DANH MỤC CHÍNH
HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
FES08_20240 FES08_20241 FES08_20242 FES08_20243 FES08_20244 FES08_20245 FES08_20246 FES08_20247 FES08_20248 FES08_20249
Nghiên cứu khoa học
Thứ sáu, 11/03/2016 - 21:6

Tóm tắt đề tài NCKH cấp Học viện 2015: PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN THAM GIA HIỆP ĐỊNH KINH TẾ ĐỐI TÁC CHIẾN LƯỢC XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (TPP)

Chủ nhiệm đề tài: PGS, TS Nguyễn Tiến Thuận và Ths. Phí Thị Thu Hương

  1. Tính cấp thiết của đề tài:

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang thực hiện quá trình hội nhập kinh tế với các nước ngày càng sâu, rộng thông qua việc tham gia ngày càng nhiều vào các khu vực mậu dịch tự do (FTA) mà Chính phủ Việt Nam đã đàm phán và kí kết. Một trong số đó là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP - được coi là FTA thế hệ mới của thế kỉ XXI), khi tham gia Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển các ngành kinh tế trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu cho nhiều hàng hóa để tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, việc tham gia Hiệp định TPP cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải vượt qua.

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là một trong những lĩnh vực rất quan trọng để thúc đẩy các ngành công nghiệptrong nước phát triển, là một trong những công cụ để thực hiện thành công quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) ở nước ta cho đến năm 2020. Tuy nhiên, ngành CNHT của Việt Nam phát triển rất yếu và chưa làm được vai trò là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình CNH, HĐH thành công vào năm 2020. Đặc biệt, khi nền kinh tế Việt Nam tham gia Hiệp định TPP thì sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn đối với tất cả các ngành kinh tế trong nước, trong đó kể cả ngành CNHT của Việt Nam, trong khi sức cạnh tranh của ngành CNHT Việt Nam lại rất yếu. Do đó, vấn đề đặt ra hết sức cần thiết là phải nhận thức, đánh giá đúng đắn những cơ hội và thách thức đối với ngành CNHT Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP, từ đó đưa những giải pháp hợp lý nhằm thúc sự phát triển ngành CNHT của nước ta trong thời gian tới.

Nhận thức được vấn đề trên, nhóm tác giả đã lựa chọn đề tài: Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong điều kiện tham gia Hiệp định kinh tế đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương để nghiên cứu.    

  1. Mục đích nghiên cứu của đề tài:

Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về CNHT, tìm hiểu những nội dung cam kết của Hiệp định TPP, đánh giá thực trạng phát triển CNHT của nước ta thời gian qua, nhóm đề tài đã chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển CNHT của Việt Nam khi chúng ta tham gia Hiệp định TPP, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển CNHT nước ta trong thời gian tới.

  1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài:

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề lí luận về CNHT, các cam kết cơ bản của một quốc gia khi tham gia hiệp định TPP, từ đó chỉ rõ cơ hội và thách thức đối với ngành CNHT của Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP. Đồng thời, nghiên cứu tình hình phát triển CNHT của nước ta thời gian, chỉ rõ những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế.

   Phạm vi nghiên cứu của đề tài là ngành CNHT và tác động của TPP đến sự phát triển CNHT. Các số liệu thu thập từ 2005 đến 2014 nhưng trong quá trình thu thập số liệu rất khó khăn nên có một số năm không thu thập được số liệu đầy đủ.

  1. Phương pháp nghiên cứu:

   Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng, các phương pháp nghiên cứu mà nhóm đề tài sử dụng bao gồm: thu thập các số liệu thứ cấp tiến hành phân tích, so sánh, đối chiếu và tổng hợp để rút ra các kết luận đảm bảo lô gíc và phù hợp với thực tế.

  1. Cấu trúc của đề tài:

   Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, đề tài được kết cấu với 3 chương như sau:

   Chương 1: Tổng quan về công nghiệp hỗ trợ và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

   Chương 2: Thực trạng phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam thời gian qua và những cơ hội, thách thức đối với CNHT Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP

   Chương 3: Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam khi tham gia Hiệp định TPP 

6. Những kết quả chủ yếu đạt được của đề tài

- Đề tài đưa ra 4 quan điểm trong việc phát triển CNHT nước ta trong thời gian tới.

- Xác định mục tiêu phát triển CNHT Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Đưa ra 7 nhóm giải pháp nhằm phát triển CNHT  Việt Nam trong thời gian tới. Bao gồm các giải pháp:

+ Nâng cao nhận thức về sự cần thiết phát triển CNHT nước ta trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng và khi tham gia TPP

+ Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả qui hoạch CNHT đã được Chính phủ phê duyệt theo QĐ số 9028/QĐ-BCT ngày 8/10/2014

+ Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển CNHT

+ Xây dựng và hoàn thiện bộ máy quản lý chuyên trách phát triển CNHT

+ Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CNHT

+ Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho CNHT phát triển

+ Tăng cường sự liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển CNHT

7. Ứng dụng của đề tài: 

    Đề tài là tài liệu tham khảo tốt cho việc học tập và nghiên cứu đối với giáo viên và sinh viên khối kinh tế.

KẾT LUẬN

   Phát triển CNHT của Việt Nam trong những năm sắp tới là một giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành quá trình CNH, HĐH nền kinh tế Việt Nam vào năm 2020. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngành CNHT của Việt Nam thời gian qua phát triển rất kém do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất trong ngành CNHT là rất yếu. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, cơ hội có thể nhiều, thách thức cũng sẽ không ít. Nhận thức rõ vấn đề trên, nhóm tác giả mong muốn thông qua việc phân tích đánh giá, cũng như đưa ra các giải pháp có thể góp thêm một tiếng nói nhằm thúc đẩy phát triển CNHT nước ta đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong bối cảnh hội nhập kinh tế một cách hiệu quả và bền vững hơn.

  Trong đề tài, nhóm tác giả đã trình bày các vấn đề lí luận về phát triển CNHT, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia đã thành công phát triển CNHT khi nền kinh tế mở cửa hội nhập và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Mặt khác, đề tài cũng đã đánh giá phân tích cụ thể thực trạng phát triển CNHT của nước ta thời gian qua và chỉ ra nhưng cơ hội, thách thức đối với CNHT nước ta khi tham gia hiệp định TPP để từ đó đưa ra các giải pháp phát triển CNHT có hiệu quả khi Việt Nam tham gia TPP.

Nhóm tác giả đã đầu tư nhiều công sức, thời gian nhằm hoàn thiện đề tài nghiên cứu cả về mặt lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, do vẫn còn những hạn chế về thời gian và trình độ nên đề tài sẽ không thể tránh khỏi những khiếm khuyết, nhóm tác giả rất mong nhận được những góp ý, phản hồi từ phía Hội đồng nghiệm thu và các nhà khoa học quan tâm đến vấn đề này.


 

Số lần đọc: 4951