Chương trình đào tạo “Tài chính doanh nghiệp” của Học viện Tài chính – Truyền thống và tương lai đầy triển vọng!
Chương trình đào tạo Tài chính doanh nghiệp thuộc ngành Tài chính- Ngân hàng là một trong những chương trình đào tạo truyền thống của Học viện Tài chính và Khoa Tài chính doanh nghiệp. Hiện tại, Học viện Tài chính có 02 CTĐT Tài chính doanh nghiệp, đó là CTĐT Tài chính doanh nghiệp theo định hướng chứng chỉ quốc tế và CTĐT Tài chính doanh nghiệp theo chương trình chuẩn.
Xin trân trọng giới thiệu với các Phụ huynh và Thí sinh đang quan tâm tới 2 chương trình đào tạo này thông qua các câu hỏi và câu trả lời dưới đây:
Câu 1: Lịch sử của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp và đội ngũ sư phạm của Bộ môn TCDN?
Bộ môn TCDN ra đời từ năm 1963 và là một trong những Bộ môn nghiệp vụ chuyên ngành lớn của Học viện Tài chính với lực lượng giáo viên đông đảo hiện nay gồm 24 giảng viên, trong đó có 18 giảng viên cơ hữu, 05 giảng viên kiêm chức, 01 giảng viên kiêm môn. Ngoài ra, Bộ môn còn có 03 giảng viên thỉnh giảng. Bộ môn TCDN là Bộ môn lớn nhất trong Khoa TCDN với số lượng giảng viên chiếm gần 50% số lượng giảng viên toàn Khoa.
Về chất lượng đội ngũ giảng viên, tính đến nay, Bộ môn có 01 Giáo sư, 04 Phó giáo sư, 21 tiến sỹ, 03 thạc sỹ và hiện đang có 03 giáo viên đang làm NCS. Đội ngũ giáo viên của Bộ môn hiện nay được đào tạo khá bài bản, được cập nhật kiến thức quản trị tài chính doanh nghiệp hiện đại trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong số đó có 10 giảng viên được đào tạo ở nước ngoài với trình độ ngoại ngữ cao và hiện có 10 giáo viên đang trực tiếp tham gia giảng dạy môn học Tài chính doanh nghiệp bằng Tiếng Anh tại Học viện Tài chính. Trong số đó, 3/4 là các Thầy, cô giáo trẻ, đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Học viện, đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy và NCKH. Lực lượng giáo viên trẻ của Bộ môn đang chắt lọc gìn giữ, kế thừa xứng đáng truyền thống tốt đẹp của các thế hệ Thầy, Cô giáo lớp trước, đồng thời vươn lên mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Bộ môn TCDN tổ chức Lễ tri ân các thế hệ Thầy cô giáo từng công tác tại Bộ môn nhân dịp kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính
Câu 2: Bộ môn TCDN thường tổ chức những hoạt động gì dành cho sinh viên?
Sinh viên CTĐT TCDN có đặc điểm là năng động xuất phát từ tính chất của chuyên ngành là đào tạo ra những cán bộ làm công tác tham mưu, tư vấn và tham gia hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp. Để tạo ra những sinh viên năng động, sáng tạo, Bộ môn và Khoa TCDN thường tổ chức các hoạt động như cho sinh viên:
+ Tổ chức thăm quan, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp: công ty IBM Việt Nam.; Công ty KPMG; Công ty Hon Da Việt Nam; Tập đoàn An Phát, công ty Ajinomoto Việt Nam, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam…
+ Tổ chức mời các báo cáo viên là các nhà quản trị tài chính cấp cao, các giám đốc tài chính đang công tác tại TĐ, TCT, DN về báo cáo thực tế cho sinh viên trong quá trình học tập trước khi sv đi thực tập tốt nghiệp để tăng kỹ năng mềm về chuyên môn cho sv.
+ Tổ chức đào tạo thực tế cho sinh viên nắm bắt được nội dung môn học Tài chính doanh nghiệp thực hành, sử dụng các phần mềm liên quan đến quản trị tài chính cùng với các chuyên gia tài chính để xử lý tình huống thực tế tại doanh nghiệp.
+ Phối hợp với HVTC khuyến khích sinh viên tham gia chương trình học tập, trải nghiệm thực tế nước ngoài: Study tour
+ Tổ chức thường niên cuộc thi “CFO- Giám đốc tài chính tương lai” một sân chơi bổ ích chuyên môn cao về quản trị tài chính doanh nghiệp: Các đội chơi xuống tìm hiểu thực tế tình hình tài chính các doanh nghiệp, Tập đoàn, TCT và từ đó sẽ sân khấu hóa để đưa ra các giải pháp quản trị tài chính DN.
+ Phối hợp với CLB Kỹ năng kinh doanh BSC tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp trẻ”
+ Phối hợp cùng với khoa để Tổ chức các hội thảo khoa học sinh viên với các chủ đề liên quan đến tài chính doanh nghiệp…
+ Hướng dẫn sinh viên chuyên ngành tham gia NCKH đạt được các giải cao: giải Nhất Kinh tế lượng và ứng dụng toàn quốc; giải cao cấp Bộ giáo dục; giải cấp Học viện và cấp khoa
+ Khen thưởng cho sinh viên chuyên ngành đạt kết quả cao trong học tập và nghiên cứu khoa học; sinh viên có thành tích cao trong hoạt động đoàn thể, xã hội; hỗ trợ sinh viên có nỗ lực trong học tập và NCKH. Phần thưởng đựơc trích từ Quỹ “Kết nối trái tim”
+ Và nhiều hoạt động khác VD: Tổ chức cuộc thi “ Sáng tạo biểu tượng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan) chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp” năm 2021; cuộc thi giới thiệu sách của Học viện Tài chính năm 2022, ….vv.

