Tìm
English
Thứ sáu, 10/11/2023 - 13:18

Học viện Tài chính phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ 10/11-10/12/2023)
(HVTC) – Học viện Tài chính phát động toàn thể viên chức, sinh viên, học viên của Học viện Tài chính hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 (từ 10/11 - 10/12/2023) của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030!”.

Tại sao là CỘNG ĐỒNG?

Cộng đồng cùng chung tay phòng, chống AIDS/HIV

Cộng đồng cần được hiểu rộng, bao gồm các Bộ ngành, đoàn thể trung ương và địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, các khu công nghiệp, các tổ chức cộng đồng, các cộng đồng đích: công nhân lao động, học sinh sinh viên, đặc biệt là các nhóm có hành vi nguy dễ lây nhiễm HIV: Nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người nghiện chích ma túy, mại dâm, bạn tình của các nhóm trên.

Việc lựa chọn chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” cho thấy phòng, chống HIV/AIDS cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, của cả cộng đồng và cần có những cách làm sáng tạo vì sự hiểu biết của người dân về HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, tình hình dịch HIV cũng đã có những thay đổi, cách tiếp cận cũng như can thiệp liên quan đến dự phòng, điều trị HIV/AIDS cũng đã thay đổi. Chủ đề này cũng muốn khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta trong những năm qua đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa quan trọng. Để làm được điều này, bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị còn có sự đóng góp lớn của các tổ chức cộng đồng, đặc biệt với một số nhóm đối tượng đặc biệt.

Trong các kết quả phòng, chống HIV/AIDS kể trên, ngoài sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội đã tham gia vào hầu hết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ đóng góp ý kiến trong khi xây dựng Luật và các văn bản quy phạm pháp luật;

Trong các kết quả phòng, chống HIV/AIDS kể trên, ngoài sự tham gia của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, còn có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội đã tham gia vào hầu hết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ đóng góp ý kiến trong khi xây dựng Luật và các văn bản quy phạm pháp luật; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng kế hoạch, đến tổ chức triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ và theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình đặc biệt là việc cung cấp một số dịch vụ mà các tổ chức cộng đồng có lợi thế. Các báo cáo quốc gia cho thấy, các tổ chức cộng đồng có thể đóng góp từ 25-50% các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ nhất là các dịch vụ mà tổ chức cộng đồng có lợi thế như tiếp cận cộng đồng, cung cấp dịch vụ can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV và chuyển gửi điều trị ARV hay PrEP.

Do đặc thù ở Việt Nam, dịch HIV vẫn là dịch tập trung nên nhiều người nhiễm HIV thuộc nhóm dễ tổn thương như người nghiện chích ma túy, người bán dâm hoặc nam quan hệ tình dục đồng giới, đây là nhóm dễ bị kỳ thị phân biệt đối xử. Do vậy hệ thống y tế nhà nước khó tiếp cận hơn với các đối tượng này so với các tổ chức cộng đồng vì các tổ chức cộng đồng thường là người trong cuộc nên họ đồng cảm hơn, hiểu đối tượng của mình hơn nên dễ tiếp cận để truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ cho các nhóm này hơn. Việc xét nghiệm và tìm ca nhiễm HIV dương tính tại một số tỉnh thành phố hiện nay các tổ chức cộng đồng đóng góp tới 50% số ca mới, thậm chí một số tỉnh, thành phố có tới 60-70% các ca nhiễm HIV mới được phát hiện do các tổ chức xã hội thực hiện. Việc xét nghiệm sớm và điều trị sớm HIV là một trong giải pháp quan trọng để chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Các tổ chức cộng đồng (gồm các thành viên thuộc mạng lưới, cộng đồng người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tự nguyện hợp lực với nhau thành các nhóm) đã tích cực và sáng tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, cung cấp các dịch vụ xét nghiệm không chuyên, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV, chuyển gửi người có hành vi nguy cơ cao đến cơ sở y tế nhận các dịch vụ HIV/AIDS như làm xét nghiệm khẳng định HIV, điều trị ARV, điều trị methadone, điều trị PREP và đặc biệt hỗ trợ tuân thủ điều trị tốt, cầu nối cơ bản giữa nhân viên y tế và bệnh nhân, đóng góp vào việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Khi người nhiễm HIV được điều trị sớm sẽ giữ cho hệ miễn dịch của họ khỏe mạnh, do vậy họ tiếp tục sống khỏe mạnh lâu dài, Khi được điều trị sớm, thuốc ARV sẽ ức chế vi rút HIV không phát triển để lượng virus HIV trong máu về ngưỡng không phát hiện và sẽ không còn làm lây nhiễm HIV cho người khác (Không phát hiện = Không lây truyền) qua đường tình dục.

