HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Tin hoạt động
Thứ hai, 14/07/2025 - 19:56

Chương trình đào tạo “ Thẩm định giá & Kinh doanh bất động sản” thuộc ngành Bất động sản – Một ngành đầy tiềm năng của đất nước!
Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản thuộc ngành Bất động sản là chương trình đào tạo đã được tổ chức đào tạo hơn 20 năm của Học viện Tài chính và Khoa Tài chính doanh nghiệp. Hiện tại, Học viện Tài chính có 02 CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản, đó là CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản theo định hướng chứng chỉ quốc tế và CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản theo chương trình chuẩn. Xin trân trọng giới thiệu với các Phụ huynh và Thí sinh đang quan tâm tới 2 chương trình đào tạo này thông qua các câu hỏi và câu trả lời dưới đây:

Câu 1: Bộ môn Định giá tài sản được thành lập năm nào và đội ngũ sư phạm của Bộ môn ĐGTS?

Bộ môn Định giá tài sản được thành lập vào năm 2003 thuộc Khoa Quản trị kinh doanh, đến năm 2005, Bộ môn được chuyển sang Khoa TCDN và ổn định từ đó đến nay. Bộ môn hiện có 08 giảng viên cơ hữu và 02 giảng viên thỉnh giảng, trong số giảng viên cơ hữu có 01 Phó giáo sư, tiến sĩ, 04 tiến sĩ, 03 thạc sĩ hiện đang học Nghiên cứu sinh. Tập thể sư phạm của Bộ môn giàu kinh nghiệm giảng dạy và NCKH, có lòng yêu nghề, luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên theo học các CTĐT mà Bộ môn đảm nhiệm đào tạo.

Đại biểu và Giảng viên Bộ môn Định giá Tài sản – Học viện Tài chính tại Lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Bộ môn và chuyên ngành đào tạo

 

Câu 2: Chương trình đào tạo Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản thuộc ngành nào?

Kể từ khóa 62 trở về trước, CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh BĐS thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng của Học viện Tài chính. Nhưng từ khóa 63 (tuyển sinh từ năm 2025) trở đi, Học viện Tài chính mở ngành đào tạo Bất động sản, theo đó CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh BĐS được chuyển sang ngành Bất động sản.

Ngành Bất động sản hiện nay là một trong những ngành có cơ hội nghề nghiệp phong phú, đa dạng, với nhiều vị trí công việc thuộc cả lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, quản lý và dịch vụ hỗ trợ. Dưới đây là các vị trí công việc phổ biến trong ngành Bất động sản: (1). Kinh doanh – Môi giới bất động sản, (2). Định giá – Thẩm định bất động sản, (3). Quản lý và vận hành bất động sản, (4). Pháp lý và tư vấn bất động sản, (5). Marketing – Truyền thông – Phát triển thương hiệu, (6). Đầu tư và tài chính bất động sản, (7). Quản trị doanh nghiệp Bất động sản, (8). Các vị trí trong tổ chức tài chính, ngân hàng liên quan đến BĐS.

Lãnh đạo HVTC, Khoa TCDN, Cựu Sinh viên CTĐT Thẩm định giá và KD BĐS và Giảng viên Bộ môn Định giá Tài sản - HVTC

 

Câu 3: Ngành Bất động sản có những chương trình đào tạo nào? Và chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi chương trình đào tạo?

Ngành Bất động sản với mã ngành: 7340116 được Học viện Tài chính mở năm 2025. Đối với Ngành Bất động sản gồm có 02 chương trình đào tạo:

+ Thẩm định giá & Kinh doanh bất động sản (hệ chuẩn- Mã CTĐT: 09.01) với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 80 sinh viên.

+ Thẩm định giá & Kinh doanh bất động sản (theo chứng chỉ quốc tế- Mã CTĐT: 09.01QT) với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 50 sinh viên.

PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà – Trưởng bộ môn Định giá tài sản giới thiệu về Bộ môn Định giá tài sản và CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản

 

Câu 4: Ngành Bất động sản tại Học viện Tài chính sẽ được học các môn học Kiến thức ngành nào?

Để trang bị nền tảng chuyên sâu cho ngành học, hình thành tư duy và phương pháp làm việc đặc thù của ngành, tạo nền tảng để học các môn chuyên ngành chuyên sâu, sinh viên theo học ngành Bất động sản tại Học viện Tài chính sẽ được học các môn kiến thức ngành sau:

1.Thị trường bất động sản

2.Thuế

3. Tài chính doanh nghiệp căn bản

4. Đầu tư bất động sản

5. Quản trị kinh doanh

6. Kế toán tài chính cơ bản

7. Quản lý và quy hoạch đất đai

PGS.TS. Nguyễn Hồ Phi Hà –Trưởng BM Định giá tài sản trao khen thưởng cho sinh viên có chứng chỉ quốc tế IELTS từ 7.0 trở lên

 

Câu 5: Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản- hệ chuẩn (Mã CTĐT: 09.01) thuộc ngành Bất động sản tại Học viện Tài chính sẽ được học các môn học chuyên ngành nào?

Theo học Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản- hệ chuẩn (Mã CTĐT: 09.01) thuộc ngành Bất động sản tại Học viện Tài chính, sinh viên sẽ được học các môn học chuyên ngành nhằm đáp ứng được yêu cầu công việc phù hợp với nhu cầu xã hội như:

- Phần bắt buộc: Môn học Nguyên lý thẩm định giá; Thẩm định giá bất động sản; Thẩm định giá doanh nghiệp; Kinh doanh bất động sản.

- Phần tự chọn: Môn học Thẩm định giá máy, thiết bị và tài sản vô hình; Chuẩn mực Thẩm định giá quốc tế (International Valuation Standards)- học bằng Tiếng Anh.

PGS,TS. Vũ Văn Ninh- Trưởng Khoa TCDN và TS. Lâm Thị Thanh Huyền - Trưởng BTC cuộc thi trao tặng kỷ niệm chương và những bó hoa tươi thắm đến các nhà tài trợ và đơn vị đồng hành

 

Câu 6: Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản- theo định hướng chứng chỉ quốc tế ACCA (Mã CTĐT: 09.01QT) thuộc ngành Bất động sản tại Học viện Tài chính sẽ được học các môn học chuyên ngành nào?

Theo học Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản- hệ đào tạo theo chứng chỉ quốc tế ACCA (Mã CTĐT: 09.01QT) thuộc ngành Bất động sản tại Học viện Tài chính sẽ được học các môn học chuyên ngành sau:

- Phần bắt buộc: Môn học Nguyên lý thẩm định giá (Fundamentals of Valuation)- học bằng Tiếng Anh; Thẩm định giá bất động sản; Thẩm định giá doanh nghiệp; Kinh doanh bất động sản.

- Phần tự chọn: Môn học Thẩm định giá máy, thiết bị và tài sản vô hình; Chuẩn mực Thẩm định giá quốc tế (International Valuation Standards) – học bằng Tiếng Anh.

Các đội thi chụp ảnh lưu niệm cùng Các đại biểu, Khách mời, Thầy cô và Ban tổ chức cuộc thi “Nhà thẩm định và KD BĐS tài ba”

 

Câu 7: SV sau khi tốt nghiệp Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản- hệ chuẩn (Mã CTĐT: 09.01) có thể làm việc ở đâu? Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường có cao không?

Người học tốt nghiệp CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản, ngành Bất động sản hệ chuẩn (Mã CTĐT: 09.01) của Học viện Tài chính có nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau, từ cơ quan Nhà nước đến các doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế; cụ thể:

- Trong các cơ quan Nhà nước và tổ chức quản lý: Chuyên gia thẩm định giá trị tài sản, tư vấn và tham mưu xây dựng chính sách tại các Bộ, các Sở Nông nghiệp và Môi trường; Các Bộ, Sở Xây dựng; Bộ Tài chính, Cục quản lý giá Bộ Tài Chính, Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm lưu ký chứng khoán...

- Trong các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế:

+ Thẩm định viên về giá cho các loại tài sản (bất động sản; máy, thiết bị; tài sản vô hình; doanh nghiệp) tại các công ty thẩm định giá chuyên nghiệp.

+ Chuyên gia thẩm định, quản trị rủi ro tại các bộ phận thẩm định tài sản thế chấp và thẩm định tín dụng trong các ngân hàng; các công ty kiểm toán; Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước; công ty mua bán nợ...

+ Chuyên viên môi giới bất động sản: kết nối người mua và người bán, tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện giao dịch bất động sản.

+ Chuyên gia lập, thẩm định, quản lý dự án đầu tư bất động sản: Lập và thẩm định các dự án đầu tư bất động sản tại DN, Phân tích đánh giá rủi ro của dự án đầu tư bất động sản.

+ Chuyên gia phân tích tài chính: Phân tích báo cáo tài chính, dự báo tài chính và tư vấn DN đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả, Xây dựng mô hình tài chính, phân tích dòng tiền chiết chấu (DCF),  hỗ trợ ra quyết định đầu tư và huy động vốn

+ Chủ DN tư nhân: Áp dụng kiến thức trong lĩnh vực thẩm định giá, kinh doanh bất động sản, kế toán, tài chính, ngân hàng để khởi nghiệp và phát triển DN riêng.

- Trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính:

+ Chuyên gia thẩm định tài sản thế chấp, dự án vay vốn tại các ngân hàng: Lập báo cáo thẩm định dự án đầu tư vay vốn tại ngân hàng, đánh giá tính khả thi của dự án để ra quyết định tài trợ dự án đầu tư.

+ Chuyên gia quản lý rủi ro tài chính: Đánh giá và giảm thiểu rủi ro tài chính trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh.

+ Chuyên gia M&A tham gia tư vấn chiến lược tài chính, sáp nhập, mua lại hoặc phát hành cổ phiếu cho khách hàng DN.

- Trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học:

+ Giảng viên, trợ giảng: Giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học; tham gia giảng dạy tại các Trường Cao đẳng hoặc các khóa ngắn hạn, phổ biến kiến thức mới liên quan đến nghề nghiệp đào tạo.

+ Chuyên gia tư vấn, nghiên cứu viên: Nghiên cứu xu hướng kinh tế, chính sách và dữ liệu để tư vấn cho các vấn đề kinh tế vĩ mô và vi mô; Làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, viện nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính- Ngân hàng, Kế toán nói chung, Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản nói riêng.

- Tỷ lệ sinh viên CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản (Mã số 09) (Chương trình chuẩn) có việc làm sau khi ra trường thường đạt tỷ lệ trên 98% trong vòng 1 năm đầu sau khi tốt nghiệp. Thậm chí có những năm khi Sinh viên vừa tốt nghiệp là các công ty thẩm định giá và công ty BĐS đã đến để tuyển dụng toàn bộ số sinh viên vừa tốt nghiệp.

Thầy cô và sinh viên CTĐT Thẩm định giá & KDBĐS chụp ảnh cùng lãnh đạo Công ty Tân Long Land

 

Câu 8: SV sau khi tốt nghiệp Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản- hệ đào tạo theo chứng chỉ quốc tế ACCA (Mã CTĐT: 09.01QT) có thể làm việc ở đâu?

Người học tốt nghiệp CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản, ngành Bất động sản theo định hướng chứng chỉ quốc tế (ACCA)- Mã CTĐT: 09.01QT của Học viện Tài chính có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc chuyên môn trong các lĩnh vực như thẩm định giá, kinh doanh bất động sản, kế toán, kiểm toán và quản lý rủi ro. Với kiến thức chuyên sâu về tài chính, kế toán quản trị, thuế, kiểm toán và quản lý tài chính của Hiệp hội ACCA, sinh viên không chỉ làm việc tại các cơ quan Nhà nước mà còn có cơ hội phát triển sự nghiệp tại các doanh nghiệp (DN) trong nước, công ty đa quốc gia và tổ chức quốc tế; cụ thể:

- Trong các cơ quan Nhà nước và tổ chức quản lý: Chuyên gia thẩm định giá trị tài sản, tư vấn và tham mưu xây dựng chính sách tại các Bộ, các Sở Nông nghiệp và Môi trường; Các Bộ, Sở Xây dựng; Bộ Tài chính, Cục quản lý giá Bộ Tài Chính, Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm lưu ký chứng khoán...

- Trong các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và các công ty đa quốc gia:

+ Thẩm định viên về giá cho các loại tài sản (bất động sản; máy, thiết bị; tài sản vô hình; doanh nghiệp) tại các công ty thẩm định giá chuyên nghiệp trong nước và quốc tế

+ Chuyên gia thẩm định, quản trị rủi ro tại các bộ phận thẩm định tài sản thế chấp và thẩm định tín dụng trong các ngân hàng; các công ty kiểm toán; Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước, công ty mua bán nợ...

+ Chuyên viên môi giới bất động sản: kết nối người mua và người bán, hỗ trợ hoàn thiện giao dịch bất động sản trong nước và quốc tế…;

+ Chuyên gia lập, thẩm định, quản lý dự án đầu tư bất động sản: Lập và thẩm định các dự án đầu tư bất động sản tại DN, Phân tích đánh giá rủi ro của dự án đầu tư bất động sản, quản lý dự án đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế.

+ Chuyên gia phân tích tài chính: Phân tích báo cáo tài chính, dự báo tài chính và tư vấn DN đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả, Xây dựng mô hình tài chính, phân tích dòng tiền chiết chấu (DCF),  hỗ trợ ra quyết định đầu tư và huy động vốn

+ Chủ DN tư nhân: Áp dụng kiến thức trong lĩnh vực thẩm định giá, kinh doanh bất động sản, kế toán, tài chính, ngân hàng để khởi nghiệp và phát triển DN riêng.

- Trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính, tổ chức tài chính quốc tế:

+ Chuyên gia thẩm định tài sản thế chấp, dự án vay vốn tại các ngân hàng: Lập báo cáo thẩm định dự án đầu tư vay vốn tại ngân hàng, đánh giá tính khả thi của dự án để ra quyết định tài trợ dự án đầu tư trong nước và quốc tế.

+ Chuyên gia quản lý rủi ro tài chính: Đánh giá và giảm thiểu rủi ro tài chính trong các hoạt động đầu tư và kinh doanh, đánh giá rủi ro tín dụng, lãi suất, tỷ giá hối đoái.

+ Chuyên gia M&A Tham gia tư vấn chiến lược tài chính, sáp nhập, mua lại hoặc phát hành cổ phiếu cho khách hàng DN trong nước và thương vụ quốc tế.

- Trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học:

+ Giảng viên, trợ giảng: Giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học, sau đại học; tham gia giảng dạy tại các Trường Cao đẳng hoặc các khóa ngắn hạn, phổ biến kiến thức mới liên quan đến nghề nghiệp đào tạo.

+ Chuyên gia tư vấn, nghiên cứu viên: Nghiên cứu xu hướng kinh tế, chính sách và dữ liệu để tư vấn cho các vấn đề kinh tế vĩ mô và vi mô; Làm việc tại các cơ sở nghiên cứu khoa học, viện nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế nói chung, Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản nói riêng trong nước và quốc tế.

- Trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và thuế (đặc biệt với chứng chỉ ACCA):

+ Kế toán viên quốc tế: Đảm nhận vai trò kế toán và lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế tại các công ty đa quốc gia.

+ Kiểm toán viên: Thực hiện kiểm toán tài chính cho các DN trong và ngoài nước, đảm bảo tuân thủ quy định.

+ Chuyên gia thuế: Tư vấn và quản lý các vấn đề thuế, đặc biệt trong các giao dịch đầu tư xuyên biên giới.

- Trong các tổ chức quốc tế và công ty đa quốc gia

+ Chuyên viên tài chính quốc tế: Quản lý tài chính trong các dự án đầu tư xuyên biên giới hoặc hoạt động kinh doanh quốc tế.

+ Chuyên gia tư vấn tài chính: Làm việc tại các công ty tư vấn quốc tế, hỗ trợ khách hàng toàn cầu về chiến lược tài chính và đầu tư.

+ Chuyên gia kinh tế: Phân tích xu hướng kinh tế toàn cầu, làm việc tại các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (World Bank) hoặc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF).

Thầy và trò CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản chụp ảnh lưu niệm cùng GS.TSKH Đặng Hùng Võ, các DN và cựu SV

 

Câu 9: Tốt nghiệp chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản (Mã CTĐT: 09.01QT) người học được nhận văn bằng tốt nghiệp và kết quả học tập môn học theo định hướng chứng chỉ quốc tế như thế nào?

* Về văn bằng tốt nghiệp.

Người học theo định hướng chứng chỉ quốc tế (ACCA), sau khi tốt nghiệp có cơ hội nhận được 3 văn bằng trong 1 chương trình, gồm:

- Bằng cử nhân chính quy định hướng chứng chỉ quốc tế của Học viện Tài chính;

- Cơ hội được cấp Bằng tốt nghiệp cử nhân kế toán ứng dụng của Trường Đại học Oxford Brooker - Vương quốc Anh;

- Cơ hội được nhận chứng chỉ Diploma nâng cao về kế toán và kinh doanh của ACCA (Advanced Diploma in Accouting and Business).