Bốn đội chơi xuất sắc ghi tên mình vào TOP 4 cuộc thi Giám đốc Tài chính tương lai CFO 2023: TRIPLE - T, ZERO9, KYRON, ROTHSCHILD
Câu 3: Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên chương trình đào tạo TCDN
Mục tiêu chung đào tạo sinh viên CTĐT TCDN: Sinh viên có kiến thức chuyên sâu đồng bộ, có khả năng ứng dụng một cách sáng tạo về công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp. Có năng lực đánh giá và phân tích tình hình tài chính và dự báo tài chính độc lập nhằm đưa ra quyết định tài chính tối ưu cho doanh nghiệp. Chính vì vậy học CTĐT TCDN ở HVTC cơ hội nghề nghiệp rất rộng mở, các em SV có thể làm việc ở tất cả các lĩnh vực liên quan đến kinh tế tài chính thuộc mọi thành phần kinh tế từ cơ quan trung ương đến địa phương.
Có thể làm các vị trí như: Chuyên viên tài chính, chuyên gia tài chính, Giám đốc tài chính; nhà quản trị tài chính; nhà hoạch định tài chính; nhà tư vấn tài chính; nhà phân tích tài chính; nhà giám sát tài chính, kiểm soát tài chính… vị trí liên quan đến quản lý tài chính, quản lý dòng ngân quỹ trong tổ chức, đơn vị.
+ Làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, như: Bộ Tài chính; Cục Thuế; Cục Hải quan; Kho bạc Nhà nước, các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách tài chính,.. thuộc các Bộ, Ban, Ngành; v.v.
+ Làm việc tại khu vực các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty; Phòng Tài chính - Kế toán, phòng đầu tư của các công ty, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, làm kiểm soát viên Ban kiểm soát của các doanh nghiệp.
+ Làm việc tại các doanh nghiệp tài chính như: Các Ngân hàng thương mại; Công ty Bảo hiểm; Công ty chứng khoán; Quỹ đầu tư; Công ty Tài chính; Công ty Kiểm toán; Công ty Thẩm định giá; Sở Giao dịch chứng khoán,..
+ Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học như: Làm Giảng viên các trường Đại học, Học viện; làm Nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng nói chung và Tài chính doanh nghiệp nói riêng.

