Tìm
English
Thứ sáu, 15/04/2022 - 9:28

Tài chính bảo hiểm - Tự hào Học viện Tài chính là một trong những cơ sở đào tạo đầu tiên ở Việt Nam
Trong điều kiện nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề kinh doanh bị đứt gãy trên phạm vi toàn cầu, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn phát triển ngoạn mục, năm 2018- 2021 tăng trưởng bình quân trên 21%, thu hút số lượng lớn nguồn nhân lực hơn 1.200.000 lao động làm việc trực tiếp trong ngành công nghiệp bảo hiểm.

1. Bề dày phát triển của chuyên ngành

Tài chính bảo hiểm tự hào vì Học viện Tài chính là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành (từ khóa 12, năm 1974), với tuổi đời hơn hẳn các cơ sở đào tạo khác, như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Lao động xã hội, Đại học Hoa sen,…. Trải qua gần nửa thế kỷ với bao thăng trầm, hàng ngàn sinh viên chuyên ngành Tài chính bảo hiểm tốt nghiệp đã và đang làm việc tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong các đơn vị thuộc hệ thống an sinh xã hội và các doanh nghiệp, đơn vị liên quan. Nhiều người trong số đó là các CEO hoặc giữ các cương vị chủ chốt. Trong điều kiện nền kinh tế đòi hỏi phải được phát triển bền vững, nhu cầu an toàn xã hội cần được đáp ứng, các quốc gia đều coi trọng lĩnh vực Tài chính bảo hiểm. Trước xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, nghề nghiệp Tài chính bảo hiểm ngày càng hấp dẫn và thu hút nguồn nhân lực trên phạm vi toàn cầu. Tỷ lệ sinh viên Tài chính bảo hiểm- Học viện Tài chính ngay sau khi tốt nghiệp đã có việc làm khá cao, khoảng 98%.

Anh Nguyễn Tiến Hải (người đứng thứ 6 từ trái sang)- Cựu sinh viên Khóa 30 chuyên ngành Tài chính bảo hiểm giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) từ ngày 01/6/2019

2. Đội ngũ giảng viên

Ngoài các giảng viên thỉnh giảng, hiện nay chuyên ngành có 7 giảng viên cơ hữu đều là những giảng viên giàu kinh nghiệm, 86% được đào tạo nghiệp vụ ở nước ngoài (Pháp và Anh), 05 Tiến sĩ và 02 Phó Giáo sư, trong đó có nhiều giảng viên cao cấp và chuyên gia đầu ngành. Trong thời gian đào tạo tại chuyên ngành, ngoài sự hỗ trợ của các cựu sinh viên, các nhà tài trợ là các doanh nghiệp bảo hiểm, sinh viên chuyên ngành còn nhận được sự quan tâm, dìu dắt của các Thầy Cô chuyên ngành; được trải nghiệm nhiều chuyến đi học tập ngoại khóa tại các đơn vị, doanh nghiệp. Các Thầy Cô đều là những người tâm huyết với nghề nghiệp, thân thiện với sinh viên.

Bộ môn Bảo hiểm và các cựu sinh viên chuyên ngành

3. Tương quan với các chuyên ngành khác

- Cơ hội nghề nghiệp luôn chờ đón: Trong điều kiện nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, nhiều ngành nghề kinh doanh bị đứt gãy trên phạm vi toàn cầu, nhưng TTBH Việt Nam vẫn phát triển ngoạn mục, bình quân từ năm 2018- 2021 tăng trưởng trên 21%; với 71 doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, gồm; 3.000 công ty thành viên, chi nhánh bảo hiểm tại các tỉnh, thành; thu hút hơn 1.200.000 lao động. Khả năng đào tạo và cung ứng chuyên ngành như hiện nay ở Học viện đã làm cho nguồn nhân lực thực sự khan hiếm.

- Tài chính bảo hiểm là nghề nghiệp của những ông chủ (Boss): Cán bộ Tài chính bảo hiểm chủ động về thời gian, tự quản công việc; không bị gò bó vì chịu sự quản lý của lãnh đạo cấp trên; mỗi người đều hoạt động như một giám đốc kinh doanh, một người chủ của một doanh nghiệp; so với các lĩnh vực khác, thu nhập tương đối cao.

           

Lễ ký kết hợp tác giữa Học viện Tài chính và Học viện Bảo hiểm Tài chính Australia và New Zealand (ANZIIF)

- Tài chính bảo hiểm là nghề nghiệp hội tụ và là môi trường rèn luyện nhiều yếu tố lý tưởng: Đó là những yếu tố về thể chất: Sức khỏe, diện mạo và phong cách, cử chỉ và dáng điệu,..; yếu tố khả năng về tri thức, như: Trình độ học vấn, hiểu biết tâm lý khách hàng, có trí nhớ tốt, khôn ngoan và lanh lợi; yếu tố đặc điểm bản tính: Sự nhiệt tình với công việc, lòng tự tin, trung thực, sự kiên trì, tính tự chủ, điềm đạm và mềm dẻo,… Việc được giao tiếp, gặp gỡ với nhiều người cũng là điều thú vị.

- Tài chính bảo hiểm là nghề mang tính nhân văn sâu sắc: Khi khách hàng (người được bảo hiểm) gặp khó khăn do rủi ro gây ra, bị người khác xa lánh, người cán bộ Tài chính bảo hiểm lại luôn sát cánh, đồng hành cùng họ.

Sinh viên CQ53 chuyên ngành Tài chính bảo hiểm- Học viện Tài chính hòa mình vào môi trường làm việc tại Công ty Bảo hiểm MIC Thăng Long

4. Một số câu hỏi băn khoăn

- Có phải học Tài chính bảo hiểm sau này sẽ đi làm đại lý bảo hiểm?

Câu trả lời rằng, nghề nghiệp nào cũng phải có khách hàng; hiện nay theo quan điểm Marketing hiện đại luôn coi khách hàng là trung tâm của mọi hoạt động. Trên thực tế, có rất nhiều người đã thành công khi làm đại lý bảo hiểm. Song nếu chỉ làm đại lý, người học chỉ cần học 2 tuần, sau khi được cấp chứng chỉ về kiến thức chung và chứng chỉ về sản phẩm. Với mỗi sinh viên chuyên ngành Tài chính bảo hiểm, có thời gian đào tạo 4 năm, với 129 tín chỉ, gồm các khối kiến thức: đại cương, cơ sở khối ngành, cơ sở ngành, chuyên ngành và bổ trợ; sinh viên tốt nghiệp sẽ đủ khả năng trở thành những người quản lý nhiều đại lý, những cán bộ chủ chốt, nhà lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp; và còn nhiều vị trí công việc khác đang chờ đón.

Lãnh đạo Bộ môn Bảo hiểm và Tập thể các lớp CQ55 chuyên ngành Tài chínhbảo hiểm thực hiện Chương trình học tập ngoại khóa tại Bảo Việt Life

- Có phải nghề Tài chính bảo hiểm hay lừa đảo?

Nghề nào cũng có mặt trái, vấn đề phụ thuộc vào chính bản thân người thực hiện công việc của nghề nghiệp đó. Người xưa có câu: tin đạo chứ không tin vào kẻ có đạo. Như đã trình bày ở trên, nghề nghiệp Tài chính bảo hiểm là nghề mang tính nhân văn và hướng thiện. Nhờ có Tài chính bảo hiểm, khi gặp rủi ro hậu quả sẽ được khắc phục, hoạt động sẽ không bị gián đoạn, cuộc sống sẽ được ổn định, người thân yêu không rời bỏ. Có lẽ vì bản chất tốt đẹp của nghề nghiệp này mà có người cho rằng: Tài chính bảo hiểm góp phần mang lại niềm vui, tình yêu và hạnh phúc cho mọi người. Vai trò của nghề này đã được thừa nhận ở nhiều quốc gia. Cựu thủ tướng Anh Churchill từng viết: Nếu có thể, tôi sẽ mang 2 chữ Bảo hiểm viết lên cửa nhà tôi, trên mỗi quyền sổ tay của nhân viên công vụ. Henry Ford đã quả quyết: không phải các kiến trúc sư mà là các nhà bảo hiểm đã xây dựng nên New York, chính là vì không một nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ ra hàng tỷ đô la để xây dựng những toà nhà chọc trời ở Manhattan mà không có bảo đảm được bồi thường nếu hỏa hoạn hoặc sai phạm về xây dựng xảy ra.

Khoa NHBH
Số lần đọc: 6688

Danh sách liên kết