Các sinh viên tốt nghiệp phải có đủ khả năng tham dự các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế về nghề nghiệp để khẳng định uy tín của cơ sở đào tạo và cũng là để khẳng định năng lực và đẳng cấp về chuyên môn không chỉ giới hạn ở Việt Nam, mà là trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là mục tiêu đào tạo của Chuyên ngành Phân tích tài chính (PTTC), mã chuyên ngành: 09 - do các giảng viên bộ môn Phân tích tài chính doanh nghiệp (PTTCDN), Khoa Tài chính doanh nghiệp (TCDN) Học viện Tài chính trực tiếp giảng dạy và quản lý..
Hình thành và phát triển gắn liền với lịch sử ra đời và phát triển của Học viện Tài chính, Bộ môn PTTCDN (tiền thân là bộ môn Phân tích hoạt động kinh tế) hiện có 14 giảng viên, trong đó có 01 giảng viên kiêm chức và 13 giảng viên cơ hữu bao gồm 2 PGS.,TS, 6 Tiến sĩ (1 Tiến sĩ bảo vệ tại Úc) và 6 thạc sỹ . Bộ môn hiện có 4 giảng viên đang làm NCS (có 1 NCS ở nước ngoài). Tập thể Bộ môn luôn tự hào đã cố gắng học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học xứng đáng là Tập thể lao động tiên tiến, Tập thể lao động xuất sắc nhiều năm liên tục.
Từ khi thành lập đến nay, Bộ môn đã hướng dẫn hàng trăm nghiên cứu sinh và Học viên cao học bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ kinh tế liên quan đến đề tài PTTC, 22 cuốn giáo trình và sách chuyên khảo đã được xuất bản, trên 100 bài báo đã được công bố trên các tạp chí khoa học, 25 báo cáo khoa học đã được trình bày tại các hội nghị, hội thảo khoa học, trên 40 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế. Với những thành tựu to lớn đó, tập thể bộ môn và các giảng viên của Bộ môn đã vinh dự được trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý: Tập thể bộ môn và 2 giáo viên của bộ môn được tặng Huân chương Lao động hạng ba; nhiều giáo viên của bộ môn được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ Tài chính; nhiều năm liền bộ môn được công nhận là Tập thể lao động xuất sắc; v.v.
Tập thể giảng viên Bộ môn Phân tích tài chính doanh nghiệp
Chuyên ngành Phân tích tài chính (mã chuyên ngành: 09, thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng)
Cùng với quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập kinh tế toàn cầu mạnh mẽ của đất nước, nhu cầu về một đội ngũ lao động có trình độ chuyên sâu về PTTC để có thể hành nghề độc lập và chuyên nghiệp, có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn giỏi, … theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp quốc tế, từ năm học 2017- 2018, xuất phát từ khả năng và năng lực về đào tạo PTTC, Bộ môn đã chính thức được phép tuyển sinh khoá đầu tiên Chuyên ngành PTTC. Đây cũng là chuyên ngành PTTC đầu tiên trong cả nước.
*Về mục tiêu đào tạo: Cử nhân kinh tế chuyên ngành PTTC có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, sức khỏe tốt, tư duy tổng hợp về kinh tế, nắm vững kiến thức tài chính, ngân hàng, kế toán - kiểm toán… đặc biệt có kiến thức chuyên sâu và kỹ năng PTTC vi mô và vĩ mô, dự báo tài chính, có khả năng đánh giá hiệu lực và hiệu quả chiến lược, kế hoạch tài chính đã xây dựng, triển khai trong DN, ngân hàng, đơn vị hành chính sự nghiệp, phân tích hiệu quả và giám sát các chính sách tài chính vĩ mô, vi mô.
Điểm nổi bật trong chương trình đào tạo cử nhân kinh tế - chuyên ngành PTTC là chương trình được thiết kế tiếp cận với chương trình học thuật và hành nghề chuẩn quốc tế theo chứng chỉ CFA - Chứng chỉ PTTC uy tín hàng đầu thế giới cấp bởi Hiệp hội CFA (Hoa Kỳ). Bởi vậy, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức để có thể hướng tới sở hữu chứng chỉ danh giá này sau khi ra trường. Bộ môn cũng đang nỗ lực xây dựng chương trình để có thể được Hiệp hội CFA công nhận chương trình đào tạo trong thời gian tới.
*Các tiêu chuẩn đầu ra đối với sinh viên tốt nghiệp Chuyên ngành PTTC:
Thứ nhất, Chuẩn về kiến thức:
+ Khối kiến thức đại cương: cung cấp kiến thức nền tảng về phương pháp luận, nhân sinh quan, thế giới quan để học tập, nghiên cứu và làm viêc trong bối cảnh hội nhập kinh tế
+ Khối kiến thức chung của Học viện Tài chính: chuyên sâu về quản lý kinh tế, tài chính, kinh doanh, có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu làm việc trong môi trường quốc tế.
+ Khối kiến thức của khối ngành tài chính – ngân hàng: nắm chắc và vận dụng được các lý thuyết căn bản về tài chính, tiền tệ, Ngân hàng, tài chính… có khả năng đọc hiểu các báo cáo tài chính, báo cáo kiểm tra, kiểm toán và quyết toán kinh phí, sử dụng có hiệu quả các công cụ phân tích kinh tế, đầu tư, kinh doanh để giải quyết các vấn đề căn bản về quản lý kinh tế, quản lý nhà nước về kinh tế và quản trị tài chính căn bản.
+ Khối kiến thức chuyên ngành PTTC bao gồm việc kết hợp giữa PTTC cơ bản và khối kiến thức chuyên sâu về PTTC với các kiến thức bổ trợ từ các chuyên ngành đào tạo của Học Viện Tài chính để hình thành các kỹ năng phát hiện, đánh giá và giải quyết các vấn đề cốt lõi về quản trị tài chính phát sinh ở mỗi đơn vị như: phân tích cơ bản, phân tích báo cáo tài chính, phân tích rủi ro, chiến lược quản trị danh mục đầu tư, sử dụng thành thạo, có hiệu quả các công cụ PTTC vào quản trị tài chính trong từng bối cảnh cụ thể bao gồm cả kiến thức thực tập và luận văn tốt nghiệp.
+ Có trình độ lý luận chính trị theo chương trình quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo
+ Có chứng chỉ Giáo dục thể chất theo chương trình quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo
+ Có chứng chỉ Giáo dục quốc phòng – an ninh theo chương trình quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, Chuẩn về kỹ năng: đáp ứng được cả 2 tiêu chí: kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng mềm.
+ Kỹ năng nghề nghiệp:
Cử nhân tốt nghiệp có kỹ năng lập luận và tư duy nghề nghiệp thông quan các tiêu chí như: khả năng lập kế hoạch về ngân sách, nhân sự, chương trình…tổ chức điều hành công tác, tổ chức chuyên môn, đặt mục tiêu, tạo động lực, xây dựng đội ngũ, quảng bá thương hiệu của tổ chức, phát hiện, đánh giá và phân tích định tính, định lượng các vấn đề ngay cả khi thiếu thông tin, khái quát hóa và giải quyết vấn đề, đề xuất giải pháp và kiến nghị…;
Có kỹ năng khám phá kiến thức, tư duy hệ thống, nhận biết và phân tích tình hình, các nhân tố tác động thông qua khả năng xây dựng giả thuyết khoa học, thu thập, xử lý thông tin chứng minh các giả thuyết, xác định mối tương quan giữa các vấn đề, trọng tâm cần ưu tiên giải quyết, tác động của các chính sách, chiến lược tài chính đến xã hội và yêu cầu của xã hội đối với ngành tài chính gắn với bối cảnh lịch sử, văn hóa, dân tộc, thời đại, phân tích các nhân tố bên trong và bên ngoài đơn vị ảnh hưởng trọng yếu, lâu dài đến sự phát triển của đơn vị, ngành...
+ Kỹ năng mềm: Cử nhân chuyên ngành PTTC phải đạt được các kỹ năng tự chủ, làm việc nhóm, quản lý và lãnh đạo, giao tiếp… để phục vụ cho cuộc sống và luôn tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp trọng bối cảnh môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội…liên tục thay đổi
Thứ ba, Chuẩn về thái độ, phẩm chất đạo đức
Sinh viên được đào tạo để tốt nghiệp phải đạt được chuẩn về đạo đức cá nhân, đạo đức nghề nghiệp và đạo đức xã hội. Đạo đức cá nhân được giáo dục và rèn luyện về ý chí, ý thức về phẩm chất, nghị lực để sẵn sàng đương đầu với rủi ro, khó khăn, luôn kiên trì, tự tin, lạc quan, chính trực, công tâm, sáng tạo trong công việc và cuộc sống.
Đạo đức nghề nghiệp thông qua khơi dậy và bồi đắp tinh thần dũng cảm, có khả năng và biết cách bảo vệ uy tín, đạo đức nghề nghiệp, hành vi ứng xử chuyên nghiệp, phối hợp với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng chủ động hoàn thành nhiệm vụ; đạo đức xã hội thông qua việc chấp hành, tuân thủ pháp luật, ủng hộ và bảo vệ cái đúng, có trách nhiệm với cá nhân và cộng đồng, sáng tạo và đổi mới.
Thứ tư, Chuẩn về trình độ ngoại ngữ, tin học
Sinh viên được công nhận tốt nghiệp khi đạt chuẩn ngoại ngữ, sử dụng thành thạo ít nhất 1 ngoại ngữ, sử dụng thành thạo máy tính trong công tác chuyên môn, luôn có nhu cầu và động lực để vươn ra sân chơi quốc tế.
*Về định hướng nghề nghiệp:
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính tác động đến mọi ngành nghề, lĩnh vực, cùng với đó là nhiệm vụ tái cơ cấu tài chính các tập đoàn tổng công ty cũng như sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường tài chính, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đang dần có hiệu lực..., yêu cầu về phân tích, đánh giá rủi ro, phân tích tình hình tài chính các tập đoàn, DN cũng như phân tích các công cụ đầu tư sẽ ngày càng được coi trọng. Bởi vậy, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành PTTC có lựa chọn đa dạng về tổ chức, môi trường làm việc trong nước và quốc tế.
Sinh viên chuyên ngành PTTC có thể làm việc trong các bộ phận PTTC ở các DN, ngân hàng, tổ chức tài chính, công ty chứng khoán, các trường đại học, các Bộ, Ban, ngành của chính phủ và tổ chức phi chính phủ, trở thành các chuyên gia PTTC của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư tài chính trong và ngoài nước… tham mưu, cố vấn, trợ lý cho nhà quản lý các cấp...
Những sự kiện nổi bật
Năm học 2017 - 2018 đánh dấu sự hình thành chuyên ngành PTTC khoá đầu tiên gồm hai lớp 09.01 và 09.02 với gần 70 sinh viên. Để thực hiện đúng cam kết là tạo ra một môi trường học tập mở cho sinh viên, gắn lý thuyết với thực tiễn, các thầy cô trong bộ môn PTTCDN đã rất sát sao trong việc nắm bắt nguyện vọng của sinh viên. Những buổi gặp gỡ giữa giảng viên với sinh viên, hay trao đổi trực tiếp giữa sinh viên với cố vấn học tập - PGS.TS. Nghiêm Thị Thà, Phó Trưởng khoa TCDN, Trưởng bộ môn PTTCDN diễn ra thường xuyên trong không khí cởi mở.
Giảng viên bộ môn Phân tích TCDN và các sinh viên CQ55 chuyên ngành PTTC
Thông qua những buổi gặp gỡ, trao đổi cởi mở giữa thầy cô với sinh viên, Bộ môn PTTCDN đã có những giải pháp tích cực để hỗ trợ các em yên tâm học tập. Tại lễ sơ kết học kỳ I năm học 2017 - 2018 của Khoa TCDN, lãnh đạo bộ môn đã liên hệ với Công ty TNHH MTV xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) trao 05 suất học bổng cho sinh viên chuyên ngành PTTC, trị giá mỗi suất học bổng là 10 triệu đồng dành cho các sinh viên đạt kết quả cao đầu vào và các sinh viên khắc phục hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Đây là nghĩa cử cao đẹp, là sự động viên quý báu của thầy cô Bộ môn PTTC DN, Ban lãnh đạo Công ty Vietlott đối với sinh viên chuyên ngành PTTC.
Phó Tổng GĐ công ty TNHH MTV Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott)
– ông Nguyễn Thanh Đạm trao học bổng khuyến khích học tập cho các sinh viên
CQ55 chuyên ngành PTTC
Đặc biệt, năm 2018 với sự tài trợ của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) dưới sự bảo trợ chuyên môn của Bộ môn PTTCDN và Bộ môn Đầu tư tài chính, cuộc thi Phân tích đầu tư tài chính lần đầu tiên được tổ chức ở Học viện Tài chính đã thành công tốt đẹp. Cuộc thi giúp các sinh viên gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, được trải nghiệm thực tế hoạt động đầu tư cổ phiếu, xây dựng danh mục đầu tư, cũng như tìm hiểu những phương thức đầu tư, những công cụ giao dịch, cách thức áp dụng phân tích cơ bản và phân tích kĩ thuật trong phân tích đầu tư chứng khoán.
Tuy là lần đầu tiên tổ chức nhưng cuộc thi đã tỏ rõ sức hấp dẫn đông đảo sinh viên trong Học viện. Vòng sơ loại đã diễn ra thành công ngoài mong đợi với 61 đội chơi gồm trên 300 sinh viên đến từ nhiều chuyên ngành như PTTC, Đầu tư tài chính, TCDN, Định giá tài sản, Kế toán, Kiểm toán... Tại đây, các đội chơi đã trải qua một bài thi trắc nghiệm kiến thức bao gồm các câu hỏi liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên ngành PTTC và Đầu tư tài chính trong thời gian 25 phút để lựa chọn 10 đội cao điểm nhất bước vào Vòng trải nghiệm. 10 đội xuất sắc nhất vượt qua Vòng loại đã thực hiện đầu tư thực tế trong 15 phiên giao dịch bằng tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại Công ty cổ phần chứng khoán MB với số dư ban đầu tối thiểu 2.000.000 đồng. Trong đó công ty chứng khoán tài trợ 1.000.000 đồng/01 tài khoản, số còn lại do các bạn sinh viên đóng góp, đội mở tài khoản có giá trị cao nhất là 4.000.000 đồng. Điều đặc biệt, tất cả 4 đội lọt vào Vòng chung kết cuộc thi sẽ được trở thành nhân viên tập sự và có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS). Đây là cơ hội lớn dành cho sinh viên Học viện Tài chính và chuyên ngành PTTC trong việc có thể tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
PGS.TS Trương Thị Thủy – PGĐ HVTC; PGS.TS Bùi Văn Vần – Trưởng khoa TCDN cùng chị Nguyễn Thị Quỳnh Thông – GĐ khối nhân sự tổng hợp, CTCP chứng khoán MB trao giải cho đội vô địch: Đội Đèn giao thông
Các đội chơi chụp hình lưu niệm cùng BTC và nhà tài trợ cuộc thi
Các đại biểu dự Vòng Chung kết cuộc thi “Phân tích đầu tư tài chính 2018”
Thực tiễn đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về trang bị các kiến thức PTTC hiện đại nhằm tiếp cận tốt hơn với thông lệ quốc tế về đào tạo ngành Tài chính- Ngân hàng, ngành kế toán, kiểm toán… đáp ứng yêu cầu thay đổi của chính sách, cơ chế quản lý tài chính tại các đơn vị kinh tế trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, phục vụ tốt hơn việc cập nhật kiến thức và nâng cao hiệu quả quản trị tài chính tại đơn vị, đánh giá đúng đắn các hoạt động tài chính và hiệu quả kinh tế của đơn vị trong nền kinh tế mở hiện nay. Học viện Tài chính nói chung và tập thể bộ môn PTTC DN nói riêng đã và đang hiện thực hoá những cam kết về chuẩn đầu ra đối với sinh viên chuyên ngành PTTC, để trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức phân tích, mà còn cả kỹ năng làm việc thực tế cũng như hỗ trợ về công việc đầu ra cho sinh viên. Với những nỗ lực đó, chúng ta có quyền tin rằng sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính sau khi ra trường sẽ đủ tự tin để đáp ứng yêu cầu của thị trường tài chính quốc tế, hướng tới hội nhập quốc tế cùng nền kinh tế đất nước.
Một số hình ảnh về hoạt động của bộ môn Phân tích TCDN và sinh viên chuyên ngành Phân tích tài chính:
Các sinh viên tham dự Vòng chung kết cuộc thi Phân tích đầu tư tài chính hào hứng trước buổi đào tạo tại MBS
PGS. TS. Nghiêm Thị Thà – Phó trưởng Khoa TCDN, Trưởng bộ môn PTTCDN, Trưởng BTC Cuộc thi"Phân tích đầu tư tài chính" đang trao đổi với các sinh viên tại buổi đào tạo Trải nghiệm đầu tư chứng khoán
Thầy và trò cùng chăm chú nghe các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và bí quyết
trong đầu tư chứng khoán
BỘ MÔN PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP