Tìm
English
Thứ ba, 12/05/2015 - 9:9

Vai trò của Đảng trong lãnh đạo công tác cán bộ, viên chức trong Học viện Tài chính
1. Đảng ủy HVTC với việc lãnh đạo công tác cán bộ

Công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mặt trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng ta, là nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng. Công tác cán bộ gồm nhiều khâu liên hoàn, đan xen nhau, bao gồm việc đánh giá cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ… Đồng thời với việc chuẩn bị đường lối chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì phải chuẩn bị chiến lược cán bộ, phải xây dựng quy hoạch cán bộ. Đường lối nào thì cán bộ ấy. Đường lối cán bộ phải phục vụ cho đường lối chính trị, phải đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đường lối chính trị.

Trong hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ để có đủ sức mạnh hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của Đảng. Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ là dây chuyền của bộ máy Đảng, Nhà nước, Đoàn thể, Nhân dân, “là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Như vậy, công tác cán bộ có vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta do Đảng lãnh đạo.

Thấm nhuần tư tưởng đó, Đảng ủy Học viện Tài chính đã phối hợp với chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy đã chỉ đạo sát sao công tác đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Trong công tác chỉ đạo, vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ đều được đưa ra thảo luận dân chủ, công khai, thống nhất trong  Đảng ủy, Lãnh đạo Học viện, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ. Theo đó, công tác cán bộ của Học viện Tài chính từng bước đi nề nếp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện và Bộ Tài chính.

Thời gian qua, Đảng ủy Học viện đã chỉ đạo ban hành và thực hiện nhiều quy định liên quan đến công tác tổ chức cán bộ đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng quy trình, thủ tục: quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm; điều động, luân chuyển và quy hoạch công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Học viện; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đảm bảo yêu cầu xây dựng, phát triển Học viện trong những năm tới. 

Bên cạnh đó, Đảng ủy cũng chỉ đạo hoàn thiện cơ cấu bộ máy tổ chức, theo đó Học viện đã từng bước kiện toàn tổ chức để đáp ứng yêu cầu của tổ chức trong thời kỳ hội nhập. Các đơn vị mới thành lập đều thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu phát triển của Học viện; kết quả trong những năm qua Học viện đã sáp nhập Viện Khoa học Tài chính với Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả thành Viện Kinh tế- Tài chính; thành lập Ban Thanh tra giáo dục, Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học, Trung tâm Thông tin, Viện Đào tạo quốc tế, Khoa Kinh tế, Bộ môn Kinh tế Nguồn lực tài chính, Bộ môn Kinh tế đầu tư tài chính, Bộ môn Phân tích chính sách tài chính và Bộ môn Kế toán công. Đến nay, cơ cấu tổ chức của Học viện gồm 31 đơn vị, trong đó có 14 khoa, 12 ban và tương đương, 05 đơn vị sự nghiệp.

Đảng ủy cũng luôn coi trọng, quan tâm và thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đảng viên nói riêng, cán bộ, công chức, viên chức của Học viện nói chung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ Đào tạo và Nghiên cứu khoa học mà Bộ Tài chính giao. Nhiều cán bộ, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học, đào tạo cao cấp lý luận chính trị, tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ liên quan giảng dạy, quản lý, các lớp tập huấn về công tác quản lý tài chính, cải cách hành chính...Kết quả đến nay Học viện đã có 48 GS và PGS, 132 tiến sỹ, 345 thạc sỹ, 71 cán bộ, viên  chức có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 529 cán bộ, viên  chức có trình độ trung cấp lý luận chính trị.

Công tác quy hoạch thực hiện thường xuyên, gắn kết chặt chẽ với công tác đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo đủ nguồn cán bộ thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc Học viện. Thực hiện phương châm “động” và “mở” trong xây dựng quy hoạch cán bộ; mở rộng phạm vi, đối tượng để chọn nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch. 100% cán bộ trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo được cử đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, bồi dưỡng kỹ năng... Phần lớn cán bộ quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng và qua thực tiễn công tác từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đến nay đã quy hoạch được 260 cán bộ, viên chức các cấp, trong đó quy hoạch giám đốc Học viện 2 đồng chí, phó giám đốc Học viện là 6 đồng chí.

