Tìm
English
Thứ tư, 22/05/2024 - 9:53

Học viện Tài chính: Hoạt động ý nghĩa chào mừng Ngày khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024
(HVTC) – Sáng 17/5, tại trụ sở chính số 58, Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm Hà Nội, Học viện Tài chính tổ chức Lễ kỷ niệm và tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công bố quốc tế, xếp hạng đại học cho Học viện Tài chính”. PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn học viện chủ trì.

 Đại biểu tham dự

Tham dự Hội thảo có NGƯT. PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Công đoàn Học viện, TS. Nguyễn Văn Bình – Phó Giám đốc Học viện, PGS.,TS. Nguyễn Vũ Việt - Nguyên Phó Giám đốc Học viện, nguyên Chủ tịch Công đoàn Học viện; Lãnh đạo và đại diện Lãnh đạo các Ban, khoa, đơn vị chức năng Học viện và cơ quan báo chí về đưa tin.

PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện phát biểu

Tại chương trình Kỷ niệm, PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện đã nhấn mạnh vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh của hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, KH&CN và đổi mới sáng tạo quyết định tới chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đối với chất lượng đào tạo đại học, sau đại học; là chìa khóa để thúc đẩy tăng năng suất lao động, duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều nhấn mạnh: Với Sứ mệnh:"Cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học tài chính - kế toán chất lượng cao cho xã hội", Học viện Tài chính luôn coi trọng chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học…Học viện cũng đã và đang không ngừng đổi mới tư duy, tạo ra thay đổi mới để thích ứng với yêu cầu của thời đại; làm mới, phát huy những ngành đào tạo truyền thống, có thế mạnh; đồng thời không ngừng đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, tạo ra thay đổi đột phá về nội dung, phương pháp và công nghệ đào tạo để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên tại một số lĩnh vực so với các trường đại học trong nước, khu vực và trên thế giới. Tiên phong nghiên cứu, chuyển giao khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với xây dựng các chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước và thời đại. Đây cũng là chìa khóa để Học viện Tài chính thực hiện thắng lợi các nội dung trong chiến lược lược phát triển Học viện đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

 PGS.,TS. Ngô Thanh Hoàng – Trưởng Ban Quản lý khoa học  trình bày Báo cáo tổng kết công tác KHCN của Học viện năm học 2023-2024

Cũng tại chương trình, PGS.,TS. Ngô Thanh Hoàng – Trưởng Ban Quản lý khoa học đã trình bày Báo cáo tổng kết công tác KHCN của Học viện trong năm học 2023-2024, phương hướng nhiệm vụ thời gian tiếp theo. Theo đó, Hoạt động nghiên cứu KH&CN của giảng viên: Có nhiều công trình đề tài, đề án các cấp, sách giáo trình, tài liệu học tập, các bài viết đăng trên Tạp chí, Hội thảo trong nước và quốc tế. Các sản phẩm khoa học được công bố và áp dụng trực tiếp vào công tác giảng dạy, nghiên cứu KH&CN và phục vụ công tác hoạch định chính sách của ngành. Những năm gần đây, các công bố quốc tế của Học viện trên các tạp chí uy tín ở danh mục ISI, scopus Q1, Q2...có khoảng 80 bài/năm

Năm 2023, Học viện Tài chính thực hiện 01 đề tài NCKH cấp Nhà nước, 05 đề tài NCKH cấp Bộ, 04 đề tài cấp Tỉnh và Thành phố, 180 đề tài cấp Học viện, 21 đề tài cấp Khoa. Các đề tài tập trung nghiên cứu chính sách phục của Đảng, Nhà nước dựa trên thế mạnh của Học viện Tài chính và gắn liền các đặc thù của các địa phương; phục vụ định hướng chiến lược và kế hoạch hoạt động của Học viện Tài chính, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Tăng cường hợp tác với tổ chức trong và ngoài nước nâng cao khả năng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Với 6 tháng đầu năm 2024, Học viện Tài chính đang triển khai chủ trì 05 đề tài cấp Bộ, 01 đề tài cấp Tỉnh, 198 đề tài cấp Học viện, 21 đề tài cấp Khoa; Viện kinh tế tài chính đang triển khai thực hiện 02 đề tài NCKH cấp Bộ, 07 đề tài NCKH cấp cơ sở, trong đó cam kết đăng 02 bài báo quốc tế.

Về hoạt động hội  thảo các cấp, năm học 2023 - 2024: Học viện đã chủ trì và phối hợp các trường đại học, học viện và các cơ quan ngang bộ tổ chức thành công 04 hội thảo Khoa học quốc tế (Hội thảo quốc tế  lần thứ 5 “Tài chính – kế toán thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững” lần thứ 5; Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 6: “Phát triển kinh tế và kinh doanh bền vững trong điều kiện toàn cầu hóa”; Hội thảo khoa học quốc tế thường niên dành cho các nhà khoa học trẻ của các trường khối Kinh tế & Kinh doanh 2023…), thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều học giả nổi tiếng trong lĩnh vực kinh tế tham gia; Đồng chủ trì và phối hợp với các bên liên quan tổ chức 02 Hội thảo quốc gia “Vai trò của tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong tình hình mới"; “Chiến lược phát triển Học viện Tài chính tầm nhìn 2045”…); Tổ chức 03 hội thảo cấp Học viện (Khoa ngoại ngữ, Khoa Cơ Bản, Khoa kinh tế). Có gần 10 Hội thảo cấp Khoa được tổ chức. Các bài viết với những nội dung thiết thực nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của Học viện. Ngoài ra Học viện còn tham gia rất nhiều các Hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học….trong nước và quốc tế.

02 tạp chí của Học viện Tài chính đều nằm trong danh mục tạp chí khoa học chuyên ngành được tính 1 điểm do Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công bố danh sách. Tạp chí NCTCKT được xuất bản cả tiếng Việt và tiếng Anh. Trong 5 năm qua (2019 – 2024), Học viện đã xuất bản gần 100 số Tạp chí Tiếng Việt và Tiếng Anh theo định kỳ với số lượng gần 2.000 bài viết; Bản tin Thị trường của Viện KTTC duy trì được hoạt động và phát hành hàng ngày.

Về Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, trong năm học 2023-2024, 12 số Nội san sinh viên NCKH được xuất bản với hơn 247 bài viết được chọn lọc kỹ lưỡng; 14 Hội thảo khoa học sinh viên được tổ chức với 1.165 bài viết; Có 5 Festival, 10 cuộc thi tìm hiểu các kiến thức chuyên ngành, 3 tọa đàm được tổ chức. Có 497 đề tài NCKH sinh viên cấp khoa, 80 đề tài dự thi dự thi cấp Học viện, 7 đề tài NCKH sinh viên dự thi cấp Bộ; sinh viên tham gia Hội thi kinh tế lượng và ứng dụng cũng như tham gia các giải thưởng nghiên cứu khoa học khác và đã đạt được nhiều thành tích; Đặc biệt, Học viện Tài chính là đơn vị đăng cai chủ trì, phối hợp với 10 trường Đại học, Học viện về kinh tế và kinh doanh tổ chức thành công Hội thảo quốc tế sinh viên nghiên cứu khoa học các trường Đại học kinh tế và kinh doanh năm 2023 (SR-ICYREB 2023) với hơn 300 bài viết gửi tới Hội thảo, 235 bài được chọn đăng kỷ yếu. 86 bài viết được báo cáo tại Hội thảo, 23 bài viết xuất sắc có phương pháp nghiên cứu khoa học và nội dung nghiên cứu có chiều sâu, gợi mở nhiều ý tưởng nghiên cứu trong tương lai được trao Giải Bestpaper. Hội thảo nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, diễn giả, sinh viên trong nước và quốc tế.

 TS. Tạ Đình Hòa – Bí thư Đoàn thanh niên công bố Quyết định khen thưởng tại chương trình

Cũng tại chương trình, TS. Tạ Đình Hòa – Bí thư Đoàn thanh niên đã công bố Quyết định khen thưởng sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải cấp Học viện và giảng viên hướng dẫn năm học 2023-2024 của Giám đốc học viện Tài chính.

Các giảng viên và sinh viên được nhận Giấy khen của Giám đốc Học viện về thành tích hướng dẫn và NCKH

Có 22 sinh viên và 9 Giảng viên hướng dẫn được khen thưởng. 

PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc, Chủ tịch công đoàn Học viện Chủ tọa tọa đàm

Cũng trong khuôn khổ của Chương trình Kỷ niệm Ngày KHCN đã diễn ra Tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công bố quốc tế, xếp hạng đại học cho Học viện Tài chính”.  Có 06 tham luận được trình bày tại hội thảo và nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi.

 PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu

Theo PGS.,TS. Nguyễn Đào Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường, xây dựng hệ sinh thái phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan cho sự phát triển và là cơ sở để đảm bảo xếp hạng của của các cơ sở giáo dục đại học. Để xây dựng hệ sinh thái này, cần 2 yếu tố quan trọng là nguồn lực con người và tìa chính. Hệ sinh thái khoa học với sự đồng bộ và gắn bó chặt chẽ của các thành phần, yếu tố. Trong đó, con người là yếu tố quyết định, cùng với đó là tổ chức, quy trình và nguồn lực liên quan như nền tảng xuất bản, thư viện, hệ thống lưu trữ, vận dụng, thực hành…Hệ sinh thái phát triển này ở Học viện đã và đang được xây dựng nhưng cần phải được hoàn thiện, phát triển.

GS.TS Chúc Anh Tú – Trưởng Ban Khảo thí và Quản lý chất lượng trình bày tham luận

GS.TS Chúc Anh Tú – Trưởng Ban Khảo thí và Quản lý chất lượng trình bày tham luận “Những công việc cơ bản cần phải làm khi cơ sở đào tạo Đại học muốn tham gia xếp hạng (Ranking) quốc tế” đã đưa ra những tiêu chí cần thiết trong xếp hạng đại học dựa trên bảng xếp hạng những top trường đại học quốc tế và khẳng định việc xếp hạng đại học là yêu cầu cấp thiết. Đây là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xác định được vị thế của mình trong tương quan với các trường đại học ở một số khía cạnh, nhất là về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

 PGS.,TS. Mai Ngọc Anh – Trưởng khoa Kế toán phát biểu tại Tọa đàm

PGS.,TS. Mai Ngọc Anh – Trưởng khoa Kế toán nêu một số ý kiến về phát triển hệ sinh thái thúc đẩy NCKH và đổi mới sáng tạo tại Học viện Tài chính. Theo đó, Hệ sinh thái này của Học viện đã được hình thành, vận hành. Những sản phẩm NCKH của Học viện đã được tạo ra từ hệ sinh thái này. Nhân tố con người – đội ngũ các nhà khoa học, người học tham NCKH gia đóng vai trò quan trọng và quyết định trong hệ sinh thái này. Đối với khoa Kế toán, nhân tố này đã được phát huy tích cực, hiệu quả để thúc đẩy KHCN và đổi mới sáng tạo. Học viện cần tạo ra nguồn lực thu hút các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái này.

 PGS.,TS. Vũ Duy Nguyên – Viện Trưởng viện Kinh tế - tài chính phát biểu

Theo PGS.,TS. Vũ Duy Nguyên – Viện Trưởng viện Kinh tế - tài chính, các công bố quốc tế phần lớn là sản phẩm với động lực chủ yếu là đảm bảo tiêu chuẩn phong PGS và GS. Chính vì vậy, chưa thực sự khuyến khích các nhà nghiên cứu tham gia. Học viện cần có chính sách khuyến khích các nhà nghiên cứu tích cực tham gia các bài công bố quốc tế. Tham gia các công bố quốc tế phải thực sự cần thiết đối với giới học thuật giúp họ thường xuyên được tiếp cận với những phát hiện mới trong lĩnh vực của họ, là nguồn động lực để giúp các giảng viên và nhà nghiên cứu có thể tìm tòi và bắt kịp những tri thức mới liên quan lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy của mình

