Tìm
English
Thứ sáu, 23/02/2024 - 10:43

Học viện Tài chính phát động toàn thể viên chức, người học hưởng ứng “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Giáp Thìn 2024
(HVTC) – Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tết trồng cây lần đầu tiên năm 1959 “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”. Tiếp nối lời kêu gọi của Người, phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã lan tỏa khắp các địa phương trong cả nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ phát động thi đua và Tết trồng cây năm 2024

Từ những ngày đầu tiên về nước lãnh đạo Cách mạng

Ngay sau khi trở về nước để lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, trong bài “Năm mới, công việc mới” viết cho Báo Việt Nam độc lập, ngày 01/ 01/1942, số 114, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tính tất yếu phải trồng cây: “Muốn ăn quả thì phải trồng cây”. Cụm từ “trồng cây” từ đây liên tục được Bác nhắc tại trong nhiều bài viết, bài nói của mình.

Theo Người, trồng cây trước hết là lấy gỗ làm nhà, ổn định cuộc sống. Vì thế, với bút danh Trần Lực, Người viết bài: “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở”, đăng trên Báo Nhân dân số 1901 ngày 30/5/1959,  có căn dặn: “Ngay từ bây giờ, đồng bào nông dân phải bắt tay vào việc chuẩn bị vật liệu làm nhà: Mỗi người (trong mỗi gia đình, tính cả già, trẻ, gái, trai) phải trồng ít nhất là 5 cây (cây xoan và các thứ cây khác có thể làm kèo, làm cột). Và mỗi gia đình phải trồng một bụi tre”.

Trên Báo Nhân Dân số 2082, ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây”, nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây: “Từ năm 1960 - 1965 chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”.

Cũng theo Người: “Nếu mỗi cháu thanh niên một năm trồng 3 cây, chăm sóc cho thật tốt, thì 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ trồng được 24 triệu cây. Năm năm liền, các cháu sẽ trồng được 120 triệu cây. Hãy tính giá rẻ mỗi cây 3 đồng thôi, sau 5 năm sức lao động của các cháu bỏ ra sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng được 8 nhà máy cơ khí loại khá. Nếu các cháu đem 120 triệu cây ấy trồng trên đường nối liền Hà Nội - Mátxcơva thì con đường từ chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa cộng sản càng thêm xanh tươi”.

Tết trồng cây

Tết Nguyên Đán Canh Tý 1960 là Tết đầu tiên nhân dân ta hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng là Tết mở đầu một tập quán tốt đẹp của nhân dân ta trong mỗi dịp vui Tết đón Xuân.

Sáng 11/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất).

Chiều ngày 11/1/1960, trên công trường Công viên Thống Nhất, hàng ngàn người từ các đơn vị ở Thủ đô Hà Nội đang hăng hái thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, làm cho công viên thêm xanh, sạch, đẹp hơn. Trong không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Bác đã tự tay tròng một cây đa nhỏ. Nhân dịp này, Bác nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng: “Mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau”.

Qua theo dõi phong trào toàn dân tham gia Tết trồng cây đầu tiên, ngày 19/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu” để cổ vũ, động viên phong trào trồng cây của nhân dân; tiếp đó, Người viết bài “Thêm vài ý kiến về Tết trồng cây” nhằm uốn nắn những nhận thức không đúng về phong trào... 

Sáng ngày 31/1/1965, huyện Đông Anh, Hà Nội tổ chức Tết trồng cây trên toàn tuyến quốc lộ số 3, trọng điểm là xã Đông Hội. Người đã đến tham gia trồng cây và căn dặn: “Các cụ, các cô, các chú trồng cây nào, phải trông nom, tưới tắm cây ấy cho thật tốt. Các cháu nhỏ chăn trâu không được làm hư hại cây.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng trồng cây đại ở Ấn Độ, trồng cây sồi ở nước Nga và Người gọi đó là những “cây hữu nghị”. Người mong muốn nhân dân mỗi nước đều có trách nhiệm giữ gìn, vun trồng cho “cây hữu nghị” ngày càng tươi tốt, vững bền. Khi đế quốc Mỹ và tay sai dùng chất độc hóa học và bom napan hủy diệt cây cối của đồng bào ta ở miền Nam và hàng triệu héc-ta rừng, Người kêu gọi nhân dân miền Bắc “trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa”. Người kêu gọi “tổ chức một Tết trồng cây quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”. 

Tết Kỷ Dậu 1969, mặc dù sức khỏe đã yếu nhiều nhưng sáng Mồng Một Tết (tức ngày 16-2-1969), Bác vẫn đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không-Không quân; thăm, nói chuyện với nhân dân và trồng cây đa lưu niệm tại đồi Đồng Váng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Người trực tiếp trồng thêm một cây đa và căn dặn: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”.

Bác không chỉ rõ, chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý: “Ảnh hưởng đến khí hậu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống rất nhiều” và “nếu rừng kiệt thì không còn gì và mất nguồn nước thì ruộng mất màu, gây ra lụt và hạn hán”; “Chớ lãng phí vàng mà phải bảo vệ vàng của chúng ta”. Đau xót trước cảnh rừng bị tàn phá, bị khai thác bừa bãi, Bác nói: “Những cây gỗ to bị chặt để đốt hay cho mục nát không khác gì đồng bào mình tự đem tiền bạc bỏ xuống sông”. Và rồi Bác kêu gọi nhân dân ta “phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng… Phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà của mình”.

Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Bác Hồ cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây hoa làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho công nghiệp”.

Các phong trào: “Tết trồng cây”, “Tết trồng cây vì miền Nam ruột thịt”, “Tết trồng cây đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, rồi đến ngày nay chúng ra có “Tết trồng cây làm theo lời Bác”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”… là những dấu ấn đậm nét về quyết tâm làm theo lời Bác của nhân dân ta.

Cả nước cùng hưởng ứng Tết trồng cây

Mỗi năm Tết đến Xuân về, cuộc vận động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” tiếp tục được phát động với vai trò của người đứng đầu Chính phủ. Chính phủ đang cùng các địa phương trên cả nước đã và đang tích cực bảo vệ và phát triển rừng.

“Tết trồng cây” là một nét đẹp truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam. Phong trào Tết trồng cây được duy trì và phát triển ngày càng sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực. 64 năm qua, Tết trồng cây luôn song hành cùng Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc. Mỗi độ Tết đến, Xuân về, các địa phương, đơn vị, cơ quan… trong cả nước lại sôi nổi tổ chức Tết trồng cây nhằm thực hiện mong muốn của Bác trong bài “Tết trồng cây” Người viết năm 1959, khởi đầu cho những mùa xuân, những Tết trồng cây sau này: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

Nhiều năm qua, Lãnh đạo Học viện đã chỉ đạo các đơn vị, tổ chức Đoàn – Hội triển khai phong trào trồng, chăm sóc cây xanh, tạo cảnh quan môi trường học đường cũng như phát động Tết trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ. Toàn thể viên chức, người lao động, người học đã tích cực hưởng ứng. Nhiều cây xanh đã được trồng, chăm sóc và tạo cảnh quan xanh cho khuôn viên của Học viện. Nhiều sinh viên, học viên đã tích cực hưởng ứng trồng, chăm sóc cây xanh tại các nơi cư trú, đơn vị công tác trên khắp các tỉnh thành trong cả nước.

NGND.PGS.,TS. Nguyễn Trọng Cơ - Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính phát động Tết trồng cây Xuân 2022

Một mùa xuân mới lại bắt đầu, Học viện Tài chính kêu gọi toàn thể viên chức, người học hưởng ứng tích cực hưởng ứng “Tết trồng cây” như lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và theo Quyết định số 524/QĐ-TTg, ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 – 2025. Mỗi người ít nhất trồng 1 cây xanh và cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 816
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết