Tìm
English
Thứ ba, 05/09/2023 - 15:24

Hội thảo khoa học quốc gia - Tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
(HVTC) – Trong khuôn khổ hợp tác toàn diện về Đào tạo và NCKH, ngày 30/8/2023, tại Cục Hải quan Bắc Ninh, Học viện Tài chính và Tổng cục Hải quan đồng chủ trì tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vai trò của tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trong tình hình mới”. Có 7 tham luận được trình bày tại Hội thảo. 52 bài viết có chất lượng cao về lý luận và thực tiễn với những đề xuất và hàm ý chính sách hiệu quả đã được chọn đăng trong kỷ yếu Hội thảo.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía Học viện Tài chính có: NGƯT. PGS.,TS. Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viên; PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính; TS. Lương Quang Hiển – Thường vụ Đảng ủy Học viện Tài chính; PGS.,TS. Ngô Thanh Hoàng – Trưởng ban Quản lý khoa học; TS. Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Trưởng  ban Quản lý khoa học; TS. Đào Ngọc Hà - Phó Trưởng  ban Quản lý khoa học; PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan; PGS,.TS. Đoàn Minh Phụng - Trưởng Khoa Ngân hàng - Bảo hiểm và các nhà khoa học là các giảng viên khoa Ngân hàng - Bảo hiểm; khoa Thuế - Hải quan.

Về phía Tổng cục Hải quan có sự tham dự của: Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; ThS. Nguyễn Anh Tuấn- Viện Trưởng Viện nghiên cứu Hải quan, Tổng cục Hải quan; ThS. Trần Đức Hùng - Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh; Các nhà khoa học, các quý vị đại biểu Viện kinh tế Việt Nam; Cục Kế hoạch Tài chính (Bộ Tài chính), Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Đại học Tài chính-Ngân hàng Hà Nội; Tập đoàn Dệt may Việt Nam.

Ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu Khai mạc

Trong phát biểu khai mạc, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã nêu sự tác động của bối cảnh thế giới hiện nay đến doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng. Giải pháp quan trọng trong đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa là tài trợ, cấp vốn cho xuất khẩu và giảm thiểu rủi ro trong thanh toán hoạt động xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó cần có các giải pháp tổng thể từ Chính phủ, sự phối hợp của các Bộ, Ngành để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính của các doanh nghiệp, tọa thuận lợi trong thủ tục xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.  Ông Lưu Mạnh Tưởng cũng nêu 3 giải pháp quan trọng của Tổng cục Hải quan trong tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Đề xuất các văn bản quy phậm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện nhằm đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hải quan; Thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, tiến tới số hóa quy trình theo mô hình hi quan số, hải quan thông minh; Hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp và cơ quan Hải quan vẫn gặp một số khó khăn và để thực hiện hóa các mục tiêu hỗ trợ của Chính phủ tại Nghị Quyết 01/NQ ngày 06/01/2023, bên cạnh các biện pháp tạo thuận lợi về hải quan, cần có các giải pháp về thuế, các chính sách tài chính, các giải pháp giảm thiểu rủi ro thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu... Đây cũng là mục tiêu mà Hội thảo hướng đến để tìm những giải pháp hiệu quả.

PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã chỉ rõ những khó khăn của tình hình kinh tế kinh tế thế giới do sự bất ổn về chính trị, quân sự và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu chịu nhiều khó khăn hơn cả. Tình hình nói trên đặt ra bài toán cần phát huy mọi công cụ quản lý kinh tế của Nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu nói riêng. Trong số các công cụ của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, tài chính là công cụ rất quan trọng vì có liên quan trực tiếp đến nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, tính thanh khoản cho các giao dịch kinh doanh của doanh nghiệp và nhiều yếu tố khác liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp. PGS.,TS. Nguyễn Mạnh Thiều chỉ rõ: Hội thảo được tổ chức nhằm “làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về vai trò tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu; đánh giá thực trạng vai trò của tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu; và trao đổi, thảo luận các giải pháp phát huy vai trò tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam và thế giới hiện có nhiều yếu tố bất lợi và có thể có những biến động khó lường” và định hướng: tập trung thảo luận các 05 nội dung chủ yếu sau:

Một là, phân tích rõ hơn bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam và thế giới hiện nay và dự báo trong thời gian tới có tác động như thế nào đến doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và ảnh hưởng như thế nào đến chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhập khẩu.

Hai là, trao đổi làm rõ hơn vai trò của cơ chế tài chính, chính sách tài khóa (bao gồm chính sách thuế và chính sách chi ngân sách nhà nước), vai trò của hải quan, vai trò của các trung gian tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu.

Ba là, phân tích, đánh giá xác đáng thực trạng cơ chế tài chính, chính sách tài khóa, vai trò của hải quan, vai trò của các trung gian tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu ở Việt Nam thời gian qua; chỉ ra những kết quả đạt được cần phát huy, những hạn chế, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, đánh giá rõ các khía cạnh cụ thể về vai trò của tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như: Chính sách thuế, chính sách chi ngân sách nhà nước, thủ tục hành chính thuế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan, chính sách quản lý của Nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, thủ tục hải quan; hoạt động của các trung gian tài chính như: ngân hàng, bảo hiểm…

Bốn là, trao đổi, giới thiệu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong phát huy vai trò của tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu.

Năm là, trao đổi về các giải pháp nhằm phát huy vai trò của tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu trong tình hình mới. Trong đó, cần tập trung bàn cả về các giải pháp dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; các giải pháp gắn với những vấn đề cốt yếu trong cải cách hệ thống thuế và hải quan như: Hoàn thiện chính sách thuế, chuyển đổi số trong quản lý thuế và hải quan, cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, phát triển mô hình hải quan thông minh…

 Chủ tọa Hội thảo: PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc HVTC; ThS. Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;  PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, HVTC; PGS.,TS. Đoàn Minh Phụng -  Trưởng Khoa Ngân hàng - Bảo hiểm, HVTC; ThS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải quan, Tổng cục Hải quan; ThS. Trần Đức Hùng -  Cục trưởng Cục Hải quan Bắc Ninh

Hội thảo đã diễn ra qua 4 phiên, phiên Khai mạc và 3 phiên chủ đề với 07 tham luận.

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận

Trong phiên 1: “Bối cảnh và tác động của bối cảnh đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam” với tham luận “Thương mại quốc tế của Việt Nam trong một thế giới biến động: Thực trạng, nguyên nhân và triển vọng” do TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam trình bày đã phân tích bối cảnh kinh tế - xã hội Việt Nam và thế giới hiện nay; Dự báo các triển vọng trong thời gian tới đến thương mại quốc tế nói chung, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam nói riêng. Đây là cơ sở để xem xét sự ảnh hưởng của bối cảnh đó đến chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhập khẩu của Việt Nam.

 Ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan trình bày tham luận

Phiên thứ 2 của Hội thảo với chủ đề “Chính sách và thủ tục Thuế, Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam” có 4 tham luận được trình bày: “Xây dựng mô hình Hải quan thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số” của ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan; “Tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau đại dịch Covid-19” của ông Hồ Ngọc Phan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan; “Thúc đẩy hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu trong tình hình mới tại Cục Hải quan tỉnh Bình Dương của ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương;  “Phát huy vai trò của chính sách thuế trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu” của PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính; BN34: Đại diện

 Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bình Dương trình bày tham luận

Trong tham luận của mình, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan đã làm rõ vai trò, vị trí quan trọng của mô hình hải quan thông minh trong điều kiện chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay; Những yêu cầu quan trọng để xây dựng mô hình này với hiệu quả cao nhất; Phân tích quá trình triển khai thực hiện mô hình hải quan thông minh ở Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất các khuyến nghị quan trọng cho việc triển khai mô hình hải quan thông minh trong thời gian tới, đáp ứng mục tiêu và nhiệm vụ của ngành Hải quan giai đoạn 2021-2030. Ông Hồ Ngọc Phan đã phản ánh, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật hải quan của doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau đại dịch Covid-19 ở Việt Nam, từ đề xuất các giải pháp tài chính liên quan thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam; Ông Nguyễn Thanh Bình đã nêu những nỗ lực của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương trong hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại địa phương trong cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi số và nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, cũng như giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp.

 PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính trình bày tham luận

Với tham luận của mình, PGS.TS Lê Xuân Trường đã làm rõ các góc độ lý luận và thực tiễn về vai trò của chính sách thuế trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đánh giá thực tiễn vai trò này của chính sách thuế ở Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp để tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế, khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của hoạt động ngoại thương tại Việt Nam.

 Đại diện Tổng Công ty Tân Tân cảng Quế Võ trình bày tham luận

Đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có bài giới thiệu đôi nét về hoạt động của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn nói chung và cảng cạn Tân cảng Quế Võ nói riêng.

 PGS.,TS. Đoàn Minh Phụng -  Trưởng Khoa Ngân hàng-Bảo hiểm trình bày tham luận

Phiên thứ 3 của Hội thảo với chủ đề “Vai trò của các trung gian tài chính và các vấn đề khác trong hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam”, PGS.,TS. Đoàn Minh Phụng -  Trưởng Khoa Ngân hàng-Bảo hiểm, Học viện Tài chính đã trình bày tham luận “Bảo hiểm xuất khẩu mở rộng – Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ”. Tham luận đã nêu vai trò quan trọng của bảo hiểm xuất khẩu mở rộng đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng. Các giải pháp đề xuất trong bài tham luận là những nội dung rất đáng chú ý cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng như sự hỗ trợ cần thiết cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. 

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã đánh giá cao những tham luận được trình bày tại Hội thảo cũng như được chọn đăng trong kỷ yếu của Hội thảo. Hội thảo đã đáp ứng các mục tiêu đề ra trong việc nắm bắt những yêu cầu khách quan của thực trạng kinh tế Việt Nam nói chung, những yêu cầu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng và các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Trong đó, có các giải pháp về ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý nghiệp vụ hải quan; chính sách thuế, đổi mới thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, thuận lợi; Chính sách tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu và việc tiếp cận của doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu với chính sách này; Nhận diện nguy cơ rủi ro tỷ giá, dự báo những tác động tiêu cực của biến động tỷ giá từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa rủi ro đối với các doanh nghiệp; Thiết kế và cung cấp gói sản phẩm bảo hiểm xuất khẩu mở rộng; cần tập trung các nguồn lực phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, nâng cao tốc độ thông quan hàng hoá; kết hợp tài chính truyền thống và FinTech; Tập trung đào tạo và phát triển nhân lực với kiến thức tài chính cao cũng như sử dụng công nghệ thông tin... Đây là những giải pháp và gợi mở quan trọng cho thực tiễn xây dựng, áp dụng cơ chế, chính sách tài chính nói chung nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập của Việt Nam trong thời gian tới, phù hợp với biến động không ngừng của nền kinh tế thế giới và quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

Một số hình ảnh khác:

 Đồng chủ tọa Hội thảo

Ban Thư ký Hội thảo

 Đại biểu tham dự Hội thảo

 Đại biểu Học viện đóng góp ý kiến tại Hội thảo

 Cục Hải quan Bắc Ninh tặng tranh lưu niệm cho lãnh đạo Học viện Tài chính

 Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 2201
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết