
Hàng nghìn phụ nữ ở Petrograd, Nga tuần hành đòi "bánh mỳ và hòa bình" vào ngày 8/3/1917 (Ảnh: CNN)
Ngày Quốc tế phụ nữ (IWD) phát triển từ phong trào lao động và trở thành sự kiện thường niên được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận.
Cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp với đồng lương rẻ mạt, điều kiện làm việc tồi tệ.
Ngày 8 tháng 3 năm 1857 các nữ công nhân ngành dệt đã biểu tình chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, cũng trong tháng Ba, các nữ công nhân Mỹ trong một số hãng dệt thành lập công đoàn (syndicat) đầu tiên đã đấu tranh để được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
Ngày 8/3/1899 nữ công nhân Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ công nhân ngành dệt và ngành may tại thành phố Chicago và New-York. Mặc dù bị giới tư bản ra tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ.
Nhưng những hạt mầm giúp nảy sinh IWD xuất hiện vào năm 1908, khi 15.000 phụ nữ tuần hành khắp thành phố New York, Mỹ để đòi giảm thời gian làm việc, lương cao hơn và quyền bầu cử cho phái yếu. Một năm sau đó, Đảng Xã hội Mỹ tuyên bố ngày 28 tháng 02 năm 1909 là ngày Quốc tế phụ nữ. Phụ nữ cử hành lễ này vào ngày chủ nhật cuối của tháng 2 cho tới năm 1913.
Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức. Phong trào đấu tranh đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc đó là bà Clara Zetkin (người Đức) và bà Lô-ra Lúc-xăm-bua (người Ba Lan).
Nhận thức sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907 hai bà đã phối hợp với Crup-xcai-a (vợ Lênin) vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Clara Zetkin được cử làm Bí thư. Bà đề xuất ý tưởng này vào năm 1910, tại Hội nghị quốc tế của các lao động nữ ở Copenhagen (Đan Mạch). Có 100 phụ nữ đến từ 17 quốc gia ở đó và họ nhất trí đề xuất của bà Zetkin.
Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, đại hội lần thứ 2 của Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Copenhagen (Đan Mạch) với 100 phụ nữ đến từ 17 quốc gia, bà Clara Zetkin đã đề xuất ý tưởng này tạo lập ngày quốc tế cho phái yếu và đã được Đại hội nhất trí đề chấp thuận, quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày “Quốc tế phụ nữ” - Ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ; Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau; Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Ngày 25 tháng 3 năm 1911, 145 nữ công nhân, phần lớn là di dân Airơlen và người Do thái của hãng Triangle Shirtwaist Company tại New York đã chết trong một vụ cháy trong xưởng dệt. Họ không có ngõ thoát do vì cửa xưởng đã được khóa chặt để công nhân không được ra ngoài trước khi hết giờ làm việc (Ðiều này đã thúc đẩy việc sửa đổi luật lệ lao động). 80.000 người diễu hành trong các đường phố để đưa đám tang lớn của 145 nạn nhân chết cháy.
Một năm sau, 1912, 14.000 công nhân ngành dệp may đình công và la lớn "Better to starve fighting than starve working" (Chết đói vì chiến đấu hơn chết vì làm việc). Nữ công nhân đình công, nghỉ việc trong 3 tháng.
Ngày 23/2/1917 - theo lịch Julian được sử dụng ở Nga khi đó là Chủ nhật, lịch Gregory (Dương lịch) là ngày 8/3, một cuộc đình công nổ. Những phụ nữ Nga đã yêu cầu "bánh mỳ và hòa bình". Bốn ngày sau cuộc tuần hành của phụ nữ, Sa hoàng buộc phải thoái vị và chính phủ lâm thời cấp quyền bầu cử cho phái yếu. Liên bang Xô viết (Liên Xô) tuyên bố ngày này là ngày Quốc tế phụ nữ và là ngày nghỉ quốc gia kể từ năm 1917, sau đó ngày lễ này chủ yếu được tổ chức trong các nước thuộc phong trào Xã hội Chủ nghĩa và các nước Cộng sản cho đến khi được Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1977.
Ý nghĩa của ngày Quốc tế Phụ nữ
Không ai có thể phủ nhận vai trò và trách nhiệm to lớn của người phụ nữ. Không chỉ là người nội trợ trong gia đình, giữ một thiên chức cao cả là một người mẹ trong việc mang nặng đẻ đau ra những đứa con, đóng phần quan trọng trong nuôi dạy chúng thành người mà còn vừa tham gia lao động xã hội, đóng góp sức lực của mình vào sự phát triển của xã hội.

Một cuộc tuần hành ở Mỹ đòi quyền bình đẳng cho nữ giới (Ảnh: Boston Globe)
Ở nhiều nước trên thế giới, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được coi là ngày lễ chính trong năm và tổ chức rất lớn. Bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới về các vấn đề thực tiễn như mức lương, cơ hội giáo dục đào tạo và thăng tiến trong nghề nghiệp hay điều kiện an sinh xã hội, chống mại dâm và bạo lực đối với phụ nữ…Nam giới thường tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái… Đây cũng chính là ngày nam giới thể hiện sự chăm sóc yêu thương cho người phụ nữ mà họ yêu quý.
Thời điểm gần đây cũng là một khoảng thời gian rất khó khăn với phái yếu. Dữ liệu từ UN Women cho thấy, đại dịch Covid-19 có thể xóa sạch 25 năm thành tựu cải thiện bình đẳng giới. Phụ nữ đang phải làm việc nhà và chăm sóc gia đình nhiều hơn đáng kể do sự bùng phát của virus. Đại dịch cũng có thể ảnh hưởng nặng nề đến các cơ hội việc làm cũng như giáo dục dành cho phái yếu.
LHQ đã công bố chủ đề cho IWD 2021 là “Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo: Đạt được tương lai bình đẳng trong thế giới Covid-19”.
Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) bày tỏ mong muốn, tất cả phụ nữ và bé gái trên toàn cầu có cơ hội thể hiện sự đa dạng và khả năng của họ trong tất cả các bối cảnh văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị. Theo quan chức này, đây là cách duy nhất để thế giới có được "một xã hội thực sự thay đổi, gắn kết phụ nữ trong quá trình ra quyết định vì bình đẳng và lợi ích cho tất cả mọi người".
Ngoài thông điệp trên còn có một số chủ đề khác liên quan. Trang web Ngày Quốc tế phụ nữ, vốn được thiết lập để "cung cấp một nền tảng giúp tạo ra sự thay đổi tích cực cho phụ nữ", đã chọn chủ đề #ChooseToChallenge (tạm dịch: Chọn thách thức) và kêu gọi mọi người "giơ cao tay để thể hiện bạn đang ở đây và bạn cam kết lựa chọn thách thức cũng như loại bỏ sự bất bình đẳng".
Ngày quốc tế phụ nữ ở Việt Nam

Tranh vẽ về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng: Trưng Trắc và Trưng Nhị: Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là tấm gương điển hình nhất về hình mẫu của người phụ nữ Việt Nam anh hùng
Ngày 8/3 còn là ngày kỉ niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, 2 vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng được đánh giá là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đồng thời cuộc khởi nghĩa cũng là một minh chứng cho sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử nhân loại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Triệu Thị Trinh (225-248) không cam chịu làm phận lẽ cho viên quan Đông Ngô cai trị, bà cùng anh trai là Triệu Quốc Đạt trốn lên núi, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân đô hộ
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, phụ nữ cũng góp phần không nhỏ vào chiến thắng của toàn bộ dân tộc.

Phụ nữ miền Nam tham gia đấu tranh chính trị chống Đế quốc Mỹ và tay sai trước 1975 (ảnh tư liệu)
Từ những nữ dân quân tự vệ, những cô gái mở đường tự nguyện tham gia cách mạng, các bà, các mẹ, các chị gia tăng sản xuất phục vụ kháng chiến, đến những bà mẹ Việt Nam anh hùng coi bộ đội như con, sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí là hy sinh cả tính mạng để quân ta có cơ hội chiến thắng.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định nói chuyện thân mật với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ 2 (9/1967). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam Đảng, chính phủ và Bác đã tặng bức trướng thêu 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” và Nhà nước đã tặng Phụ nữ miền Nam Huân chương “Thành đồng” hạng nhất.

Bà Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973 (ảnh tư liệu)
Các bản Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho việc xóa bỏ những hủ tục khắt khe của chế độ phong kiến đối với phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới ở mọi lĩnh vực từ trong gia đình đến ngoài xã hội, làm thay đổi các cơ sở kinh tế, các quan niệm về đạo đức, phong tục, tập quán theo chế độ phụ quyền và không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam về mọi phương diện.
Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay, phụ nữ Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng với những đóng góp không nhỏ trên mọi lĩnh vực.
Ngày 4 tháng 10 năm 1997, chính phủ nước CHHCN Việt Nam đã có quyết định số 822/TTG về việc phê duyệt kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, ban hành 11 mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2000 nhằm cam kết trước thế giới Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam thực hiện mục tiêu "Hành động vì bình đẳng, phát triển và hòa bình" của hội nghị Bắc Kinh.
Theo Tổng cục Thống kê năm 2016, phụ nữ chiếm gần 50% trong dân số, 51% lực lượng lao động ở Việt Nam. Lao động nữ của cả nước là 26,2 triệu người, trong đó khoảng 44% đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Phụ nữ ở nông thôn vẫn đóng vai trò chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chiếm tới 63,4%.
Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không thể phủ nhận vai trò to lớn của lực lượng nữ giới vào sự phát triển của nền kinh tế và những đóng góp tích cực đối với nhiều mặt của đời sống xã hội. Hiện nay, Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp quốc tế xem là một trong những điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư với ưu điểm là nguồn lao động giá rẻ với hơn 90% lao động trong độ tuổi dưới 40, trong đó phần lớn là lao động nữ. Tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần phải không ngừng nâng cao chất lượng người lao động. Để đáp ứng yêu cầu này, bản thân người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng phải không ngừng nâng cao kỹ năng cơ bản và kỹ năng số thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Đây chính là chìa khoá để lao động Việt Nam nắm bắt được cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Với phụ nữ, cơ hội để nâng cao kiến thức là khó khăn hơn so với nam giới vì vậy cần phải nỗ lực nhiều hơn và nam giới phải luôn đồng hành, hỗ trợ.