HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Bộ môn Tài chính doanh nghiệp
Thứ ba, 21/08/2018 - 18:29

GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI TRÀ CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

HỌC VIỆN TÀI CHÍNH

KHOA TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

----------***---------

 

GIỚI THIỆU VỀ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI TRÀ

CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

1. Sự cần thiết đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp là chuyên ngành thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng. Sự ra đời của chuyên ngành TCDN xuất phát từ đòi hỏi của công tác quản trị tài chính trong các doanh nghiệp.

Theo cách hiểu đơn giản nhất, có thể hình dung: để hình thành và đi vào hoạt động, mỗi doanh nghiệp cần phải có một lượng tiền tệ nhất định để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị, dự trữ nguyên vật liệu,.. nhằm đáp ứng quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, hàng loạt các câu hỏi sẽ được đặt ra như: Doanh nghiệp cần bao nhiêu tiền để đầu tư vào các máy móc, thiết bị và vật tư kể trên? Số tiền đó được huy động từ đâu và bằng cách nào? Số tiền đó sẽ được đầu tư và sử dụng như thế nào? số tiền thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được phân phối như thế nào? v.v. Cùng với sự phát triển của thị trường tài chính, sự phát triển đa dạng các mối quan hệ tài chính, sẽ nảy sinh nhiều câu hỏi khác liên quan đến quá trình tạo lập và sử dụng quỹ tiền tệ của doanh nghiệp. Chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp chính là chuyên ngành sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực tài chính – các cán bộ làm công tác quản trị tài chính trong các doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp giải quyết các câu hỏi đặt ra kể trên.

Những sinh viên của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành một nhà quản trị tài chính trong doanh nghiệp, hoặc cao hơn là một giám đốc tài chính doanh nghiệp (CFO- Chief Financial Officer). Giám đốc tài chính (CFO) có thể được hiểu như người đứng đầu bộ máy quản trị tài chính của doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về tổ chức công tác quản trị tài chính trong doanh nghiệp. Công việc của một CFO có thể được gói gọn lại trong việc chịu trách nhiệm đưa ra ba nhóm quyết định tài chính chủ yếu và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính của doanh nghiệp, đó là: Quyết định đầu tư vốn; Quyết định huy động vốn và Quyết định phân phối lợi nhuận. Mục tiêu chung để đưa ra các quyết định tài chính nêu trên có thể tóm lược trong một cụm từ đó là “Tối đa hóa giá trị doanh nghiệp”, nghĩa là các quyết định đầu tư, quyết định huy động vốn, quyết định phân phối lợi nhuận phải dẫn đến kết quả là làm gia tăng giá trị tối đa phần vốn đầu tư của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Để thực hiện được chức năng và nhiệm vụ đó, giám đốc tài chính là người phải tổ chức bộ máy quản trị tài chính, tiến hành các công việc nghiên cứu, phân tích và xử lý các các vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính trong doanh nghiệp. Giám đốc tài chính cũng là người phải xây dựng các kế hoạch tài chính như kế hoạch về nhu cầu vốn, kế hoạch huy động vốn và kế hoạch khai thác, sử dụng vốn sao cho có hiệu quả; thực hiện dự báo rủi ro và tổ chức quản trị rủi ro tài chính trong quá trình doanh nghiệp của mình hoạt động. Ngoài ra, Giám đốc tài chính còn phải kiểm soát dòng tiền, kiểm soát việc sử dụng tài sản trong công ty, tránh xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí và sử dụng không đúng mục đích…

Với mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chúng ta phấn đấu đến năm 2021 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp để phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Điều đó sẽ mở ra cơ hội việc làm rộng mở cho các cử nhân kinh tế chuyên ngành TCDN.

        2. Mục tiêu đào tạo đại trà chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp là đào tạo ra những Cử nhân có kiến thức cơ bản, toàn diện về Tài chính doanh nghiệp; biết ứng dụng một cách sáng tạo những kiến thức, kỹ năng được đào tạo vào công tác quản trị tài chính của doanh nghiệp.

      3. Về chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đại trà chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp

Sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính - Ngân hàng, chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn về Kiến thức chung và Kiến thức về ngành thì còn phải đáp ứng các yêu cầu sau đối với kiến thức của chuyên ngành:

3.1. Về kiến thức chuyên ngành

- Có kiến thức tổng hợp và toàn diện về tài chính doanh nghiệp, nắm vững các mối quan hệ tài chính phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; hiểu biết về đặc điểm và tác dụng của các công cụ quản trị tài chính doanh nghiệp.

- Nắm chắc kiến thức về các nội dung quản trị tài chính trong doanh nghiệp như quản trị đầu tư vốn, quản trị huy động vốn, quản trị phân phối lợi nhuận, quản trị rủi ro tài chính và lập kế hoạch tài chính doanh nghiệp.

- Có kiến thức và khả năng nhận diện các yếu tố tác động đến tài chính doanh nghiệp, biết đánh giá và lựa chọn các chính sách tài chính cho doanh nghiệp.

- Có kiến thức và nắm vững các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính doanh nghiệp, về cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp, am hiểu pháp luật kinh tế - tài chính. Có khả năng tự cập nhật các kiến thức liên quan đến chế độ, chính sách trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp.

- Nắm vững kiến thức cơ bản về kế toán doanh nghiệp, thuế và quản lý thuế, nghiệp vụ tín dụng ngân hàng, thị trường tài chính, định giá tài sản, có kiến thức về kinh tế vĩ mô có tác động đến hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

3.2. Về công việc có thể đảm nhận và thực hiện sau khi được trang bị kiến thức chuyên ngành

- Biết lập và thẩm định tài chính các dự án đầu tư cho doanh nghiệp.

- Biết đánh giá và lựa chọn phương án huy động vốn, phương án phân phối lợi nhuận cho doanh nghiệp.

- Biết phân tích và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, phát hiện và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện tình hình tài chính doanh nghiệp.

- Biết lập kế hoạch tài chính và xây dựng cơ chế quản lý tài chính cho doanh nghiệp;

- Có khả năng nhận diện rủi ro, nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; thiết lập hệ thống quản trị rủi ro tài chính, quản trị dòng tiền, có kiến thức về hoạt động định giá doanh nghiệp, mua bán sáp nhập doanh nghiệp.

- Có khả năng tổ chức bộ máy quản trị tài chính của doanh nghiệp, tổ chức quy trình đánh giá và lựa chọn các chính sách tài chính của doanh nghiệp.

3.3. Về những kỹ năng được trang bị

3.3.1. Kỹ năng nghề nghiệp

- Có khả năng nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính của doanh nghiệp.

- Có khả năng vận dụng các kiến thức chuyên môn để đánh giá và lựa chọn các quyết định tài chính của doanh nghiệp.

- Có tư duy logic, có kỹ năng trình bày, phản biện các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính doanh nghiệp.

- Có kỹ năng tổ chức triển khai công tác quản trị tài chính doanh nghiệp, kỹ năng tổ chức làm việc nhóm khi hoạch định chính sách tài chính doanh nghiệp.

- Có kỹ năng cơ bản và thuần thục các kỹ năng nghề nghiệp của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp như: Kỹ năng đọc báo cáo tài chính, phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp; phát hiện ra những hạn chế trong hoạt động quản trị tài chính doanh nghiệp. Kỹ năng đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường quản trị tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Kỹ năng hoạch định chính sách tài chính, kỹ năng dự báo tài chính, kỹ năng chuẩn bị báo cáo quản trị tài chính doanh nghiệp. 

- Biết cách sử dụng các phương tiện và phần mềm hỗ trợ phân tích tài chính, hoạch định chính sách tài chính cho doanh nghiệp.

3.3.2. Kỹ năng sử dụng các công cụ

- Về Ngoại ngữ: Sử dụng tiếng Anh giao tiếp thành thạo, có khả năng khai thác và sử dụng các tài liệu chuyên môn bằng tiếng Anh.

- Về tin học: Sử dụng thành thạo tin học cơ bản và các phần mềm ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn.

        4. Về nội dung đào tạo chương trình đại trà chuyên ngành TCDN

Để đào tạo nguồn nhân lực có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ cần thiết cho công tác quản trị tài chính doanh nghiệp, ngoài phần kiến thức giáo dục đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì được trang bị thêm hai khối kiến thức: Kiến thức cơ sở ngành và Kiến thức chuyên ngành.

- Về khối kiến thức cơ sở ngành: Sinh viên sẽ được trang bị các môn học chủ yếu như: Nguyên lý kế toán, Pháp luật kinh tế, Tài chính tiền tệ, Nguyên lý thống kê, Tin học ứng dụng, Quản lý tài chính công, Thuế, Bảo hiểm, Hải quan, Tài chính quốc tế, Quản trị ngân hàng thương mại, Thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán, Định giá tài sản, Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Quản trị kinh doanh, Thống kế doanh nghiệp, Quản lý dự án, Kiểm toán, Kinh tế lượng…

- Về khối kiến thức chuyên ngành: Sinh viên sẽ được trang bị các môn học về chuyên ngành là: Tài chính doanh nghiệp, Tài chính doanh nghiệp thực hành, Phân tích tài chính doanh nghiệp…

- Chương trình đào tạo chi tiết như sau:

I. PHẦN KIẾN THỨC GIÁO DỤC ĐẠI CƯƠNG: 46 Tín chỉ

 

TT

Mã môn học (HP)

CÁC HỌC PHẦN

Số tín chỉ

Ghi chú

 

 

Phần bắt buộc

38

 

1

MLP001111

Triết học Mác- Lê nin

4

 

2

PEC002111

Kinh tế chính trị (hp 1)

3

 

3

PEC003111

Kinh tế chính trị (hp 2)

3

 

4

SSO004111

Chủ nghĩa Xã hội khoa học

3

 

5

VPH005111

Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam

3

 

6

HVE006111

Tư tưởng Hồ Chí Minh

3

 

7

BFL007111

Ngoại ngữ cơ bản 1

3

 

8

BFL008111

Ngoại ngữ cơ bản 2

4

 

9

AMA009111

Toán cao cấp (hp 1)

2

 

10

AMA010111

Toán cao cấp (hp 2)

2

 

11

PAS011111

Lý thuyết xác suất và thống kê toán

3

 

12

GLA012111

Pháp luật đại cương

2

 

13

GCO013111

Tin học đại cương

3

 

 

 

Phần tự chọn (8 Tín chỉ)

8

 

14

ETH014011

Lịch sử các Học thuyết kinh tế

2

 

15

SOC015011

Xã hội học

2

 

16

PAM016011

Quản lý hành chính công

2

 

17

EEC017011

Kinh tế môi trường

2

 

18

DEC018011

Kinh tế phát triển

2

 

19

IEC019011

Kinh tế quốc tế

2

 

II. PHẦN KIẾN THỨC GDTC & GDQP: 12 tín chỉ          

20

AED020111

Giáo dục thể chất (150 tiết)

4

 

21

MED021111

Giáo dục quốc phòng (165 tiết)

8

 

III. PHẦN KIẾN THỨC GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP

3.1.Kiến thức cơ sở khối ngành: 6 Tín chỉ

22

MAE022111

Kinh tế vĩ mô

3

 

23

MIE023111

Kinh tế vi mô

3

 

3.2.Kiến thức cơ sở ngành: 24 Tín chỉ

24

ELA024111

Pháp luật kinh tế

3

 

25

QEC025111

Kinh tế lượng

3

 

26

SPR026111

Nguyên lý thống kê

3

 

27

APR027111

Nguyên lý kế toán

3

 

28

FAM028111

Tài chính tiền tệ

4

 

29

ACO029111

Tin học ứng dụng

2

 

30

SFL030111

Ngoại ngữ chuyên ngành 1

3

 

31

SFL031111

Ngoại ngữ chuyên ngành 2

3

 

3.3.Kiến thức ngành: 17 Tín chỉ

32

BMA032111

Quản trị kinh doanh

2

 

33

IFI033111

Tài chính quốc tế

3

 

34

AVA034111

Định giá tài sản

2

 

35

CBM035111

Quản trị ngân hàng thương mại

2

 

36

SMI036111

Thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán

2

 

37

TAX037111

Thuế

2

 

38

PFM038111

Quản lý tài chính công

2

 

39

CST039111

Thống kê doanh nghiệp

2

 

3.4.Kiến thức chuyên ngành (CN): 14 Tín chỉ

 

 

Phần bắt buộc

12

 

40

CFI040111

Tài chính doanh nghiệp 1

3

 

41

CFI041111

Tài chính doanh nghiệp 2

2

 

42

CFI042111

Tài chính doanh nghiệp 3

2

 

43

CFI043111

Tài chính doanh nghiệp 4

2

 

