(HVTC) - Hội thảo diễn ra sáng 15/9/2023 tại Học viện Tài chính, số 58-Lê Văn Hiến, Bắc Từ Liêm, HN. 7 tham luận trình bày tại Hội thảo được chọn từ 30 bài đăng trong trong kỷ yếu và đều là những bài viết tâm huyết, mang tính lý luận sâu sắc và thực tiễn sinh động.

PGS. TS. Vũ Thị Vinh - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, trưởng khoa Lý luận chính trị và TS. Dương Quốc Quân -
Phó Trưởng khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo khoa, đồng chủ tọa Hội thảo
Tham dự Hội thảo có sự tham dự NGƯT. PGS.,TS. Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường và toàn thể giảng viên khoa Lý luận chính trị; GS.TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Khảo thí & Quản lý chất lượng.

PGS,TS. Vũ Thị Vinh – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, trưởng khoa Lý luận chính trị phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, PGS,TS. Vũ Thị Vinh – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trưởng khoa Lý luận chính trị đã nêu mục tiêu, vai trò, ý nghĩa của hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”. Theo đó, bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định cần phải "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam", coi đây "là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị" ở nước ta. Yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay, cả về lý luận lẫn thực tiễn, là cần tiếp tục nghiên cứu một cách có hệ thống về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, từ đó tìm ra những giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
PGS,TS. Vũ Thị Vinh cũng nêu những định hướng của Hội thảo: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Những thách thức đang đặt ra trong giai đoạn mới và đưa ra đề xuất quan điểm, giải pháp về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại hội thảo, 07 tham luận đã được trình bày trong 2 phần của Hội thảo, đề cập, phân tích, đánh giá và có những đề xuất tâm huyết.

ThS.Phạm Thị Xinh trình bày tham luận
Phần thứ nhất của hội thảo:” Nhận thức về nhà nước và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ThS.Phạm Thị Xinh đã trình bày tham luận “Tư tưởng HCM về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam”. Tác giả đã phân tích nội dung, ý nghĩa trong tư tưởng HCM về nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tác giả cũng chỉ rõ đây là kết quả sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại của Người. Đây là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

TS. Vũ Thị Thanh Tình trình bày tham luận
TS. Vũ Thị Thanh Tình trình bày tham luận: “Quan điểm của HCM về bản chất giai cấp của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”. Tham luận đã phân tích làm rõ nội dung quan điểm Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

ThS. Vương Thúy Hợp trình bày tham luận
ThS. Vương Thúy Hợp trình bày tham luận: “Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về nhà nước pháp quyền XHCN” đã khái quát quá trình nhận thức của Đảng ta về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII năm 2021.

TS. Đặng Thái Bình trình bày tham luận
TS. Đặng Thái Bình với tham luận: “Xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trong thời kỳ CNH,HĐH đất nước” đã nhận diện và phân tích những nhân tố tác động đến quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như có những đề xuất để hạn chế những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến việc thực hiện những nội dung, mục tiêu của Nhà nước pháp quyền XHCN.

TS. Dương Quốc Quân - Phó Trưởng khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo khoa dẫn dắt Hội thảo
Phần thứ 2 của Hội thảo: Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp hoàn thiện có 4 tham luận được trình bày.
TS. Vũ Thị Thu Hương trình bày tham luận “Thực trạng và một số giải pháp hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay”. Tác giả đã khái quát thành tựu cũng như những hạn chế và chỉ ra những vấn đề đang đặt ra trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
PGS.TS. Phan Thị Thoa với tham luận “Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng pháp luật Việt Nam hiện nay” đã có những liên hệ thực tiễn sinh động từ những vấn đề nóng hiện nay về tình hình thực thi pháp luật cũng như những chính sách, sự điều chỉnh trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam.

TS.Đặng Thị Thu Giang trình bày tham luận
TS.Đặng Thị Thu Giang với tham luận “Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại – giải pháp hoàn thiện nhà nước XHCH ở Việt Nam” đã tiếp cận quan điểm mới mẻ trong giai đoạn mới trong tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với vấn đề quản trị quốc gia. Tham luận đã khẳng định quản trị được xem là một trong những giải pháp chiến lược nhằm đáp ứng mục tiêu và yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045.
Nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu đã bổ sung, đóng góp hoàn thiện những bài tham luận tại Hội thảo với cách nhìn đa chiều, sự sắc sảo về lý luận.

PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường đã đánh giá cao về chủ đề, nội dung của Hội thảo với ý nghĩa lớn về lý luận và thực tiễn, nhất là trong giai đoạn hiện nay trong tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về "Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới", đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng cũng mong muốn khoa Lý luận chính trị cần biên tập lại những bài có chất lượng để đăng và hỗ trợ đăng bài trên các tạp chí 0,75 và 1 điểm, hướng tới việc xây dựng chỉ tiêu nghiên cứu trong phong chức danh GS; PGS.,TS của Học viện. Cần nghiên cứu phối hợp với các Đại học, Học viện nâng cấp Hội thảo lên thành Hội thảo cấp Học viện trong năm 2024 và Hội thảo Quốc gia năm 2025 nhân Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

NGƯT.PGS.,TS. PGS.,TS. Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện
NGƯT.PGS.,TS. PGS.,TS. Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện cũng đồng quan điểm với PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường trong việc mong muốn nâng Hội thảo lên cấp Học viện, cấp quốc gia và mong muốn Hội thảo này được lan tỏa rộng rãi trong toàn thể viên chức, người học của Học viện.
Phát biểu tổng kết, PGS,TS. Vũ Thị Vinh – Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trưởng khoa Lý luận chính trị đã khái quát những nội dung Hội thảo đã đạt được. Hội thảo đã khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” là một tất yếu khách quan; và làm rõ thực tiễn xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam trong những năm vừa qua, đánh giá những thành tựu to lớn, nhận diện được những hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế tồn tại; đặc biệt các tham luận Hội thảo đã đề xuất được khá đầy đủ, toàn diện các giải pháp để tiếp tục Xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong bối cảnh mới. Các giải pháp được đề xuất đều có cơ sở lý luận khoa học và có giá trị thực tiễn sâu sắc, có tính khả thi, tính ứng dụng cao; Hội thảo khoa học cũng là buổi sinh hoạt khoa học chính trị của toàn thể cán bộ đảng viên khoa LLCT và có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc; góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm và kinh nghiệm nghề nghiệp đối với tất cả giảng viên trong khoa; góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy các môn khoa học LLCT năm học 2023-2024.
Hội thảo là một trong những hoạt động về chuyên môn chào mừng 60 năm xây dựng và phát triển Học viện Tài chính của khoa Lý luận chính trị. Đây là tâm huyết và trăn trở của các nhà khoa học khoa về những vấn đề cấp thiết của đất nước, góp phần làm sâu sắc những vấn đề có tính căn bản cốt lõi về hệ tư tưởng của Đảng; làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đây còn là buổi sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, cụ thể trong việc nghiên cứu quán triệt nội dung Nghị quyết 27 của BCHTW Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới và cũng là diễn đàn sinh hoạt chuyên môn của khoa hướng đến bổ sung, hoàn thiện những nội dung cơ bản trong giảng dạy.
Một số hình ảnh khác

GS.TS. Chúc Anh Tú – Trưởng ban Khảo thí & Quản lý chất lượng phát biểu

Đại biểu Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

ThS. Cao Thị Thảo phát biểu trong chuyên đề sinh hoạt chính trị