 PGS.,TS. Đào Thị Minh Thanh – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trình bày tham luận

PGS.,TS. Đào Thị Minh Thanh – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh trình bày tham luận “Thúc đẩy phong trào NCKH sinh viên tại Học viện Tài chính”. Theo tác giả, NCKH sinh viên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. NCKH sinh viên luôn được Lãnh đạo Học viện, lãnh đạo các khoa quan tâm, tạo nđiều kiện để phát triển, nhờ đó phong trào NCKH trong sinh viên được thúc đẩy, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngoài tham gia viết nội san, sinh viên Học viện nói chung và sinh viên khoa Quản trị kinh doanh còn tham gia các đề tài NCKH cấp khoa, Học viện, cấp Bộ. Các em cũng tích cực tham gia các Hội thảo từ cấp khoa, cấp Học viện, cấp Bộ, cấp Quốc gia và quốc tế.

TS. Vũ Đức Kiên – khoa Tài chính doanh nghiệp trình bày tham luận

TS. Vũ Đức Kiên – khoa Tài chính doanh nghiệp trình bày tham luận “Nghiên cứu khoa học trong xếp hạng đại học”. Tác giả đã nêu vai trò quan trọng của Nghiên cứu khoa học – nhất là các công bố quốc tế trong vị thế xếp hạng của xếp hạng đại học. Theo đó, tham gia vào các bảng xếp hạng thế giới vừa là một yêu cầu, thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường đại học nhìn lại chính mình, từ đó cải thiện chất lượng, nâng cao uy tín, thương hiệu của trường đến với xã hội. Trong nhiều tiêu chí được sử dụng để đánh giá các trường đại học tại các bảng xếp hạng thế giới, NCKH chiếm tỷ lệ rất cao. Đây là hoạt động chính quyết định đến chất lượng của giảng dạy, đào tạo và phục vụ xã hội của một trường đại học. Bởi vậy, thúc đẩy nghiên cứu khoa học là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc hướng tới tham gia vào các bảng xếp hạng đại học. Tác giả cũng đề xuất 1 số giải pháp như: Chính sách để mở rộng lực lượng tham gia vào thực hiện các nghiên cứu phục vụ công bố quốc tế, thu hút được người học tham gia vào hoạt động nghiên cứu định hướng công bố quốc tế. Học viện cần chú trọng xây dựng văn hóa công bố quốc tế; tổ chức các diễn đàn trao đổi, chia sẻ để nâng cao khát vọng và kinh nghiệm công bố quốc tế, chính sách khen thưởng…; Về cơ sở vật chất hỗ trợ nghiên cứu; Về Cơ sở dữ liệu các tạp chí quốc tế uy tín; Về Hệ thống cơ sở số liệu tài chính, kinh tế trong nước, quốc tế; Về Sử dụng các phần mềm xử lý số liệu..

TS Nguyễn Anh Quang – Khoa Tài chính công trình bày tham luận

TS Nguyễn Anh Quang – Khoa Tài chính công trình bày tham luận “Kinh nghiệm quốc tế về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và giáo dục đại học” đã tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của đổi mới và sáng tạo trong nghiên cứu và giáo dục đại học và đưa ra những kinh nghiệm từ quốc tế về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và giáo dục đại học với. Mô hình hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp; Mô hình vườn ươm khởi nghiệp; chính sách hỗ trợ tài chính và khuyến khích; Tạo môi trường khuyến khích sáng tạo; Hợp tác quốc tế là những yếu tố then chốt.

