HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Bộ môn Tài chính doanh nghiệp
Thứ hai, 12/08/2019 - 12:44

BỘ MÔN TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP VỚI VIỆC ĐÀO TẠO CHẤT LƯỢNG CAO CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

PGS.,TS Nguyễn Thị Hà

Học viện Tài chính

 

Đào tạo chất lượng cao trong các trường đại học là xu hướng tất yếu của các nước và Việt Nam. Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực vừa có kiến thức chuyên môn tốt, vừa có năng lực tiếng Anh và kỹ năng làm việc tốt ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu đó, các trường đại học đã và đang phát triển những chương trình đào tạo chính quy bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế dưới những hình thức và tên gọi khác nhau như:  chương trình đào tạo chất lượng cao; chương trình đạo tạo đặc biệt chất lượng cao, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế,...Việc tổ chức đào tạo các chương trình chất lượng cao bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai từ năm 2010 tại một số cơ sở đào tạo tại phía Bắc. Tuy nhiên, chính thức được các cơ sở giáo dục tổ chức tuyển sinh và đào tạo từ khi có Công văn số 5746/BGDĐT-GDĐH, ngày 29/8/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc tuyển sinh đào tạo chất lượng cao. Điều này càng khẳng định hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong phát triển giáo dục và đào tạo hệ đại học.

Học viện Tài chính đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo chương trình chất lượng cao bắt đầu từ  năm 2016 với hai chuyên ngành là Kế toán và Tài chính doanh nghiệp. Chương trình đã và đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn nhân lực chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế của các tổ chức, các doanh nghiệp Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp đáp ứng các yêu cầu: có kiến thức cơ bản vững vàng, trình độ chuyên môn giỏi và năng lực sáng tạo cao; có trình độ tiếng Anh (hoặc một ngoại ngữ khác) tốt về cả bốn kỹ năng: đọc, viết, nghe, nói; có thể giao tiếp, trao đổi với các đồng nghiệp nước ngoài về chuyên môn và những vấn đề xã hội thông thường. Thực trạng việc tổ chức triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng trên cơ sở chương trình đại trà đang đào tạo tại các cơ sở giáo dục có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: bổ sung thêm các học phần ngoại ngữ nâng cao, tham khảo chương trình đào tạo của nước ngoài, tài liệu giảng dạy chính phần lớn là giáo trình của các trường đại học nước ngoài, sinh viên phải viết khóa luận bằng tiếng Anh,... Ngoài các môn giáo dục đại cương, khoa học chính trị Mác Lê nin, khoa học xã hội dạy bằng tiếng Việt, các môn học chuyên ngành, tuỳ thuộc vào đội ngũ giảng viên sẽ tổ chức giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, có giáo trình bằng tiếng Anh và slide tiếng Anh. Nhiều môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh với phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm và tích cực áp dụng mô hình thực tiễn vào học tập; thảo luận nhóm; thuyết trình; làm seminar thực hiện các bài tập hình huống, tham quan thực tế tại các doanh nghiệp.

Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đón nhận Huân chương Lao động Hạng 3

 

*Đánh giá những thành tích đạt được của Bộ môn TCDN trong đào tạo CLC đối với sinh viên chuyên ngành TCDN:

Năm học 2016- 2017, Tài chính doanh nghiệp là một trong hai chuyên ngành được lựa chọn đào tạo theo chương trình chất lượng cao lần đầu tiên ở Học viện Tài chính với 92 sinh viên ban đầu của CQ54/11CLC chia thành 2 lớp. Đến năm học 2017- 2018, Bộ môn TCDN tiếp tục được Học viện giao nhiệm vụ đào tạo hệ chất lượng cao với 6 lớp CQ55/11CLC gồm 132 sinh viên, tăng 43% so với CQ54/11CLC. Đến năm học 2018-2019, số sinh viên tham gia chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành TCDN là 116 sinh viên và được chia thành 4 lớp 56/11CLC.

Trong 3 năm qua dưới sự chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa Khoa và các Ban trong Học viện, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu trong đào tạo chất lượng cao đối với sinh viên chuyên ngành TCDN, cụ thể:

- Thứ nhất, về học liệu: Bộ môn TCDN đã tích cực và chủ động biên soạn nhiều tài liệu dùng trong giảng dạy các lớp CLC. Đầu tiên phải kể đến là cuốn giáo trình “Tài chính doanh nghiệp” do PGS.,TS Bùi Văn Vần và PGS.,TS Vũ Văn Ninh đồng chủ biên xuất bản năm 2013 và tái bản năm 2015. Cuốn giáo trình được thiết kế làm 20 chương theo một trình tự logic về nội dung, xuyên suốt và có tính hệ thống, các ký hiệu chuẩn quốc tế giúp người học tiếp thu dễ dàng. Bên cạnh việc kế thừa những tinh hoa của thế hệ đi trước, nội dung cuốn giáo trình được cập nhật và đổi mới cho phù hợp và đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường cũng như của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Cuốn tiếp theo là cuốn textbook “Corporate Finance” xuất bản năm 2014 do PGS.,TS Vũ Văn Ninh chủ biên. Cuốn giáo trình TCDN bằng tiếng Anh được thiết kế làm 7 chương bao gồm những nội dung hết sức cơ bản về TCDN cũng là một cuốn giáo trình quan trọng giúp cho sinh viên CLC sử dụng làm tài liệu tham khảo và nghiên cứu. Cuốn “Hệ thông câu hỏi và bài tập Tài chính doanh nghiệp” xuất bản năm 2014 do PGS.,TS Bùi Văn Vần và PGS.,TS Đoàn Hương Quỳnh đồng chủ biên và cuốn bài tập lớn môn học Tài chính doanh nghiệp do PGS.,TS Bùi Văn Vần và PGS.,TS Vũ Văn Ninh đồng chủ biên đã và đang được dùng làm sách bài tập chính cho sinh viên các chuyên ngành nói chung và cho các lớp CLC nói riêng; bên cạnh đó là cuốn “Bài tập tài chính doanh nghiệp” được biên soạn bằng tiếng Anh xuất bản 2014 do PGS.,TS Đoàn Hương Quỳnh và TS. Phạm Thị Vân Anh đồng chủ biên. Năm 2018 bộ môn đã hoàn thành và bắt đầu đưa vào sử dụng giảng dạy cho sinh viên chất lượng cao cuốn textbook “Corporate Finance” do TS.Phạm Thị Vân Anh và TS. Diêm Thị Thanh Hải đồng chủ biên và cuốn bài tập tình huống và bài tập lớn môn TCDN bằng tiếng Anh dành cho chương trình đào tạo CLCCorporate finance- Case studyand assignment”do PGS.,TS Nguyễn Thị Hà và PGS.,TS Phạm Thị Thanh Hòa đồng chủ biên. Bên cạnh những cuốn tài liệu chính nêu trên, bộ môn còn biên soạn nhiều cuốn sách chuyên khảo, sách tham khảo, sách hướng dẫn hữu ích giúp cho sinh viên CLC sử dụng phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu như: “Lập và quản lý ngân sách doanh nghiệp” xuất bản năm 2013 do PGS.,TS Vũ Văn Ninh và PGS.,TS Mai Ngọc Anh đồng chủ biên; cuốn “300 câu hỏi trắc nghiệm môn Tài chính doanh nghiệp” xuất bản năm 2015 do PGS.,TS Đoàn Hương Quỳnh và PGS.,TS Nguyễn Thị Hà đồng chủ biên;cuốn “Quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp”, xuất bản năm 2016 do PGS.,TS Vũ Văn Ninh và PGS.,TS Phạm Thị Thanh Hòa đồng chủ biên; cuốn sách chuyên khảo “Sáp nhập, hợp nhất, mua bán doanh nghiệp- Lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” xuất bản năm 2016 do PGS.,TS Nguyễn Thị Hà chủ biên; cuốn sách chuyên khảo “Quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp- lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” do PGS.,TS Phạm Thị Thanh Hòa chủ biên...và nhiều cuốn tài liệu khác do các giáo viên trong Bộ môn TCDN biên soạn. Nhìn chung hệ thống tài liệu bao gồm giáo trình, bài giảng gốc, sách hướng dẫn, sách chuyên khảo, sách tham khảo do các giáo viên bộ môn TCDN trực tiếp biên soạn là khá phong phú, đi vào những lĩnh vực chuyên sâu về TCDN, đảm bảo cho sinh viên chương trình CLC nói riêng và các sinh viên trong Học viện nói chung được tiếp cận với những nội dung khoa học mới, hiện đại và phù hợp với xu thế phát triển chung của nền kinh tế thị trường và đáp ứng với điều kiện hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Một số học liệu chủ yếu của Bộ môn phục vụ đào tạo chuyên ngành TCDN

- Thứ hai, về đội ngũ giảng viên giảng dạy các lớp CLC: Bộ môn đã thực hiện lựa chọn và phân công đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình chất lượng cao đều có trình độ cao, từ tiến sỹ trở lên; tốt nghiệp đúng chuyên ngành; hầu hết được đào tạo tại nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm để tham gia giảng dạy bằng tiếng Anh, vững về chuyên môn và bề dày về nghiên cứu khoa học. Toàn bộ chương trình áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, lấy sinh viên làm trung tâm, truyền cảm hứng về ngành nghề cho người học. Với các giảng viên có trình độ tiếng Anh tốt tham gia giảng dạy đã giúp sinh viên không những tăng cường vốn từ chuyên ngành mà còn phát triển kỹ năng ngoại ngữ trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo, thuận lợi trong tuyển dụng tại những công ty đa quốc gia. Các thầy cô tham gia giảng dạy các lớp CLC ngoài có chuyên môn sâu thì còn rất tâm huyết với nghề, có kỹ năng giảng dạy tốt, tạo nên những giờ học hấp dẫn, thú vị cho sinh viên.

Thầy cô giáo Bộ môn Tài chính doanh nghiệp chụp ảnh kỷ niệm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11

- Thứ ba, về thực tập/kiến tập: Bộ môn đã dành nhiều sự quan tâm đối với công tác tổ chức và việc học tập, rèn luyện của các lớpchất lượng cao; phối hợp với Khoa chủ động liên hệ với ACCA và Tổng công ty 319, CTCP kim khí Hà Nội, công ty ABB Việt Nam, công ty KPMG Việt Nam, công ty IBM Việt Nam, Tập đoàn An Phát, công ty Honda Việt Nam để đưa sinh viêncác lớp chất lượng cao đi thực tế môn học, gắn kết học với hành thực hiện mục tiêu và chương trình đào tạo đã đề ra.Sinh viên được tham gia kiến tập, thực tập tại các tập đoàn, công ty đa quốc gia, công ty lớn giúp các em vận dụng tốt lý thuyết vào công việc thực tế. Để làm được việc này, Bộ môn đã tích cực liên hệ địa điểm cho sinh viên kiến tập. Bộ môn đã lên kế hoạch, thiết kế chương trình cụ thể, thiết kế chi tiết về nội dung chuyên môn. Nội dung chuyên môn được đặt thành những câu hỏi cụ thể phù hợp với nội dung lý thuyết mà các sinh viên đã và đang học ở trường. Điều này giúp cho sinh viên dễ dàng tiếp cận các vấn đề và có sự liên hệ tốt giữa lý thuyết và thực tiễn.

Bộ môn đã chủ động về chuyên môn để tổ chức hoạt động kiến tập đối với sinh viên lớp CLC. Theo đó, Bộ môn đã chuẩn bị đề cương hướng dẫn kiến tập đối với sinh viên CLC. Bộ môn đã chủ động biên soạn tài liệu hướng dẫn kiến tập theo từng học phần. Hơn thế nữa Bộ môn cũng đã thống nhất nội dung khảo sát cụ thể với đơn vị thực tếtrong mỗi buổi đi kiến tập tại mỗi đơn vị.Nội dung chuyên môn và cách thức mà Bộ môn xây dựng để sinh viên CLC kiến tập sẽ giúp được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm lúc ban đầu, sau đó tăng dần tính chủ động của sinh viên, tăng tính tương tác lẫn nhau, không cho sinh viên ỷ lại vào người khác. Báo cáo kết quả thu hoạch sau khi kiến tập bộ môn dự kiến sẽ tận dụng để khai thác, sử dụng cho việc tổ chức hội thảo khoa học cho sinh viên CLC để đáp ứng quy định về chuẩn đầu ra đối với nghiên cứu khoa học.

PGS.TS.Trương Thị Thủy- Phó giám đốc HV cùng các Thầy cô lãnh đạo Khoa, Bộ môn TCDN, Ban điều hành CLC và sinh viên lớp CLC thăm quan IBM Việt Nam

*Những định hướng của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đối với hoạt động đào tạo lớp chất lượng cao.

