Tìm
English
Thứ năm, 19/05/2022 - 9:28

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022): Sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(HVTC) – Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Mỗi thắng lợi và mỗi bước đi lên của cách mạng Việt Nam đều gắn liền với công lao to lớn của Người, sự soi đường, dẫn dắt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Con người vĩ đại ấy lại sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, gắn bó với người lao động (Ảnh tự liệu TTXVN)

Từ lần sinh nhật đầu tiên

Trong 24 năm làm Chủ tịch nước (2/9/1945-2/9/1969) và suốt cuộc đời, Bác Hồ có 2 lần sinh nhật đặc biệt - là lần đầu tiên của cuộc đời lãnh tụ (19/5/1946) và lần cuối cùng khi Người “Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay” (19/5/1969).

Quay lại lịch sử cách mạng Việt Nam vào năm 1946, đất nước vừa độc lập nhưng bao khó khăn chồng chất, do chế độ thực dân phong kiến để lại: sản xuất đình đốn, nạn đói hoành hành với gần 2 triệu người chết đói, hơn 90% dân số mụ chữ, tài chính quốc gia trống rỗng. Thù trong giặc ngoài bủa vậy, đe dọa cướp thành quả cách mạng. 20 vạn quận Tưởng Giói Thạch với danh nghĩa quân đội đồng minh đến miền Bắc nước ta, mang theo bọn Việt Nam Quôc dân Đảng tay sai, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, gây cho Chính phủ và nhân dân ta muôn vàn khó khăn. Trong Nam núp sau quân đội Anh, quân đội Pháp gây hấn ở Nam Bộ, âm mưu đặt ách cai trị các nước Đông Dương một lần nữa.

Ngày 19/5/1946- sinh nhật tuổi 56, Người tự tổ chức buổi sinh nhật trong tư thế Nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền, tiếp đón Cao ủy Pháp tại Đông Dương D’Argenlieu, nhân vật đang mưu toan ngăn chặn chuyến đi của Hồ Chủ tịch - vị Thượng khách của nước Pháp. Người nói với đồng bào: “Chưa có gì đáng chúc thọ” nhưng đối với kẻ thù đang đe dọa nền tự do độc lập vừa giành lại được, đây lại là cái cớ Người buộc D’Argenlieu phải đến để đối thoại với hy vọng: “Cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới”.

Cũng nhân việc “các nhà báo ở đây đã làm to ngày sinh nhật của tôi”, Bác có dịp tốt tiếp xúc với nhân dân, tự vệ, hướng đạo, đại biểu Nam Bộ, với các giới, các cháu thiếu nhi đến chúc mừng; Bác tặng các đại biểu thiếu nhi cây bách tán và mong: “Cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán. Các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt''. Bác cũng kết hợp nói chuyện, giáo dục nếp sống mới và cần kiệm liêm chính.

Bác Hồ đến thăm một trại nhi đồng ở Việt Bắc, năm 1950

Ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19/5/1946 trở thành ngày gặp mặt đoàn kết, biểu thị tình cảm và sức mạnh khối đoàn kết toàn dân xung quanh Chính phủ dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, một quá trình đấu tranh cách mạng và kháng chiến của đất nước được mở ra; cũng đồng thời có một “tiền lệ mới” được đặt ra như một nếp đạo lý của dân tộc: Mừng sinh nhật Bác Hồ.

Trong thư ngày 19/5/1948 gửi Quốc hội và Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào ở nước ngoài, Người viết: “Tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ấy là ngày cách mạng giải phóng thành công tháng Tám năm 1945”. 

Khi phải tạo ra sinh nhật riêng như một tiền lệ, Bác luôn thấy “trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên” (Chờ cho kháng chiến thành công đã /Bạn hãy ăn mừng sinh nhật ta). Vì vậy Người đã sử dụng ngày kỷ niệm cá nhân theo phong cách khác biệt.

 Bác Hồ cùng tham gia tăng gia sản xuất

Những năm Chính phủ và Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, kỷ niệm sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng đầm ấm với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và những bó hoa rừng của những người phục vụ. Bác rất xúc động và thường dành lúc này để nói về những việc phải làm, về những tấm gương trung thành với Đảng và sự nghiệp kháng chiến.

