Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam và Học viện Tài chính được tổ chức thường niên vào dịp tháng 5 hàng năm. Đến nay trung bình mỗi năm có khoảng hơn 300 sinh viên đến từ 25-35 trường trên toàn quốc với khoảng 120-150 đề tài. Đã nhiều năm Hội thi có sự tham gia của sinh viên Việt nam ở nước ngoài.
Năm 2014, Hội thi ban đầu được tổ chức dưới hình thức Hội thảo cấp Khoa giữa Học viện Tài chính, Đại học Ngoại thương Hà Nội và Học viện Ngân hàng và kể từ năm 2016 được tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Hội thi là một môi trường để thúc đẩy sinh viên đến với nghiên cứu định lượng trong lĩnh vực kinh tế, tài chính ngay từ những năm đầu đại học.
Nhìn lại quá trình trưởng thành của sinh viên qua các kỳ Hội thi có thể thấy ngày đầu có nhiều đề tài thiếu kỹ năng trình bày nghiên cứu, hạn chế ứng dụng về mô hình, kết quả thu được thiếu tính thực tiễn hay tác giả thường là của sinh viên năm cuối thì đến nay đã có nhiều thay đổi. Bên cạnh sự vượt trội về số lượng trường, số lượng sinh viên, số đề tài thì chất lượng các đề tài được nâng lên rõ rệt. Nhiều đề tài viết và báo cáo bằng tiếng, tỷ lệ sinh viên năm nhất, năm hai tăng lên,….và đến Hội thi 2021, lần đầu tiên sân chơi dành lại cho sinh viên không là năm cuối. Ban tổ chức mong muốn các em đến với khoa học sớm hơn, tiếp cận nghiên cứu định lượng sớm hơn, sẵn sàng chuẩn bị kiến thức tốt cho công trình nghiên cứu khóa luận, luận văn tốt nghiệp đại học và ứng dụng định lượng sau khi tốt nghiệp ra trường.
Kết quả sau mỗi Hội thi, có nhiều đề tài hoàn thiện và được nhận đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Ví dụ như đề tài của nhóm sinh viên Học viện Tài chính về xếp hạng tín dụng được đăng trên Tạp chí Kinh tế Đối ngoại của Đại học Ngoại thương, đề tài của nhóm sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và Học viện Tài chính về phân lớp khách hàng bảo hiểm được đăng trên Tạp chí Tài chính Kế toán, đề tài đạt giải nhất của nhóm sinh viên Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 đã được nhận đăng ở Studies in Computational Intelligence là tạp trí trong danh mục Scopus và có đề tài được nhận đăng trên tạp chí International Journal of Economic Research….
Hội thi hướng đến ứng dụng các mô hình toán, mô hình kinh tế lượng và tin học để giải quyết bài toán trong kinh tế xã hội là vấn đề rất khó. Quá trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi sự đồng hành của giáo viên, sự kiên trì không chỉ một sinh viên mà còn là sự kết hợp khoa học của sinh viên nhiều chuyên ngành,… Quá trình làm việc say mê với quyết tâm cao sẽ tạo ra sự gắn kết giữa giáo viên, sinh viên và là nền tảng hình thành các nhóm nghiên cứu, giúp sinh viên được trải nghiệm quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, trung thực, hiệu quả,… Hội thi là sân chơi để sinh viên mạnh dạn trình bày kết quả nghiên cứu ban đầu, không nhất thiết các kết quả phải quá hoàn thiện mà quan trọng đó là sự tự tin của sinh viên, khuyến khích sinh viên đem đến hội thi những ý tưởng, những nghiên cứu để được giao lưu, học hỏi.
Đồng hành với Hội thi là các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế nhiệt tình và tâm huyết tham gia Hội đồng chuyên môn và Ban giám khảo: TS. Võ Trí Thành, TS. Lê Xuân Nghĩa, TS. Nguyễn Thắng, PGS., TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, PGS.,TS Nguyễn Đức Thành, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, TS. Nguyễn Việt Hùng và nhiều nhà khoa học trong ban cố vấn. Tham gia Hội thi sinh viên sẽ được hoàn thiện hơn về kỹ năng trình bày, phương pháp tiếp cận, giải quyết vấn đề khoa học,… khuyến khích phản biện để bảo vệ kết quả nghiên cứu của mình… từ đó trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và bản lĩnh nghiên cứu khoa học.
Kể từ năm 2022, Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ trở thành đơn vị đồng tổ chức Hội thi. Viện Toán học sẽ cử các chuyên gia cố vấn về vấn đề mô hình toán học để phối hợp đánh giá và lựa chọn các đề tài đạt giải Hội thi; Xây dựng các hoạt động khoa học, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và ứng dụng các mô hình toán học; Hỗ trợ các đề tài đạt giải hoàn thiện và phát triển thành nghiên cứu ứng dụng hiệu quả.
Cùng với sự cống hiến về chuyên môn của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, trong những năm qua Hội thi nhận được sự chia sẻ và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Sự đồng hành của các doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định thành công của Hội thi. Đã có nhiều doanh nghiệp đồng hành cùng Hội thi từ những ngày đầu tiên như Trường Đào tạo Cán bộ BIDV, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Đại học Quốc gia, Ngân hàng Vietcombank, Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Trung Nam, Công ty World Quant, Ngân hàng Quốc Dân, Ngân hàng An Bình, Ngân hàng VPBank, Tập đoàn Dầu Khí quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty vận tải Thủy, Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà, Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai, Công ty Sơn Hải Phòng, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần giải pháp hệ thống thông tin ISS Việt Nam, Vinaphone Hà Nội, Tập đoàn Công nghệ BKAV, Công ty TNHH MTV Xổ Số Điện toán Việt Nam (Vietlott)… Các Doanh nghiệp đến với hội thi không chỉ vì triết lý “Kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, cộng đồng”, mà mong muốn xây dựng Hội thi ngày một lớn mạnh, giúp sinh viên nói chung, sinh viên Học viện Tài chính nói riêng một sân chơi nghiên cứu khoa học, từ đó hình thành và cung cấp tư duy lượng hóa, mô hình hóa các bài toán kinh tế, góp phần đào tạo và xây dựng các thế hệ sinh viên trở thành các nhà quản lý, chuyên gia, chuyên viên kinh tế, tài chính giỏi cho đất nước….
Hội thi cũng đã tổ chức được các hoạt động bên lề Hội thi như DIỄN ĐÀN SINH VIÊN KHỞI NGHIỆP; Bài nói chuyện chủ đề: “Kỳ vọng về tính thực tiễn trong NCKH của sinh viên” - Góc nhìn từ doanh nghiệp, của diễn giả TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo Cán bộ BIDV và chủ đề “Bản lĩnh trí thức trẻ thời kỳ hội nhập” với diễn giả Lê Vĩnh Sơn, chủ tịch tập đoàn Sơn Hà.
Ban tổ chức Hội thi hy vọng rằng tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy - Ban giám hiệu các trường, sự đồng hành của ban giám khảo, ban cố vấn, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong tổ chức trong đó hướng đến đặt hàng đề tài, chủ đề nghiên cứu để tạo ra động lực và định hướng cho các nghiên cứu hiệu quả và có tính thực tiễn hơn.