Giáo trình Phân tích tài chính (XB năm 2017)
Trong những năm qua, nhu cầu đào tạo Sau đại học của Học viện Tài chính tăng nhanh đòi hỏi chương trình đào tạo, học liệu phương pháp giảng dạy cũng phải được xây dựng, hoàn thiện không ngừng. Giáo trình Phân tích tài chính do Bộ môn Phân tích Tài chính biên soạn nhằm góp phần nâng cao nguồn học hiệu trong đào tạo sau đại học của Học viện Tài chính và nhu cầu tăng cường quản trị tài chính của các đơn vị thực tế. Trong chương trình đào tạo sau đại học, học phần Phân tích tài chính không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn sâu về lý luận phân tích tài chính cho các nhà nghiên cứu mà còn trang bị kỹ năng cần thiết cho người học vận dụng để tổ chức, thực hiện phân tích tình hình tài chính quốc gia từng địa phương và từng đơn vị nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị tài chính vĩ mô và vi mô. Giáo trình phân tích tài chính được tiếp cận theo yêu cầu quản lý tài chính ở 2 phạm vi: phân tích tài chính vĩ mô và phân tích tài chính vi mô, dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển các kiến thức nền tảng về tài chính, quản lý tài chính, phân tích tài chính doanh nghiệp… ở các bậc đại học và liên kết chặt chẽ với các học phần nâng cao trong chương trình đào tạo sau đại học. Phân tích tài chính tập trung làm rõ tình hình và kết quả huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực tài chính của toàn bộ nền kinh tế, các đơn vị kinh doanh, đơn vị hành chính, sự nghiệp, đánh giá mức độ an toàn về tài chính, phân tích tác động của các biến số chủ quan và khách quan đến tình hình tài chính vĩ mô và vi mô, phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả các nguồn lực tài chính đang bị sử dụng lãng phí hoặc chưa khai thác đúng tiềm năng, đánh giá, cảnh báo các nguy cơ rủi ro, khủng hoảng tài chính vĩ mô và vi mô trong môi trường hộp nhập quốc tế… Phân tích tài chính cung cấp thông tin giúp các chủ thể quản lý có cơ sở cần thiết để ra quyết định điều hành và quản trị tài chính một cách kịp thời, hiệu quả. Giáo trình đào tạo sau đại học về “Phân tích tài chính” của Học viện Tài chính do PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Trọng Cơ và PGS.TS. Nghiêm Thị Thà đồng chủ biên được thiết kế gồm 5 chuyên đề:
- Chuyên đề 1: Tổng quan về phân tích tài chính
- Chuyên đề 2: Phân tích chính sách tài chính
- Chuyên đề 3: Phân tích tiềm lực tài chính
- Chuyên đề 4: Phân tích rủi ro tài chính
- Chuyên đề 5: Phân tích hiệu quả và tăng trưởng
Giáo trình được hoàn thành với sự đóng góp của các thành viên cụ thể như sau: PGS.TS.NGƯT. Nguyễn Trọng Cơ là chủ biên trực tiếp biên soạn chuyên đề 1 và tham gia biên soạn chuyên đề 2, chuyên đề 4 cùng TS.Nguyễn Thị Thanh và TS.Hồ Thị Thu Hương; PGS.TS. Nghiêm Thị Thà đồng chủ biên trực tiếp biên soạn chuyên đề 5 và tham gia biên soạn chuyên đề 3 cùng TS.Phạm Thị Quyên và TS.Trần Đức Chung.