Đóng
DANH MỤC CHÍNH
Hoạt động qua ảnh
Ảnh-20-03-2023-11-img0 Ảnh-17-03-2023-15-img0 Ảnh-17-03-2023-14-img0 Ảnh-17-03-2023-14-img1 Ảnh-17-03-2023-14-img2 Ảnh-17-03-2023-14-img0 Ảnh-22-11-2017-15-img0 Ảnh-22-11-2017-15-img0 Ảnh-22-11-2017-15-img2 Ảnh-22-11-2017-15-img3
Thông báo
Thứ sáu, 25/09/2020 - 8:11

Giới thiệu về Bộ môn kiểm toán và chuyên ngành Kiểm toán

1. Sự hình thành và phát triển của Bộ môn kiểm toán

Bộ môn kiểm toán chính thức được thành lập vào năm 2001 cùng với mốc lịch sử chuyển đổi trường Đại học tài chính kế toán Hà Nội thành Học viện Tài chính. Môn học kiểm toán được trường Đại học tài chính kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) chính thức đưa vào giảng dạy từ năm 1992. Xét về chiều sâu và lịch sử hình thành, các Giảng viên giảng dạy môn học kiểm toán tại trường Đại học tài chính kế toán Hà Nội lúc bấy giờ là những Giảng viên kế toán có chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm của Bộ môn kế toán doanh nghiệp và những Giảng viên được cử đi học về kiểm toán do các công ty kiểm toán Quốc tế giảng dạy tại Hà Nội vào những năm 1991 và 1992.

Những Giảng viên đã đặt nền móng ban đầu cho sự hình thành môn học kiểm toán cũng như sự ra đời của Bộ môn kiểm toán phải kể đến công lao đầu tiên là GS.TS Vương Đình Huệ (Nguyên trưởng Khoa kế toán, nguyên phó hiệu trưởng trường ĐH tài chính kế toán Hà Nội, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, nguyên Bộ trưởng Bộ tài chính, nguyên trưởng Ban kinh tế Trung ương, hiện nay là Phó Thủ tướng Chính Phủ), Nhà giáo Ưu tú Vũ Huy Cẩm (Nguyên trưởng Khoa kế toán, nguyên Phó hiệu trưởng trường ĐH tài chính kế toán Hà Nội – Thầy đã mất). Đóng góp tiếp theo cho sự phát triển của Bộ môn, môn học và chuyên ngành kiểm toán cũng phải kể đến công lao của những nhà khoa học tầm cỡ hàng đầu của đất nước về tài chính, kế toán và kiểm toán như  GS.TS Đoàn Xuân Tiên (Nguyên trưởng Khoa kế toán, nguyên phó Giám đốc Học viện Tài chính, hiện nay là Phó Tổng kiểm toán Nhà nước); GS.TS Ngô Thế Chi (nguyên Giám Đôc Học viện Tài chính); GS.TS Nguyễn Đình Đỗ (Nguyên trưởng Khoa kế toán, nguyên trưởng Bộ môn kế toán doanh nghiệp); PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ (Giám Đốc Học viện Tài chính); PGS.TS Trương Thị Thủy (P.Giám Đốc Học viện Tài chính); PGS.TS Nguyễn Vũ Việt (P.Giám Đốc Học viện Tài chính); TS Nguyễn Viết Lợi (nguyên phó trưởng Bộ môn kiểm toán, nguyên trưởng ban quản lý đào tạo, hiện nay là viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính - Bộ tài chính),….và còn nhiều Giảng viên kỳ cựu, tầm cỡ khác của Bộ môn kế toán doanh nghiệp vẫn kiêm nhiệm giảng dạy môn học kiểm toán từ năm 1992 cho đến ngày nay.