44

CFA044111

Phân tích tài chính doanh nghiệp

3

 

 

 

Phần tự chọn (2 Tín chỉ)

2

 

45

IFM045111

Quản trị tài chính công ty đa quốc gia

2

 

46

ICM046111

Quản trị tín dụng quốc tế và nợ nước ngoài

2

 

3.5.Kiến thức bổ trợ: 12 Tín chỉ

 

 

Phần bắt buộc

8

 

47

FAC047111

Kế toán tài chính 1

3

 

48

FAC048111

Kế toán tài chính 2

2

 

49

MAC049111

Kế toán quản trị

3

 

 

 

Phần tự chọn (4 Tín chỉ)

4

 

50

MMO050011

Mô hình toán kinh tế

2

 

51

SBU051011

Kinh doanh chứng khoán

2

 

52

ABU052011

Kinh doanh bất động sản

2

 

53

FAC053011

Kế toán tài chính 5

2

 

54

MAR054011

Marketing

2

 

55

PMA055011

Quản lý dự án

2

 

56

GAU056011

Kiểm toán căn bản

2

 

57

PRE057011

Quan hệ công chúng

2

 

58

ECF058011

Tài chính doanh nghiệp (giảng bằng tiếng Anh)

2

 

    IV.  THỰC TẬP CUỐI KHOÁ, KHOÁ LUẬN TỐT NGHIỆP: 10 Tín chỉ

59

SPR059111

Thực tập cuối khoá

4

 

60

THE060111

Luận văn tốt nghiệp

6

 

Tổng cộng toàn khoá: 141 tín chỉ

(Trong đó: 129 tín chỉ học chuyên môn, 12 tín chỉ GDTC và GDQP).

 

         5. Về vị trí công tác sau khi tốt nghiệp ra trường

Tính đến nay (2018), Học viện Tài chính đã có 55 năm đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp với hàng vạn sinh viên đã tốt nghiệp các hệ đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhiều cựu sinh viên của chuyên ngành tài chính doanh nghiệp hiện đang đảm nhiệm các vị trí then chốt ở các Cơ quan quản lý nhà nước,  các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty và các doanh nghiệp. Nhiều người đang giữ các trọng trách như: Bộ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho Bạc nhà nước, Cục Trưởng Cục Thuế, Tổng giám đốc hoặc Kế toán Trưởng các Tổng công ty (xem phụ lục 1). Sinh viên được đào tạo chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng lựa chọn nơi làm việc là rất rộng lớn, cụ thể có thể đảm nhiệm ở nhiều vị trí công tác khác nhau như sau:

- Làm việc tại các cơ quan quản lý Nhà nước, như: Bộ Tài chính; Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Cục Tài chính doanh nghiệp; Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Sở Tài chính, Cục Thuế và Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố; Phòng Tài chính, Chi cục Thuế, Kho bạc Nhà nước các quận - huyện; các Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Chính sách tài chính,.. thuộc các Bộ, Ban, Ngành; v.v.

- Làm việc tại khu vực các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh: Làm chuyên viên Ban Tài chính - Kế toán; Ban đầu tư; Ban kiểm soát của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty; Phòng Tài chính - Kế toán của các công ty, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế.

- Làm việc tại các doanh nghiệp tài chính như: Các Ngân hàng thương mại; Công ty Bảo hiểm; Công ty chứng khoán; Quỹ đầu tư; Công ty Tài chính; Công ty Kiểm toán; Công ty Thẩm định giá; Sở Giao dịch chứng khoán,.. đảm nhận các công việc như: Thẩm định tài chính dự án đầu tư hoặc cho vay vốn; quản trị rủi ro của các hoạt động và dự án đầu tư của doanh nghiệp; triển khai các nghiệp vụ tín dụng, thanh toán quốc tế và các dịch vụ tài chính ở các tổ chức tài chính-tín dụng và ngân hàng; trở thành các nhà môi giới đầu tư trên thị trường chứng khoán; các chuyên gia tư vấn tài chính ở các công ty chứng khoán, công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán v.v.

- Làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học như:  Làm Giảng viên các trường Đại học, Cao đẳng; làm Nghiên cứu viên tại các cơ quan nghiên cứu khoa học, các Viện nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế  - Tài chính - Ngân hàng nói chung và Tài chính doanh nghiệp nói riêng.

