Tìm
English
Thứ ba, 07/11/2023 - 15:14

Học viện Tài chính hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” năm 2023
(HVTC) – Triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” tại Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, Học viện Tài chính kêu gọi toàn thể viên chức, người học nâng cao trách nhiệm của bản thân, thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật về ATGT.

 Giữ bình tĩnh, tuân thủ các quy định của pháp luật về ATGT là trách nhiệm của mỗi người

Tai nạn giao thông là một trong những thảm họa mang tính toàn cầu, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi trên thế giới. Tai nạn giao thông gây ra những mất mát to lớn về con người, của cải và để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, xã hội của mọi quốc gia. Theo Liên hợp quốc (LHQ), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người tử vong và khoảng 20 - 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông; tai nạn giao thông đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-27 tuổi.

Hàng năm, ở nhiều quốc gia, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người, gây nhiều thiệt hại không thua kém các cuộc chiến tranh. Nỗi đau mất đi người thân vì tai nạn giao thông, ảnh hưởng tâm lý rất lâu dài và thậm chí còn là mãi mãi. Nhiều mảnh đời thương tâm do hậu quả của tai nạn giao thông để lại, nhưng lại chưa nhận được sự quan tâm và xác nhận đầy đủ của cộng đồng. Đặc biệt, trong những năm trở lại đây, đau lòng và thương xót hơn nữa là rất nhiều trong số các nạn nhân của tai nạn giao thông là những người trẻ tuổi và một tỷ lệ tương đối lớn trong số các vụ tai nạn đó là có thể tránh được.

Ngày 27/10/2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” trên toàn cầu. Kể từ đó, ngày này được tổ chức ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện an toàn giao thông. Đây cũng là cơ hội nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn giao thông gây ra, tưởng nhớ các nạn nhân của tai nạn giao thông và vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, hàng năm vẫn có gần 7.000 người thiệt mạng do TNGT, cùng với trên 11.000 người bị thương tật suốt đời. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm 2022, TNGT đã cướp đi hơn 6.000 người. Trong khi đó, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm có gần 1,3 triệu người tử vong và gần 50 triệu người bị thương do TNGT gây ra.

Hậu quả của TNGT không chỉ riêng những nạn nhân thương vong trong các vụ tai nạn phải gánh chịu những người thân của họ, để lại di chứng cho biết bao gia đình và gánh nặng cho cả xã hội. Phía sau những cái chết do TNGT là hàng ngàn tổ ấm gia đình bị tổn thương, hàng nghìn bậc phụ lão mất đi nơi nương tựa cho những năm tháng cuối đời, hàng ngàn em nhỏ mất đi cha, mẹ.

Tại Việt Nam, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” vào ngày 19/11/2012 và từ năm 2013 đến nay được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước nhằm cảnh báo xã hội về thảm họa tai nạn giao thông. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương xót với những nạn nhân xấu số đã thiệt mạng khi tham gia giao thông, đồng thời chia sẻ những đau thương, mất mát, gánh nặng với người thân của họ.

Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông để xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn. Chính mỗi bậc phụ huynh, mỗi thầy cô giáo, mỗi cá nhân, tổ chức phải là những tấm gương mẫu mực về thực thi quy định pháp luật về ATGT và xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân với cộng đồng khi tham gia giao thông.  Hãy vì niềm thương xót những người đã mất vì tai nạn giao thông mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống!

Học viện Tài chính kêu gọi mỗi viên chức, người học của Học viện hãy vì sự phát triển bên vững của đất nước, vì sự an toàn của bản thân tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông để ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông. Cùng nhau “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”!!!

Khi tham gia giao thông, hãy ghi nhớ

1. Nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không được dừng, đỗ xe trái quy định gây cản trở giao thông.

2. Điều khiển phương tiện đi đúng phần đường, làn đường quy định; Khi chuyển hướng rẽ hoặc vượt xe phải có tín hiệu báo trước, chỉ được vượt, chuyển hướng khi có đủ điều kiện an toàn.

3. Chấp hành các quy định về dừng, đỗ xe và quay đầu xe.
4. Nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

5. Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

6. Người lái xe phải chấp hành nghiêm các quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước của mình.

7. Phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách

8. Không dừng, đỗ xe, tụ tập dưới lòng đường, hè phố sai quy định.

9. Không chở quá số người sai quy định; Không lạng lách, đánh võng trên đường.

10. Không họp chợ, mua bán hàng hóa, ăn uống trên đường bộ; Không tụ tập đông người trái phép trên đường bộ.

Chấp hành Luật giao thông là thể hiện nét đẹp văn hóa của người tham gia giao thông, góp phần giữ gìn và đảm bảo TTATGT an toàn, thông suốt. An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người!

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 346
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết