Tìm
English
Thứ ba, 17/08/2021 - 9:8

Học viện Tài chính - Hai mươi năm đổi mới và phát triển toàn diện theo mô hình mới
Khởi nguồn, Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội được thành lập năm 1963, theo quyết định số 117/CP của Hội đồng Chính phủ với mốc son đầu tiên là Trường Cán bộ tài chính, kế toán trung ương; năm 1964, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 163/CP hợp nhất trường Cán bộ Tài chính, kế toán trung ương và trường Ngân hàng trung ương (bộ phận Đại học) lấy tên là trường Cán bộ Tài chính, kế toán, ngân hàng trung ương do Bộ Tài chính quản lý. Năm 1976, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 226/CP đổi tên trường Cán bộ Tài chính, kế toán, ngân hàng trung ương thành Đại học Tài chính Kế toán; năm 1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành nghị định số 155/HĐBT, trường được đổi tên thành Trường Đại học Tài chính kế toán Hà Nội.

 Bước sang thế kỷ 21, trước yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới nền kinh tế, với mục tiêu phát triển nhà trường thành cơ sở đào tạo lớn theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, đảm nhận sứ mạng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội; đẩy mạnh kết nối hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ xây dựng cơ chế - chính sách của ngành Tài chính, Ngày 17/8/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 120/2001/QĐ-TTg thành lập Học viện Tài chính trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị là Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Viện nghiên cứu Tài chính và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ (Bộ Tài chính). Ngày 1/1/2002, Học viện tài chính chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới với tên Học viện Tài chính.

Nếu mục tiêu của Trường Cán bộ Tài chính - Kế toán Trung ương (7/1963) đến trường Đại học Tài chính - Kế toán (1976-2001) là tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tài chính, kế toán cho Ngành, thì mục tiêu của Học viện Tài chính đã có sự thay đổi về căn bản. Ngoài mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng thì hoạt động nghiên cứu khoa học được coi trọng; đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội, gắn với thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao trong giai đoạn phát triển mới và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Mục tiêu của Học viện Tài chính là xây dựng Học viện trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học về Kinh tế - Tài chính - Kế toán có chất lượng cao của Ngành tài chính và của đất nước.

Trải qua 20 năm hoạt động theo mô hình Học viện Tài chính, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tự chủ trường đại học, cơ cấu đào tạo của Học viện có sự chuyển biến mạnh mẽ:  giảm đào tạo hệ vừa làm vừa học, tăng số lượng sinh viên hệ đại học chính quy, cao học, NCS; đặc biệt thúc đẩy liên kết đào tạo đại học với các trường đại học danh tiếng trên thế giới, như của Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, các Hiệp hội nghề nghiệp trên thế giới,... Đồng thời, phát triển hệ Liên thông đại học, Đại học văn bằng 2 một cách phù hợp.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học cũng được Học viện đặc biệt quan tâm. Mỗi năm, Học viện đã thực hiện hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Trong 5 năm gần đây, Học viện Tài chính đã hoàn thành, nghiệm thu 05 nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, 77 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ & cấp Tỉnh, gần 1.000 đề tài NCKH cấp Học viện, cấp Khoa. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài Học viện không chỉ được công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của Học viện (Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán xuất bản 12 số/năm và Tạp chí nghiên cứu bằng tiếng Anh - Journal of Finance and Accounting Research phát hành 3 - 4 số/năm); mà còn được công bố với số lượng ngày một đông đảo trên các Tạp chí khoa học uy tín của quốc tế, nhiều công bố được thực hiện trên các Tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus. Ví như, giai đoạn 2019-2021, các nhà khoa học của Học viện và cộng sự đã có gần 150 công bố trên các Tạp chí khoa học quốc tế, tăng gấp nhiều lần so với số công bố giai đoạn 2015-2018.  

Cùng với hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng được đẩy mạnh. Hàng trăm bài viết của sinh viên được đăng tải trong kỷ yếu khoa học, nội san sinh viên nghiên cứu khoa học. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn lý thuyết với thực tiễn mà còn thực sự đóng góp đáng kể vào việc hình thành phương pháp nghiên cứu khoa học của sinh viên, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng nghiên cứu và phát triển  khả năng tư duy sáng tạo.

Học viện Tài chính luôn coi trọng duy trì và mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo và NCKH. Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo là mục tiêu có tính chiến lược trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Đến nay, Học viện đã hợp tác với hơn 30 trường đại học, tổ chức quốc tế và tổ chức nghề nghiệp quốc tế của Anh, Pháp, NewZealand, Australia, Nhật Bản, Hồng Công, Malaysia, Lào,…

Cơ sở vật chất của Học viện ngày đầu được xây dựng  khang trang trên gần 4 ha với đầy đủ hội trường, nhà ăn, ký túc xá, và khu tập thể cho cán bộ, giáo viên. Mỗi năm, Học viện đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp phòng học, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; Thư viện nhà trường hiện có 26.550 tên tài liệu với hơn 185.000 tài liệu in và trên 9.000 tên tài liệu và hơn 868.000 trang tài liệu số. Không gian thư viện thoáng đãng chuyên nghiệp và hiện đại, được bố trí hàng trăm máy tính được kết nối internet đã thu hút và phục vụ hàng trăm nghìn lượt bạn đọc mỗi năm; Hệ thống công nghệ thông tin Học viện đã kết nối mạng LAN trong toàn Học viện và kết nối Internet cho toàn bộ các phòng thực hành và khối quản lý góp phần phục vụ hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và công tác quản lý của Học viện; Về trang bị máy tính: Học viện trang bị 02 phòng lab học ngoại ngữ, với 70 cabine; 8 phòng thực hành máy tính được nối mạng Internet với tổng số gần 400 máy; số máy tính trang bị cho khối quản lý là 300 máy.

Với những thành tích to lớn đó, Học viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Nhà nước CHDCND Lào tặng thưởng Huân chương Hữu nghị, Huân chương ITSALA hạng Nhất, hạng Nhì, và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, năm 2018, nhân dịp 55 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ 2; cùng nhiều Huân chương, Bằng khen,… của Nhà nước, Chính phủ tặng các tập thể và cán bộ, viên chức Học viện trong những năm qua.

20 năm qua hoạt động theo mô hình Học viện, vinh quang nối tiếp vinh quang, công lao đó thuộc về các thế hệ cha anh, các thế hệ Cô giáo, Thầy giáo, các thế hệ sinh viên, học viên đã dày công xây đắp, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan Bộ ban ngành, địa phương và doanh nghiệp,…dành cho sự phát triển của Học viện Tài chính. Danh tiếng, uy tín Học viện được tạo dựng, vị thế Học viện Tài chính trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam và khu vực được khẳng định.

Gần đây, Học viện Tài chính đã được UBND TP Hà Nội quyết định giao gần 90.000 m2 đất tại quận Bắc Từ Liêm để thực hiện Dự án mở rộng Học viện với nhiều hạng mục công trình quy mô, hiện đại; trong đó có 04 khối nhà giảng đường tích hợp, đang được khẩn trương tiến hành thi công để sớm phục vụ những mục tiêu phát triển mới của Học viện trong giai đoạn tới.

Một cơ sở mới hiện đại, khang trang sẽ được hoàn thành trong thời gian gần nhất, tin chắc rằng đây sẽ là  nền tảng vững chắc, tạo đà cho sự phát triển bền vững và lâu dài của Học viện thực hiện Sứ mệnh "Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội",  với mục tiêu: Khẳng định vị thế là cơ sở đào tạo danh giá trong nước, thương hiệu và danh tiếng đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Học viện Tài chính là cơ sở giáo dục đại học nằm trong tốp 1.000 trường Đại học hàng đầu thế giới./.

Văn phòng Học viện
Số lần đọc: 8578

Danh sách liên kết