Có lần (năm 1948) Bác rơm rớm nước mắt đề nghị dành bó hoa mừng sinh nhật để viếng mộ người phục vụ nấu ăn cho Bác vừa mới qua đời vì căn bệnh sốt rét ác tính.

Rồi cũng nhân dịp sinh nhật lần thứ 60 (năm 1950), Bác đã truyền lửa cho cán bộ chiến sĩ, đồng bào niềm tin yêu lạc quan hăng say làm việc:

“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán/So với ông Bành vẫn thiếu niên/Ăn khoẻ, ngủ khoẻ, làm việc khoẻ/Trần gian như thế kém gì tiên”.

Những năm đất nước bị chia cắt, Bác căn dặn các địa phương, các cơ quan đoàn thể không nên tổ chức chúc thọ linh đình, làm tốn thời giờ, tiền của, trong khi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Người lý giải: “Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào… Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cường thịnh hơn".

Để tránh những nghi lễ vào dịp sinh nhật của mình, Bác không ở Hà Nội mà về thăm nhân dân các địa phương nhưng Bác dặn trước các địa phương không được tổ chức lễ kỷ niệm, không tổ chức chiêu đãi linh đình…

Bác có thói quen dịp sinh nhật hay làm thơ nói về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí; sau ngày 19/5, Người viết thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, cơ quan, đoàn thể ở trong nước và bầu bạn quốc tế đã dành cho Bác những tình cảm tốt đẹp, thân thiết và nhất là những món quà ý nghĩa về thành tích mới trong lao động sản xuất.

Lần sinh nhật cuối cùng

Lần cuối cùng là ngày 19/5/1969, lúc Bác 79 tuổi.

Lần sinh nhật năm 1969 lúc Bác 79 tuổi của Bác giữa lúc chiến tranh lan ra cả nước còn đang ác liệt. Vào ngày này, Bác sửa “Di chúc” lần cuối cùng. Sức khỏe của Bác ngày một giảm sút, Bác đã yếu nhiều nhưng trí óc vẫn rất minh mẫn, sáng suốt. Biết rõ tình trạng sức khỏe của mình và một lòng thương nhớ đồng bào đang ngày đêm chiến đấu gian khổ hy sinh, Bác nhất định không cho làm sinh nhật. Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Trung ương xin phép tổ chức sinh nhật cho Bác và cũng xin phép để sang năm, tức là năm 1970 sẽ chúc thọ Bác tròn tuổi 80. Bác không đồng ý và nói: “Bác cảm ơn các chú nhưng Bác đề nghị đừng tổ chức sinh nhật Bác nữa. Bác chẳng biết còn được bao lâu nữa đâu. Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào hưởng niềm vui riêng”. Đồng chí Lê Duẩn thưa với Bác: Xin Bác nghĩ lại. Ngoài Bác ra còn có Trung ương, có Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận và các vị đại sứ các nước đang mong chờ được chúc thọ Bác. Bác không cho làm thì biết tính sao?

Nể lòng mọi người, nhất là nghĩ tới miền Nam và bạn bè quốc tế, Bác đành miễn cưỡng đồng ý. Bác nói với đồng chí Lê Duẩn mà Bác vẫn thân mật gọi là “chú Ba”: “Thôi, nếu vậy thì các chú làm thật nhanh cho Bác. Đừng kéo dài, đừng bày vẽ tốn kém. Chỉ cho Bác mấy bông hoa là được rồi. Bác cẩn thận nói thêm: Chỉ 5 bông hồng đỏ thôi”.

Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, nhận trọng trách do nhân dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Nhân cách, đạo đức, sự cao thượng ấy mãi mãi làm cho Bác Hồ trở nên cao đẹp, tấm gương mẫu mực về đạo đức làm người cao đẹp nhất.

Cả cuộc đời Người luôn thôi thúc: “Tôi chỉ một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Ngày sinh nhật Bác Hồ là để mỗi người dân Việt Nam bày tỏ tình cảm; lòng biết ơn sâu sắc tới Người. Chúng ta cùng tiêp tục nỗ lực tiến bước trên con đường dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai các cường quốc năm châu như sinh thời Bác hằng mong muốn.

Ban CTCT&SV - Vp Đảng - Đoàn
Số lần đọc: 771

Danh sách liên kết