HOẠT ĐỘNG QUA ẢNH
Ảnh-03-02-2015-08-img0 Ảnh-03-02-2015-08-img1 Ảnh-03-02-2015-08-img2 Ảnh-03-02-2015-08-img3 Ảnh-03-02-2015-08-img4 Ảnh-03-02-2015-08-img5 Ảnh-02-02-2015-22-img0 Ảnh-02-02-2015-22-img1 Ảnh-02-02-2015-22-img2 Ảnh-31-01-2015-17-img0
Bộ môn Định giá Tài sản
Chủ nhật, 01/03/2015 - 21:34

GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

HỌC VIỆN TÀI CHÍNH

KHOA TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

----------***---------

GIỚI THIỆU CHUYÊN NGÀNH

ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN & KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN

1. Tổng quan về chuyên ngành Định giá tài sản và Kinh doanh bất động sản       

    Kinh tế thị trường mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Trồng cây mắc ca, nuôi cá hồi, làm biển quảng cáo, bán hàng qua mạng, thiết kế phần mềm, giám sát thi công, tư vấn pháp lý... cùng hàng loạt ngành, nghề, dịch vụ mới xuất hiện ở Việt Nam. Định giá tài sản và kinh doanh BĐS là một trong những ngành, nghề như vậy.

          Chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh BĐS chính thức được thành lập và đào tạo tại Học viện Tài chính năm 2003, theo yêu cầu cấp bách của nhà nước về công tác quản lý giá, theo nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp và cá nhân trong bước phát triển mới của kinh tế thị trường ở nước ta.

          Xây dựng cơ chế thị trường là để thị trường tự định giá, là để tận dụng tính độc lập, khách quan của thị trường. Nhưng giá cả thị trường không phải lúc nào cũng là giá đúng, không phải lúc nào cũng đủ tin cậy để ra các quyết định.  

            Nhà nước luôn là khách hàng lớn nhất của các doanh nghiệp. Mỗi ngày có hàng vạn tài sản được đầu tư, mua sắm nhằm trang bị cho các cơ quan, công sở, cho nhu cầu an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội... Nhu cầu thẩm định mức giá hợp lý của các tài sản này nhằm chống thất thoát tiền thuế của dân là rất lớn.

          Hàng vạn tổ chức, cá nhân thành đạt và nổi lên một cách ngoạn mục nhờ vào chứng khoán hay bất động sản. Nhưng cũng không ít cá nhân và tổ chức trở nên khánh kiệt, phá sản do bong bóng tài sản gây nên. Giá cả của hầu hết hàng hóa, dịch vụ nhiều khi thái quá. Thị trường đôi khi hưng phấn quá mức, lúc khác lại bi quan quá mức. Cơ chế thị trường, mở ra nhiều cơ hội, nhưng mỗi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân phải cập nhật được những kiến thức mới nhằm dự phòng và chống đỡ  một cách tốt nhất với những rủi ro mới nẩy sinh trong cơ chế thị trường. Chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản tại Học viện Tài chính ra đời trong bối cảnh đó.

2. Mục tiêu đào tạo của chuyên ngành

            Chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản tại Học viện Tài chính được thiết lập nhằm cung cấp cho xã hội những cử nhân thành thạo, có trình độ chuyên nghiệp về định giá tài sản và kinh doanh bất động sản:

            - Sinh viên tốt nghiệp có thể sử dụng các phương pháp có cở sở khoa học và thực tiễn để đánh giá và định giá các bất động sản, máy móc thiết bị ít có giao dịch trên thị trường.

          - Có thể xác định mức giá hợp lý của các tài sản thế chấp, đánh giá mức độ mạo hiểm, độ tin cậy và tính khả thi của các dự án đầu tư.

          - Đánh giá được tính chất "ảo", tính đầu cơ, mức độ "bong bóng" và tính "bầy đàn" về giá cả diễn ra trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản.

          - Đánh giá và định giá được mức giá hợp lý của một doanh nghiệp, cổ phiếu và thương hiệu của doanh nghiệp đó.

          -  Tư vấn cho các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân ra các đưa ra các quyết định đầu tư, mua sắm hợp lý, giảm thiểu rủi ro đến mứcthấp nhất.

          - Có năng lực quản trị kinh doanh, maketing, môi giới, quản lý sàn giao dịch và thẩm định tính khả thi của các dự án đầu tư vào bất động sản.

          - Bằng cử nhân của chuyên ngành là một trong những điều kiện bắt buộc để sinh viên sau khi ra trường được dự thi cấp thẻ thẩm định viên về giá.  

3. Chương trình đào tạo và kỹ năng chuyên ngành

3.1 Chương trình đào tạo

Ngoài phần kiến thức đại cương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình đào tạo chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản gồm hai khối kiến thức: kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành.

- Về khối kiến thức cơ sở ngành: có các môn học Pháp luật kinh tế, Tài chính tiền tệ, Tin học ứng dụng, Kinh tế lượng, Quản lý tài chính công, Quản trị ngân hàng thương mại, Kế toán tài chính, Kế toán quản trị, Quản trị kinh doanh, Thị trường chứng khoán và đầu tư chứng khoán, Cơ sở hình thành giá cả thị trường, Quản lý và quy hoạch đất đai, Tài chính doanh nghiệp, Phân tích tài chính doanh nghiệp…

- Về khối kiến thức chuyên ngành: Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức chuyên ngành là: Thị trường bất động sản, Cơ sở lý thuyết về thẩm định giá, Định giá máy thiết bị, Định giá bất động sản, Định giá doanh nghiệp và Kinh doanh BĐSbất động sản.

3.2 Kỹ năng chuyên ngành

          Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh BĐS tại Học viện Tài chính ngoài kiến thức chuyên môn còn được đào tạo các kỹ năng:

- Phân tích, đánh giá  mọi sự vật, hiện tượng trên cả 2 mặt tốt và xấu, ưu điểm và nhược điểm, trên nhiều góc độ lợi ích và trên nhiều giai đoạn khác nhau để rút ra kết luận. Kỹ năng này sẽ đi vào thói quen nghề nghiệp và nếp sống của sinh viên sau này.

- Phân tích, đánh giá các chu kỳ thị trường: thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản. Phân tích, đánh giá tác động của các chính sách kinh tế nói riêng, tác động của môi trường vĩ mô nói chung đến sự di chuyển của các dòng vốn làm cơ sở dự báo giá cả của các hàng hóa, dịch vụ chủ yếu trong nền kinh tế.

- Tổ chức các hoạt động tập thể, làm việc theo nhóm, xác định vai trò chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của từng thành viên trong công tác thẩm định giá trị tài sản và trong các nghiệp vụ cụ thể của hoạt động kinh doanh bất động sản.

- Có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, hiểu biết và tôn trọng pháp luật; biết phân tích và xử lý thông tin, có tư duy khoa học và làm việc độc lập.

4. Chuẩn đầu ra của chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh BĐS

          Bằng tốt nghiệp chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh BĐS tại Học viện Tài chính yêu cầu chuẩn đầu ra như sau:

  • Có quan điểm chính trị vững vàng, có ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Có đạo đức nghề nghiệp, am hiểu và tôn trọng pháp luật.
  • Có chuyên môn sâu về Định giá tài sản và kinh doanh BĐS và đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và có khả năng hành nghề độc lập.
  • Biết sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và trong công tác chuyên môn.
  • Biết sử dụng thành thạo máy tính, biết làm việc độc lập và làm việc theo nhóm để hoàn thành tốt công việc được giao.
  • Có khả năng phân tích tình huống và đánh giá rủi ro nghề nghiệp và có khả năng nghiên cứu khoa học chuyên ngành.

5. Cơ hội nghề nghiệp chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh BĐS

Cho đến nay có thể chủ quan để khẳng định rằng: hầu hết sinh viên chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh BĐS của Học viện Tài chính đã ra trường đều có việc làm đúng ngành nghề đào tạo, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao. Sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong một tổ chức.

- Đối với khu vực quản lý nhà nước: có các Bộ, các Sở Tài nguyên và Môi trường;  các  Bộ, Sở Xây dựng;  Bộ Tài chính, Cục quản lý giá Bộ Tài Chính, Viện nghiên cứu thị trường giá cả, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ chí minh, Trung tâm lưu ký chứng khoán... Đó là những nơi có công tác quản lý nhà nước về hoạt động về định giá tài sản, máy móc thiết bị, bất động sản, kinh doanh bất động sản và đánh giá doanh nghiệp.

- Đối với khu vực doanh nghiệp :  các công ty thẩm định giá chuyên nghiệp; bộ phận thẩm định tài sản thế chấp và thẩm định tín dụng trong các ngân hàng; các công ty kiểm toán;  các doanh nghiệp kinh doanh, quản lý, môi giới bất động sản, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước, công ty mua bán nợ...

- Ngoài ra, nếu thực sự say sưa, tâm huyết nghề nghiệp, với những kiến thức và kỹ năng được đào tạo, sinh viên ra trường hoàn toàn có thể tự trả lương và tự gánh chịu rủi ro cho mình mà không cần phải đi tìm việc ở bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức nào khác. Đây là điều đã góp phần quan trọng làm nên "Thương hiệu" và đóng góp vào "giá trị" của chuyên ngành Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản của Học viện Tài chính.

                                                                       

                                                                        BỘ MÔN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Số lần đọc: 7107
Các bài đã đăng