Hội thi “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng”: Cơ hội trải nghiệm nghiên cứu ứng dụng thực tế

  • 03-01-2019

TTTĐ- Sau 8 tháng phát động Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” lần thứ 3 năm 2018, sáng 20/5, vòng Chung khảo Hội thi đã diễn ra tại Học viện Tài chính. 11 nhóm tác giả bảo vệ đề tài nghiên cứu trước Ban giám khảo và hàng nghìn sinh viên. Đây là Hội thi do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam và Học viện Tài chính phối hợp tổ chức.

Bên lề Hội thi, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô có cuộc trao đổi với nhóm sinh viên của trường chủ nhà - Học viện Tài chính, lọt vào báo cáo chung khảo Hội thi với đề tài “Dự báo sai phạm trên báo cáo tài chính thông qua phân tích các tỷ suất tài chính: Nghiên cứu điển hình tại các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam” .
 

Thay mặt nhóm nghiên cứu, bạn có thể chia sẻ cảm xúc lúc này?
 

- Quả thực đến giờ này, chúng em mới chỉ cảm nhận được là đã hoàn thành xong một công việc quan trọng và hồi hộp chờ đợi kết quả đánh giá công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên trong cuộc đời.
 

Kinh tế lượng là môn học rất khó, để thực hiện một vấn đề nghiên cứu khoa học ứng dụng mô hình kinh tế lượng là một thử thách cho bất kỳ sinh viên nào, đặc biệt đối với những sinh viên năm thứ 2 và thứ 3. Tuy nhiên, điều gì cũng có sự khởi đầu. Chúng em khởi đầu bằng niềm tin bởi là nhóm sinh viên chuyên ngành năm thứ 3 và những sinh viên khóa đầu tiên trong chương trình chất lượng cao của Học viện Tài chính- một ngôi trường có bề dày về giảng dạy đào tạo về Tài chính và Kế toán.
 

Chúng em mạnh dạn chọn một đề tài theo chuyên ngành của mình và khá mới mẻ đó là dự báo khả năng sai phạm trên báo cáo tài chính của các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hi vọng nghiên cứu này của sẽ ý nghĩa thực tiễn và được ghi nhận.
 

- Bạn có thể chia sẻ về nội dung cơ bản của đề tài?
 

- Như một phần đã chia sẻ trên, chúng em xây dựng các mô hình nghiên cứu có thể dự báo được khả năng xảy ra sai phạm trên báo cáo tài chính của các công ty BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ đó đưa ra một số đề xuất cho các chủ thể sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính của các công ty BĐS niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Dự báo ở đây không phải dự báo tương lai công ty đó có khả năng sai phạm hay không mà là dự báo xem với các thông tin trên báo cáo tài chính của công ty đó như thế thì khả năng công ty này xảy ra sai phạm là bao nhiêu...


Nhóm sinh viên dự thi đến từ Học viện Tài chính


 

- Các bạn gặp khó khăn gì khi thực hiện đề tài?
 

- Đây là lần đầu tiên thực hiện một nghiên cứu khoa học nên về phương pháp nghiên cứu chúng em xuất phát từ con số không. Bên cạnh đó, kiến thức chuyên ngành đối với sinh viên năm thứ 2 và thứ 3 còn mỏng nên việc tìm tòi, tra cứu, tham khảo tài liệu trong và ngoài nước phải được thực hiện nghiêm túc và bài bản. Có được mục tiêu nghiên cứu thì việc chọn mô hình kinh tế lượng phù hợp và phần mềm STATA để phân tích dữ liệu đều nằm ngoài chương trình kinh tế lượng cơ bản nên cũng là những thách thức…
 

Ban đầu thấy những khó khăn chúng em cũng muốn bỏ cuộc. Song nhìn những anh chị đã thành công trong các Hội thi trước, cùng sự giúp đỡ chỉ bảo tận tình của tập thể giáo viên hướng dẫn hôm nay chúng em đã đứng ở đây - ở điểm cuối của chặng khởi đầu khoa học.
 

- Điều gì trong đề tài nghiên cứu mà các bạn tâm đắc nhất?
 

Dựa trên lý thuyết về gian lận và lý thuyết về Kế toán thực chứng, sử dụng F-SCORE (một mô hình được coi là công cụ hỗ trợ trong việc dự báo sai phạm của nhiều quốc gia trên thế giới) để đánh giá khả năng sai phạm của các công ty Bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
 

Đây là một vấn đề mà khá mới và chúng em hy vọng rằng kết quả nghiên cứu có ý nghĩa, giúp cho những người sử dụng thông tin trên Báo cáo Tài chính (kiểm toán viên, kiểm tra viên, thanh tra viên, chuyên viên thuộc các cơ quan chức năng của nhà nước, các nhà đầu từ, người đi vay, người cho vay, ngân hàng, nhà cung cấp….) khi ra các quyết định kinh tế đối với các công ty bất động sản.
 

 Bên cạnh giải thưởng chính thức sẽ nhận được từ Hội thi, các bạn đã nhận được gì sau 8 tháng thực hiện nghiên cứu đề tài của mình?
 

- Chúng em may mắn được theo học chương trình đào tạo chất lượng cao của học viện. Bên cạnh chương trình học tiên tiến, có tính thực tiễn và hội nhập chúng em được chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm, phương pháp nghiên cứu khoa học, tăng cường nâng cao trình độ ngoại ngữ.
 

Sau 8 tháng làm việc cùng nhau chúng em hiểu được vai trò quan trọng của teamwork và nghiên cứu khoa học không chỉ cần kiến thức chuyên ngành mà cần hơn đó là sự đam mê, lòng kiên trì, thậm chí phải biết chấp nhận cả sự thất bại…
 

Sau hội thi này, chúng em sẽ tích cực học tập, nghiên cứu để có những kết quả mới hơn, tốt hơn và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động khoa học tiếp theo. Chúng em cảm ơn nhà trường, Hội Sinh viên Việt Nam đã tạo ra một sân chơi học thuật bổ ích và rất có ý nghĩa và một lời cảm ơn sâu sắc chúng em muốn dành tặng tập thể cô giáo hướng dẫn, những thầy cô đã động viên, giúp đỡ chúng em trong quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài.
 

- Thông điệp bạn muốn gửi tới các bạn sinh viên sau khi tham gia Hội thi là gì?
 

- Qua hoạt động nghiên cứu này, chúng em muốn gửi thông điệp cho các bạn sinh viên rằng, ngoài việc học kiến thức trên lớp, chúng ta nên tìm hiểu và tham gia các hội thi về học thuật, cũng như việc thực hiện nghiên cứu khoa học. Khi đi vào nghiên cứu thì các bạn mới có thể hiểu sâu hơn về các kiến thức đã được học cũng như hiểu được khả năng ứng dụng các kiến thức vào thực tế.
 

Đặc biệt, sẽ càng hạnh phúc hơn khi giới thiệu những nghiên cứu, sản phẩm khoa học của chính chúng ta đến các chuyên gia và đông đảo mọi người, để khẳng định năng lực, hiểu biết của bản thân; đồng thời cũng tự tạo ra cơ hội trao đổi, giao lưu, học hỏi, liên kết nghiên cứu khoa học với các bạn sinh viên, giáo viên các nhà trường và doanh nghiệp... Điều đó thật sự hữu ích và hỗ trợ rất tốt cho chúng ta bước tới một chân trời rộng mở phía trước.
Trân trọng cảm ơn các bạn!

 BÌNH MINH