Tìm
English
Thứ hai, 09/01/2023 - 11:16

Hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo năm 2022”
Sáng 04/01/2023, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023”.

Tham dự hội thảo có sự góp mặt của: PGS.TS Nguyễn Vũ Việt - Phó Giám đốc Học viện Tài chính; TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính; Và hơn 100 đại biểu đến dự trực tiếp và dự qua mạng phần mềm Zoom meeting: Các đại biểu là đại diện các Ban, Khoa thuộc Học viện Tài chính cùng đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, các Thầy Cô giáo đến từ các viên nghiên cứu, các trường đại học, học viện, các cơ quan quản lý kinh tế như: Đại diện Cục Quản lý giá Bộ Tài chính; Ông Lê Quốc Phương nguyên PGĐ TTTT Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công thương; Ông Vũ Vinh Phú Chủ tịch Hiệp hội siêu thị; Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng, Viện Chiến lược & Chính sách Tài chính, Viện chiến lược Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc Dân,…cùng các cơ quan báo trí, truyền thông đến dự đưa tin về Hội thảo.

  

PGS.TS Nguyễn Vũ Việt - Phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo PGS.TS Nguyễn Vũ Việt - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết: Kinh tế thế giới năm 2022 đã diễn ra với nhiều sự kiện bất ngờ.

Đầu tiên, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã khiến cho giá các loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt là giá dầu thô, giá khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng, giá phân bón đã tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

Ở nhiều nước phương Tây lạm phát đã tăng lên mức trên/dưới 10%, cao nhất trong khoảng 30 – 40 năm trở lại đây. Tiếp đó, để kiềm chế lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất với tần xuất và tốc độ nhanh chưa từng thấy kể từ thập niên 1980. Đồng USD cũng đã tăng giá tới 20% trong 9 tháng đầu năm 2022, khiến tình hình lạm phát trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, cũng như kiểm soát giá cả nhằm duy trì ổn
định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng. Kết quả, năm 2022 Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép: GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội giao. Ngoài ra, đồng Việt Nam cũng được coi là đồng tiền có tính ổn định cao trên thế giới trong năm qua.

Mặc dù vậy, các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn rất lớn. Tình hình lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất trong tương lai gần. Trong khi đó, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và châu Âu. Việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid cùng các rủi ro liên quan đế  xung đột quân sự Nga – Ukraine có thể tạo áp lực đối với giá năng lượng, lương thực, thực phẩm và nguyên vật liệu trên thế giới trong thời gian tới. Tất cả những nguy cơ nói trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng, giá cả và thị trường tại Việt Nam trong năm 2023. Cuộc Hội thảo này được tổ chức với mục đích tập trung phân tích, thảo luận về những yếu tố cơ bản tạo nên bức tranh thị trường, giá cả trong thời gian qua, từ đó dự báo các xu hướng, cơ hội và thách thức trong thời gian tới.

Toàn cảnh hội thảo

Dưới sự chủ trì của PGS,TS. Nguyễn Vũ Việt ; TS. Nguyễn Đức Độ. Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề chính như:

(i) Phiên thứ nhất tập trung phân tích, thảo luận về diễn biến lạm phát tại Việt Nam năm 2022, đưa ra các dự báo và giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát trong năm 2023; (ii) Phiên thứ hai sẽ phân tích, thảo luận diễn biến các thị trường riêng lẻ, trong đó tập trung vào các cơ chế, chính sách điều hành giá xăng dầu ở Việt Nam hiện nay để từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện.  

Hội thảo đã nhận được 37 bài tham luận được đăng trong kỷ yếu Hội thảo và rất nhiều ý kiến thảo luận trực tiếp tại Hội thảo. Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá rất cao các bài tham luận và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo là những căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để dự báo và đề xuất giải pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhưng năm tới.

Các báo cáo và các ý kiến đóng góp tại Hội thảo được tổng hợp và lưu trữ tại Phòng Khoa học và Đào tạo, Viện Kinh tế - Tài chính.

Hội thảo kết thúc vào hồi 12h 00 cùng ngày.

Một số hình ảnh của buổi Hội thảo:

TS. Nguyễn Đức Độ - Trình bày tham luận

          TS. Lê Quốc Phương - Chuyên Gia kinh tế - Trình bày tham luận

 Ông Nguyễn Công Định - Cục Quản lý giá, BTC - Trình bày tham luận

Viện Kinh tế - Tài chính
Số lần đọc: 1101
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết