Tìm
English
Thứ tư, 01/12/2021 - 10:40

Hội thảo khoa học thường niên khoa Cơ bản năm 2021 - Nghiên cứu khoa học để nâng cao nguồn nhân lực gắn với đào tạo theo chuẩn đầu ra
(HVTC )- Sáng 29/11, tại điểm cầu Học viện Tài chính, khoa Cơ bản tổ chức hội thảo khoa học thường niên, kết nối trực tuyến với các đại biểu, các nhà khoa học Học viện Tài chính và bộ môn Toán-Học viện Ngân hàng. Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học năm 2021 của các đơn vị, hội thảo đã thảo luận một số vấn đề trong đổi mới phát triển và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học các môn khoa học cơ bản trong điều kiện đổi mới và hội nhập và tự chủ giáo dục đại học.

 Đại biểu tham gia trực tiếp tại Học viện Tài chính

Tham gia Hội thảo, về phía Học viện Tài chính, có PGS.TS. NGND. Nguyễn Trọng Cơ - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện; PGS.TS. NGƯT. Trương Thị Thủy - Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. NGƯT. Nguyễn Vũ Việt - Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý Đào tạo; PGS.TS. NGƯT. Ngô Thanh Hoàng - Trưởng ban Quản lý Khoa học; ThS. Phạm Thị Mai Oanh - Phó trưởng ban Khảo thí và Quản lý chất lượng; TS. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - Phó trưởng khoa (phụ trách) khoa Cơ bản và toàn thể cán bộ, giảng viên khoa Cơ bản.

Về phía Học viện Ngân hàng, có sự tham gia của TS. Lê Tài Thu - Trưởng Bộ môn Toán; ThS. Đào Hoàng Dũng- Phó trưởng bộ môn Toán; và hai báo cáo viên TS. Trương Thị Thùy Dương; ThS. Nguyễn Thanh Nga cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Bộ môn Toán.

TS. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - Phó trưởng khoa Cơ bản, Học viện Tài chính phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đã chỉ rõ vai trò quan trọng của NCKH để nâng cao chất lượng giảng dạy nói chung, giảng dạy các bộ môn khoa học cơ bản nói riêng, đặc biệt trong điều kiện đổi mới giáo dục toàn diện, đáp ứng chuẩn đầu ra, trong điều kiện hội nhập và đáp ứng nguồn nhân lực của CMCN 4.0.

Hội nghị năm nay có sự tham gia của các giảng viên Bộ môn Toán - Học viện Ngân hàng, một đơn vị tương đồng về chuyên môn, có nhiều hoạt động liên kết giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hội thảo là cơ hội để hai đơn vị cùng thảo luận để hợp tác và phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của các môn khoa học cơ bản trong các nhà trường. Những kết quả đạt được cần được phát huy, những tồn tại cần được nghiêm túc nhận diện và khắc phục để công tác NCKH tốt hơn, hiệu quả hơn.

Hội thảo đã diễn ra với 3 phần gồm:

Phần I: Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học năm 2021 và dự kiến chỉ tiêu kế hoạch năm 2022;

Phần II. Các báo cáo khoa học từ kết quả NCKH tiêu biểu của các đơn vị;

Phần III. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác NCKH và giảng dạy đáp ứng với chuẩn đầu ra của các môn khoa học cơ bản trong điều kiện tự chủ giảng dạy.

 TS. Lê Tài Thu - Học viện Ngân hàng trình bày báo cáo tại Hội thảo

Trong phần I, giới thiệu về khoa và báo cáo kết quả NKCH của khoa Cơ bản Học viện Tài chính, TS. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đã nhấn mạnh mấu chốt trong đổi mới NCKH đó là sự thống nhất tương đối để phát huy đặc thù từng chuyên môn khác biệt. Với kết cấu chặt chẽ của Khoa, việc triển khai hoạt động trên nguyên tắc chi ủy chỉ đạo, khoa và các bộ môn thực hiện triển khai, nêu cao vai trò, trách nhiệm của đảng viên, các hoạt động triển khai kết hợp với kiểm tra đánh giá nên các hoạt động của Khoa, đơn vị đi vào nề nếp. Các hoạt động nói chung, khoa học nói riêng của từng bộ môn luôn có đại diện lãnh đạo khoa dự để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời vướng mắc nảy sinh; đồng thời là cơ hội để được lắng nghe những ý kiến đóng góp của giảng viên, kịp thời điều chỉnh, đảm bảo đúng nguyên tắc, góp phần nâng cao chất lượng của các hoạt động. Kết quả hoạt động NCKH của Khoa được nâng cao về chất lượng và số lượng.

Mặc dù kết quả là đáng khích lệ, nhưng cần nhận diện những thách thức trong thời gian tới, với tư cách là người phụ trách khoa, tác giả cũng nêu một số vấn đề đối với các bộ môn cơ bản hiện nay: (1) Toán và Kinh tế lượng không còn nằm trong các môn bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo vì vậy hoàn toàn phải làm sáng tỏ vai trò vị trí của môn học trong chuẩn đầu ra của các chương trình, các ngành chuyên môn; (2) Một số mức độ trong các tiêu chí của chuẩn đầu ra đối với các môn khoa học cơ bản không được hiển thị, ví dụ trong khi chuẩn đầu ra đối với sinh viên đại trà là mức vận dụng, ứng dụng, với sinh viên chất lượng cao phải có thêm mức phân tích, tổng hợp, sáng tạo và thích nghi với điều kiện công nghệ 4.0 thì các môn học khoa học cơ bản sẽ thuyết minh như thế nào cho các chuyên ngành khi sinh viên tiếp cận môn học chưa có kiến thức chuyên ngành, kiến thức thực tiễn; (3) Thực tế kiến thức Toán, Kinh tế lượng đang được đòi hỏi mạnh hơn khi sinh viên ra trường, học chương trình cao học, NCS hoặc thi chứng chỉ nghề, các kiến thức chỉ có thể nghiên cứu được khi có nền toán vững, như vậy trong điều kiện rút ngắn thời gian, thời lượng, giải pháp nào cho các bộ môn cơ bản; (4) Chiến lược nào cho phát triển nâng cao vị thế khoa học cho giảng viên các môn khoa học cơ bản trong khối các trường kinh tế hay trong cộng đồng khoa học chuyên môn. (5) Lựa chọn hình thức tổ chức nào cho định hướng thời gian tới khi phát triển xây dựng khoa chuyên ngành….Bên cạnh đó (6) Các hoạt động thể thao thể chất phải hướng đến phát triển thể lực, kỹ năng mềm,…và vì vậy cần phải nghiên cứu một cách khoa học để đổi mới.

TS. Lê Tài Thu - Học viện Ngân hàng với Báo cáo tổng kết công tác NCKH của bộ môn Toán - Học viện Ngân hàng, năm 2020-2021 và nêu những kinh nghiệm trong việc xây dựng chuẩn đầu ra theo các kiểm định mà nhà trường đã thực hiện trong năm học qua.

Trong phần thảo luận, Hội thảo đã thống nhất đưa ra những định hướng ban đầu, đó là: giảng viên các môn khoa học cơ bản cần được bồi dưỡng kiến thức kinh tế; Các bộ môn tạo điều kiện tối đa cho giảng viên học ngoại ngữ, làm NCS theo cả hai hướng chuyên môn và kinh tế; Tăng cường liên kết nghiên cứu ứng dụng liên ngành; Phối hợp với các trường trong các khối kinh tế trong lựa chọn tên gọi chung thống nhất; các nội dung cơ bản trong từng chuyên ngành theo chuẩn đầu ra đảm bảo khối lượng kiến thức chuẩn, cốt lõi; Xây dựng các mô-đun học tự chọn liên thông các môn học; Tăng cường trao đổi kết quả NCKH ứng dụng để xây dựng học liệu phục vụ giảng dạy ứng dụng….

Trong phần II đã có 05 báo cáo viên trình bày.

TS. Đào Trọng Quyết, Học viện Tài chính trình bày báo cáo tại Hội thảo

TS. Đào Trọng Quyết với báo cáo “Sự tồn tại và không tồn tại nghiệm của một lớp phương trình, hệ phương trình đạo hàm riêng”. Theo đó, phương trình đạo hàm riêng là một công cụ mạnh để mô hình hóa nhiều vấn đề trong Vật lý, Cơ học, Hóa học, Sinh học và Kinh tế. Có thể nói đạo hàm riêng như là cầu nối giữa Toán lý thuyết và Toán ứng dụng. Đây là một hướng nghiên cứu chuyên sâu, hiện đại và thời sự. Các kết quả được trình bày trong báo cáo là nền tảng đầu tiên để các nhà nghiên cứu ứng dụng có thể phát triển trong mỗi lĩnh vực cụ thể của mình.

 ThS. Đàm Tuấn Anh, Học viện Tài chính trình bày báo cáo tại Hội thảo

Trong báo cáo của mình, ThS. Đàm Tuấn Anh đã chỉ ra vai trò của thống kê toán học trong phương pháp nghiên cứu, thu thập, phân tích và xử lý số liệu khoa học thể dục thể thao. Đặc biệt, thống kê toán học còn được ứng dụng trong đánh giá sự phát triển về thể chất, trình độ tập luyện, kỹ năng vận động, phương pháp giảng dạy, huấn luyện, tìm hiểu mối quan hệ giữa mật độ vận động, cường độ vận động với hiệu quả giảng dạy, huấn luyện, dự báo thành tích thể thao cũng như tuyển chọn tài năng thể thao. Tác giả đã minh họa sử dụng thống kê toán trong đánh giá hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp rèn luyện thể lực cho sinh viên tại Học viện Tài chính.

TS. Trương Thị Thùy Dương, Học viện Ngân hàng trình bày báo cáo tại Hội thảo

TS. Trương Thị Thùy Dương trình bày báo cáo tổng quan về mô hình ra quyết định và ứng dụng. Đây là mô hình toán học hiệu quả nhằm xác định các lựa chọn tối ưu dựa trên các tiêu chuẩn cho trước và hiện đang được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực kinh doanh, ngân hàng, môi trường, giáo dục, năng lượng…

 ThS. Nguyễn Thanh Nga, Học viện Ngân hàng trình bày báo cáo tại Hội thảo

Trong báo cáo của ThS. Nguyễn Thanh Nga đã tập trung đánh giá tác động của giáo dục đến thu nhập theo giờ của cá nhân người lao động tại khu vực đồng bằng sông Hồng. Nghiên cứu sử dụng bộ điều tra mức sống dân cư năm 2018 và hạn chế trên các đối tượng làm công ăn lương trong độ tuổi lao động. Người lao động có trình độ đại học trở lên có mức thu nhập cao hơn người lao động có các bằng cấp thấp hơn. Thông qua mô hình hồi quy phân vị tại các mức phân vị khác nhau, từ 10% đến 90%, tác động của giáo dục tới các nhóm thu nhập khác nhau, cùng các đặc điểm kinh tế xã hội khác của người lao động, được xem xét và so sánh. Kết quả nghiên cứu thể hiện tác động của giáo dục có ảnh hưởng tích cực nhất đối với mọi nhóm lao động và tác động này có xu hướng tăng dần đối với các nhóm thu nhập cao hơn.

TS. Cù Thu Thủy, Học viện Tài chính trình bày báo cáo tại Hội thảo

Trong báo cáo “Ứng dụng cây quyết định trong dự báo sai phạm báo cáo tài chính của các công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam”, TS. Cù Thu Thủy, (đồng tác giả Nguyễn Thị Mai Duyên) đã chỉ ra: Thông tin Báo cáo tài chính (BCTC) luôn tiềm ẩn khả năng bị bóp méo, nhận diện các sai phạm này không dễ dàng thực hiện. Người sử dụng cần cẩn trọng và áp dụng bổ sung các phương pháp mang tính tự động hoá hơn thay vì các phương pháp truyền thống mất nhiều công sức mà hiệu quả đem lại chưa cao. Nghiên cứu được thực hiện nhằm kiểm tra tính chính xác cũng như mức độ tin cậy của các phương pháp khai phá dữ liệu, đặc biệt là phương pháp cây quyết định, để phát hiện các thông tin tiềm ẩn sai phạm trên BCTC.

 PGS.,TS. Nguyễn Vũ Việt – Phó Giám đốc Học viện Tài chính thay mặt lãnh đạo Học viện phát biểu tại Hội thảo

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Vũ Việt - Phó Giám đốc Học viện Tài chính thay mặt lãnh đạo Học viện đã đánh giá cao vai trò của Khoa Cơ bản, ghi nhận sáng kiến tổ chức liên kết nghiên cứu khoa học với các trường bạn. Với tư cách là lãnh đạo theo dõi Khoa nhiều năm, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt bày tỏ niềm vui trước sự trưởng thành trong phong trào NCKH của Khoa. Các thành công của Khoa là những đóng góp quan trọng cho hoạt động đào tạo, NCKH của Học viện. Cụ thể như bộ môn Kinh tế lượng đã thực hiện tốt nhiệm vụ thường trực chuyên môn Hội thi Khoa học sinh viên toàn quốc “Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng” hàng năm; Bộ môn Toán đã tổ chức luyện thi và tổ chức đội tuyển Olympic Toán học toàn quốc hàng năm; Bộ môn Giáo dục thể chất có nhiều đổi mới trong giảng dạy, sáng tạo trong tổ chức hoạt động phong trào của giảng viên, sinh viên và có nhiều nghiên cứu ứng dụng mô hình thống kê trong phân tích đánh giá các hoạt động TDTT,…..Đến nay Khoa có nhiều bài báo khoa học quốc gia, quốc tế, và tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH,… Học viện ghi nhận những kết quả và đặc biệt ý nghĩa của Hội thảo hôm nay. Đặc thù các môn khoa học Cơ bản, đặc thù trong mô hình tổ chức, nhiệm vụ và trong bối cảnh yêu cầu đổi mới toàn diện, công tác NCKH của khoa Cơ bản đòi hỏi sự năng động sáng tạo, sự đồng lòng của các giảng viên, trong đó, sự năng động, quyết liệt của lãnh đạo khoa là yếu tố quyết định. Công tác NCKH của Khoa đã có đặc trưng, đã đi vào lĩnh vực chuyên sâu, bài bản…..Để phát huy kết quả đạt được bền vững, PGS.TS. Nguyễn Vũ Việt chỉ ra 4 điểm cần lưu ý trong công tác NCKH của Khoa trong thời gian tới: (1) Dù khó khăn, vẫn phải tiếp tục nghiên cứu chuyên môn sâu về các môn khoa học cơ bản; phát huy sự hợp tác với các đơn vị cá nhân trong và ngoài Học viện trong NCKH mang tính ứng dụng, hướng đến giải quyết các bài toán về kinh tế thông qua mô hình toán, kinh tế lượng; (2) Các bộ môn duy trì thực hiện các hoạt động đã thành công trong các năm qua; (3) Tiếp tục NCKH về đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy; (4) Chú trọng NCKH đổi mới theo hướng số hóa và trực tuyến.

Sau hơn 3 tiếng làm việc nghiêm túc, Hội thảo đã thành công tốt đẹp. Những thành công và kết quả được ghi nhận, những khó khăn, thách thức được nhận diện và đưa ra biện pháp khắc phục. Đây là cơ hội để toàn thể Khoa có căn cứ xây dựng kế hoạch tốt hơn, hiệu quả hơn trong công tác NCKH năm 2022.

Bảng kết quả NCKH của khoa Cơ bản năm 2020-2021

Kết quả nghiên cứu

Năm  2020

Năm 2021

 

Đề tài cấp nhà nước (CN)

 

 

Đề tài cấp bộ, ngành (CN)

 

 

Đề tài cấp Học viện

7 (Toán: 3; KTL: 3 ; GDTC: 1)

7(Toán: 3; KTL: 2 ; GDTC: 2)

Bài viết hội thảo Quốc tế

0

1(Toán)

Bài viết hội thảo Quốc gia

0

1 (KTL)

Bài viết hội thảo cấp Khoa

30 (Toán: 14 ; KTL: 7; GDTC: 9)

29(Toán: 13 ; KTL: 7 ; GDTC: 9)

Bài báo Quốc tế

3(Toán )

3(Toán: 2 ; KTL: 1)

Bài báo chuyên ngành

17 (Toán: 9 ; KTL: 5 ; GDTC: 3)

11(Toán: 5 ; KTL: 3 ; GDTC: 3)

Sách, giáo trình, TLTK

5 (Toán: 1; KTL:  2; GDTC: 2)

1(KTL)

Các hoạt động NCKH khác

OLP-KTL-2020; HDSV NCKH

OLP-KTL-2021; HDSV NCKH

Khoa Cơ bản
Số lần đọc: 2017

Danh sách liên kết