Với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, tọa đàm khoa học “Khung pháp lý và những đổi mới trong quản lý tài sản mã hóa” đã mang lại cái nhìn toàn diện về khung pháp lý, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài sản số.

Toạ đàm thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, học giả, doanh nghiệp
Học viện Tài chính (AOF) và Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông (HKU Business School) đã đồng tổ chức thành công tọa đàm khoa học với chủ đề “Regulatory Frameworks and Innovations in Crypto Assets - Khung pháp lý và những đổi mới trong quản lý tài sản mã hóa”, được tổ chức sáng ngày 24/4/2025 tại Học viện Tài chính, Hà Nội.
Toạ đàm khoa học đã trở thành tâm điểm chú ý của hàng loạt cơ quan báo chí và truyền thông uy tín tại Việt Nam. Các tờ báo lớn như Nhân Dân, Phụ Nữ Thủ Đô, Thanh Niên, Đại Đoàn Kết, Đại Biểu Nhân Dân, Dân Tộc và Phát Triển, Pháp Luật Việt Nam, Giáo Dục và Thời Đại, và Tài Chính Kinh Tế đã đưa tin chi tiết về sự kiện, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khung pháp lý cho tài sản mã hóa trong bối cảnh phát triển kinh tế số.
Bản tin Tài chính kinh doanh trên kênh VTV1 đưa tin về toạ đàm
Đặc biệt, thông tin về toạ đàm đã được phát sóng trên hai bản tin Tài chính Kinh doanh vào buổi trưa và buổi tối trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, thu hút sự quan tâm rộng rãi của công chúng. Theo ước tính, chỉ sau 1 ngày, các bài viết, bản tin và nội dung truyền thông liên quan đến sự kiện đã đạt hơn 1,1 triệu lượt truy cập, phản ánh sức ảnh hưởng lớn và sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng đối với các vấn đề tài chính số và công nghệ blockchain tại Việt Nam.
Tham dự tọa đàm, về phía đại diện lãnh đạo cơ quan Bộ, Ủy ban, có sự hiện diện của PGS.TS Lưu Đức Tuyên - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý Giám sát Kế toán, Kiểm toán - Bộ Tài chính; Ông Tô Trần Hòa - Phó Trưởng Ban Phát triển thị trường, Ủy Ban Chứng Khoán nhà nước. Về phía đại diện khối doanh nghiệp, có Ông Lê Bảo Nguyên - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ số SSI, Ông Vũ Ngọc Bồng Lai – Giám đốc Khối chiến lược và đổi mới sáng tạo, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam.



Đại biểu tham dự toạ đàm khoa học
Về phía Đại học Hongkong, có sự hiện diện của GS. Phan Quang Tuấn - Giám đốc Văn phòng Đại diện Đại học Hồng Kông tại Việt Nam (HKU Việt Nam), Phó Giám đốc Trung tâm Dự Án và Nghiên cứu Châu Á (ACRC), Trường Kinh doanh Đại học Hồng Kông; Chủ tịch Hiệp hội Hệ thống Thông tin Việt Nam (VAIS); GS. Alan Kwan - Giám đốc chương trình Thạc sĩ tài chính trong Công nghệ tài chính (Fintech) tại Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông; GS. Fangzhou Lu - Giảng viên Tài chính, Trường kinh doanh - Đại học Hồng Kông.

Đại diện Đại học Hongkong tham dự chương trình
Về phía Lãnh đạo Học viện Tài chính, có sự hiện diện của TS. Nguyễn Văn Bình – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS. TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính; PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Trương Thị Thủy – Phó Giám đốc Học viện.
Ngoài ra, sự kiện quy tụ gần 400 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến, bao gồm đại diện các cơ quan quản lý, nhà làm chính sách, nhà nghiên cứu, học giả đến từ Đại học kinh tế quốc dân, Trường Đại học Thương mại, Học viện Ngân hàng, RMIT, VinUni, Đại học Kinh tế - Luật TP. HCM,… và các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, và blockchain. Tọa đàm khoa học là một diễn đàn quan trọng nhằm thảo luận các vấn đề cấp bách liên quan đến khung pháp lý và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài sản số, góp phần định hình tương lai của thị trường tài chính tại Việt Nam từ những bài học của quốc gia trên thế giới và khu vực châu Á.

PGS. TS. NGƯT. Nguyễn Đào Tùng phát biểu khai mạc toạ đàm khoa học
Mở đầu tọa đàm là phát biểu khai mạc của PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính. Trong bài phát biểu, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh vai trò của tài sản số trong việc tái định hình hệ thống tài chính toàn cầu, đồng thời kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, cơ sở nghiên cứu, và doanh nghiệp để xây dựng một khung pháp lý minh bạch, bền vững, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. PGS. TS Nguyễn Đào Tùng cũng khẳng định cam kết của Học viện Tài chính trong việc tiên phong nghiên cứu và đào tạo về công nghệ tài chính tại Việt Nam.

GS. Phan Quang Tuấn phát biểu tại toạ đàm
Tiếp nối chương trình, GS. Phan Quang Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đại diện Đại học Hồng Kông tại Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dự án và Nghiên cứu Châu Á (ACRC) thuộc Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông, và Chủ tịch Hiệp hội Hệ thống Thông tin Việt Nam (VAIS), đã chia sẻ về tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các thách thức pháp lý và kỹ thuật của tài sản số. GS. Phan Quang Tuấn nhấn mạnh Việt Nam, với tiềm năng phát triển kinh tế số mạnh mẽ, cần tận dụng các bài học kinh nghiệm từ các thị trường phát triển như Hồng Kông để xây dựng một hệ sinh thái tài chính số an toàn và hiệu quả.


GS. Alan Kwan trình bày tại toạ đàm với chủ đề “Regulating Crypto”
Toạ đàm khoa học có sự góp mặt của hai diễn giả danh tiếng, mang đến những góc nhìn sâu sắc về các xu hướng và thách thức trong quản lý tài sản mã hoá. GS. Alan Kwan, Tiến sĩ tại Đại học Cornell, tốt nghiệp đại học tại Dartmouth, và hiện là Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Tài chính trong Công nghệ Tài chính (MFFinTech) tại Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông, đã trình bày chủ đề “Regulating Crypto”. Trong bài trình bày, GS. Kwan phân tích các mô hình quản lý tài sản số tại các quốc gia phát triển, đồng thời chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn như rửa tiền, gian lận tài chính, và biến động thị trường. Ông nhấn mạnh rằng một khung pháp lý hiệu quả cần cân bằng giữa việc bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy đổi mới công nghệ. GS. Kwan cũng chia sẻ các nghiên cứu mới nhất về tác động của quy định đối với sự phát triển của thị trường tiền mã hóa, thu hút sự chú ý từ đại biểu tham dự.


GS. Fangzhou Lu trình bày tại toạ đàm với chủ đề “Web 3.0: Navigating the New Regulatory Era”
GS. Fangzhou Lu, giảng viên Tài chính tại Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông, trình bày chủ đề “Web 3.0: Navigating the New Regulatory Era”. Bài trình bày của GS. Lu tập trung vào sự chuyển đổi từ Web 2.0 sang Web 3.0, với trọng tâm là các công nghệ blockchain, hợp đồng thông minh, và tài sản số phi tập trung. GS thảo luận về những thách thức pháp lý mới mà Web 3.0 đặt ra, bao gồm quyền sở hữu dữ liệu, bảo mật thông tin, và quản lý các tổ chức tự trị phi tập trung. GS. Lu cũng đề xuất một số giải pháp để các nhà quản lý có thể thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái Web 3.0, đồng thời đảm bảo tính công bằng và minh bạch.



Trao đổi, thảo luận sôi nổi tại toạ đàm khoa học
Điểm nhấn của toạ đàm khoa học là phiên thảo luận bàn tròn sôi nổi, được điều phối bởi TS. Nguyễn Thị Thùy Dung, giảng viên Học viện Tài chính. Phiên thảo luận quy tụ bốn chuyên gia uy tín:
- Ông Tô Trần Hòa, Phó Trưởng Ban Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mang đến góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, nhấn mạnh nhu cầu xây dựng các quy định phù hợp với đặc thù thị trường Việt Nam để bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng.
- Ông Lê Bảo Nguyên, Phó giám đốc SSI Digital, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ phía doanh nghiệp, nhấn mạnh vai trò của khu vực tư nhân trong việc hợp tác với các cơ quan quản lý để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính sáng tạo.
- GS. Alan Kwan, Đại học Hồng Kông, tiếp tục chia sẻ quan điểm về cách áp dụng các quy định quốc tế vào thị trường Việt Nam.
- GS. Fangzhou Lu, Đại học Hồng Kông, thảo luận về vai trò của các tổ chức học thuật trong việc hỗ trợ xây dựng chính sách.


Thảo luận bàn tròn giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu
Phiên thảo luận đã tạo ra một không gian đối thoại cởi mở, nơi các bên liên quan chia sẻ quan điểm về các vấn đề như quản lý rủi ro, thúc đẩy đổi mới, và xây dựng niềm tin của công chúng đối với tài sản số. Các câu hỏi từ đại biểu tham dự đã làm phong phú thêm cuộc thảo luận, bao gồm các chủ đề như bảo vệ dữ liệu cá nhân, thuế tài sản số, và vai trò của trí tuệ nhân tạo trong quản lý thị trường.
Toạ đàm khoa học “Regulatory Frameworks and Innovations in Crypto Assets” không chỉ là một diễn đàn để chia sẻ kiến thức mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan quản lý, học viện, và doanh nghiệp. Sự kiện đã mở ra các cơ hội đối thoại và hợp tác trong tương lai, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường tài sản số tại Việt Nam và khu vực.

Đại biểu tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm
Học viện Tài chính và Trường Kinh doanh - Đại học Hồng Kông cam kết tiếp tục tổ chức các sự kiện tương tự để hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính, qua đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số tại Việt Nam.
Một số hình ảnh khác:



