HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Bộ môn Tài chính doanh nghiệp
Chủ nhật, 09/04/2023 - 21:34

CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP - TRIỂN VỌNG NGHỀ NGHIỆP RỘNG MỞ TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP

I. Giới thiệu chung về chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp- Khoa Tài chính doanh nghiệp -Học viện Tài chính

Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp là chuyên ngành thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng. Sự ra đời của chuyên ngành gắn với sự hình thành (1963), phát triển của Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) và xuất phát từ đòi hỏi của công tác quản lý tài chính trong các doanh nghiệp. Bộ môn Tài chính doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp ( mã số 11).

Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp của Học viện Tài chính gồm: (1) Chương trình đào tạo cử nhân kinh tế - chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp hệ chuẩn và (2) Chương trình đào tạo cử nhân kinh tế - chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp hệ chất lượng cao (theo định hướng của ACCA)

* Thông tin liên hệ

Bộ môn quản lý chuyên ngành: Bộ môn Tài chính doanh nghiệp; Khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính.

Địa chỉ: Phòng 409 – Nhà hiệu bộ - Học viện Tài chính – số 58 đường Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội.

Email: bomontaichinhdoanhnghiep@hvtc.edu.vn

* Lãnh đạo bộ môn

Trưởng bộ môn: PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh

Phó trưởng bộ môn: PGS. TS. Nguyễn Thị Hà và TS. Phạm Thị Vân Anh

* Đội ngũ giảng viên:

Hiện nay, Bộ môn TCDN là một trong những Bộ môn nghiệp vụ chuyên ngành lớn của Học viện Tài chính với lực lượng giáo viên đông đảo gồm 25 giảng viên, trong đó có 21 giảng viên cơ hữu; 04 giảng viên kiêm môn, kiêm chức. Bộ môn TCDN là Bộ môn lớn nhất trong Khoa TCDN với số lượng giảng viên chiếm 54% số lượng giảng viên toàn Khoa.

Về chất lượng đội ngũ giảng viên, trong tổng số 25 giảng viên của bộ môn có  06 Phó giáo sư, 22 tiến sỹ kinh tế, 03 thạc sỹ kinh tế,  06 Giảng viên cao cấp, 11 giảng viên chính và hiện đang có 02 giáo viên đang làm NCS. Đội ngũ giáo viên của Bộ môn hiện nay được đào tạo khá bài bản, được cập nhật kiến thức quản trị tài chính doanh nghiệp hiện đại trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong số đó có 9 giảng viên được đào tạo ở nước ngoài với trình độ ngoại ngữ cao và hiện có 10 giáo viên tham gia giảng dạy môn học Tài chính doanh nghiệp bằng Tiếng Anh tại Học viện Tài chính. Tất cả các Thầy cô của Bộ môn đều rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Học viện, đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy và NCKH. Lực lượng giáo viên trẻ của Bộ môn đang chắt lọc gìn giữ, kế thừa xứng đáng truyền thống tốt đẹp của các thế hệ Thầy, Cô giáo lớp trước, đồng thời vươn lên mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tập thể bộ môn Tài chính doanh nghiệp

Tập thể bộ môn Tài chính DN đón nhận Huân chương lao động hạng Ba lần thứ hai

II. Sự cần thiết của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Những sinh viên của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành một nhà quản trị tài chính trong doanh nghiệp, hoặc cao hơn là một giám đốc tài chính doanh nghiệp (CFO- Chief Financial Officer). Giám đốc tài chính (CFO) có thể được hiểu như người đứng đầu bộ máy quản lý tài chính của doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về tổ chức công tác quản lý tài chính trong doanh nghiệp. Công việc của một CFO có thể được gói gọn lại trong việc chịu trách nhiệm đưa ra ba quyết định tài chính chủ yếu và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính của doanh nghiệp, đó là: Quyết định đầu tư vốn; Quyết định huy động vốn và Quyết định phân phối lợi nhuận. Mục tiêu chung để đưa ra các quyết định tài chính nêu trên có thể tóm lược trong một cụm từ đó là “Tối đa hóa giá trị”, nghĩa là các quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn, quyết định phân phối lợi nhuận phải dẫn đến kết quả là làm gia tăng giá trị tối đa phần vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp. Để thực hiện được chức năng và nhiệm vụ đó, giám đốc tài chính là người phải tổ chức bộ máy quản lý tài chính, tiến hành các công việc nghiên cứu, phân tích và xử lý các các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính trong doanh nghiệp. Giám đốc tài chính cũng là người phải xây dựng các kế hoạch tài chính như kế hoạch về nhu cầu vốn, kế hoạch huy động vốn và kế hoạch khai thác, sử dụng vốn sao cho tiết kiệm và có hiệu quả; định hướng phân phối lợi nhuận đảm bảo hài hòa lợi ích; thực hiện dự báo rủi ro và tổ chức quản trị rủi ro tài chính trong quá trình doanh nghiệp của mình hoạt động. Ngoài ra, Giám đốc tài chính còn phải kiểm soát việc sử dụng tài sản trong công ty, tránh xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí và không đúng mục đích…

Từ năm 2016, để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực vừa có kiến thức chuyên môn tốt, vừa có năng lực tiếng Anh và kỹ năng làm việc tốt , Học viện Tài chính đã đào tạo chương trình chất lượng cao chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp- một trong hai chuyên ngành đầu tiên của Học viện Tài chính đào tạo chương trình chất lượng cao. Với nhiều môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh với phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm và tích cực áp dụng mô hình thực tiễn vào học tập; thảo luận nhóm; thuyết trình; làm seminar thực hiện các bài tập hình huống, tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, tham quan học tập tại nước ngoài study tour..., Sinh viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp chương trình chất lượng cao ngoài bằng cử nhân chính quy chất lượng cao của Học viện Tài chính còn có cơ hội nhận bằng cử nhân Kế toán ứng dụng của Trường Đại học Oxford Brookes và Chứng chỉ Diploma nâng cao về Kế toán và Kinh doanh của ACCA

Như vậy có thể nói chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp là chuyên ngành đào tạo sinh viên để trở thành nhà quản trị tài chính, cao hơn là giám đốc tài chính trong doanh nghiệp hay các lãnh đạo cấp cao.

III. Mục tiêu đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

- Đào tạo cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp nắm vững kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp thuộc ngành Tài chính – Ngân hàng, nắm vững các kiến thức cơ bản và toàn diện về chính trị - kinh tế - xã hội

- Am hiểu cấu trúc, cơ chế vận hành và quản lý của hệ thống tài chính; có tư duy sáng tạo và logic; có khả năng nghiên cứu độc lập, phân tích, đánh giá và hoạch định các chính sách liên quan đến Tài chính doanh nghiệp

- Có trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu thực tiễn

- Có kỹ năng thực hành thành thạo về chuyên môn, có tính kỷ luật và chuyên nghiệp; có các kỹ năng cần thiết; có khả năng thích ứng nhanh với môi trường làm việc trong nước và quốc tế

- Có phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm với xã hội

IV. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Sinh viên được đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đạt được chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên môn như sau:

- Về kiến thức giáo dục đại cương:

+ Vận dụng được các nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác Lênin, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ chương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tế.

+ Nắm vững những kiến thức cơ bản về Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và nhân văn để vận dụng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi công việc được giao.

+Trang bị thế giới quan, nhân sinh quan theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có quan điểm và nguyên tắc phân tích, đánh giá các hiện tượng kinh tế, chính trị, xã hội một các logic, khách quan, tích cực và tiến bộ.

+ Nắm vững những nội dung cơ bản về giáo dục QP&AN của Việt Nam trong điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước.

+ Vận dụng tốt kiến thức cơ bản về giáo dục thể chất, rèn luyện, nâng cao thể lực đáp ứng tốt yêu cầu học tập và làm việc trong bối cảnh hội nhập lao động quốc tế.

- Về kiến thức cơ sở khối ngành

+ Giúp cho sinh viên nắm bắt được những nội dung lý thuyết cơ bản của nguyên lý kinh tế học, các vấn đề chính sách liên quan đến hoạt động của từng thị trường trong việc ra quyết định của các chủ thể kinh tế, giải thích được một số vấn đề kinh tế cụ thể mà thực tiễn đặt ra.

+ Cung cấp cho sinh viên thấy được bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế, nghiên cứu các hoạt động của nền kinh tế dưới góc độ tổng thể, đề cập đến các vấn đề kinh tế diễn ra hàng ngày cùng các chính sách điều tiết vĩ mô của Nhà nước, đồng thời giải thích được một số vấn đề kinh tế cụ thể mà thực tiễn đặt ra.

- Về kiến thức chuyên ngành

Có kiến thức cơ bản, toàn diện và hệ thống về ngành Tài chính - Ngân hàng, cụ thể: Hiểu biết đầy đủ bản chất các quy luật kinh tế - tài chính trong nền kinh tế; nắm vững cơ chế chính sách pháp luật của Nhà nước và vận dụng phù hợp trong thực tiễn; Có khả năng phân tích dữ liệu, đánh giá, dự báo, quản lý, quản trị các vấn đề trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng; Có khả năng tự cập nhật những vấn đề mới và những thay đổi trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng để phục vụ cho công tác chuyên môn;

+ Nắm vững đầy đủ, toàn diện và hệ thống các kiến thức bổ trợ chuyên ngành và có khả năng tự cập nhật kiến thức để phân tích dữ liệu, đánh giá, dự báo, quản lý, quản trị các vấn đề trong lĩnh vực khác như: kinh tế, tài chính- ngân hàng, kế toán, quản trị kinh doanh, hệ thống thông tin quản lý.

+ Có kiến thức tổng hợp, toàn diện và hệ thống kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp như: Tài chính doanh nghiệp, phân tích tài chính doanh nghiệp, quản trị tài chính công ty đa quốc gia, Tài chính tập đoàn kinh tế, …;  Có kiến thức cơ bản và nắm vững kiến thức được đào tạo, tự cập nhật các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực Tài chính doanh nghiệp và các lĩnh vực khác; sử dụng thành thạo các phương tiện kỹ thuật, phần mềm chuyên dùng phục vụ công việc được đảm nhận.

Sinh viên được đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đạt được chuẩn đầu ra về kỹ năng như sau:

Có kỹ năng phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Có kỹ năng đánh giá, phản biện các vấn đề chuyên môn liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Có kỹ năng tham mưu, tư vấn chuyên môn liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Có kỹ năng khởi nghiệp và tạo việc làm cho người khác trong ngành Tài chính – Ngân hàng, lĩnh vực Tài chính doanh nghiệp hoặc các lĩnh vực liên quan khác.

+ Có kỹ năng truyền đạt vấn đề: giao tiếp và thuyết trình, ứng xử, soạn thảo văn bản…

+ Có kỹ năng cần thiết để giải quyết vấn đề phức tạp: làm việc nhóm; làm việc độc lập; và thiết lập duy trì các mối quan hệ để giải quyết tốt công việc liên quan…

+ Có kỹ năng phản biện, phê phán và sử dụng các giải pháp thay thế trong điều kiện môi trường không xác định hoặc thay đổi: tự học và sáng tạo; tiếp cận và khai thác các nguồn thông tin, hệ thống các văn bản pháp luật phục vụ công việc chuyên môn…

Kỹ năng ngoại ngữ: Chương trình chuẩn yêu cầu trình độ ngoại ngữ đạt 450 TOEIC hoặc tương đương hoặc bậc 3/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014. Đối với chương trình chất lượng cao yêu cầu về trình độ ngoại ngữ là bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương theo Thông tư 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/01/2014

Kỹ năng tin học: Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản theo Khoản 1, điều 2 thông tư 03/2014/TT-BTTTT

Sinh viên được đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ đạt được chuẩn đầu ra về năng lực tự chủ và trách nhiệm như sau:

- Về năng lực tự chủ

+ Có ý thức, trách nhiệm công dân, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

+ Có đạo đức tốt, trung thực, khách quan và công tâm khi giải quyết công việc; Tự tin và kiên trì theo đuổi mục tiêu

-Về trách nhiệm

Có trách nhiệm đối với công việc, tổ chức và xã hội.

Tuân thủ chuẩn mực đạo đức chung về nghề nghiệp. Có tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, tính kỷ luật cao. Chủ động, sẵn sàng hội nhập thị trường lao động khu vực và quốc tế

V. Cấu trúc chương trình tổng quát:

Để đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cần thiết cho công tác quản trị tài chính doanh nghiệp, ngoài phần kiến thức giáo dục đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hai khối kiến thức: Kiến thức cơ sở ngành và Kiến thức chuyên ngành. Cụ thể như sau:

Cấu trúc chương trình tổng quát:

TT

Khối lượng kiến thức

Số TC- CT chuẩn

Số TC- CT CLC

I

Kiến thức giáo dục đại cương

47

47

1

Kiến thức chung

36

36

 

Phần bắt buộc

30

30

 

Phần tự chọn

6

6

2

Kiến thức GDQP&GDTC (*)

11

11

II

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

93

93

1

Kiến thức cơ sở khối ngành

6

6

2

Kiến thức cơ sở ngành                

25

27

3

Kiến thức ngành                 

17

16

4

Kiến thức chuyên ngành

15

10

 

Phần bắt buộc

13

10

 

Phần tự chọn

2

0

5

Kiến thức bổ trợ             

20

24

 

Phần bắt buộc

12

20

 

Phần tự chọn

8

4

6

Kiến thức thực tập tốt nghiệp

10

10

 

Tổng tín chỉ (I+II)

140

140

VI. Tài liệu học tập của sinh viên chuyên ngành Tài chính DN

Tài liệu học tập của sinh viên chuyên ngành Tài chính DN gồm một số tài liệu sau:

- Giáo trình, sách bài tập các môn học chuyên ngành

- Sách chuyên khảo, tham khảo trong và ngoài nước liên quan đến môn học chuyên ngành

- Các công trình NCKH các cấp, các bài nghiên cứu về các chủ đề liên quan tới lĩnh vực Tài chính- ngân hang nói chung và tài chính doanh nghiệp nói riêng

…….

Một số tài liệu học tập do giảng viên Bộ môn Tài chính doanh nghiệp biên soạn

VI. Các hoạt động của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Sinh viên chuyên ngành TCDN có đặc điểm là năng động xuất phát từ tính chất của chuyên ngành là đào tạo ra những cán bộ làm công tác tham mưu, tư vấn và tham gia hoạt động quản trị tài chính của doanh nghiệp. Để tạo ra những sinh viên năng động, sáng tạo, Bộ môn Tài chính Doanh nghiệp thường tổ chức các hoạt động như:

+ Tổ chức thăm quan, khảo sát thực tế các doanh nghiệp

+ Tổ chức mời các báo cáo viên đang công tác tại Tập đoàn, TCT, DN về báo cáo thực tế cho sinh viên của chuyên ngành.

+ Phối hợp với HVTC khuyến khích sinh viên tham gia chương trình Study tour

+ Tổ chức đào tạo thực tế cho sinh viên nắm bắt được nội dung môn học Tài chính doanh nghiệp thực hành.

+ Tổ chức thường niên cuộc thi “CFO- Giám đốc tài chính tương lai”

+ Tổ chức các hội thảo khoa học với các chủ đề liên quan đến tài chính doanh nghiệp

+ Phối hợp với CLB BSC tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp trẻ”. 

+ Hướng dẫn sinh viên chuyên ngành NCKH

+ Khen thưởng cho sinh viên chuyên ngành đạt kết quả cao trong học tập và nghiên cứu khoa học; sinh viên có thành tích cao trong hoạt động đoàn thể, xã hội; hỗ trợ sinh viên có nỗ lực trong học tập và NCKH Phần thưởng đựơc trích từ Quỹ “Kết nối trái tim”

+ Và nhiều hoạt động khác VD: Tổ chức cuộc thi “ “ Sáng tạo biểu tượng (Logo) và khẩu hiệu (Slogan) chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp” năm 2021; cuộc thi giới thiệu sách của Học viện Tài chính năm 2022….

Sinh viên CQ 57.11CLC và GV chuyên ngành Tài chính DN thăm quan, khảo sát thực tế tại công ty Hon da Việt Nam

Đoàn giảng viên bộ môn TCDN và sinh viên lớp CQ54-11CLC đi thực tế tại Tập đoàn An Phát và CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát.

Đoàn giảng viên và sinh viên chuyên ngành TCDN đi thực tế tại công ty ABB.

Đoàn giảng viên và sinh viên chuyên ngành TCDN đi thực tế tại công ty KPMG

Đoàn giảng viên và sinh viên chuyên ngành TCDN đi thực tế tại công ty IBM

Giảng viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp đi thực tế tại Cục thuế tỉnh Phú Thọ

Giảng viên chuyên ngành TCDN đi thực tế tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng

Giảng viên chuyên ngành TCDN đi thực tế tại Công ty TNHH thiết bị Gia Hưng

Sinh viên chuyên ngành TCDN chương trình CLC tham gia Study tour 2018

Báo cáo thực tế cho sinh viên chuyên ngành 57.11CLC trước khi đi thực tập

Báo cáo thực tế cho sinh viên chuyên ngành TCDN CQ57/11.CTC trước khi đi thực tập

Báo cáo thực tế cho sinh viên chuyên ngành TCDN CQ57/11

Tổ chức đào tạo thực tế cho sinh viên chuyên ngành học phần Tài chính doanh nghiệp thực hành

Đào tạo thực tế chuyên đề “Hoạch định tài chính cá nhân”

Cuộc thi CFO- Giám đốc tài chính tương lai- Bộ môn TCDN bảo trợ về chuyên môn

Hội thảo khoa học sinh viên

PGS.TS. Trương Thị Thuỷ - Phó Giám đốc Học viện, PGS.,TS. Đoàn Hương Quỳnh – Phó Trưởng Khoa TCDN, Trưởng Bộ môn TCDN cùng các thầy cô và các em sinh viên đạt giải Nhất tại Hội thi Kinh tế lượng và ứng dụng

Lãnh đạo Khoa; bộ môn TCDN; giáo viên hướng dẫn và sinh viên đạt giải NCKH  cấp Bộ trong Hội nghị tổng kết khoa học HVTC năm 2022

Bộ môn TCDN ra mắt quỹ “Kết nối trái tim” dành cho sinh viên

Trao thưởng cho tân sinh viên K60 lấy từ quỹ “Kết nối trái tim”

Bộ môn Tài chính khen thưởng cho các sinh viên chuyên ngành có thành tích xuất sắc trong học tập, NCKH, hoạt động đoàn thể, xã hội

Cuộc thi sáng tạo biểu tượng và khẩu hiệu chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Chuyên ngành Tài chính DN đạt giải Nhì trong cuộc thi giới thiệu sách Học viện Tài chính năm 2022

VII. Khả năng học tập nâng cao trình độ của người học sau khi tốt nghiệp

- Có khả năng tiếp tục học tập ở bậc cao hơn trong nước và các cơ sở đào tạo nước ngoài.

- Có khả năng tự học, cập nhật kiến thức mới phục vụ công tác chuyên môn.

- Có khả năng học tiếp và đạt các chứng chỉ hành nghề quốc tế như: CFA, CPA, ACCA, ICAEW…

VIII. Về vị trí công tác sau khi sinh viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp tốt nghiệp ra trường

Tính đến nay, Học viện Tài chính đã có 60 năm đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp với hàng vạn sinh viên đã tốt nghiệp các hệ đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhiều cựu sinh viên của chuyên ngành tài chính doanh nghiệp hiện đang đảm nhiệm các vị trí then chốt ở các Cơ quan quản lý nhà nước,  các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty và các doanh nghiệp. Nhiều người đang giữ các trọng trách như: Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho Bạc nhà nước, Cục Trưởng Cục Thuế, Tổng giám đốc hoặc Kế toán Trưởng, Trưởng phòng Tài chính của nhiều Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp. Sinh viên được đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng lựa chọn nơi làm việc là rất rộng lớn, cụ thể có thể đảm nhiệm ở nhiều vị trí công tác khác nhau như sau:

Làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, như: Bộ Tài chính; Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Tài chính doanh nghiệp; Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Sở Tài chính, Cục Thuế và Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố; Phòng Tài chính, Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước các quận - huyện; các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách tài chính,.. thuộc các Bộ, Ban, Ngành; v.v.

- Làm việc tại khu vực các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: Làm công tác quản trị tài chính tại Ban Tài chính - Kế toán; Ban đầu tư của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty; Phòng Tài chính - Kế toán của các công ty, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế, làm kiểm soát viên Ban kiểm soát của các doanh nghiệp.

- Làm việc tại các doanh nghiệp tài chính như: Các Ngân hàng thương mại; Công ty Bảo hiểm; Công ty chứng khoán; Quỹ đầu tư; Công ty Tài chính; Công ty Kiểm toán; Công ty Thẩm định giá; Sở Giao dịch chứng khoán,.. đảm nhận các công việc như: Thẩm định tài chính dự án đầu tư hoặc cho vay vốn; quản trị rủi ro của các hoạt động và dự án đầu tư của doanh nghiệp; triển khai các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán quốc tế và các dịch vụ tài chính ở các tổ chức tài chính-tín dụng và ngân hàng; trở thành các nhà môi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán; các chuyên gia tư vấn tài chính ở các công ty chứng khoán, công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán v.v.

Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học như: Làm Giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng;làm chuyên gia tư vấn;  làm Nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế  - Tài chính - Ngân hàng nói chung và Tài chính doanh nghiệp nói riêng.

IX. Về triển vọng và cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên chuyên ngành Tài chính Doanh nghiệp

Thực tế chứng minh rằng, vai trò của Giám đốc tài chính hoàn toàn khác với Kế toán trưởng; có rất nhiều nhiệm vụ của giám đốc tài chính mà kế toán trưởng không thể thực hiện được. Ở các nước phát triển, Giám đốc tài chính là một chức danh không thể thiếu trong cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển của kinh tế thị trường, cùng với sự phát triển của thị trường tài chính ngày càng mạnh mẽ, đối với những công ty có quy mô lớn, do các nghiệp vụ tài chính khá đa dạng, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính diễn ra thường xuyên, nên các công ty này thường bổ nhiệm một Nhà quản trị tài chính chuyên trách được gọi là Giám đốc tài chính- CFO. Giám đốc tài chính là một thành viên trong Ban Giám đốc của công ty và chịu trách nhiệm toàn bộ các vấn đề về quản lý tài chính của doanh nghiệp; cụ thể giám đốc tài chính sẽ trực tiếp tổ chức, chỉ đạo và điều hành các công việc của bộ phận kế toán và công việc của bộ phận tài chính trong doanh nghiệp. Giám đốc tài chính giữ vị trí vô cùng quan trọng trong việc duy trì nền tảng tài chính vững mạnh giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triểnGiám đốc tài chính sẽ tham gia sâu vào việc hoạch định các chính sách và các chiến lược tài chính, đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính cho hoạt động của doanh nghiệp. Giữa những khó khăn tài chính ở cả môi trường kinh tế vĩ mô lẫn trong phạm vi doanh nghiệp như hiện nay, giám đốc tài chính có vai trò quyết định trong chiến lược kiểm soát dòng tiền, quản trị rủi ro, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ có rất ít doanh nghiệp có chức danh Giám đốc tài chính theo đúng nghĩa khoa học của vị trí này và phần lớn các CFO đều chưa được đào tạo bài bản, ít được cập nhật thường xuyên kiến thức quản trị tài chính hiện đại. Mặt khác, thị trường tài chính ở nước ta mới ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển, nên các Giám đốc tài chính cũng chưa có điều kiện để phát huy hết khả năng của mình. Tại nhiều doanh nghiệp còn có sự nhầm lẫn giữa chức danh Giám đốc tài chính với chức danh Kế toán trưởng. Do đặc điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp, nên trong cơ cấu bộ máy tổ chức của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không xác lập chức danh Giám đốc tài chính. Vai trò của Giám đốc tài chính được đặt lên vai của Giám đốc và Kế toán trưởng của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu Giám đốc tài chính đồng nghĩa với việc thiếu một cán bộ quản lý tài chính chuyên nghiệp nhằm thường xuyên đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị hoàn toàn không nắm được thực trạng tài chính của doanh nghiệp, khi phát hiện ra những dấu hiệu xấu như: hàng tồn kho ứ đọng nhiều, nợ khó đòi tăng lên quá mức cho phép, nợ phải trả cộng dồn quá cao, hiệu quả kinh doanh thấp và mất cân đối dòng tiền... thì đã trở nên quá muộn. Ở góc độ doanh nghiệp, vai trò quan trọng của CFO ngày nay là không thể phủ nhận được, kể cả đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thậm chí, cho dù một doanh nghiệp có chiến lược phát triển tốt và đang kinh doanh thành công thì vẫn có thể rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính và dẫn đến phá sản nếu không có một CFO làm tốt công tác quản trị tài chính.

  Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, với xu thế hội nhập kinh tế - tài chính ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ với các quốc gia trên thế giới; cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài vào Việt Nam, cộng với với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, vai trò của giám đốc tài chính doanh nghiệp ngày càng được khẳng định và coi trọng đúng mức trong bộ máy quản trị doanh nghiệp; vậy nên nhu cầu nguồn nhân lực quản trị tài chính doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Đây chính là cơ hội tiềm năng để các sinh viên chuyên ngành TCDN chẳng những không lo bị thất nghiệp mà còn có thêm cơ hội để tiếp cận với những đỉnh cao của một nghề nghiệp thuộc vào loại phức tạp nhất trong kỹ năng quản trị doanh nghiệp. Hơn nữa, việc lựa chọn chuyên ngành tài chính doanh nghiệp giúp sinh viên được phát triển  một cách toàn diện về kiến thức, kỹ năng, về mức độ tự chủ và trách nhiệm. Sinh viên có kiến thức chuyên sâu, đồng bộ, có khả năng ứng dụng một cách sáng tạo về công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp, có năng lực đánh giá tình hình tài chính và dự báo tài chính độc lập nhằm tư vấn cho doanh nghiệp đưa ra những quyết định tài chính tối ưu nhằm tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Mặt khác, sinh viên có trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu công việc và hội nhập quốc tế. Đây là những tiền đề rất quan trọng cho sinh viên chuyên ngành tài chính doanh nghiệp vững bước trên con đường đi tới tương lai trong kỷ nguyên mới 4.0./.

 

Số lần đọc: 3826
Trang 1/2