HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Bộ môn Tài chính doanh nghiệp
Thứ hai, 12/08/2019 - 12:12

BỘ MÔN VÀ CHUYÊN NGÀNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP - 56 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1. Lịch sử hình thành và phát triển Bộ môn TCDN 

Sự hình thành và phát triển của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp gần như gắn liền với sự ra đời và lớn mạnh của Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội (Học viện Tài chính ngày nay). Nhìn lại những chặng đường đã qua, chúng ta có quyền tự hào về sự trưởng thành, phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ, cũng như vị thế và những đóng góp của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đối với sự nghiệp đào tạo cán bộ quản lý kinh tế - tài chính của đất nước trong suốt 56 năm qua.

Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đón nhận Huân chương Lao động Hạng 3

56 năm – một chặng đường đã đi qua, hôm nay, nhìn lại cái thuở ban đầu đầy gian khó, mùa thu năm 1964, nơi Quang Yên, Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nơi lần lượt ra đời và phát triển của các Bộ môn: Tài vụ công nghiệp, Tài vụ xây dựng cơ bản, Tài vụ thương nghiệp, Tài vụ nông nghiệp- là tiền thân của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp thuộc Học viện Tài chính ngày nay. Lúc này, các Bộ môn Tài vụ đảm nhiệm giảng dạy hai môn học: môn Tài vụ và môn Phân tích. Dù năm tháng trôi qua, nhưng những hình ảnh về thế hệ Thày, Cô giáo đầu tiên đặt nền móng ban đầu xây dựng Bộ môn vẫn mãi mãi  không phai mờ trong tâm trí của các thế hệ giáo viên trong Bộ môn: Đó là những người Thầy kính mến: Thầy Trương Thừa Uyên, Thầy Võ Thành Hiệu, Thầy Lưu Văn Nhã, Thầy Huỳnh Đình Trữ, Thầy Đặng Ngọc Tấn, Thầy Lê Thanh Quảng, Thầy Lê Quang Vinh, Thầy Nguyễn Văn Mã, Thầy Lê Văn Tiêu, Thầy Phan Văn Thể,  Thầy Lưu Đăng Ba, Thầy Đoàn Đoan, Thầy Mai Thiệu, Thầy Trần Văn Ký, Thầy Nguyễn Chí Bền, Thầy Trương Trọng Vĩnh, Thầy Phan Tử Kỳ, Thầy Đỗ Ngọc Dương v.v. Những đêm đông giá buốt năm nào, giữa núi rừng Quang Yên, bên ngọn đèn dầu leo lét, những trang đầu tiên giáo trình Tài vụ xí nghiệp dần được hiện lên. Bên núi Thét, Quang Yên, các Bộ môn Tài vụ dần một lớn mạnh. Một lực lượng Thầy, Cô giáo còn rất trẻ được bổ sung cho các Bộ môn, với những cái tên mà sẽ còn được nhiều thế hệ sinh viên nhớ mãi: Thầy Trương Mộc Lâm, Thầy Nguyễn Tiến Hiền, Thầy Trần Quang Vinh, Thầy Nguyễn Bính, Thầy Phan Anh Hoàng, Thầy Lê Duy Hoan, Thầy Hoàng Giang, Cô Phùng Thị Minh Tâm... tiếp đó là Thầy Nguyễn Đình Kiệm, Thầy Nguyễn Thế Khải, Thầy Nguyễn Xuân Trường, Thầy Lê Tiến Thiềng …rồi Thầy Lê Văn Ngữ, Thầy Nguyễn Quang Tạo, Thầy Nguyễn Văn Châu, Thầy Bùi Đạt Quỳ.v.v.

Tháng 1 năm 1973 là dấu mốc lớn trong sự phát triển: Bộ môn Tài vụ các ngành được thành lập với Trưởng Bộ môn là Thầy giáo Võ Thành Hiệu. Bộ môn được bổ sung một thành viên mới: Thầy Bạch Đức Hiển. Lúc này, môn Phân tích được chuyển sang Khoa Kế toán. Một cuộc chia tay nghĩa tình đầy quyến luyến, là sự chia tay của tiến trình phát triển.

Sau khi non sông thống nhất, trước yêu cầu mới của sự phát triển kinh tế đất nước, Bộ môn có nhiều thay đổi trong quá trình phát triển để đi đến thế ổn định vững chắc hơn. Sau một thời gian phát triển, tháng 9 năm 1976, Bộ môn Tài vụ các ngành lại tách thành các Bộ môn: Tài chính Công nghiệp, Tài chính Xây dựng cơ bản, Tài chính Thương nghiệp, Tài chính Nông nghiệp. Trong thời gian này, một lực lượng giáo viên trẻ lần lượt được bổ sung cho các Bộ môn: Thầy Trần Ngọc Khung, Thầy Nguyễn Văn Toàn, Thầy Vũ Công Ty, Thầy Đặng Văn Rĩnh, Thầy Đặng Trường Sơn, Thầy Nguyễn Ngọc Hải, Thầy Nguyễn Thành Đô, tiếp đến là Cô Vũ thị Yến, Thầy Tạ Văn Việt, Cô Cao Vũ Hương, Thầy Trần Danh Thái, v.v.

Thầy cô giáo Bộ môn TCDN về dự Lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Trường ĐH Tài chính- Kế toán Hà Nội

 

 Tháng 10 năm 1982, trước yêu cầu mới của đất nước, môn học mới Tài vụ Giao thông vận tải ra đời, các Bộ môn cũng được sắp xếp lại dưới những cái tên mới: Bộ môn Tài chính Công nghiệp, Bộ môn Tài chính Xây dựng cơ bản và Giao thông vận tải (gọi tắt là Bộ môn Tài chính Giao – Xây), Bộ môn Tài chính Thương nghiệp và Nông nghiệp (thường gọi là Bộ môn Tài chính Nông – Thương). Để đáp ứng yêu cầu mới đào tạo cán bộ tài chính cho đất nước một lực lượng cán bộ khoa học được đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài được tăng cuờng cho các Bộ môn như PGS.TSKH. Trương Mộc Lâm, TS Mai Thiệu, PGS.TS. Trần Văn Tá, PGS.TS. Đỗ Văn Thành và PGS.TS. Nguyễn Đình Kiệm. Giai đoạn từ 1981 đến 1985, các Bộ môn được bổ sung một lực lượng khá đông đảo giáo viên trẻ với những cái tên: Thầy Nguyễn Văn Khoa, Thầy Phạm Văn Liên, Cô Nguyễn Thuỳ Dương, Thầy Lê Hồng Thăng, Thầy Trần Đình Tuyết, Thầy Nguyễn Văn Đát, Thầy Hoàng Văn Quỳnh, Cô Vũ Thị Tiến, Thầy Bùi Văn Vần, Thầy Vũ Văn Đậu, Thầy Đinh Việt Tiến, Thầy Phạm Công Viển, Cô Vũ Thị Hoa, Thầy Mai Văn Dự và tiếp theo là Thầy Phạm Quốc Lộc, Thầy Phạm Xuân Tuyên, Thầy Trần Ngọc Hà, Thầy Phạm Sơn Hoài, Thầy Vũ Đình Thuyên, Cô Hoàng Thúy Nguyệt, Thầy Đỗ Viết Hùng, Thầy Đặng Đình Hào.

Thầy cô giáo Bộ môn TCDN hội ngộ nhân dịp về dự Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo VN 20-11-2014

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, để phù hợp với yêu cầu đào tạo mới, các Bộ môn Tài chính lại một lần nữa được tổ chức, sắp xếp lại. Tháng 10/1990 ra đời Bộ môn Tài chính doanh nghiệp các ngành sản xuất (gọi tắt là Bộ môn Tài chính doanh nghiệp sản xuất) và Bộ môn Tài chính doanh nghiệp Thương mại dịch vụ (thường gọi là Bộ môn Tài chính Thương mại - Dịch vụ). Lực lượng của Bộ môn Tài chính doanh nghiệp sản xuất được bổ sung thêm Thầy Nguyễn Đăng Nam và giáo viên trẻ Cô Nguyễn Thị Hoài Lê. Bộ môn Tài chính thương mại dịch vụ được tăng cường cô giáo Dương Thị Tuệ. Một dấu ấn trong thời kỳ này đánh dấu bước trưởng thành của cả hai Bộ môn là đã hoàn thành biên soạn và xuất bản cuốn giáo trình Tài chính doanh nghiệp sản xuất và tiếp đó là giáo trình Tài chính doanh nghiệp Thương mại dịch vụ. Đây được xem là cuốn giáo trình đầu tiên về tài chính doanh nghiệp trong cơ chế thị trường khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.

Tháng 9/1995, Bộ môn chính thức mang tên mới: Bộ môn Tài chính doanh nghiệp - mở ra một trang mới trong lịch sử của Bộ môn và từ đó liên tục phát triển cho đến ngày hôm nay. Trong những năm tháng này, nhiều Thầy, Cô giáo đã đóng góp lớn công sức cho sự phát triển của bộ môn, đó là PGS.TS Nguyễn Đình Kiệm, TS. Bạch Đức Hiển, PGS.TS Nguyễn Đăng Nam, PGS.TS Vũ Công Ty, PGS.TS. Hoàng Văn Quỳnh, TS. Dương Thị Tuệ, PGS.TS. Bùi Văn Vần, TS. Nguyễn Minh Hoàng, ThS. Nguyễn Văn Khoa, ThS. Vũ Thị Yến, ThS. Vũ Thị Hoa, PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, PGS.TS. Đoàn Hương Quỳnh.

“Thầy cô Bộ môn TCDN- Những năm tháng không quên”

Từ năm 2000 trở lại đây, một lực lượng giáo viên trẻ có tiềm năng và đáng tin cậy đã được bổ sung tăng cường cho Bộ môn nhằm mở rộng lực lượng, tạo tiền đề để mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành TCDN của Học viện, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đất nước về nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp, đó là các Thầy Cô: PGS.TS. Vũ Văn Ninh, PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, TS. Phạm Thị Vân Anh, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Hòa, TS. Bạch Thị Thanh Hà, TS. Đặng Phương Mai, TS. Diêm Thị Thanh Hải, TS. Nguyễn Thị Bảo Hiền, TS. Mai Khánh Vân, ThS.NCS.Nguyễn Tuấn Dương đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển lớn mạnh của Bộ môn.

        Thầy cô giáo BM TCDN trong dịp kỷ niệm 45 năm thành lập Học viện Tài chính

Trong những năm gần đây, theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đất nước ta phấn đấu đến năm 2021 sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực quản trị tài chính của các doanh nghiệp ngày càng lớn, theo đó Học viện Tài chính đã và đang từng bước mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu xã hội, chính vì vậy Bộ môn đã được bổ sung thêm một đội ngũ giáo viên trẻ, đầy nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn tốt để đáp ứng quy mô đào tạo ngày càng lớn mạnh của chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, các Thầy Cô đó là: TS.Lưu Hữu Đức, TS.Trần Thanh Thu, TS.Ngô Kim Hòa, ThS.NCS.Bùi Hà Linh, ThS.NCS.Nguyễn Trường Giang, ThS.NCS.Nguyễn Thu Hà, ThS.NCS.Hồ Quỳnh Anh, ThS.NCS. Nguyễn Thị Thùy Linh, ThS.NCS.Bùi Thu Hà, ThS.NCS.Phạm Minh Đức, NCS.ThS.Nguyễn Thu Thương và NCS.Hoàng Phương Anh. Đây hứa hẹn là đội ngũ giáo viên trẻ đang từng bước tiếp tục kế tục sự nghiệp xây dựng và phát triển Bộ môn trong tương lai.    

Đội ngũ giáo viên của Bộ môn TCDN ngày nay 

Hiện nay, Bộ môn TCDN là một trong những Bộ môn nghiệp vụ chuyên ngành lớn của Học viện Tài chính với lực lượng giáo viên đông đảo gồm 23 giảng viên, trong đó có 22 giảng viên cơ hữu và 01 giảng viên kiêm môn. Bộ môn TCDN là Bộ môn lớn nhất trong Khoa TCDN với số lượng giảng viên chiếm 54% số lượng giảng viên toàn Khoa.

Về chất lượng đội ngũ giảng viên, tính đến nay, với 22 giáo viên cơ hữu của Bộ môn đã có 100% giáo viên có học vị từ Thạc sỹ kinh tế trở lên; trong đó, có 05 Phó giáo sư, 15 tiến sỹ kinh tế, 7 thạc sỹ kinh tế và hiện đang làm NCS, đây là nguồn hứa hẹn đến năm 2020, Bộ môn sẽ có một đội ngũ giảng viên với tỷ lệ giảng viên đạt học vị từ tiến sỹ trở lên là trên 80%. Đội ngũ giáo viên của Bộ môn hiện nay được đào tạo khá bài bản, được cập nhật kiến thức quản trị tài chính doanh nghiệp hiện đại trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong số đó có 9 giảng viên được đào tạo ở nước ngoài với trình độ ngoại ngữ cao và hiện có 8 giáo viên đang trực tiếp tham gia giảng dạy môn học Tài chính doanh nghiệp bằng Tiếng Anh tại Học viện Tài chính. Trong số đó, 3/4 là các Thầy, cô giáo trẻ, đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Học viện, đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy và NCKH. Lực lượng giáo viên trẻ của Bộ môn đang chắt lọc gìn giữ, kế thừa xứng đáng truyền thống tốt đẹp của các thế hệ Thầy, Cô giáo lớp trước, đồng thời vươn lên mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu mới của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

2. Hoạt độngđào tạo và NCKH nhằm phát triển chuyên ngành TCDN

Trong suốt 56 năm qua, Bộ môn TCDN đã góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính cho Ngành và cho Đất nước. Trong đó, Bộ môn đã và đang giảng dạy môn học Tài chính doanh nghiệp và môn học Tài chính doanh nghiệp thực hành cho hơn 12.000 sinh viên các khóa chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, tham gia bồi dưỡng hàng nghìn kế toán trưởng, hàng nghìn giám đốc doanh nghiệp. Đối với đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ, Bộ môn hiện đang giảng dạy môn học Tài chính doanh nghiệp cho hệ đào tạo thạc sỹ và giảng dạy môn học Quản trị tài chính doanh nghiệp và một phần của môn học Giám sát tài chính dành cho chương trình đào tạo NCS của Học viện. Tính đến nay, giáo viên của Bộ môn đã hướng dẫn bảo vệ thành công hàng trăm thạc sỹ; Bộ môn đã quản lý, tham gia hướng dẫn hơn 60 NCS bảo vệ thành công luận án tiến sỹ. Hàng năm, thường xuyên có trên 40 nghiên cứu sinh tham gia sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn. Trong sự nghiệp đào tạo của Học viện Tài chính, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đã và đang tham gia đào tạo bồi dưỡng lực lượng cán bộ tài chính cho hai nước bạn Lào và Campuchia. Đặc biệt, trong ba năm gần đây, Bộ môn đang tham gia đào tạo hệ cử nhân chất lượng cao chuyên ngành Tài chính doanh nghiệp, làm tiền đề để thúc đẩy nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo chuyên ngành TCDN ở Học viện Tài chính.

Thầy và trò tại Lễ bế giảng CQ52- Khoa Tài chính doanh nghiệp

 

Trong quá trình phát triển, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp thường xuyên chú trọng đến công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo khoa, bài giảng phục vụ cho việc giảng dạy, đồng thời thực hiện các đề tài NCKH các cấp để phục vụ cho việc giảng dạy của Học viện Tài chính và phục vụ cho việc hoạch định chính sách tài chính của Bộ Tài chính. Tính đến nay, Bộ môn đã chủ trì, tham gia biên soạn hơn 30 giáo trình, sách bài tập và sách chuyên khảo có chất lượng cao phục vụ cho việc giảng dạy các hệ đào tạo của Học viện Tài chính, điển hình là Giáo trình Tài chính doanh nghiệp sản xuất được xuất bản năm 1997, Giáo trình Quản trị tài chính doanh nghiệp xuất bản năm 2001, Giáo trình Tài chính doanh nghiệp xuất bản năm 2011, Giáo trình Corporate Finance xuất bản năm 2013, cuốn sách Hệ thống câu hỏi và bài tập TCDN xuất bản năm 2013, cuốn sách Bài tập lớn Tài chính doanh nghiệp xuất bản năm 2015, Cuốn giáo trình Basic Corporate Finance, cuốn sách Corporate Finance - Questions and Exercisesvàcuốn sách Corporate finance case study and assignment dành cho giảng dạy lớp chất lượng cao xuất bản năm 2018.

Học liệu chủ yếu của Bộ môn để phục vụ đào tạo tại Học viện Tài chính

 

Về hoạt động NCKH, tính đến nay giáo viên của Bộ môn đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu được 05 đề tài cấp Nhà nước, 20 đề tài cấp Bộ và hàng trăm đề tài cấp Học viện, cấp Khoa, đã viết được hàng trăm bài báo khoa học được đăng tải trên các Tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài Học viện. Điển hình năm học 2013-2014 giáo viên của Bộ môn đã thực hiện 7 đề tài NCKH cấp HV, viết được 28 bài báo. Năm học 2014-2015 thực hiện 10 đề tài cấp HV và viết được 48 bài báo. Năm học 2015-2016 thực hiện 12 đề tài, trong đó có 10 cấp Học viện, 01 đề tài cấp Bộ, 01 đề tài nhánh cấp Nhà nước, viết được59 bài báovà 3 cuốn sách tham khảo. Năm học 2016-2017thực hiện15 đềtài, trong đó có 02 đề tài cấp Bộ; 13 đề tài cấp Học viện, viết được54 bài báovà 6 cuốn sách tham khảo. Năm học 2017-2018, chủ nhiệm 17 đề tài, trong đó có 03 đề tài cấp Bộ; 14 đề tài cấp Học viện; viết được 41 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học và Kỷ yếu hội thảo khoa học trong và ngoài Học viện, trong đó có 03 bài báo tham gia Hội thảo khoa học quốc tế và 01 bài báo viết bằng tiếng Anh.Bên cạnh đó, Bộ môn còn tham gia cố vấn về nội dung, về cách thức tổ chức cho cuộc thi Giám đốc tài chính tương lai - CFO được tổ chức thường niên trong hơn 10 năm qua, tạo sân chơi trí tuệ, bổ ích cho sinh viên của chuyên ngành TCDN, nhằm giúp sinh viên tăng cường việc học tập và cọ sát với thực tế nghề nghiệp. 

Về công tác quản lý nghiên cứu sinh: Thực hiện nhiệm vụ được Học viện giao, trong những năm qua, Bộ môn đã triển khai nhiều hoạt động để phát huy vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý NCS. Hàng năm, các Bộ môn đều tổ chức buổi gặp mặt các NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn để tiếp nhận NCS mới; quán triệt, thống nhất quy chế làm việc, cách thức xử lý quan hệ công tác giữa Bộ môn và NCS; đồng thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai học tập và nghiên cứu của các NCS, để từ đó có những biện pháp tháo gỡ, giúp đỡ các NCS đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu. Bộ môn cũng tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học chuyên môn, báo cáo kết quả nghiên cứu của NCS bằng nhiều hình thức đa dạng. Nhờ đó, tình hình triển khai tiến độ nghiên cứu của các NCS ngày càng cải thiện theo hướng tích cực hơn, cụ thể năm học 2013-2014 đã có 01NCS bảo vệ luận áncấp HV;  07NCS đã bảo vệ luận áncấp BM. Năm học 2014-2015đã có 05 NCS bảo vệ luận áncấp HV, 4 NCS đã bảo vệ luận áncấp BM. Năm học 2015-2016 đã có 08 NCS bảo vệ chuyên đề chuyên sâu, 05 NCS bảo vệluận áncấp HV; 13 NCS đã bảo vệluận áncấp BM. Năm học 2016-2017 đã có 10 NCS thực hiện bảo vệ chuyên đề chuyên sâu, có 08 NCS bảo vệ luận án ở cấp Bộ môn, 7 NCS đã bảo vệ luận án cấp Học viện. Năm học 2017-2018 đã có 9 NCS thực hiện bảo vệ chuyên đề chuyên sâu, có 08 NCS bảo vệ luận án ở cấp Bộmôn, 8NCS đã bảo vệ luận án cấp Học viện.

Với sự nỗ lực không ngừng của Tập thể giáo viên của Bộ môn và sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự giúp đỡ nhiệt tình của các Ban, Khoa, Trung tâm và các Bộ môn trong Học viện đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của chuyên ngành TCDN tại Học viện Tài chính trong những năm gần đây. Số lượng sinh viên có nhu cầu đăng ký vào học chuyên ngành TCDN tương đối lớn, cụ thể khóa CQ51 có 788 sinh viên, khóa CQ52 có 657 sinh viên, khóa CQ53 có 726 sinh viên và khóa CQ54 có 739 sinh viên (trong đó có 86 sinh viên lớp chất lượng cao) và khóa CQ55 có 644 sinh viên (trong đó có 129 sinh viên lớp chất lượng cao). 

Có được kết quả như ngày hôm nay, một phần rất quan trọng là xuất phát từ chiến lược phát triển của Bộ môn trong nhiều năm qua, cụ thể, Bộ môn đã tập trung đầu tư trọng tâm vào 3 trụ cột lớn đó là:(1) Đào tạo và bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên. (2) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo trình, giáo khoa, bài giảng. (3) Đẩy mạnh hoạt động NCKH ở các các cấpĐây là chiến lược đúng đắn và ngày ngày đang được các Thầy cô giáo của Bộ môn triển khai tích cực và thực hiện có hiệu quả.

3. Các hoạt động phong trào của Bộ môn

Trong suốt thời gian qua, Bộ môn luôn gương mẫu đi đầu trong việc hưởng ứng và tham gia các phong trào của Khoa và Học viện phát động. Giáo viên của Bộ môn luôn là nòng cốt trong cấp ủy, công đoàn và Liên chi đoàn của Khoa; khởi xướng và tham gia tích cực vào các hoạt động như hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các hoạt động thiện nguyện của Công đoàn Khoa tổ chức. Hàng năm, cứ đến các ngày lễ kỷ niệm như Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3...vv, giáo viên của Bộ môn luôn tham gia đầy đủ và nhiệt tình tạo nên không khí đầm ấm, đoàn kết gắn bó giữa các Thầy cô giáo trong Bộ môn cũng như trong toàn Khoa.

Trong 56 năm xây dựng, phát triển đã hình thành nên truyền thống tốt đẹp của Bộ môn, đó là tinh thần đoàn kết, luôn ấm tình đồng chí, đồng nghiệp. Nhiều Thầy, Cô giáo của Bộ môn do yêu cầu công tác hoặc do hoàn cảnh riêng đã chuyển khỏi Bộ môn để đảm nhiệm vị trí công tác khác; song cứ đến ngày 20 tháng 11 hàng năm vẫn không quên ngày hội tụ trở lại Bộ môn, trở lại Khoa. Những cái tên vẫn rất đỗi thân quen với các Thầy Cô giáo trong Bộ môn, trong Khoa như: Thầy Mai Thiệu, Thầy Nguyễn Tiến Hiền, Thầy Đỗ Văn Thành, Thầy Tạ Văn Việt, Thầy Đặng Trường Sơn, Thầy Đinh Việt Tiến, Cô Vũ Thị Tiến, Cô Nguyễn Thùy Dương, Thầy Nguyễn Ngọc Hải, Thầy Mai Văn Dự, Thầy Vũ Đình Thuyên, Thầy Trần Ngọc Hà …

4. Thành tích thi đua của Bộ môn

Trong 56 năm xây dựng- phát triển và liên tục phấn đấu, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo của Học viện Tài chính cũng như sự nghiệp đào tạo cán bộ tài chính cho ngành và cho đất nước. Những đóng góp ấy đã được ghi nhận liên tục trong nhiều năm học, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đã được tặng Bằng khen của Bộ Tài chính, Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đặc biệt là năm 1998 đã được nhận Bằng khen của Thủ Tướng chính phủ do có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy đào tạo và nghiên cứu khoa học giai đoạn 1995 - 1997. Một mốc son đánh dấu sự phát triển và đóng góp của Bộ môn đó là ngày 10/2/2004, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp vinh dự được đón nhận Huân chương lao động Hạng ba của Chủ tịch Nước cộng  hoà XHCN Việt Nam trao tặng, do có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo từ năm học 1998 - 1999 đến năm học 2002 - 2003, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Những năm vừa qua, nhiều Thầy, Cô giáo của Bộ môn do có nhiều công sức đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bằng khen của Bộ Tài chính và của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó, 01 Thầy giáo đã nhận được danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 03 Thầy giáo đã được nhận danh hiệu cao quý của Nhà nước phong tặng là Nhà giáo ưu tú, 02 Thầy giáo được Chủ tịch nước ký tặng thưởng Huân chương lao động Hạng ba do đã có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo góp phần vào sự nghiệp xây dụng Chủ nghĩa Xã hội và bảo vệ tổ quốc, 01 Thầy giáo của Bộ môn đã được Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương lao động Hạng ba do có công lao và thành tích to lớn trong vịêc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tài chính của nước CHDCND Lào góp phần thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng và hai Dân tộc.

Toàn thể các Thầy, Cô giáo Bộ môn Tài chính doanh nghiệp luôn tâm niệm rằng những thành tích mà Bộ môn đạt được là sự kết tinh của quá trình phấn đấu liên tục trong suốt 56 năm qua của các thế hệ Thầy, Cô giáo trong Bộ môn dưới sự lãnh đạo và sự quan tâm sâu sắc của Đảng ủy, Ban Giám hiệu và Ban Giám đốc Học viện các nhiệm kỳ đã qua và hiện nay. Sự lớn mạnh của Bộ môn hôm nay cũng có một phần không nhỏ là nhờ vào sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của các Ban, Phòng, của các Khoa, các Bộ môn trong Học viện cũng như nhận được sự giúp đỡ, cổ vũ động viên của các đồng nghiệp, đồng chí trong và ngoài Học viện Tài chính. Bộ môn Tài chính doanh nghiệp xin chân thành cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và các Ban, Phòng, các Khoa, các Bộ môn và các đồng nghiệp, đồng chí, đồng thời mong muốn sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn sự ủng hộ, giúp đỡ trong thời gian tới. 

5. Định hướng phát triển của Bộ môn và chuyên ngành TCDN trong thời gian tới

Đất nước đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tiễn quản lý kinh tế- tài chính của đấy nước, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đang đứng trước triển vọng to lớn, nhưng những nhiệm vụ nặng nề và những thách thức mới cũng đang đặt ra cho Bộ môn, theo đó, định hướng phát triển của Bộ môn trong thời gian tới được xác định như sau:

- Tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ giảng viên của Bộ môn;thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách,pháp luật của Nhà nước.Đẩy mạnhtriển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cuộc vận động mà Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính phát động trong cán bộ viên chức và sinh viên, xây dựng bản lĩnh chính trị, bản lĩnh khoa học sáng tạo và phát triển.

- Nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Học viện giao trong giảng dạy vàNCKH. Đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với cuộc CM 4.0;đẩy mạnh hoạt động rà soátnội dung, chương trình giảng dạy các hệđào tạo theo hướng ứng dụng Fintech để nâng cao chất lượng đào tạo;khuyến khích các giảng viên nghiên cứubiên soạn tài liệu tham khảo, chuyên khảođể hoàn thiện hệ thống học liệu phục vụ cho giảng dạy theo hệ thống tín chỉ. Nghiên cứu biên soạnnội dung bài giảng gốc môn Tài chính Tập đoàn kinh tế, tài liệu về Giám sát tài chính doanh nghiệp để làm cơ sở để đề xuất đưa vào giảng dạy chính thức đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.Nâng cao chất lượng giảng dạy môn học TCDN bằng Tiếng Anh, tăng cường hướng dẫn luận văn bằng Tiếng Anh, triển khai tích cực và có hiệu quả chương trình đào tạo chất lượng cao chuyên ngành TCDN của Học viện.Đẩy mạnh tổ chức các hoạt độngtiếp cận, khảo sát tình hình thực tế cho giáo viên của Bộ mônvà sinh viên của chuyên ngành TCDN.

- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để phát triển đội ngũ giảng viên vừa hồng, vừa chuyên để hình thành một đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có phương pháp giảng dạy hiện đại, có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý tài chính để vừa đáp ứng cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực tài chính doanh nghiệp và vừa đáp ứng cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ tài chính của các doanh nghiệp hiện nay.

- Tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học để phục vụ cho công tác giảng dạy và đẩy mạnh hoạt động chuyển giao sản phẩm khoa học cho các đơn vị thực tiễn,khuyến khích các hoạt động NCKH theo hướng công bốquốc tế,tham gia tích cực vào cácHTKH quốc tế. Tổ chức thường xuyên các hoạt động sinh hoạt chuyên môn để cập nhật, đổi mới và hoàn thiện kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên của Bộ môn.

- Phát huy hơn nữa vai trò của Bộ môn trong Khoa và Học viện; duy trì và thực hiện tốt hơn công tác quản lý chuyên môn đối với các NCS sinh hoạt tại Bộ môn. Tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc triển khai các chương trình đào tạo bồi dưỡng của Khoa và của Học viện.

- Tham gia tích cựcvà có trách nhiệmvào các hoạt động phong trào chung của Khoa và của Học viện phát động. Mỗi giáo viên cần không ngừng rèn luyện tu dưỡng đạo đức, tác phong, nâng cao tinh thần đấu tranh phê và tự phê bình, đề cao tinh thần đoàn kết xây dựng tập thểvững mạnh.

Toàn thể các Thầy Cô giáo của Bộ môn nguyện đồng tâm, chung sức chung lòng, phát huy truyền thống của Bộ môn, phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tự học tập bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu mới và xứng tầm với sự nghiệp đào tạo của Học viện và của đất nước.

*Lời kết

Bộ môn Tài chính doanh nghiệp - 56năm xây dựng, phát triển và liên tục phấn đấu; trong quá trình đó, mặc dù có lúc thăng trầm, nhưng vượt lên tất cả là tinh thần nỗ lực vươn lên, là chữ TÂM với đồng chí, đồng nghiệp, với sinh viên của mỗi Thầy Cô giáo ở Bộ môn. Thử thách là to lớn nhưng tương lai phía trước là rộng mở, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp đang đi trên con đường lớn, sẽ tiếp tục không ngừng phấn đấu vươn lên và ngày càng trưởng thành, vững mạnh./.

 

BỘ MÔN TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

Số lần đọc: 48