Hiện nay (năm 2019), Tổng số Giảng viên theo biên chế chính thức của bộ môn gồm 16 giảng viên, trong đó có 03 phó giáo sư, tiến sĩ; 09 tiến sĩ và 04 thạc sĩ. Trong 16 Giảng viên của Bộ môn có 04 Giảng viên có chứng chỉ hành nghề kiểm toán CPA của Việt Nam, 03 Giảng viên đã có chứng chỉ hành nghề của hiệp hội kế toán công chứng Vương Quốc Anh ACCA và nhiều Giảng viên khác của Bộ môn đang theo học đã gần xong chương trình đào tạo lấy chứng chỉ hành nghề của hiệp hội kế toán công chứng Vương Quốc Anh – ACCA và Viện kế toán công chứng Vương Quốc Anh và xứ wales - ICAEW.

Bên cạnh những Giảng viên được biên chế chính thức của Bộ môn, Bộ môn kiểm toán còn có hơn 40 Giảng viên là những nhà khoa học lớn trong và ngoài Học viện Tài chính thực hiện giảng dạy kiêm môn, kiêm chức và thỉnh giảng về kiểm toán có nhiều đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của Bộ môn kiểm toán.

Những Giảng viên của Bộ môn đều có quá trình đào tạo rất cơ bản, đúng chuyên ngành, đảm bảo năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn cũng như vững vàng về ngoại ngữ. Nhiều Giảng viên Bộ môn kiểm toán thực hiện giảng dạy bằng tiếng Anh cho các lớp chính quy (cả hệ chuẩn và hệ chất lượng cao, cả môn học kiểm toán bắt buộc, hay tự chọn) cho Hiệp hội kế toán công chứng Anh tại Việt Nam, cho các lớp đào tạo liên kết giữa Học viện Tài chính với các trường Đại học của Vương Quốc Anh tại Việt Nam.

Giảng viên Bộ môn kiểm toán luôn được thử thách, cọ xát bởi thực tiễn, bởi các lớp bồi dưỡng bên ngoài Học viện Tài chính của các Bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp. Thông qua các lớp này, với những yêu cầu, tiêu chuẩn và sự sàng lọc, tuyển chọn rất khắt khe về Giảng viên, các Giảng viên Bộ môn kiểm toán có nhiều cơ hội để thử thách và khẳng định mình về uy tín và năng lực chuyên môn.

Giảng viên Bộ môn kiểm toán luôn giữ vững và phát huy tốt truyền thống, uy tín của Khoa, của Học viện Tài chính, của các thế hệ đi trước, luôn khẳng định được năng lực chuyên môn trước mọi đối tượng, luôn giữ được uy tín của bản thân, của Bộ môn, của Khoa, của Học viện. Giảng viên Bộ môn kiểm toán hiện nay luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong điều kiện hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần khẳng định và nâng cao hơn nữa uy tín, thương hiệu của Học viện Tài chính, là nơi luôn đi đầu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao về tài chính, kế toán, kiểm toán của cả nước.

2. Nhiệm vụ chuyên môn của Bộ môn

Hiện nay, Bộ môn kiểm toán được giao nhiệm vụ giảng dạy 06 môn học (học phần) cho bậc Đại học, gồm: Kiểm toán căn bản; Kiểm toán căn bản bằng tiếng Anh; Kiểm toán báo cáo tài chính; Kiểm toán các chu kỳ chủ yếu (kiểm toán 1); Kiểm toán các thông tin tài chính khác (kiểm toán 2); Tổ chức quá trình kiểm toán (kiểm toán 3), Kiểm toán dự án đầu tư xây dựng cơ bản và ngân sách Nhà nước (kiểm toán 4).

Các môn học và loại hình đào tạo do Bộ môn kiểm toán đảm nhận gồm các hệ Đại học chính qui (gồm cả hệ chuẩn và hệ chất lượng cao), hệ tại chức, bằng hai, liên thông, cao học, nghiên cứu sinh và Bồi dưỡng.

Các giảng viên Bộ môn kiểm toán có học vị tiến sĩ còn tham gia giảng dạy cao học, trực tiếp hướng dẫn cao học viên làm luận án Thạc sĩ, tiến sĩ cho nhiều trường Đại học lớn của Việt Nam như kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học thương mại, Học viện Ngân hàng, Đại học kinh doanh và công nghệ,... Qua gần 20 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học về kiểm toán, 15 năm thành lập chuyên ngành, Bộ môn kiểm toán đã đào tạo gần 3.000 Sinh viên chuyên ngành kiểm toán cung cấp cho xã hội, gần 40 NCS làm luận án tiến sĩ về kiểm toán trực tiếp sinh hoạt tại Bộ môn kiểm toán đã hoàn thành luận án và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ của mình và đang làm việc hoặc giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt trong ngành kế toán, kiểm toán của đất nước.