6. Về triển vọng và cơ hội nghề nghiệp

          Thực tế chứng minh rằng, vai trò của Giám đốc tài chính hoàn toàn khác với Kế toán trưởng; có rất nhiều nhiệm vụ của Giám đốc tài chính mà Kế toán trưởng không thể thực hiện được. Ở các nước phát triển, Giám đốc tài chính là vị trí không thể thiếu trong các doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển của kinh tế thị trường, cùng với sự phát triển của thị trường tài chính ngày càng mạnh mẽ, đối với những công ty có quy mô lớn, do các nghiệp vụ tài chính khá đa dạng, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính diễn ra thường xuyên, nên các công ty này thường bổ nhiệm một Nhà quản trị tài chính chuyên trách được gọi là Giám đốc tài chính- CFO để tổ chức, chỉ đạo và điều hành các công việc của bộ phận kế toán và công việc của bộ phận tài chính trong doanh nghiệp. Giám đốc tài chính sẽ tham gia sâu vào việc hoạch định các chính sách và các chiến lược tài chính, đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính cho hoạt động của doanh nghiệp. Giám đốc tài chính là một thành viên trong Ban giám đốc của công ty và chịu trách nhiệm toàn bộ các vấn đề về quản lý tài chính của doanh nghiệp.

          Hiện nay, ở Việt Nam mới chỉ có rất ít doanh nghiệp có chức danh Giám đốc tài chính theo đúng nghĩa khoa học của vị trí này và phần lớn các CFO đều chưa được đào tạo bài bản, ít được cập nhật thường xuyên kiến thức quản trị tài chính hiện đại. Mặt khác, thị trường tài chính ở nước ta mới ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển, nên các Giám đốc tài chính cũng chưa có điều kiện để phát huy hết khả năng của mình. Tại nhiều doanh nghiệp còn có sự nhầm lẫn giữa chức danh Giám đốc tài chính với chức danh Kế toán trưởng. Do đặc điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp, nên trong cơ cấu bộ máy tổ chức của phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không xác lập chức danh Giám đốc tài chính. Vai trò của Giám đốc tài chính được đặt lên vai của Giám đốc và Kế toán trưởng của doanh nghiệp. Tình trạng thiếu Giám đốc tài chính đồng nghĩa với việc thiếu một cán bộ quản lý tài chính chuyên nghiệp nhằm thường xuyên đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp, Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị hoàn toàn không nắm được thực trạng tài chính của doanh nghiệp, khi phát hiện ra những dấu hiệu xấu như nợ khó đòi tăng lên quá mức cho phép, nợ phải trả cộng dồn quá cao, hiệu quả kinh doanh thấp... thì đã trở nên quá muộn.

          Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, với xu thế hội nhập kinh tế - tài chính ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ với các quốc gia trên thế giới; cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính, sự mở rộng và phát triển mạnh mẽ của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các ngân hàng, công ty bảo hiểm trong nước và nước ngoài vào Việt Nam, vai trò của giám đốc tài chính doanh nghiệp đang dần được khẳng định và coi trọng đúng mức trong bộ máy quản trị doanh nghiệp; vậy nên nhu cầu nguồn nhân lực quản trị tài chính doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Đây chính là cơ hội tiềm năng, để các sinh viên chuyên ngành TCDN chẳng những không lo bị thất nghiệp, mà còn có thêm cơ hội để tiếp cận với những đỉnh cao của một nghề nghiệp thuộc vào loại phức tạp nhất trong kỹ năng quản trị doanh nghiệp.

          Đối với sinh viên chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp do Học viện Tài chính đào tạo trong 55 năm qua, theo thống kê sơ bộ của Khoa TCDN, tính đến nay số sinh viên của chuyên ngành TCDN hiện đang công tác rải đều khắp tại các doanh nghiệp, các ngân hàng, các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm, các công ty chứng khoán và các cơ quan quản lý kinh tế nhà nước, đặc biệt là có khả năng thăng tiến và thành đạt trên các cương vị công tác chuyên môn được giao. Để minh chứng cho điều đó, dưới đây là danh sách một số cựu sinh viên tiêu biểu và thành đạt của chuyên ngành đào tạo Tài chính doanh nghiệp- Học viện Tài chính.

                                                  

                                                              BỘ MÔN TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

Số lần đọc: 618