Các thầy cô Bộ môn TCDN và các em sinh viên Khóa 58 chất lượng cao chụp ảnh khi thăm quan Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội - HANDICO
Câu 4: Chương trình đào tạo TCDN định hướng chứng chỉ quốc tế ACCA có điểm gì nổi bật so với chương trình chuẩn?
Chương trình đào tạo định hướng chứng chỉ quốc tế Tài chính doanh nghiệp là một bước phát triển nâng cao của chương trình chuẩn, được thiết kế theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, tăng cường tính ứng dụng và khả năng thích nghi trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Những điểm nổi bật của chương trình có thể kể đến như sau:
- Chất lượng giảng dạy theo chuẩn quốc tế: Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy trong chương trình đều có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư, học vị tiến sĩ, nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài hoặc có kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức quốc tế. Giảng viên có khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh, ứng dụng các phương pháp sư phạm hiện đại như học theo dự án (project-based learning), học qua tình huống (case study), nhằm phát huy tư duy độc lập và năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viên.
- Quy mô lớp học tối ưu – tăng cường tương tác: Sĩ số lớp học được giới hạn ở mức tối ưu (khoảng 30 sinh viên/lớp), có trợ giảng hỗ trợ, tạo điều kiện để giảng viên và sinh viên tương tác trực tiếp, dễ dàng trao đổi chuyên sâu. Sinh viên được khuyến khích trình bày ý tưởng, tham gia thảo luận, làm việc nhóm, thuyết trình, giúp phát triển kỹ năng mềm một cách toàn diện.
- Giáo trình chuyên sâu, tích hợp thực hành và phần mềm tài chính hiện đại: Nhiều học phần trong chương trình được thiết kế theo hướng tích hợp lý thuyết – thực hành, sử dụng bài tập tình huống, seminar và các phần mềm tài chính phổ biến như Excel nâng cao, phần mềm phân tích tài chính, lập kế hoạch ngân sách và quản lý rủi ro tài chính. Điều này giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức học thuật mà còn có khả năng ứng dụng ngay vào công việc thực tế tại doanh nghiệp.
- Hướng đến chuẩn nghề nghiệp quốc tế: Chương trình có sự liên thông và tương thích cao với nội dung đào tạo của các chứng chỉ tài chính quốc tế như ACCA, ICAEW, CFA,CPA, … Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tiếp tục học tập, thi lấy chứng chỉ hành nghề và phát triển sự nghiệp tại môi trường trong nước và quốc tế.
- Phát triển năng lực ngoại ngữ và kỹ năng toàn cầu hóa: Chương trình áp dụng phương pháp giảng dạy song ngữ, tăng cường sử dụng tiếng Anh trong học tập, giảng dạy, kiểm tra đánh giá. Đồng thời tổ chức các hoạt động học tập quốc tế như study tour, tọa đàm với chuyên gia nước ngoài… giúp sinh viên rèn luyện khả năng ngoại ngữ và tiếp cận văn hóa học thuật toàn cầu.
- Thời gian học tập tối ưu: Thời gian hoàn thành chương trình đào tạo theo định hướng chứng chỉ quốc tế là 3,5 năm. Sinh viên có điều kiện tốt nghiệp sớm hơn chương trình chuẩn. Từ đó, sớm tiếp cận cơ hội việc làm cũng như tham gia học tập ở các trình độ cao như: Thạc sĩ, NCS…
- Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại: Sinh viên được học tập trong các phòng học đạt tiêu chuẩn quốc tế, có đầy đủ âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, điều hòa nhiệt độ, bàn ghế xịn xò.
Chính nhờ những ưu thế nổi bật này, chương trình đào tạo Tài chính doanh nghiệp định hướng chứng chỉ quốc tế được xem là lựa chọn lý tưởng cho sinh viên có định hướng nghề nghiệp cao, mong muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế và sở hữu những chứng chỉ nghề nghiệp uy tín toàn cầu.

Sinh viên TCDN đoạt giải Nhất cuộc thi “AOF- 60 năm truyền thống và tương lai”
Câu 5: Sinh viên chương trình đào tạo TCDN theo định hướng chứng chỉ quốc tế có những cơ hội trải nghiệm thực tế và các chương trình ngoại khóa nào?
Chương trình TCDN định hướng chứng chỉ quốc tế đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường trải nghiệm thực tế và kỹ năng toàn diện cho sinh viên thông qua các hoạt động học tập – ngoại khóa – kết nối doanh nghiệp. Cụ thể, sinh viên được tham gia:
- Thực tập, kiến tập tại doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia: Sinh viên được tổ chức đi thực tế tại các doanh nghiệp lớn như IBM Việt Nam, KPMG, Honda Việt Nam, Heineken, An Phát Holdings, BIDV, Công ty chứng khoán và bảo hiểm… Trong quá trình đó, sinh viên không chỉ tham quan mà còn thực hiện bài tập tình huống, xử lý dữ liệu thực tế và học cách giải quyết các vấn đề tài chính phát sinh từ thực tiễn doanh nghiệp.
- Hội thảo chuyên đề, talkshow kỹ năng chuyên nghiệp: Bộ môn TCDN và Khoa TCDN thường xuyên phối hợp với doanh nghiệp và chuyên gia mời các diễn giả là giám đốc tài chính, nhà hoạch định chiến lược, chuyên gia nhân sự từ các công ty, tập đoàn lớn như Heineken, Tổng công ty 319, Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà nội, Tập đoàn điện lực, Tập đoàn dầu khí Việt Nam… đến chia sẻ về kinh nghiệm làm việc thực tiễn, kỹ năng viết CV, phỏng vấn, đàm phán, làm việc nhóm và định hướng nghề nghiệp phù hợp với thị trường lao động quốc tế.
- Cuộc thi “CFO – Giám đốc tài chính tương lai”: Đây là sân chơi học thuật mang tính chuyên sâu và thực tế cao, nơi sinh viên được khảo sát, nghiên cứu tình hình tài chính tại các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam, rồi đi thăm quan khảo sát tại các TCT Kim Khí Hà Nội, Tổng công ty Sông Đà… vv, từ đó xây dựng giải pháp và trình bày trước hội đồng chuyên gia. Cuộc thi rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng phân tích tài chính và thuyết trình chuyên nghiệp cho sinh viên.
- Các hoạt động giao lưu – học thuật quốc tế: Sinh viên được tham gia các chương trình study tour, workshop liên kết với các trường đại học nước ngoài, giao lưu học thuật với sinh viên quốc tế, giúp mở rộng tầm nhìn, nâng cao khả năng hội nhập và hình thành tư duy toàn cầu.