3. Khối lượng giảng dạy hàng năm

Hàng năm, Bộ môn kiểm toán giảng dạy khoảng trên dưới 4.000 giờ cho các đối tượng chính quy, tại chức, bằng 2 và liên thông tại Học viện Tài chính (không tính khối lượng các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, khối lượng giảng dạy Đại học, sau Đại học, NCS cho các trường Đại học khác).

4. Công tác nghiên cứu khoa học của Bộ môn

- Hàng năm, Bộ môn kiểm toán luôn thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học được giao ở mọi cấp Bộ, ngành, Học viện, được nghiệm thu đánh giá xếp loại giỏi và xuất sắc.

- Các Giảng viên Bộ môn kiểm toán rất tích cực viết nhiều giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo về kiểm toán đáp ứng kịp thời yêu cầu giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện trong điều kiện hội nhập với những yêu cầu mới cho cả hệ chuẩn và hệ chất lượng cao, cho cả Học viện Tài chính và các trường Đại học khác.

Hệ thống tài liệu phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy về kiểm toán tại thư viện của Học viện Tài chính rất đầy đủ, kịp thời, đa dạng hóa các loại với hàng trăm thậm chí hàng nghìn đầu sách là các giáo trình, bài tập, đáp án, hỏi đáp về kiểm toán,  sách chuyên khảo, tham khảo, tạp chí về kiểm toán, các đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp bộ, Nhà nước về lĩnh vực kiểm toán.

- Các tài liệu về kiểm toán của Học viện Tài chính thường xuyên được Bộ môn tổ chức rà soát, cập nhật, hiệu đính, chỉnh sửa bổ sung kịp thời đảm bảo tính cập nhật thường xuyên và hệ thống.

- Hàng năm các giảng viên Bộ môn kiểm toán luôn có đầy đủ (mỗi giảng viên ít nhất có một bài báo khoa học) các bài báo khoa học theo qui định được đăng trên các tạp chí chuyên ngành và kỷ yếu khoa học của khoa, học viện.

- Nhiều giảng viên của Bộ môn là thành viên ban soạn thảo các văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán như: Luật, chuẩn mực kiểm toán độc lập và chuẩn mực kiểm toán Nhà nước, Trưởng Bộ môn kiểm toán PGS.TS Thịnh Văn Vinh là thành viên ban chỉ đạo soạn thảo chuẩn mực kiểm toán Nhà nước.

5. Định hướng phát triển của Bộ môn kiểm toán trong những năm tới

Trước sức ép hội nhập kinh tế Quốc tế sâu rộng, toàn diện và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những cơ hội và thách thức mới vô cùng to lớn. Bộ môn kiểm toán đã và đang có kế hoạch phát triển Bộ môn kiểm toán để đào tạo ra những cử nhân, những công dân (lao động) toàn cầu nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và việc sử dụng lao động trong điều kiện hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0 theo những định hướng cơ bản sau đây: 

- Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giảng viên của Bộ môn. Mỗi Giảng viên Bộ môn kiểm toán phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ của Giảng viên trong thời kỳ mới, thời kỳ hội nhập sâu rộng và yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0. Phải thực sự yêu nghề, vững vàng về tư tưởng và lập trường, nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tích cực học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải là những tấm gương thực sự trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho Sinh viên noi theo.

- Giảng viên Bộ môn kiểm toán phải nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ giảng dạy và NCKH trong tình hình mới, yêu cầu mới. Tích cực nghiên cứu, tham gia hội thảo khoa học, Quốc tế, Quốc gia, viết các bài báo khoa học đăng tạp chí trong nước, tạp chí Quốc tế. Tích cực đóng góp ý kiến cho Bộ tài chính, Kiểm toán Nhà nước để xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách, pháp luật và chuẩn mực về kế toán, kiểm toán phục vụ quản lý đất nước và hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn về kế toán, kiểm toán.

