đại học, Viện nghiên cứu có giảng dạy và nghiên cứu về Thẩm định giá và kinh doanh BĐS.
- Ngoài ra, nếu thực sự say sưa, tâm huyết nghề nghiệp, với những kiến thức và kỹ năng được đào tạo, sinh viên chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản ra trường hoàn toàn có thể trực tiếp đầu tư và tự gánh chịu rủi ro cho mình mà không cần phải đi tìm việc ở bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức nào khác.
Sau 13 khóa sinh viên tốt nghiệp, chuyên ngành đã đào tạo được gần 1.000 sinh viên chính quy. Qua khảo sát sơ bộ tình hình đầu ra, các cựu sinh viên chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh BĐS hiện đang công tác tại Bộ Tài chính, các Sở tài chính, Sở Tài nguyên môi trường, các công ty Thẩm định giá, công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, các ngân hàng thương mại và cơ quan khác. Trong đó: 60% sinh viên làm tại các công ty thẩm định giá và ngân hàng thương mại, 27% làm việc tại các công ty kinh doanh BĐS và 13% làm kiểm toán, kế toán và các lĩnh vực liên quan.
Trong những năm gần đầy, nhu cầu xã hội về Thẩm định viên đang gia tăng một cách đều đặn và ổn định, xuất phát từ nhu cầu Thẩm định giá trong tiến trình cải cách, thoái vốn tại các DNNN và gia tăng quy mô trong các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Nhiều sinh viên chuyên ngành đã tự vận dụng kiến thức để giao dịch chứng khoán và môi giới bất động sản ngay khi còn trên ghế nhà trường. Một tỷ lệ lớn sinh viên được các Công ty tuyển dụng ngay trong quá trình thực tập.
Một thực tế đáng mừng và hoàn toàn có thể kiểm chứng được một cách dễ dàng là hiện nay: nhiều doanh nghiệp, tổ chức đến liên hệ với Khoa, Bộ môn để tuyển dụng sinh viên chuyên ngành và hầu hết sinh viên CQ52.16 và CQ53.16 - Chuyên ngành Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản của Học viện Tài chính đã đi làm đúng nghề ngay khi Học viện Tài chính chưa cấp bằng tốt nghiệp.
Sinh viên CQ 50.16 trong buổi báo cáo thực tế của Ông Nguyễn Tuấn Duy – Chủ tịch,
Giám đốc Công ty Thẩm định giá và đại lý thuế Việt Nam (VTA)
Chúng tôi xác định rằng: “Tương lai nghề nghiệp của sinh viên chuyên ngành Thẩm định giá và KDBĐS là sứ mạng của người chèo đò”. Thực tế nói trên là một minh chứng rõ ràng về sự thừa nhận và đánh giá cao của xã hội về chất lượng đào tạo của chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản tại Học viện Tài chính. Sinh viên chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh BĐS hoàn toàn có quyền tự hào vì đã góp phần quan trọng làm nên "Thương hiệu" của Học viện Tài chính.