* Cơ hội và kết quả học tập theo định hướng chứng chỉ quốc tế:

- Người học sau khi hoàn thành xong các môn học theo định hướng chứng chỉ quốc tế ACCA được Hiệp hội ACCA thừa nhận 9 môn học tương ứng 9 module từ F1 đến F9, trong đó được miễn thi một số môn học theo quy định.

- Có cơ hội thi chuyển đổi sang bằng hành nghề Kế toán - Kiểm toán các quốc gia khác (CPA Việt Nam, CA Canada, CA New Zealand…) hoặc tham gia kỳ thi chuyển đổi để sở hữu chứng chỉ CIA.

- Có cơ hội học liên thông lấy bằng MSc in Professional Accountancy (Thạc sĩ Kế toán chuyên nghiệp).

Bộ môn Định giá Tài sản chụp hình lưu niệm cùng Ban lãnh đạo và cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Sông Gianh – Khu vực Miền Bắc

 

Câu 10: Sinh viên học CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản có được tham gia các hoạt động nào khác ngoài học tập không?

Ngoài hoạt động học tập, sinh viên có nhiều cơ hội được tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia các hội thảo khoa học; tham gia các hoạt động ngoại khoá (đi thực tế tại các doanh nghiệp Thẩm định giá và DN Kinh doanh bất động sản); được tham gia các hoạt động do Đoàn thành niên Học viện, Liên chi đoàn Khoa tổ chức; có cơ hội tham gia các câu lạc bộ trong Học viện và đặc biệt là tham gia Câu lạc bộ Thẩm định giá và Kinh doanh Bất động sản (VRBC); được tham gia các cuộc thi, trong đó có cuộc thi Nhà Thẩm định và kinh doanh bất động sản tài ba được tổ chức hàng năm và nhiều hoạt động ngoại khóa khác.

Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm học tập và nghiên cứu khoa học” được tổ chức hàng năm dành cho các Tân sinh viên

 

Câu 11: Người học sau khi tốt nghiệp CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản - ngành Bất động sản đạt được những kỹ năng gì?

Người học sau khi tốt nghiệp CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản- ngành Bất động sản đạt chuẩn về kiến thức của trình độ đại học; có kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết toàn diện và kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản và có các kỹ năng sau:

- Có kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu để giải quyết những vấn đề cụ thể hoặc phức tạp liên quan đến lĩnh vực Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản và lĩnh vực bổ trợ khác.

- Có kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc khoa học và chuyên nghiệp; biết dẫn dắt chuyên môn, tự cập nhật kiến thức phục vụ công việc;...

- Có kỹ năng học tập, nghiên cứu đáp ứng yêu cầu chuẩn CNTT, ngoại ngữ theo quy định hiện hành để phục vụ công việc;

- Có kỹ năng khởi nghiệp, tự chủ và tự chịu trách nhiệm cá nhân; thiết lập và duy trì các mối quan hệ để giải quyết tốt công việc liên quan.

PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà trao tặng phần thưởng cho các SV có đề tài NCKH cấp Khoa đạt giải năm học 2023-2024

 

Câu 12: Điểm mạnh của CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản - ngành bất động sản của Học viện Tài chính là gì?

Điểm mạnh nổi bật của CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản (hệ chuẩn và hệ đào tạo theo định hướng chứng chỉ quốc tế ACCA) - ngành bất động sản của Học viện Tài chính là cơ hội thực hành xuyên suốt. Sinh viên sẽ được học các môn học do đội ngũ thầy cô có kinh nghiệm giảng dạy chuyên sâu về lĩnh vực Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán.v.v.

Hàng năm, sinh viên và giảng viên được tham quan thực tế tại doanh nghiệp như Tân Long Land, VNG Value, tham dự tọa đàm với lãnh đạo Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, Hội Thẩm định giá – cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và thị trường lao động. Học viện cũng ký kết hợp tác với 8 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này để đảm bảo nội dung đào tạo luôn sát thực tế, cập nhật nhanh theo biến động thị trường.

Một thực tế ấn tượng là nhiều bạn SV được doanh nghiệp “chọn ngay” trong kỳ thực tập trước khi tốt nghiệp, đây là minh chứng cho chất lượng đào tạo được xã hội công nhận. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, với một thời gian tích lũy kinh nghiệm, sinh viên có thể thi chứng chỉ Thẩm định viên, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp và sự công nhận cao về chuyên môn.

TS.Trần Thị Thanh Hà – Phó trưởng Bộ môn ĐGTS trao phần thưởng của BM ĐGTS cho các sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập

 

Câu 13: Học CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản theo định hướng chứng chỉ quốc tế ACCA - ngành Bất động sản ở Học viện Tài chính đem lại cho người học những lợi ích gì sau khi tốt nghiệp?

Người học tốt nghiệp CTĐT Thẩm định giá và Kinh doanh bất động sản, ngành Bất động sản theo định hướng chứng chỉ quốc tế (ACCA)- Mã CTĐT: 09.01QT của Học viện Tài chính có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc chuyên môn trong các lĩnh vực như thẩm định giá, kinh doanh bất động sản, kế toán, kiểm toán và quản lý rủi ro. Với kiến thức chuyên sâu về tài chính, kế toán quản trị, thuế, kiểm toán và quản lý tài chính của Hiệp hội ACCA, sinh viên không chỉ làm việc tại các cơ quan Nhà nước mà còn có cơ hội phát triển sự nghiệp tại các doanh nghiệp (DN) trong nước, công ty đa quốc gia và tổ chức quốc tế; đặc biệt:

-Có nhiều cơ hội tiếp cận, làm việc tại các thị trường quốc tế, như tại các công ty đa quốc gia, ngân hàng quốc tế, tổ chức quốc tế…

- Phát triển các kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn theo định hướng công dân toàn cầu.

- Đem đến cơ hội làm việc mở rộng; Nguồn thu nhập triển vọng.

Các Thầy cô Bộ môn Định giá Tài sản chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Công ty TNHH Thẩm định giá VNG Việt Nam

 

Câu 14: Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản theo định hướng chứng chỉ quốc tế ACCA- ngành Bất động sản ở Học viện Tài chính có điểm gì đặc biệt hoặc khác biệt so với các cơ sở đào tạo đại học khác?

Học viện Tài chính là cơ sở đầu tiên trong cả nước mở Chương trình đào tạo Thẩm định giá và kinh doanh Bất động sản theo định hướng chứng chỉ quốc tế ACCA. Với tính truyền thống và tiếp cận hiện đại, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, Học viện tự hào với một số điểm nổi bật sau:

- Chương trình đào tạo chuyên sâu, bao gồm cả lý thuyết và thực tiễn trong môi trường kinh tế toàn cầu.

- Các môn học chuyên ngành được thiết kế để cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết làm việc trong môi trường toàn cầu.

- Tính thích ứng: sinh viên được đào tạo đáp ứng đa dạng các nhu cầu công việc, từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các công ty kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản, các công ty Thẩm định giá đến các ngân hàng, sở giao dịch chứng khoán.v.v..

 

Một số hình ảnh hoạt động dành cho sinh viên CTĐT Thẩm định giá và KD BĐS:

 

Các đại biểu, Bộ môn Định giá Tài sản, các thế hệ giáo viên, sinh viên CTĐT Thẩm định giá và KD BĐS và Ban Tổ chức chương trình chụp hình lưu niệm

Ký kết hợp tác giữa các DN và Học viện Tài chính trong việc phối hợp đào tạo

sinh viên CTĐT Thẩm định giá và kinh doanh bất động sản

 Lãnh đạo Học viện Tài chính ký kết hợp tác với CTCP Dịch vụ và Đầu tư Tân Long

Lãnh đạo Học viện Tài chính ký kết hợp tác với công ty TNHH thẩm định giá VNG Việt Nam

NGƯT.PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng Bộ môn ĐGTS trao phần thưởng của Bộ môn ĐGTS cho 2 bạn sinh viên có kết quả xét tuyển đầu vào cao nhất của Khoa TCDN theo 2 phương thức xét tuyển.

Tiết mục mở đầu đặc sắc “Hát về Học viện Tài chính thân yêu”

PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng bộ môn Định giá Tài sản trao thưởng cho sinh viên đạt danh hiệu thủ khoa chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh BĐS

PGS.TS Nguyễn Hồ Phi Hà - Trưởng bộ môn Định giá Tài sản và TS. Trần Thị Thanh Hà - Phó trưởng bộ môn Định giá Tài sản trao thưởng cho Sinh viên giỏi chuyên ngành Thẩm định giá và kinh doanh BĐS

 

Bộ môn Định giá Tài sản

Số lần đọc: 387
Các bài đã đăng