Giảng viên Bộ môn kiểm toán có học vị tiến sỹ tích cực học tập thi lấy chứng chỉ ACCA; CFAB của ACAEW; và CPA để phục vụ công tác giảng dạy nhất là giảng dạy chất lượng cao. Bộ môn kiểm toán phấn đấu đã là Giảng viên Đại học phải 100% đều có học vị tiến sĩ.

- Tích cực nghiên cứu và đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức. Tăng cường rà soát, chỉnh sửa, cập nhật nội dung khoa học, chương trình giảng dạy của tất cả các hệ đào tạo phù hợp với thông lệ Quốc tế trong điều kiện hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

- Thực hiện giảng dạy Đại học theo định hướng nghề nghiệp (Phương pháp giảng dạy POHE) và bám sát yêu cầu thực tiễn. Tăng cường Quan hệ chặt chẽ với các đối tác, các doanh nghiệp để đưa Sinh viên đi thực tế, thực tập, kiến tập và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

II. Giới thiệu sơ lược về chuyên ngành kiểm toán  

1. Lịch sử ra đời của chuyên ngành kiểm toán

Chuyên ngành kiểm toán của Học viện Tài chính chính thức ra đời và đào tạo từ năm 2004 với ký hiệu khóa đầu tiên CQ42.22. Khóa học đầu tiên của chuyên ngành kiểm toán ký hiệu là CQ42.22 chỉ có 01 lớp, điểm tuyển sinh vào chuyên ngành kiểm toán khóa đầu tiên lúc bấy giờ là 29.5 điểm. Các năm về sau, để đáp ứng nguyện vọng của Sinh viên, số lượng lớp Sinh viên chuyên ngành kiểm toán tăng lên 10 lớp mỗi năm với số Sinh viên mỗi năm của chuyên ngành kiểm toán khoảng 400 Sinh viên và điểm tuyển sinh vào chuyên ngành kiểm toán cũng luôn cao nhất Học viện Tài chính.

   2. Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành

Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành kiểm toán hiện nay là tạo ra những cử nhân (những lao động hay công dân toàn cầu) có kiến thức chuyên sâu về kiểm toán theo thông lệ Quốc tế, có trình độ cao, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt, có tác phong chuyên nghiệp, hiện đại, nắm vững kiến thức lý luận và thực tiễn về kiểm toán.

3. Việc làm của Sinh viên chuyên ngành kiểm toán sau khi tốt nghiệp ra trường

Sau 15 năm đào tạo, những Sinh viên chuyên ngành kiểm toán ra trường đều có việc làm ngay sau 03 tháng. Tỷ lệ Sinh viên có việc làm hiện nay của chuyên ngành kiểm toán cũng cao nhất nhì Học viện. Theo số liệu khảo sát của Ban công tác Chính trị và Sinh viên về kết quả việc làm 4 khóa 49, 50, 51, 52 gần nhất của chuyên ngành kiểm toán sau khi ra trường 1 năm cho thấy Sinh viên chuyên ngành kiểm toán sau 1 năm ra trường có việc làm từ 97,3% đến 98,1%. Tỷ lệ làm việc đúng chuyên ngành luôn ở mức trên 70%, tỷ lệ có việc làm không đúng chuyên ngành từ 3,8% đến 8,7%, số còn lại là làm việc gần đúng chuyên ngành.

Chuyên ngành kiểm toán chất lượng cao được đào tạo từ năm học 2018 – 2019 (CQ56). Chương trình đào tạo chuyên ngành kiểm toán chất lượng cao là chương trình đào tạo theo định hướng của Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) với sự kết hợp giữa chương trình đào tạo ĐH chuyên ngành kiểm toán hệ chuẩn của Học viện Tài chính hướng đến đào tạo ra những cử nhân, những lao động toàn cầu đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

 Sinh viên chuyên ngành kiểm toán chất lượng cao sẽ học 06 môn học theo giáo trình đào tạo toàn cầu cấp chứng chỉ Quốc tế CFAB (chứng chỉ về tài chính, kế toán và kinh doanh) được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu của Viện kế toán công chứng Vương Quốc Anh và xứ Wales – ICAEW.

Sinh viên chuyên ngành kiểm toán chất lượng cao khi học tập, đi thực tế, thực tập và dự thi lấy chứng chỉ Quốc tế ACCA và CFAB sẽ được các giảng viên, giáo viên của Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales tại Việt Nam, các đối tác ICAEW hỗ trợ trong giai đoạn thực tập, thực tế và tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.

Tốt nghiệp, Sinh viên chuyên ngành kiểm toán chất lượng cao được cấp bằng cử nhân ĐH chất lượng cao chuyên ngành kiểm toán có đủ các yêu cầu trên. Sinh viên tốt nghiệp Đại học hệ chuẩn hay hệ Đại trà không có được những kiến thức và yêu cầu này.

4. Cơ hội nghề nghiệp đối với Sinh viên chuyên ngành kiểm toán

Sinh viên chuyên ngành kiểm toán của Học viện Tài chính sau khi tốt nghiệp có khả năng đảm nhận các công việc với những cơ hội nghề nghiệp ở mọi lĩnh vực:

- Ở Lĩnh vực Doanh nghiệp (còn gọi là lĩnh vực tư): Làm việc ở mọi loại hình doanh nghiệp, từ trung ương đến địa phương, trong nước, nước ngoài không phân biệt thành phần kinh tế với các vị trí như kiểm toán viên, chủ nhiệm kiểm toán hay giám đốc kiểm toán của các công ty kiểm toán độc lập trong và ngoài nước (Big four); kiểm toán viên nội bộ, kiểm soát viên, các kế toán viên, kế toán trưởng, nhà tư vấn chứng khoán, đầu tư, tài chính, kế toán, kiểm toán cho mọi loại hình doanh nghiệp và mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Đặc biệt có đầy đủ kiến thức, kỹ năng thành lập mới, mua lại các doanh nghiệp đang hoạt động, có khả năng phân tích, đánh giá và định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp của mình một cách tốt nhất trong điều kiện hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

- Lĩnh vực Nhà nước (còn gọi là lĩnh vực công): Làm kiểm toán viên, tổ trưởng, trưởng đoàn kiểm toán thuộc loại hình kiểm toán Nhà nước, làm việc ở các Bộ ngành, tỉnh thành, các cơ quan quản lý kinh tế của nhà nước như: Thuế, Hải quan, Chứng khoán, Ngân hàng, Bảo hiểm, Kho bạc, Kế hoạch và đầu tư, quản lý thị trường, Tài chính Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Làm kế toán, kiểm toán ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, các đơn vị sử dụng công quỹ của Nhà nước .

- Lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giảng dạy: Làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu chính sách tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các Bộ, Ngành, Viện, Học viện, Trung tâm nghiên cứu, cơ quan quản lý kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế của cả nước.

Sinh viên chuyên ngành kiểm toán ra trường làm việc được xã hội và các tổ chức sử dụng lao động trong và ngoài nước đánh giá rất cao về chất lượng, uy tín và tính chuyên nghiệp, hiện đại. Hiện nay, chuyên ngành kiểm toán đang hướng tới đào tạo ra những lao động toàn cầu đáp ứng yêu cầu hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0.

 

 

Số lần đọc: 3983
Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin hoạt động  |  Thông báo  |  Ảnh hoạt động  |  Liên hệ  |  Trang TT HVTC
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ KHOA KẾ TOÁN
© Cơ quan chủ quản: Học viện Tài chính
Chịu trách nhiệm chính: Ths. Ngô Vút Bổng - Phó Giám đốc (PT) Trung tâm Thông tin
Địa chỉ: 53E, Phan Phù Piên - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: (04)37.338.680 37.338.681 37.338.682 Fax: :(04)37.304.320.
E-mail: | Website: http://www.hvtc.edu.vn/khoaketoan
Phát triển bởi Công ty TNHH Phần mềm Hoàng Hà