Việc bổ nhiệm cán bộ, viên chức dựa trên yêu cầu của công tác, trình độ, năng lực, tín nhiệm của cán bộ được bổ nhiệm, không có tình trạng vì “người” mà sinh thêm tổ chức, sinh thêm chỉ tiêu cán bộ…; công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ được quan tâm, đảm bảo cơ cấu giới tính, độ tuổi, trình độ. Vì vậy, cán bộ, viên chức được bổ nhiệm đã phát huy tốt năng lực, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Kết quả trong những năm qua (từ 2010-2014) đã bổ nhiệm được 01 Giám đốc và 01 Phó giám đốc và 222 cán bộ viên chức.

Công tác đánh giá cán bộ viên chức luôn được đổi mới; lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ. Việc xây dựng tiêu chí đánh giá được thực hiện tới nhiều đối tượng, cụ thể, rõ ràng là cơ sở để xem xét bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ. Có thể nói, trong thời gian qua, Đảng ủy Học viện Tài chính đã đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ, không ngừng nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của mình đối với chính quyền, các đoàn thể, làm tốt việc kiện toàn tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy, tổ chức các đoàn thể; làm cho chất lượng đội ngũ cán bộ của Học viện ngày càng phát triển cả về trình độ chuyên môn, chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học; năng lực lãnh đạo, phẩm chất cán bộ, về cơ cấu độ tuổi, cơ cấu cán bộ nữ, đặc biệt là trong việc sử dụng đội ngũ ngày càng hiệu quả và được trẻ hóa hơn.

2. Một số định hướng trong lãnh đạo công tác cán bộ thời gian tới

Trong thời gian tới, Đảng ủy Học viện Tài chính cần tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về công tác cán bộ Bộ Tài chính đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đó là: Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của Học viện và Bộ Tài chính trong tình hình mới; Tiếp tục kiện toàn, củng cố, ổn định tổ chức, bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Hoàn thiện đồng bộ các qui chế, qui định, nề nếp làm việc trong cơ quan, đơn vị.

Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, Đảng ủy cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp sau:

- Đổi mới tổ chức bộ máy của Học viện theo mô hình các Ban, Khoa, các Viện đào tạo, Viện nghiên cứu, các Trung tâm dịch vụ và Doanh nghiệp; phát triển một số Viện đào tạo và nghiên cứu chuyên ngành, nghiên cứu phục vụ công tác đào tạo. Cụ thể giai đoạn 2016 -2020, Học viện Tài chính sẽ thành lập thêm một số Viện chuyên ngành: Viện Kế toán Kiểm toán; Viện Tài chính công; Viện Quản trị kinh doanh; Viên Thống kê tin học; Viện Sau Đại học

- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác cán bộ.  Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất phối hợp với các cấp chính quyền lãnh đạo trong tất cả các khâu của công tác cán bộ và quản lý cán bộ, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị và người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Cấp ủy cần sâu sát hơn nữa, cụ thể hơn nữa đến việc sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, quy hoạch cán bộ; trong quá trình thực hiện phải có sự phân cấp, phân công, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy với chính quyền, phát huy vai trò của quản lý Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội, đồng thời phải có giám sát, kiểm tra công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Lãnh đạo việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, sử dụng cán bộ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo công tác cán bộ không hụt hẫng, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, trung thực.

- Tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ Bộ giao trong những năm tới. Trên cơ sở xây dựng Đề án vị trí việc làm trình Bộ Tài chính phê duyệt; cần rà soát, xây dựng tiêu chí rõ ràng, cụ thể đối với từng vị trí việc làm, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo lành nghề, thạo việc, chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về mọi mặt; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo mục tiêu, quy hoạch và tiêu chuẩn cán bộ. Quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ; khuyến khích cán bộ, đảng viên phấn đấu học tập nâng cao trình độ. Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ.

- Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ.  Nhìn cán bộ phải từ nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, tính đến hiệu quả công việc, chất lượng giải quyết công việc, nhất là vào những thời điểm khó khăn, thách thức.

- Bổ sung, hoàn thiện các qui chế, qui định trong Học viện (quy chế dân chủ; quy chế thi đua, khen thưởng...); Phát huy dân chủ, tăng cường đối thoại giữa lãnh đạo với Giảng viên, công chức, viên chức, đoàn thể quần chúng,  đi đôi với xây dựng kỷ cương, môi trường văn hóa lành mạnh trong cơ quan, đơn vị./. 

PGS.,TS. Nguyễn Bá Minh - UVTV Đảng ủy Học viện Tài chính
Số lần đọc: 29956

Danh sách liên kết