Sinh viên CTĐT Tài chính doanh nghiệp được thăm quan, khảo sát thực tế tại nhà máy Honda Việt Nam
Câu 6: Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo TCDN định hướng chứng chỉ quốc tế là gì?
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo TCDN định hướng chứng chỉ quốc tế không chỉ được trang bị vững vàng về kiến thức chuyên môn mà còn đạt được các kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế, cụ thể:
- Về trình độ chuyên môn: Có khả năng xây dựng, thẩm định và quản lý dự án đầu tư tài chính; thực hiện phân tích – dự báo tài chính doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả tài chính, quản lý chi phí, lập kế hoạch ngân sách và thiết lập hệ thống kiểm soát rủi ro tài chính – quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro tài chính trong doanh nghiệp.
- Về kỹ năng công cụ: Sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành, đạt chuẩn bậc 4/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (hoặc tương đương); sử dụng tốt các phần mềm tài chính – kế toán chuyên dụng và kỹ năng tin học đạt chuẩn quốc tế. Đây là lợi thế lớn giúp sinh viên dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp, đa quốc gia.
- Về kỹ năng nghề nghiệp: Có khả năng tư duy độc lập, phản biện chuyên môn, thuyết trình, làm việc nhóm – làm việc cá nhân hiệu quả; có năng lực lãnh đạo và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, sinh viên được trang bị nền tảng kiến thức và kỹ năng tương thích với các kỳ thi chứng chỉ quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA, CFA…giúp rút ngắn thời gian và nâng cao khả năng thành công trong con đường phát triển nghề nghiệp chuyên sâu.

Các đội thi chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, Nhà tài trợ và BTC cuộc thi Giám đốc Tài chính tương lai CFO
Câu 7: Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo TCDN định hướng chứng chỉ quốc tế sẽ làm được những công việc gì?
Sinh viên tốt nghiệp chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế chuyên ngành TCDN có cơ hội nghề nghiệp rộng mở, với khả năng đảm nhiệm các vị trí chuyên sâu về tài chính tại nhiều loại hình tổ chức trong và ngoài nước. Cụ thể:
- Tại doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn đa quốc gia: Có thể làm việc tại các vị trí như: chuyên viên tài chính, giám đốc tài chính (CFO), kiểm soát viên tài chính, nhà phân tích đầu tư, chuyên viên quản lý rủi ro, chuyên viên thẩm định giá, kiểm toán nội bộ, chuyên viên quan hệ cổ đông hoặc lập kế hoạch tài chính tại các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, kiểm toán, định giá tài sản…
- Tại các cơ quan Nhà nước: Làm việc tại Bộ Tài chính, Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan, Vụ Kế hoạch – Tài chính, các sở Tài chính – Kế hoạch ở địa phương và các đơn vị công lập có liên quan đến ngân sách, tài sản công, phân tích đầu tư công và quản trị tài chính công.
- Giảng dạy và nghiên cứu: Có khả năng học tiếp lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành trong nước hoặc quốc tế; trở thành giảng viên tại các trường đại học, học viện; hoặc nghiên cứu viên tại các viện, trung tâm nghiên cứu về tài chính – kinh tế – đầu tư – quản trị rủi ro tài chính trong và ngoài nước.

PGS.TS Vũ Văn Ninh - Trưởng Khoa TCDN; ThS.NCS.Hoàng Thị Thúy Hằng - Tổng giám đốc CTCP TANO Group trao giải Nhất cho đội GOLDEN STARS
Câu 8: Sinh viên chương trình đào tạo TCDN định hướng chứng chỉ quốc tế được hỗ trợ gì để thi và đạt chứng chỉ quốc tế?
Với định hướng quốc tế rõ ràng, chương trình đào tạo TCDN định hướng chứng chỉ quốc tế của Học viện Tài chính liên thông với nhiều nội dung chuyên sâu nhằm tạo nền tảng giúp sinh viên dễ dàng tiếp cận và thi đạt được các chứng chỉ nghề nghiệp toàn cầu như CFA, ACCA, CPA, ICAEW… Cụ thể:
- Chuẩn đầu ra tương thích với cấu trúc, nội dung các chứng chỉ quốc tế: Nội dung chương trình học bao gồm các môn học liên quan trực tiếp đến khung năng lực và nội dung thi của các chứng chỉ này như: Phân tích tài chính, Quản trị rủi ro, Lập kế hoạch ngân sách, Định giá doanh nghiệp, Quản trị danh mục đầu tư… Đồng thời sinh viên được rèn luyện khả năng xử lý tình huống và tư duy tài chính chiến lược – những năng lực cốt lõi của các kỳ thi quốc tế.
- Hoạt động học thuật hỗ trợ chuyên sâu: Sinh viên được khuyến khích tham gia nghiên cứu khoa học, viết bài chuyên ngành, tham gia hội thảo, seminar học thuật có chủ đề liên quan đến chuẩn mực tài chính quốc tế. Ngoài ra, Khoa và Bộ môn còn phối hợp với các trung tâm đào tạo chuyên sâu tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên đề, giúp sinh viên ôn luyện và nâng cao khả năng thi đỗ chứng chỉ CFA, ACCA, CPA…
- Hệ sinh thái học tập hỗ trợ đồng bộ: Từ giáo trình, phương pháp giảng dạy đến môi trường học thuật, câu lạc bộ chuyên ngành – tất cả đều được thiết kế phù hợp với định hướng quốc tế hóa và học tập suốt đời, giúp sinh viên chủ động chinh phục những mục tiêu nghề nghiệp cao hơn.

Những giai điệu tự hào về Học viện Tài chính được thể hiện qua giọng hát của SV TCDN trong bài ca “Học viện Tài chính thân yêu”
Câu 9. Bộ môn và Khoa có những hoạt động hỗ trợ nào cho sinh viên chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế trong quá trình học tập, tìm kiếm việc làm, hoặc học lên trình độ cao hơn?
Sinh viên theo học CTĐT Tài chính doanh nghiệp theo định hướng chứng chỉ quốc tế của Khoa TCDN sẽ được hỗ trợ như sau:
* Hỗ trợ trong quá trình học tập
- Tư vấn chuyên môn, học thuật và nghề nghiệp: Sinh viên được đội ngũ giảng viên và cố vấn học tập hỗ trợ thường xuyên trong việc định hướng nghề nghiệp, giải đáp thắc mắc về bài giảng, và cung cấp tài liệu học tập bổ sung.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học: Các giảng viên của Bộ môn TCDN hỗ trợ tích cực cho sinh viên trong việc định hướng đề tài nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiên cứu khoa học để sinh viên có sản phẩm NCKH có chất lượng đáp ứng điều kiện tốt nghiệp
- Thư viện và tài nguyên học tập: Sinh viên có quyền truy cập vào hệ thống thư viện phong phú với nhiều đầu sách chuyên ngành, tạp chí khoa học, và cơ sở dữ liệu trực tuyến, bao gồm cả tài liệu chuyên biệt cho các chứng chỉ quốc tế.
- Hoạt động ngoại khóa và câu lạc bộ: Các câu lạc bộ học thuật và chuyên ngành thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm với chuyên gia, cuộc thi học thuật, giúp sinh viên mở rộng kiến thức và rèn luyện kỹ năng mềm.
*Hỗ trợ định hướng nghề nghiệp
- Định hướng nghề nghiệp và tư vấn việc làm: Khoa và BM TCDN thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, workshop mời các chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính định hướng nghề nghiệp và trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên. Sinh viên cũng được tư vấn trực tiếp về lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích.
- Cơ hội thực tập: Các chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế thường có các kỳ thực tập bắt buộc hoặc khuyến khích, giúp sinh viên áp dụng kiến thức vào thực tế và tích lũy kinh nghiệm làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
*Hỗ trợ học lên trình độ cao hơn
- Sinh viên chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế có thể đăng ký học sớm các môn học ở bậc học Thạc sĩ tại HVTC. Sinh viên được hỗ trợ định hướng ngành học, gửi thư giới thiệu đến các trường đại học nước ngoài khi làm hồ sơ du học ở bậc học thạc sĩ, tiến sĩ

PGS.TS.Phạm Thị Thanh Hòa và TS. Đặng Phương Mai -Phó trưởng Bộ môn TCDN giới thiệu về Bộ môn và CTĐT Tài chính doanh nghiệp cho Tân sinh viên
Câu 10. Sinh viên có được hỗ trợ thực tập và kết nối doanh nghiệp trong quá trình học không?
Chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế có liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước, thường xuyên tổ chức các buổi seminar, hội thảo, talkshow với chuyên gia thực tiễn. Sinh viên được tạo điều kiện tham gia thực tập tại các công ty, tập đoàn uy tín để tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế. Ngoài ra, trung tâm Đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, ĐTN của Học viện còn kết nối cơ hội việc làm, hỗ trợ tư vấn định hướng nghề nghiệp ngay từ năm đầu.
Với hơn 150 hoạt động phong trào, hàng trăm đối tác doanh nghiệp kết nối thường xuyên có thể kể đến những doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Taseco, Misa, Big4 kiểm toán, Big4 ngân hàng, các tập đoàn đa quốc gia như Honda Việt Nam, CP Group… kiến tạo mối liên kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành; giữa đào tạo và trải nghiệm thực tế.

Hội thảo KHSV chương trình CLC chủ đề “Hiệu quả hoạt động kinh doanh của các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”
Câu 11. Chương trình có hỗ trợ phát triển kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp không?
Ngoài kiến thức chuyên ngành, trong quá trình học tập, chương trình rất chú trọng đến việc phát triển các kỹ năng mềm như:
- Kỹ năng thuyết trình: Sinh viên thường xuyên tham gia vào các buổi thuyết trình cá nhân và nhóm, trình bày các dự án, báo cáo. Điều này giúp các bạn rèn luyện sự tự tin, khả năng diễn đạt ý tưởng rõ ràng và chuyên nghiệp trước đám đông.
- Kỹ năng làm việc nhóm: Nhiều môn học yêu cầu làm việc theo nhóm để hoàn thành các bài tập, nghiên cứu tình huống hoặc dự án. Qua đó, sinh viên học cách phân công công việc, giao tiếp hiệu quả, giải quyết mâu thuẫn và cùng nhau đạt được mục tiêu chung.
- Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề: Các bài tập tình huống thực tế, thảo luận chuyên sâu và các dự án được thiết kế để khuyến khích sinh viên phân tích thông tin, đặt câu hỏi, đưa ra nhận định khách quan và tìm kiếm giải pháp sáng tạo cho các vấn đề kinh doanh.
- Kỹ năng giao tiếp và đàm phán: Sinh viên được tạo điều kiện để rèn luyện kỹ năng giao tiếp hiệu quả thông qua các buổi học tương tác, thảo luận nhóm và các hoạt động ngoại khóa.
- Kỹ năng quản lý thời gian và tự học: Với khối lượng kiến thức và yêu cầu cao của các chứng chỉ quốc tế, sinh viên sẽ được định hướng và rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu và quản lý thời gian hiệu quả để đạt được mục tiêu học tập.

Sinh viên Nguyễn Công Mạnh Khôi - CQ60/11.08CLC cùng bài thuyết trình rất mạch lạc, tự tin
Câu 12. Giá trị của các chứng chỉ quốc tế (ACCA) mà sinh viên đạt được có lợi thế hơn so với bằng cử nhân thông thường không?
Các chứng chỉ quốc tế không chỉ bổ sung mà còn tăng cường đáng kể giá trị của bằng cử nhân thông thường, giúp sinh viên có lợi thế cạnh tranh vượt trội trên thị trường lao động. Với chứng chỉ ACCA (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc) - Định hướng Kế toán/Kiểm toán/Tài chính có ưu điểm:
- Phổ biến rộng rãi và giá trị trọn đời: ACCA là một trong những chứng chỉ kế toán và tài chính lớn nhất thế giới, với hơn 250.000 hội viên và 526.000 sinh viên tại 181 quốc gia. Chứng chỉ này có giá trị trọn đời và được đánh giá cao bởi các doanh nghiệp toàn cầu.
- Kiến thức toàn diện và kỹ năng thực tế: ACCA trang bị cho người học kiến thức chuyên sâu về kế toán tài chính, kế toán quản trị, kiểm toán, thuế, luật kinh doanh, quản trị rủi ro... cùng với các kỹ năng mềm cần thiết.
- Thăng tiến sự nghiệp và thu nhập hấp dẫn: Các công ty lớn, đặc biệt là Big4 và các tập đoàn đa quốc gia, thường ưu tiên tuyển dụng và trả mức lương cao hơn cho ứng viên có chứng chỉ ACCA (có thể cao hơn 20-30% so với người không có chứng chỉ ở cùng vị trí). ACCA cũng là "bệ phóng" để bạn thăng tiến lên các vị trí quản lý cấp cao như CFO, Kế toán trưởng, Giám đốc tài chính.
Chứng chỉ ACCA sẽ mang lại cơ hội việc làm tốt hơn và lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn do:
- Kiến thức chuyên sâu và thực tiễn: Các chương trình chứng chỉ quốc tế được thiết kế để cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hành theo chuẩn mực quốc tế, sát với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Trong khi bằng cử nhân thường tập trung vào kiến thức nền tảng và lý thuyết rộng hơn.
- Công nhận quốc tế: Chứng chỉ quốc tế được công nhận trên phạm vi toàn cầu, mở ra cánh cửa việc làm không chỉ trong nước mà còn tại các công ty đa quốc gia hoặc ở nước ngoài.
- Lợi thế cạnh tranh: Trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, việc có thêm một hoặc nhiều chứng chỉ quốc tế uy tín sẽ làm nổi bật hồ sơ của bạn, chứng minh sự cam kết và năng lực vượt trội. Nhiều nhà tuyển dụng, đặc biệt là Big4 và các tập đoàn lớn, sẵn sàng ưu tiên và thậm chí miễn giảm các vòng tuyển dụng cho ứng viên có chứng chỉ này.
- Mức lương khởi điểm và cơ hội thăng tiến: Sinh viên có chứng chỉ quốc tế thường có mức lương khởi điểm cao hơn và lộ trình thăng tiến rõ ràng hơn do đã được trang bị những kỹ năng mà doanh nghiệp đang tìm kiếm.

Sinh viên CTĐT Tài chính doanh nghiệp theo định hướng chứng chỉ quốc tế trình bày tham luận tại Hội thảo khoa học dành cho sinh viên Khoa TCDN
Câu 13. Môi trường học tập của các chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế tại HVTC có gì đặc biệt so với các chương trình khác của Học viện?
- Tính quốc tế và chuyên nghiệp cao: Chương trình được thiết kế theo chuẩn mực quốc tế, với giáo trình, tài liệu tham khảo và phương pháp giảng dạy thường xuyên được cập nhật từ các đối tác nước ngoài. Điều này tạo ra một môi trường học tập mang tính chuyên nghiệp, năng động và cởi mở hơn.
- Quy mô lớp học nhỏ hơn: Số lượng học viên/lớp thường ít hơn so với chương trình chuẩn. Điều này giúp giảng viên có thể quan tâm sát sao hơn đến từng sinh viên, khuyến khích sự tương tác hai chiều và tạo điều kiện cho các buổi thảo luận chuyên sâu, cá nhân hóa quá trình học tập.
- Tăng cường tiếng Anh: Tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ chính trong học tập, không chỉ trong các môn học chuyên ngành mà còn trong giao tiếp hàng ngày. Điều này giúp sinh viên xây dựng sự tự tin và thành thạo tiếng Anh trong môi trường học thuật và kinh doanh.
- Văn hóa học tập chủ động và tư duy phản biện: Sinh viên được khuyến khích đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến cá nhân và tham gia vào các hoạt động nhóm, dự án thực tế. Điều này thúc đẩy tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng tự học, tự nghiên cứu.
- Cơ hội giao lưu và kết nối: Sinh viên có nhiều cơ hội để giao lưu với bạn bè quốc tế (nếu có sinh viên trao đổi hoặc du học sinh), cũng như xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia, cựu sinh viên thành công trong ngành thông qua các hoạt động của Học viện.

PGS.TS Vũ Văn Ninh - Trưởng Khoa TCDN và PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó trưởng Khoa trao thưởng đối với 39 Tập thể lớp đạt danh hiệu Tập thể lớp Xuất sắc
Câu 14: Sinh viên theo học chương trình đào tạo Tài chính doanh nghiệp (chương trình chuẩn), sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đạt được chuẩn đầu ra về kỹ năng như nào?
Các kỹ năng mà sinh viên theo học CTĐT Tài chính doanh nghiệp đạt được là:
- Có kỹ năng phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
- Có kỹ năng đánh giá, phản biện các vấn đề chuyên môn liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
- Có kỹ năng tham mưu, tư vấn chuyên môn liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
- Có kỹ năng khởi nghiệp và tạo việc làm cho người khác
- Có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình.
- Có kỹ năng làm việc nhóm (Team Work) và thuyết lập duy trì các mối quan hệ
- Có kỹ năng làm việc độc lập, tự học và sáng tạo
- Kỹ năng ngoại ngữ: Trình độ ngoại ngữ đạt bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương
- Kỹ năng tin học: Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản theo quy định của BGD và đặc biệt sinh viên có kỹ năng sử dụng tốt các phần mềm có liên quan đến tài chính kế toán giúp sinh viên tăng tính cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hóa.

PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh và TS. Đào Ngọc Hà trao thưởng cho sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên xuất sắc”
Câu 15: Môi trường đào tạo đối với sinh viên theo học chương trình đào tạo Tài chính doanh nghiệp- chương trình chuẩn?
Một trong những điểm nổi bật khi theo học chương trình đào tạo Tài chính doanh nghiệp theo chương trình chuẩn tại Học viện Tài chính chính là môi trường học tập chuyên nghiệp, năng động, và định hướng thực tiễn cao. Cụ thể:
- Môi trường học thuật chất lượng cao: Sinh viên được học tập trong một môi trường sư phạm chuẩn mực, với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm giảng dạy và thực tiễn. Nhiều thầy cô là chuyên gia cố vấn tài chính, từng làm việc tại các tổ chức tài chính lớn trong và ngoài nước.
- Phương pháp đào tạo hiện đại, lấy sinh viên làm trung tâm: Chương trình áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến: học qua tình huống (case study), mô phỏng tài chính (simulation), thảo luận nhóm, và phản biện. Sinh viên được khuyến khích chủ động nghiên cứu, tư duy độc lập, và phát triển khả năng tự học suốt đời.
- Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thực tiễn nghề nghiệp: Trong quá trình học, sinh viên có cơ hội tham gia các buổi tọa đàm chuyên đề, workshop kỹ năng, talkshow nghề nghiệp với các doanh nhân và chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. Ngoài ra, việc thực tập tại các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty chứng khoán, tập đoàn tài chính giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.
- Cộng đồng sinh viên năng động – học tập đi đôi với trải nghiệm: Sinh viên CTĐT TCDN thường xuyên được tham gia vào các cuộc thi học thuật như Giám đốc tài chính tương lai, dự án khởi nghiệp trẻ và các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Đây là môi trường lý tưởng để rèn luyện kỹ năng mềm, mở rộng mối quan hệ và xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ khi còn trên giảng đường.
Tóm lại, chương trình đào tạo Tài chính doanh nghiệp theo chương trình chuẩn tại Học viện Tài chính không chỉ cung cấp kiến thức chuyên sâu, mà còn tạo dựng một môi trường học tập toàn diện, giúp sinh viên trưởng thành cả về tư duy, kỹ năng và phong cách làm việc – sẵn sàng bước vào thị trường lao động cạnh tranh trong nước và quốc tế.

TS. Đặng Phương Mai - Phó trưởng Bộ môn TCDN và PGS. TS Phạm Thị Thanh Hoà - Phó trưởng Bộ môn TCDN trao phần thưởng của Bộ môn TCDN cho sinh viên đạt giải quốc gia, quốc tế và đạt thành tích 8.0 chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế IELTS
Câu 16: Tại sao nên chọn học chương trình đào tạo Tài chính doanh nghiệp theo chương trình chuẩn của Học viện Tài chính?
Trong thời đại kinh tế số và hội nhập quốc tế sâu rộng, yêu cầu đối với nguồn nhân lực ngành tài chính không chỉ dừng lại ở kiến thức chuyên môn, mà còn đòi hỏi tư duy toàn cầu, khả năng thích nghi linh hoạt và kỹ năng số hóa. Chương trình đào tạo chuẩn chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tại Học viện Tài chính đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này với các lợi thế vượt trội sau:
- Chương trình học cập nhật, theo sát xu thế toàn cầu: Nội dung giảng dạy luôn được rà soát, điều chỉnh để phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường tài chính trong nước và quốc tế. Sinh viên được tiếp cận với kiến thức mới nhất về tài chính số, fintech, quản trị tài chính trong doanh nghiệp đa quốc gia.
- Phát triển toàn diện kỹ năng hội nhập: Ngoài chuyên môn, sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng mềm quan trọng như giao tiếp, làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện. Bên cạnh đó, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và công nghệ thông tin giúp sinh viên sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp.
- Mạng lưới hợp tác rộng rãi với doanh nghiệp: Học viện có mối liên kết sâu rộng với các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty chứng khoán, tập đoàn đa quốc gia, cơ quan nhà nước và tổ chức tài chính quốc tế. Đây là nền tảng vững chắc giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm và phát triển sự nghiệp.
Tóm lại, với chương trình đào tạo chuẩn, sinh viên CTĐT TCDN không chỉ “giỏi nghề” mà còn “giỏi hội nhập”, có khả năng thích ứng với nhiều vị trí công việc trong và ngoài nước – từ chuyên viên tài chính, tư vấn đầu tư, đến quản trị tài chính doanh nghiệp hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Một số hình ảnh hoạt động dành cho sinh viên CTĐT Tài chính doanh nghiệp:

Các thầy cô giáo Bộ môn TCDN cùng diễn giả và sinh viên CTĐT Tài chính doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo thực tế

Bộ môn TCDN tổ chức báo cáo thực tế về “Hoạch định tài chính cá nhân”
cho giảng viên và sinh viên CTĐT Tài chính doanh nghiệp

PGS.TS. Vũ Văn Ninh– Trưởng khoa TCDN, TS. Tạ Đình Hòa – Bí thư ĐTN và ThS. Đàm Tuấn Anh – Phó Trưởng khoa Cơ bản, Trưởng Ban Tổ chức trao giải Nhì và phần thưởng cho đội bóng đá nam sinh viên của Khoa TCDN

Học viện Tài chính ký kết hợp tác với Cục Tài chính doanh nghiệp để tạo nhiều cơ hội cho sinh viên CTĐT Tài chính doanh nghiệp

Bộ môn TCDN ra mắt “Quỹ kết nối trái tim” dành cho sinh viên CTĐT Tài chính doanh nghiệp

Bộ môn TCDN tổ chức chấm và xếp giải Cuộc thi sáng tạo biểu tượng và khẩu hiệu của chuyên ngành TCDN.

PGS.TS.NGƯT. Đoàn Hương Quỳnh – Phó trưởng Khoa, Trưởng Bộ môn TCDN giới thiệu với các Tân sinh viên về Bộ môn và CTĐT Tài chính doanh nghiệp

PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh và TS. Phạm Thị Vân Anh trao phần thưởng của Bộ môn TCDN cho sinh viên CTĐT Tài chính doanh nghiệp có chứng chỉ quốc tế IELTS từ 7.0 trở lên

Giải “Đội thi có phần giới thiệu CFO ấn tượng nhất” thuộc về đội ZERO9 do PGG.TS. Đoàn Hương Quỳnh trao tặng

PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó Trưởng khoa TCDN, Trưởng bộ môn TCDN trao thưởng cho sinh viên đạt danh hiệu thủ khoa chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp hai chương trình CLC và CTC

PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh - Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng bộ môn TCDN; TS. Đặng Phương Mai - Phó trưởng bộ môn TCDN cùng TS. Phạm Thị Thanh Hòa - Phó trưởng bộ môn TCDN trao thưởng cho sinh viên đạt danh hiệu học tập xuất sắc toàn khóa và có thành tích tốt trong lĩnh vực NCKH

Lãnh đạo Học viện và Lãnh đạo Khoa TCDN trao bằng tốt nghiệp cho Tân cử nhân đạt loại tốt nghiệp xuất sắc toàn Khóa.
Bộ môn TCDN