Do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn, giúp cho các đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ trong dự phòng và điều trị HIV, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Các cơ sở y tế triển khai các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS đều có liên kết với các tổ chức cộng đồng, các doanh nghiệp xã hội, y tế tư nhân trong việc tiếp cận quần thể đích. Vai trò của đội ngũ này như cánh tay nối dài của các cơ sở y tế đặc biệt hiệu quả khi dịch HIV/AIDS tại Việt Nam đang tập trung chủ yếu ở các nhóm có hành vi nguy cơ như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nghiện chích ma túy và mại dâm.

Sau 30 năm phòng, chống HIV/AIDS, có rất nhiều sáng kiến hay, mô hình hiệu quả đã được áp dụng trong truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trong tiếp cận dịch vụ từ dự phòng lây nhiễm HIV, can thiệp giảm hại đến điều trị liên quan đến HIV/AIDS. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, có những thay đổi về các yếu tố dịch tễ HIV/AIDS, nguồn lực phòng chống HIV/AIDS, hệ thống tổ chức cơ quan chuyên trách phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, cùng với sự hiểu biết của người dân về HIV, sự chia sẻ đồng cảm với người nhiễm HIV và các quần thể đích được nâng lên trong sự phát triển chung của toàn xã hội thì công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng cần có những cách tiếp cận mới, sáng tạo và phù hợp.

Những con số và sự thay đổi

Ths. Bùi Hoàng Đức - Phó trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin trong Chương trình Gặp mặt phóng viên báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2023) ngày 09/11, tại Hà Nội do Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức:

Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 9 năm 2023, theo báo cáo giám sát phát hiện cả nước có 231.481 người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9 năm 2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 100% số quận/ huyện và trên 99,98% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, số người nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo chủ yếu thuộc khu vực Đông Nam Bộ (38,67%) và Đồng bằng sông Cửu Long (19,87%).

Tính đến tháng 9 năm 2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16 - 29 (47,3%) và 30 - 39 (28,2%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%). 

Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến tháng 9 năm 2023 có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,4% vào tháng 9 năm 2023; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 84,4% năm 2022 và 75,1% vào tháng 9 năm 20232.

Xu hướng dịch HIV trong nhóm nam nghiện chích ma túy (khoảng 12%) và nhóm phụ nữ bán dâm tương đối ổn định (dưới 5%). Tuy nhiên, dịch HIV trong nhóm MSM có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua, cũng như dự báo dịch HIV trong thời gian tới (tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm MSM trong giám sát trọng điểm HIV tăng từ 7,4% năm 2016 lên 12,5% năm 2022). Kết quả các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng, nhóm người chuyển giới nữ cũng là một trong những nhóm được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV với tỷ lệ hiện nhiễm HIV tại Hà Nội là 5,8% năm 2022, tại TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ này là 6,8% năm 2004 tăng lên 18% năm 2016 và 16,5% năm 2020.

Theo số liệu ước tính và dự báo dịch HIV của Việt Nam năm 2022, số người nhiễm HIV còn sống là 249.000 (220.000 – 270.000) và khoảng 6.200 (5.600 – 6.800) người nhiễm HIV mới. Kết quả ước tính và dự báo những ca nhiễm mới HIV, dựa trên mô hình dịch AIDS/mô hình dịch tại Châu Á (Asian/AIDS Epidemic Model) cho thấy MSM là nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam và có tỷ lệ nhiễm mới HIV tăng liên tiếp trong 20 năm qua.

Cũng nỗ lực đạt mục tiêu đặt ra

Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn tới trong đó có mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phù hợp với tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.

Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (Hiện nay >10.000 trường hợp/năm). Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân (Hiện nay, ước tính 3,5 người/100.000 dân). Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (Hiện nay 6%).

Chỉ có sự chung tay của cả cộng đồng trong chúng ta mới chấm dứt được dịch HIV/AIDS. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ phía cộng đồng thì chúng ta khó có thể kiểm soát được dịch HIV/AIDS. Chính vì vậy, Tháng hành động năm nay, Việt Nam chọn chủ đề cộng đồng như là điểm mấu chốt để mở rộng nhanh các dịch vụ từ việc ứng dụng các sáng kiến trong cộng đồng.

Hãy chung tay chấm dứt dịch bệnh AIDS:

  • Tuổi trẻ sáng tạo - hành động vì một Việt Nam không còn AIDS!
  • Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ cho bạn và người thân!
  • Dùng riêng bơm kim tiêm sạch giúp phòng lây nhiễm HIV!
  • Dự phòng và điều trị HIV/AIDS – Không để ai bỏ lại phía sau!
  • Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!
  • Tham gia bảo hiểm y tế là cách tốt nhất để người nhiễm HIV được điều trị HIV/AIDS liên tục suốt đời.
Ban CTCT&SV (Tổng hợp)
Số lần đọc: 991
Các bài đã đăng
Thông báo

Danh sách liên kết