 TS. Nguyễn Thuỳ Linh – Khoa Ngân hàng – Bảo hiểm trình bày tham luận

TS. Nguyễn Thuỳ Linh – Khoa Ngân hàng – Bảo hiểm với tham luận “Kinh nghiệm quốc tế hóa giáo dục đại học của một số nước trên thế giới”. Từ việc đưa ra một cách nhìn tổng thể về quốc tế hóa trong giáo dục đại học, tham luận cũng tìm hiểu một số kinh nghiệm quốc tế hóa trong giáo dục đại học của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong đó tập trung vào kinh nghiệm từ các trường đại học của Trung Quốc. Thông qua đó, tham luận đã tổng kết một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về quản lý nhà nước đến xây dựng các trường đại học ưu tú; thu hút nhân tài từ nước ngoài đến phân bổ nguồn lực nhà nước.

 PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện phát biểu

Phát biểu định hướng tại Tọa đàm, NGƯT. PGS.,TS. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện đã đánh giá cao các hoạt động KHCN của Học viện. Để chào mừng Ngày KHCN, các giảng viên, sinh viên đã tích cực tham gia các hoạt động KHCN với một chuỗi các Hội thảo của giảng viên và hội thảo sinh viên khá sôi nổi, nhất là sự tham gia hào hứng của sinh viên. NGƯT. PGS.,TS. Trương Thị Thủy cũng mong muốn tọa đàm sẽ được lan tỏa đến toàn thể viên chức và người học và khẳng định vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Đây là nhiệm vụ phải được triển khai cụ thể ở mỗi đơn vị và được phản ánh trong các báo cáo về việc triển khai hoạt động KHCN. Lĩnh vực công nghệ của Học viện cần phải được chú trọng hơn. Với 6 ngành và 22 chuyên ngành của Học viên, yêu cầu chuyển đổi số đã và đang đặt ra, vì vậy công nghệ càng phải được đẩy mạnh. NGƯT. PGS.,TS. Trương Thị Thủy nhấn mạnh: KHCN phải đồng hành và đi trước thực tiễn.  Sức mạnh của đội ngũ khoa học chính là sức mạnh của từng nhà khoa học và sự kết nối của các nhà khoa học. Lãnh đạo các đơn vị phải nắm bắt, dẫn dắt để phát huy, bồi dưỡng sức mạnh này. Cần xây dựng 1 nhóm chuyên gia, dựa trên các nhà khoa học đã được đào tạo tại các nước có trình độ KHCN cao để làm hạt nhân cho sự phát triển KHCN của Học viện. Tiêu chí phát triển của KHCN Học viện là cơ bản, hiện đại và Việt Nam.

Tại tọa đàm còn có nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham gia với những gợi ý, đề xuất hữu ích để góp phần “Xây dựng hệ sinh thái phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy công bố quốc tế, xếp hạng đại học cho Học viện Tài chính”.

Phát biểu tổng kết chương trình, PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện đã đánh giá cao các nội dung của chương trình và những tham luận, các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự. Nội dung và tham luận và ý kiến phát biểu đã bám sát chủ đề, có cái nhìn đa chiều và toàn diện. Đây là cơ sở để Ban Quản lý khoa học nghiên cứu, bổ sung vào xây dựng chương trình, kế hoạch hoàn thiện nghiên cứu các thể chế, cơ chế về  quản lý KHCN, đổi mới sáng tạo của Học viện; Các nhà quản lý Học viện thấy được tiềm năng, xu hướng phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo của Học viện để đưa ra kế hoạch ngắn hạn, trung hạn, thực hiện chiến lược phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Chương trình là hoạt động thường niên của Học viện Tài chính với sự chủ trì của Ban Quản lý khoa học. Thông qua chương trình, tôn vinh những người làm KHCN và nêu cao vai trò của KHCN đối với sự phát triển chung của nhân loại, của mỗi quốc gia và với mỗi cơ sở giáo dục. Đồng thời, đây cũng là dịp tổng kết công tác KHCN của Học viện đã đạt được, xác định những phương hướng triển khai KHCN trong thời gian tới.

Một số hình ảnh khác:

Lãnh đạo và đại diện Lãnh đạo các đơn vị chúc mừng Lãnh đạo Học viện nhân ngày KHCN

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 826
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết