(HVTC) - Học viện Tài chính giới thiệu bài của chi bộ khoa Lý luận chính trị viết nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), hướng tới Đại hội Đảng bộ Học viện Tài chính lần thứ VII. Việc học tập và vận dụng tư tưởng của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong dịp này càng trở nên thiết thực, định hướng sâu sắc để mỗi cán bộ, giảng viên nhìn nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình, góp phần cho sự phát triển bền vững của Học viện Tài chính trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm và chống lãng phí – Giản dị mà sâu sắc

Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí là một trong những nội dung xuyên suốt và nổi bật trong toàn bộ hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh. Tiết kiệm là chủ động làm đúng, sử dụng hiệu quả từng nguồn lực, còn chống lãng phí là hành động phòng ngừa và khắc phục những biểu hiện sai lệch, thất thoát, sử dụng không đúng mục đích. Tiết kiệm là điều kiện để giảm thiểu lãng phí, trong khi chống lãng phí là biện pháp bảo vệ thành quả của tiết kiệm. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn đặt hai nội dung này song hành, như hai mặt của một quá trình hướng tới sử dụng tài sản, thời gian và trí tuệ một cách khoa học, minh bạch và có trách nhiệm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi tiết kiệm là quốc sách, là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc, là nguyên tắc đạo đức và phương thức tổ chức cuộc sống cũng như quản trị quốc gia. Người hiểu rằng mỗi đồng tiền, mỗi hạt gạo đều là kết tinh từ mồ hôi, nước mắt và máu xương của nhân dân, nên việc sử dụng hiệu quả, không hoang phí là một yêu cầu vừa đạo đức vừa chính trị, là biểu hiện cụ thể của tinh thần trách nhiệm với nhân dân và sự tôn trọng giá trị lao động.

Trong bài báo Thế nào là Kiệm, Người phân tích: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi”. Người yêu cầu tiết kiệm trong mọi lĩnh vực: tiết kiệm của cải, tiết kiệm công sức và đặc biệt nhấn mạnh việc tiết kiệm thời gian:“Thánh hiền có câu: “Một tấc bóng là một thước vàng”.Tục ngữ Âu nói: “Thời giờ tức là tiền bạc”. Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại” (Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQGST, HN 2011, tập 6, trang 123).
Tuy nhiên, Người phân biệt rất rạch ròi:“Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi…Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc có lợi cho đồng bào, Tổ quốc thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. (Sdd, tập 10, tr. 572)
Có lẽ ít ai nói về tiết kiệm lại đầy đủ, dễ hiểu và độc đáo như thế.
Song song với yêu cầu thực hành tiết kiệm, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh việc chống lãng phí.

Với Người, lãng phí không chỉ là sử dụng sai hay dư thừa vật chất mà còn là việc để thất thoát thời gian, trí tuệ, cơ hội cống hiến. Lãng phí có thể xảy ra ở mọi nơi, từ những điều nhỏ nhất như tờ giấy, cái đinh, đến quy mô lớn hơn như đầu tư công, thời gian làm việc, nguồn nhân lực… Đặc biệt nguy hiểm là lãng phí được hợp thức hóa bằng những biểu hiện hình thức, quan liêu, thiếu trách nhiệm hoặc thiếu gắn bó thực tiễn. Vì vậy, Người cảnh báo:“Tham ô, lãng phí, quan liêu là những kẻ địch nội xâm, nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm” và nhấn mạnh“ Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết qủa cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Do đó, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu gương từ lời nói đến hành động, bảo đảm việc chi tiêu, sử dụng tài sản công và thời gian đều minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm: “Một đồng, một cái kim, sợi chỉ của Chính phủ, của nhân dân đều phải được dùng đúng, không được để mất mát, lãng phí. Vì đó là mồ hôi nước mắt của dân.” (Sdd, tập 5, tr. 379).
Tư tưởng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Hồ Chí Minh không dừng ở lý thuyết, mà thể hiện sinh động trong đời sống thường ngày và trong điều hành đất nước: ăn mặc giản dị, tự vá áo, viết báo lên mặt sau của giấy đã dùng, tiết kiệm điện, nước, lương thực và cả thời gian tiếp khách. Với Người, tiết kiệm, chống lãng phí chính là thái độ sống có trách nhiệm với nhân dân.
Vì thế, đây không chỉ là vấn đề mang giá trị đạo đức, mà còn là một phương pháp quản trị hiệu quả, một định hướng hành động cho mọi tổ chức – đặc biệt là với các cơ quan sử dụng tài sản công và ngân sách nhà nước.
2. Học viện Tài chính tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Đ/c Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nội dung cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay, không chỉ giúp sử dụng hiệu quả ngân sách và tài sản công mà còn góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, cải cách hành chính và xây dựng nền công vụ liêm chính, chuyên nghiệp. Đồng thời, đây cũng là giải pháp thiết thực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực, nâng cao niềm tin của nhân dân, góp phần xây dựng văn hóa công sở giản dị, hiệu quả, tránh hình thức và phô trương.
Là cơ sở đào tạo công lập sử dụng ngân sách nhà nước với sứ mệnh “Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính – kế toán chất lượng cao cho xã hội.”, Học viện Tài chính xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn là một yêu cầu nội tại của quá trình phát triển bền vững với tầm nhìn đến 2030 và đến 2045 với các giá trị cốt lõi Chất lượng-Uy tín-Hiệu quả- Chuyên nghiệp và hiện đại làm nền tảng.
Đảng bộ và Ban Giám đốc Học viện đã triển khai công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với nhiều giải pháp đồng bộ mang tính hệ thống như: Gắn nội dung tiết kiệm – chống lãng phí với tiêu chí đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng, sinh hoạt chuyên môn; tiết kiệm chi tiêu thường xuyên; quản lý hiệu quả tài sản công; ứng dụng công nghệ số… đã giúp mỗi đảng viên, cán bộ, giảng viên ý thức được việc chủ động thực hành tiết kiệm từ những hành động thiết thực hàng ngày trong tổ chức bài giảng khoa học, sử dụng hiệu quả thời gian lên lớp; Tiết kiệm điện, nước, vật tư tiêu hao; hạn chế in ấn khi không cần thiết; bảo quản tốt trang thiết bị giảng dạy, sử dụng đúng mục đích tài sản công; gương mẫu trong sinh hoạt và truyền cảm hứng cho sinh viên về ý thức tiết kiệm, thái độ trân trọng giá trị lao động.
Có thể thấy, Đảng bộ Học viện Tài chính không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ tuyên truyền học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm – chống lãng phí, coi đây không chỉ là khẩu hiệu mà phải trở thành hành động cụ thể trong từng đơn vị, từng cán bộ, đảng viên, từng bước xây dựng một văn hóa tổ chức hiện đại, kỷ cương, hiệu quả và nhân văn – phù hợp với yêu cầu phát triển Học viện Tài chính trở thành cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng, cơ sở vật chất hiện đại, không ngừng đi sâu và mở rộng các ngành đào tạo mới như kinh tế chính trị tài chính, khoa học dữ liệu,v.v.
Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành Tài chính đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính Trị về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 cũng như đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm công, sử dụng hiệu quả ngân sách, theo định hướng của Bộ Tài chính tại Quyết định số 496/QĐ-BTC (2024) và Học viện Tài chính đang hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ Học viện Tài chính thứ VII nhiệm kỳ 2025–2030 và các ngày lễ lớn của dân tộc.