Tìm
English
Thứ năm, 12/05/2011 - 8:39

Giới thiệu Học viện Tài chính
Học viện Tài chính được thành lập theo Quyết định số 120/QĐ-TTg ngày 17/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Viện Nghiên cứu Khoa học tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ - Bộ Tài chính. Năm 2003, Học viện Tài chính tiếp nhận thêm Viện nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả.

Trong đó, Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội tiền thân là Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Ngân hàng Trung ương được thành lập theo Quyết định số 117/CP ngày 31/7/1963 của Hội đồng Chính phủ. Sự ra đời của Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Trung ương là mốc son đánh dấu sự ra đời của một cơ sở đào tạo đại học, sau đại học chuyên sâu về tài chính, kế toán ở Việt Nam.

Trong quá trình 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Tài chính đã đóng góp nguồn nhân lực đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, kế toán và trở thành địa chỉ tin cậy trong việc “Thu hút nhân tài - Bồi dưỡng nhân tâm - Hoàn thiện nhân cách - Phát triển nhân lực”. Đến nay, Học viện Tài chính trở thành cơ sở giáo dục đào tạo đa ngành, đa phương thức theo định hướng nghiên cứu, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

BAN GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN TÀI CHÍNH

Giám đốc Học viện

GS.,TS.Nguyễn Trọng Cơ

Các Phó Giám đốc Học viện

PGS.,TS. Trương Thị Thủy

TS. Nguyễn Văn Bình PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều

 

Logo của Học viện Tài chính (Tải file)

I. THÔNG TIN CHUNG:

1.1. Trụ sở chính: Số 58 Lê Văn Hiến, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

1.2. Điện thoại: (024).38 389 326    Fax: (024). 38 388 906

1.3. Email: hocvientaichinh@hvtc.edu.vn

1.4. Websitehttps://hvtc.edu.vn

1.5. Sứ mệnh: "Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội"

1.6. Tầm nhìn: Đến năm 2030, Học viện Tài chính trở thành 1 trong 5 cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam theo định hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính – Ngân hàng, Kế toán – Kiểm toán, Quản lý – Quản trị, Công nghệ thông tin, Luật kinh tế… Đến năm 2045, đưa Học viện Tài chính trở thành một trong 100 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất Châu Á, một trong 1.000 cơ sở giáo dục đại học tốt nhất thế giới theo chuẩn mực xếp hạng quốc tế.

 1.7. Giá trị cốt lõi: “Chất lượng - Uy tín - Hiệu quả - Chuyên nghiệp và Hiện đại”.

1.8 Triết lý giáo dục: "Công dân toàn cầu trong thế giới thay đổi"

1.9. Mục tiêu chiến lược: “Xây dựng, phát triển Học viện Tài chính thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học về Kinh tế - Tài chính - Kế toán hàng đầu Việt Nam, có uy tín trong khu vực.”

II. TỔNG QUAN VỀ HỌC VIỆN TÀI CHÍNH

2.1 Những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước

Huân chương Hồ Chí Minh năm 2013.

Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba

Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2 năm 2018.

Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba

Huân chương Tự do ISALA hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba của nước Cộng hòa DCND Lào.

Cờ thi đua của Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.

2.2. Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của Học viện gồm: Hội đồng Trường, Ban Giám đốc Học viện, Hội đồng khoa học và đào tạo và các Hội đồng tư vấn, tổ chức Đảng và các đoàn thể. 

Tổ chức bộ máy của trường gồm 14 khoa, 12 ban chức năng và tương đương, 02 Viện, 03 Trung tâm, 01 tạp chí; với tổng số viên chức, lao động hợp đồng của Học viện tính đến 31/12/2022 là 633 cán bộ, trong đó có 423 giảng viên; 210 cán bộ, viên chức quản lý, phục vụ và nghiên cứu viên. Trong số 423 giảng viên có 02 GS, 48 PGS, 162 TS, 207 ThS và 04 NGND, 11 NGƯT.

2.3 Ngành và chuyên ngành đào tạo

Học viện Tài chính đã phát triển và đa dạng hoá các chương trình đào tạo ở mọi hình thức, trình độ, chương trình đào tạo của Học viện Tài chính được xây dựng trên cơ sở chương trình khung do Bộ GD&ĐT ban hành, phù hợp với sứ mạng, mục tiêu giáo dục và chức năng, nhiệm vụ của Học viện, có tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học có uy tín trong nước và quốc tế, đồng thời gắn với nhu cầu học tập của người học và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động. Tất cả các ngành, chuyên ngành đào tạo đều có đầy đủ chương trình đào tạo với chuẩn đầu ra rõ ràng, kế hoạch đào tạo, đa dạng về trình độ và phương thức đào tạo, đáp ứng các yêu cầu khác nhau của người học và thị trường lao động.

Chương trình đào tạo luôn được Học viện Tài chính quan tâm xây dựng, rà soát, bổ sung, điều chỉnh và đổi mới phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Tính đến thời điểm hiện tại, Học viện Tài chính đang đào tạo 29 chương trình đào tạo trình độ đại học (26 CTĐT trình độ ĐH hệ chính quy, 02 CTĐT hệ liên thông và 01 CTĐT hệ vừa làm vừa học) và 05 CTĐT SĐH (03 CTĐT thạc sĩ và 02 CTĐT tiến sĩ) thuộc 14 khoa đào tạo với các lĩnh vực: Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh tế, Ngôn ngữ anh và Hệ thống thông tin quản lý.

Tổng quy mô đào tạo của Học viện Tài chính đến cuối năm 2022 là gần 21.000 sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, trong đó có: gần 280 nghiên cứu sinh, trên 1.330 học viên cao học; gần 18.000 sinh viên ĐH chính quy, liên thông ĐH và ĐH bằng hai; ngoài ra, còn có gần 1.300 sinh viên chương trình Liên kết đào tạo quốc tế cấp song bằng (DDP), chương trình LKĐT quốc tế với Đại học Loulon (CH Pháp) và hệ đào tạo vừa làm vừa học. 

Kết quả tuyển sinh hệ đại học chính quy từ năm 2018- 2022

Năm

Số chỉ tiêu (người)

Số trúng tuyển (người)

Ghi chú

2018

4.200

4.562

 

2019

4.200

4.557

 

2020

4.200

4.537

 

2021

4.000

4.513

 

2022

3.900

3.943

 

Tỷ lệ sinh viên hệ đại học chính quy có việc làm trong 1 năm sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ bình quân là trên 98%.

Tổng hợp tỷ lệ có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp (%)

Tình hình việc làm

2018 (2017)

2019 (2018)

2020 (2019)

2021 (2020)

2022 (2021)

Có việc làm

98,36

98,27

98,23

97,52

98,39

Chưa có việc làm

1,64

1,73

1,77

2,48

1,61

Học viện Tài chính đã công bố chuẩn đầu ra của tất cả các ngành, chương trình đào tạo trước toàn xã hội. Học viện Tài chính vinh dự là một trong những cơ sở giáo dục đại học đứng trong tốp đầu các trường Đại học, Học viện, đã được công nhận đạt chuẩn Chất lượng giáo dục đại học theo Quyết định số 10/QĐ-KĐCLGD của Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Giáo dục ngày 20/02/2017; hiện đã gửi Báo cáo tự đánh giá cơ sở giáo dục chu kỳ tiếp theo (năm 2022) và chuẩn bị được công nhận đạt chuẩn chất lượng từ Trung tâm kiểm định Chất lượng giáo dục cho chu kỳ mới. Năm 2022, Học viện đã được công nhận đạt chuẩn Chất lượng chương trình đào tạo ngành Kế toán với mức độ đáp ứng cao các tiêu chuẩn hiện hành.

2.4 Nghiên cứu khoa học và công nghệ

Công tác khoa học và công nghệ luôn được Học viện Tài chính đặc biệt quan tâm đầu tư, do đó công tác Nghiên cứu khoa học có sự phát triển vượt bậc, có thể coi là điểm sáng của ngành. Trên cơ sở chiến lược nghiên cứu khoa học và công nghệ của Nhà nước, Bộ, Ngành và các quy định hiện hành, Học viện Tài chính đã chủ động xây dựng các kế hoạch hoạt động, thực thi các kế hoạch, đánh giá và hoàn thiện các nội dung về khoa học và công nghệ.

Trong 5 năm qua, Học viện Tài chính đã hoàn thành, nghiệm thu 05 đề tài cấp Nhà nước, 89 đề tài cấp Bộ, cấp Tỉnh, 769 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Học viện, 138 đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa. HVTC đã chủ trì và phối hợp các trường đại học, học viện và các cơ quan ngang bộ tổ chức thành công 10 hội thảo khoa học quốc tế, 22 hội thảo cấp Quốc gia, 07 hội thảo cấp Học viện, hơn 30 hội thảo cấp khoa với tổng số hơn 3.250 bài viết của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Các bài viết với những nội dung thiết thực nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Học viện Tài chính  đã xuất bản 60 số Tạp chí theo định kỳ với số lượng hơn 1.260 bài viết. Xuất bản 06 số tạp chí tiếng Anh với 117 bài viết; Số lượng bài báo đăng trên tạp chí quốc tế của các tác giả tại HVTC của năm học sau tăng so với năm học trước. Các nhà khoa học của HVTC đã và đang có nhiều bài viết đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS, tạp chí quốc tế có uy tín quốc tế và có xu thế ngày càng tăng.

Xác định công tác Nghiên cứu khoa học của sinh viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng bên cạnh công tác đào tạo, HVTC đã ban hành những quy định, hướng dẫn Sinh viên thực hiện nghiên cứu khoa học và định kỳ tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trong 5 năm qua, HVTC đã xuất bản 60 số nội san sinh viên nghiên cứu khoa học với hơn 1.050 bài viết; tổ chức 50 hội thảo khoa học sinh viên với 1.740 bài viết; tổ chức 25 Festival, hơn 08 cuộc thi Olympic và 10 tọa đàm; 316 công trình dự thi dự thi cấp Học viện, 24 công trình nghiên cứu khoa học sinh viên dự thi cấp Bộ cũng như tham gia các giải thưởng nghiên cứu khoa học khác và đã đạt được nhiều thành tích.

Với những thành tích nổi bật trong hoạt động khoa học và công nghệ, cán bộ, Giảng viên và Sinh viên của Học viện Tài chính đã nhận được nhiều Bằng khen và giấy khen dành cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Nghiên cứu khoa học của Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên, UBND thành phố…

2.5 Công tác hợp tác quốc tế, liên kết đào tạo

 Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện cho cán bộ, sinh viên trau dồi kiến thức, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận với những phương pháp giảng dạy hiện đại đồng thời phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong lĩnh vực giáo dục đại học nói riêng, Học viện đã đẩy mạnh công tác Hợp tác quốc tế, đã xây dựng được mạng lưới các đối tác quốc tế trong khụ vực và trên thế giới là các trường đại học, học viện, cơ sở đào tạo và Viện nghiên cứu uy tín như: Đại học Greenwich (Vương quốc Anh), Đại học Toulon (CH Pháp), Đại học Leeds - Metropolitan (nay là Đại học Leeds Beckett thuộc Vương quốc Anh), Đại học Gloucestershire (Vương quốc Anh), Đại học Manchester Metropolitan (Vương quốc Anh), Đại học Cardiff Metropolitan (Vương quốc Anh), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA), Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Đại học Wollongong (Australia), Đại học Daekin University (Australia), Đại học Edith Cowan (Australia), Đại học Massey (New Zealand), Đại học Victoria of Wellington (New Zealand), Đại học Waikato (New Zealand), Đại học Paris 1 - Panthéon Sorbonne (CH Pháp), Đại học Paris Dauphine (CH Pháp), Trường Bảo hiểm Quốc gia Pháp, Viện Bảo hiểm Lyon (CH Pháp), Liên đoàn các công ty bảo hiểm Pháp (FFSA), Viện Nghiên cứu Ngân hàng phát triển châu Á (ADBI), Viện nghiên cứu chính sách - Bộ Tài chính Nhật Bản, Đại học Hitotsubashi (Nhật Bản), Đại học Kanazawa (Nhật Bản), Viện Quản trị Kinh doanh quốc tế WIBI (Singapore), Viện TMC (Singapore), Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (TVET-SEAMEO), Đại học Help (Malaysia), Đại học Tunku Abdul Rahman - UTAR (Malaysia), Đại học Tổng hợp Kinh tế và Tài chính quốc gia St.Peterburg, Học viện Tài chính thuộc Chính phủ LB Nga Học viện Tài chính Ngân hàng Siberian, Học viện Kinh tế Quảng Tây (Trung Quốc), Đại học Kinh tế - Tài chính Trung ương Trung Quốc, Viện Giáo dục Hồng Kông...

Các hình thức hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học được Học viện Tài chính triển khai rất đa dạng và hiệu quả trong đó nổi bật là hợp tác triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế trình độ cử nhân và thạc sỹ; hợp tác trong hoạt động trao đổi sinh viên; hợp tác trong Nghiên cứu khoa học dưới hình thức phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm quốc tế, cử chuyên gia, diễn giả tham gia viết bài và tham luận. Riêng trong chu kỳ đánh giá, 12 hội thảo, tọa đàm quốc tế đã được tổ chức thành công.

Để lan tỏa và phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế, năm 2018, Học viện đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng một website riêng chuyên về hợp tác quốc tế. Website cập nhật các tin tức, sự kiện về hoạt động hợp tác quốc tế, các thông tin học bổng quốc tế và các văn bản pháp lý, các quy định của Nhà nước về hợp tác quốc tế…

2.6 Cơ sở vật chất

Học viện đang sử dụng khoảng 150 giảng đường phục vụ hoạt động dạy và học trên tổng diện tích khoảng 63.085m2 sàn xây dựng. Hệ thống Thư viện được hiện đại hoa theo tiêu chuẩn Thư viện điện tử, tăng cường số hóa tài liệu phục vụ nghiên cứu, học tập. Hoạt động đào tạo nghiên cứu khoa học của HV đã được từng bước ứng dụng CNTT, như: phần mềm quản lý tổng thể hoạt động đào tạo của HV; 07 phòng máy tính thực hành, với tổng số 350 máy tính có cấu hình cao; 250 máy tính phục vụ quản lý, công tác chuyên môn; 02 phòng máy chủ và các thiết bị phục vụ tại các Giảng đường

Chiến lược phát triển Học viện giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định chiến lược phát triển cơ sở vật chất: “Ưu tiên đầu tư để toàn bộ hệ thống giảng đường, phòng thực hành, các cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ đào tạo, NCKH và PVCĐ; ngoài giảng đường, phòng học chuẩn, cần có các phòng học đa phương tiện, phát triển hệ thống học trực tuyến (E-learning), hội thảo trực tuyến (video conference); phát triển thư viện điện tử kết hợp với thư viện truyền thống đạt tiêu chuẩn, hiện đại; hệ thống thư viện được kết nối với các trường đại học, trung tâm học liệu và cơ sở nghiên cứu uy tín; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thành phần tại khu dự án mới của Học viện; phấn đấu đến năm học 2022-2023 đưa dự án đầu tư xây dựng 04 toà giảng đường (A-B-C-D) vào sử dụng; đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành 80% dự án mở rộng Học viện; cơ sở vật chất, trang thiết bị của Học viện hiện đại ngang tầm với các trường đại học, học viện tốp đầu trong cả nước và khu vực”.

III. NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT KHÁC TRONG GIAI ĐOẠN 2018 - 2023

(Sắp xếp theo tiến trình THỜI GIAN, 10 sự kiện tiêu biểu nhất trong giai đoạn trên)

1. Năm 2018, Học viện Tài chính đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, lần thứ hai. Đây là sự kiện trọng đại của Học viện Tài chính với sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sự kiện thể hiện sự tự hào, vinh dự và tôn vinh những thành tích của Học viện Tài chính trong suốt chặng đường hình thành và phát triển.

2. Study tour 2018 - chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, lần đầu tiên được tổ chức. Đây là chương trình học tập ngắn hạn kết hợp với giao lưu văn hóa với một trường đại học quốc tế. Đoàn sinh viên đầu tiên của Học viện tham gia chương trình Study Tour tại Malaysia đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về con người và đất nước Việt Nam nói chung và về Học viện Tài chính nói riêng. Sự thành công của chương trình đã góp phần đưa hình ảnh đẹp của Học viện Tài chính ra khu vực.

3. Học viện Tài chính ký biên bản thỏa thuận hợp tác với 6 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán: Deloitte Việt Nam, EY Việt Nam, KPMG Việt Nam, PWC Việt Nam, Hãng kiểm toán AASC, Công ty RSM Việt Nam; Thỏa thuận hợp tác sẽ mang đến cơ hội định hướng nghề nghiệp cho các sinh viên của Học viện Tài chính ngay từ những năm học đầu tiên và ACCA cũng như doanh nghiệp sẽ sát sao với các em trong 4 năm học, chia sẻ thực tế nghề; việc áp dụng kiến thức học tại trường vào các công việc cụ thể tại doanh nghiệp; mang đến cơ hội trải nghiệm tại doanh nghiệp và cơ hội thực tập, làm việc tại doanh nghiệp trong tương lai.

4. Sinh viên Học viện Tài chính đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi tin học văn phòng thế giới tại Hoa Kỳ năm 2019 và lần đầu tiên đạt giải nhì cuộc thi Olympic tin học văn phòng thế giới. Điều này khẳng định sinh viên Học viện Tài chính không chỉ giỏi về nghiệp vụ kinh tế tài chính, kế toán mà không hề thua kém sinh viên các trường kỹ thuật về công nghệ thông tin. Sự kiện này sẽ khơi dậy sự tự hào tiếp cận lĩnh vực công nghệ thông tin và sự tự tin của sinh viên Học viện Tài chính.

5. Năm 2020,  Học viện Tài chính đã ứng phó chủ động, kịp thời, hiệu quả với các diễn biến bất thường do đại dịch Covid19; hoàn thành "mục tiêu kép" -Vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản lý và phục vụ vừa phòng chống dịch covid-19 an toàn, hiệu quả. Học viện Tài chính đã tổ chức giảng dạy, học tập trực tuyến từ ngày đầu kỳ học, 10/02/2020, cho hơn 400 lớp với gần 17.000 sinh viên, học viên. Đồng thời, chuẩn bị tích cực, sẵn sàng cho tình huống phải kéo dài thời gian không thể đến trường học tập trung của sinh viên; vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo được chương trình, tiến độ giảng dạy, học tập, vừa duy trì chất lượng cao trong học tập; giúp người học có thêm một trải nghiệm hữu hiệu về ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, nghiên cứu. Mọi mặt hoạt động của Học viện được duy trì ổn định; sức khỏe của cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Học viện được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

6. Học viện Tài chính xuất sắc giành giải Nhất - Hội thi giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc lần thứ nhất, năm 2020. Phần thi thể hiện sự tiếp nối tinh hoa văn hóa dân tộc và hơi thở hiện đại, hướng đến ca ngợi những cô giáo, thầy giáo “đặc biệt”, ở vùng biên cương, nơi hải đảo với những khó khăn gian khổ, những hy sinh thầm lặng. Không chỉ có năng khiếu, tham gia đội thi phải là những giảng viên có kinh nghiệm, khả năng ứng biến nhanh nhạy đảm nhiệm. Trong thời gian ngắn, các thành viên đã tích cực luyện tập, tự xây dựng kịch bản, học hỏi các giảng viên lâu năm trong và ngoài Học viện cũng như tìm tòi, nghiên cứu để xử lý tình huống. Cuộc thi đã đã thể hiện năng lực sư phạm, tài năng và tinh thần đoàn kết, tình yêu người, yêu nghề, đội thi Học viện ta đã xuất sắc giành giải Nhất toàn đoàn (khối không đào tạo giáo viên) cùng với Trường ĐH Hùng Vương và Trường ĐH Vinh. Giải Nhất khối đào tạo giáo viên thuộc về Trường ĐH Tân Trào, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

7. Thư viện điện tử thế hệ mới chính thức đi vào hoạt động, với nhiều tính năng vượt trội, hướng đến phục vụ nhu cầu của giảng viên, sinh viên, và bạn đọc theo đa phương thức thực hiện, cập nhật nhanh nhất hệ thống tài liệu, học liệu trong điều kiện bảo mật cao.

8. Học viện Tài chính không ngừng hoàn thiện cơ cấu, tổ chức, bộ máy. Tổ chức thành công Hội nghị bầu thành viên Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025 và công bố chức danh Chủ tịch Hội đồng trường vào năm 2021. Đây là sự kiện quan trọng, nhằm thực hiện đúng, đủ các chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trường theo qui định của pháp luật, như về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm của Học viện cũng như những nhiệm vụ quan trong khác để thực hiện thắng lợi, toàn diện những nhiệm vụ được giao, thúc đẩy đổi mới giáo dục đào tạo và đưa Học viện Tài chính ngày càng phát triển vững mạnh!

9. Năm 2022, Học viện Tài chính khởi đầu thuận lợi trong bổ sung chương trình đào tạo mới - Chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của cách mạng công nghệ 4.0; có tầm quan trọng đặc biệt với các nền giáo dục Việt Nam cũng như sự nghiệp giáo dục đào tạo của Học viện Tài chính. Ưu điểm của hình thức học tập này là sự linh hoạt, tạo điều kiện phát huy tính tự học và độc lập cao và kết hợp học tập với làm việc, không mất thời gian đi lại, học mọi lúc mọi nơi, giảm chi phí học tập của người học … Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng cử nhân có giá trị tương đương với bằng đại học chính quy.

10. Hàng năm, Học viện Tài chính tổ chức ”Ngày hội Tuyển dụng”, đây là sự kiện thường niên được Học viện Tài chính tổ chức nhằm tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp với nguồn nhân lực chất lượng cao. Năm 2022, chương trình Ngày hội Tuyển dụng thu hút hơn 40 doanh nghiệp tham gia cùng hơn 5.000 cơ hội việc làm và thực tập cho các bạn sinh viên trong Học viện và trên địa bàn Thành phố Hà Nội. “Ngày hội tuyển dụng” ngày càng khẳng định mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa Học viện và các đơn vị đối tác, là cầu nối chuyên nghiệp đưa hàng ngàn sinh viên đến với những cơ hội việc làm hấp dẫn, tiềm năng. Đây cũng là một trong chuỗi hoạt động hướng đến sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính.

Số lần đọc:616885
Các bài đã đăng
trang 1/1

Danh sách liên kết