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường biên soạn các đầu sách phục vụ cho việc đào tạo sinh viên nói chung và sinh viên CLC nói riêng.Trong thời gian tới bộ môn tiếp tục khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho các giảng viên trong bộ môn chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm hoặc tham gia biên soạn thêm các tài liệu chuyên môn. Bên cạnh bộ giáo trình gốc về TCDN tiếng Việt Và TCDN bằng tiếng Anh, bộ môn biên soạn thêm các giáo trình nhánh đi vào những mảng vấn đề về TCDN chuyên sâu hay TCDN nâng cao; Khám phá và tập trung nghiên cứu nhiều hơn về Tài chính trong các Tập đoàn kinh tế và tài chính trong các công ty đã quốc gia. Mỗi thầy cô trong bộ môn khi làm luận án sẽ chuyên sâu về đề tài luận án, như vậy bộ môn khuyến khích các Thầy cô phát triển luận án thành những cuốn sách chuyên khảo hay sách tham khảo có giá trị. Lợi thế của đội ngũ giáo viên bộ môn TCDN là số lượng giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài khá đông, các giáo viên sẽ tìm kiếm tài liệu hay ở nước ngoài để giới thiệu cho sinh viên CLC tham khảo. Bên cạnh những cuốn tài liệu được biên soạn, bộ môn tếp tục tăng cường biên dịch các cuốn sách nước ngoài để giúp cho việc tham khảo tài liệu của sinh viên nói chung và sinh viên CLC thêm đa dạng.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh việc kết hợp giảng dạy lý thuyết với dạy thực hành môn học TCDN. Trên cơ sở trang bị cho sinh viên CLC lượng kiến thức lý thuyết cơ bản về môn học TCDN, Bộ môn sẽ thiết kế nội dung thực hành TCDN. Nội dung thực hành TCDN cũng sẽ bám theo các vấn đề lớn như: về lập, thẩm định và quản lý dự án đầu tư; về huy động vốn và tìm nguồn tài trợ; về lập kế hoạch tài chính...Bên cạnh đó bộ môn sẽ thiết kế nhiều hơn thời lượng một cách hợp lý trong việc cho sinh viên kết hợp giữa học lý thuyết và làm bài tập nhóm, thảo luận, thuyết trình; làm seminar thực hiện các bài tập hình huống...

Thứ ba, luôn thường xuyên và chủ động trong việc tìm các đối tác, các chuyên gia thực tế về báo cáo cho sinh viên. Bộ môn sẽ tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, các buổi tọa đàm về chuyên môn theo từng chuyên đề, từng chủ đề cho sinh viên CLC. Bên cạnh đó động viên và khuyến khích kết hợp hướng dẫn các sinh viên CLC tham gia đề tài nghiên cứu khoa học, viết bài báo đăng tập san của Học viện. Bên cạnh đó Bộ môn sẽ tiếp tục liên hệ và kết nối với các chuyên gia trong các lĩnh vực và kết nối với các công ty, ưu tiên kết nối với các công ty đa quốc gia, nhằm tiếp tục đưa sinh viên CLC xuống kiến tập và thực tập.

Thứ tư, để chương trình đào tạo trở nên hấp dẫn hơn và đem lại hiệu quả cao hơn về tính thực tiễn cho sinh viên thì Bộ môn sẽ kết hợp với các tổ chức nghề nghiệp tăng cường mời các chuyên gia thực tế đến từ các đơn vị bên ngoài tham gia báo cáo và thuyết trình trên lớp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Bộ môn cũng có định hướng tư vấn cho Học viện mời các giảng viên nước ngoài giảng dạy tại một vài học phần để tăng tính quốc tế của chương trình. Bên cạnh đó các lớp CLC đều cần có đội ngũ trợ giảng riêng là các giảng viên trẻ sẽ hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình học.

Có thể thấy chương trình đào tạo chất lượng cao tại Học viện Tài chính nói chung và tại chuyên ngành TCDN nói riêng đang ngày càng khẳng định được vị thế và giành được sự quan tâm và tin tưởng của đông đảo phụ huynh và học sinh trong cả nước./.

Số lần đọc: 48