(HVTC) - Chiều 28/11/2023, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính đã phối hợp cùng với Oxfam tại Việt Nam tổ chức “Chuỗi chia sẻ về tài chính toàn diện” cho các học viên của một số tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ nhằm chia sẻ kiến thức khoá học và pháp lý cũng như thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế về tài chính toàn diện.
Đại biểu tham dự
Tham dự Lễ khai giảng khóa đào tạo, có sự hiện diện của bà Nguyễn Thu Hương - Quản lý chương trình cấp cao, Oxfam tại Việt Nam; Bà Bùi Thị Thu Hà - Giám đốc dự án Tài chính công bằng, Oxfam tại Việt Nam; TS. Bùi Thu Trang - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế - Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.,TS. Vũ Sỹ Cường – Phó Trưởng bộ môn (Phụ trách) môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính; PGS.,TS. Hà Minh Sơn - Phó trưởng ban Thanh tra, Học viện Tài chính (dự online) và các giảng viên bộ môn Nghiệp vụ Ngân hàng, Khoa Ngân hàng và Bảo hiểm, Học viện Tài chính.
Đại biểu tham dự trực tuyến
Tham dự buổi lễ về phía lãnh đạo Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính có PGS.,TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng và PGS.TS Nguyễn Thị Hà - Phó Viện trưởng; các chuyên viên và nghiên cứu viên trợ giảng của Viện cùng hơn 60 đại biểu đến dự trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng zoom meeting là các thành viên của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ (NGO) như Ban Điều hành, nhóm an sinh xã hội, Mạng lưới Tiên Phong, Hội người khuyết tật tại các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Ninh Bình, Trung tâm Hỗ trợ phát triển vì phụ nữ và trẻ em (DWC), Văn phòng Luật sư Nguyễn Hưng Quang và Cộng sự, Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE), Đại học Công nghiệp Hà Nội…
PGS.TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính khai mạc Seminar 01
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho biết: Tài chính toàn diện đang được Chính phủ Việt Nam quan tâm hoàn thiện và triển khai nhằm hướng tới mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. “Chuỗi chia sẻ về tài chính toàn diện” được tổ chức nhằm cung cấp kiến thức nền tảng về lý luận, thực tiễn triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam cũng như một số quốc gia trên thế giới, từ đó gợi ý một số khuyến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ thể cung cấp, sử dụng các dịch vụ tài chính thực thi tài chính toàn diện tại Việt Nam. Chuỗi chia sẻ gồm 04 Seminar chính: (1) Tổng quan về tài chính toàn diện; (2) Khung chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam; (3) Tiếp cận tín dụng, thanh toán qua ngân hàng cho các thiết chế tài chính trong hệ thống tài chính toàn diện tại Việt Nam; (4) Kinh nghiệm quốc tế về phát triển tài chính toàn diện. Các giảng viên tham gia là các chuyên gia, giảng viên cao cấp và có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực tài chính toàn diện đến từ Học viện Tài chính và Viện kinh tế Việt Nam. Sự hợp tác giữa Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Viện Kinh tế-Tài chính khẳng định sự tin tưởng của Tổ chức quốc tế vào thương hiệu của Học viện Tài chính, của Viện Kinh tế-Tài chính nhằm nỗ lực nâng cao khả năng của người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý.
PGS.,TS. Vũ Sỹ Cường – GVCC Học viện Tài chính, giảng viên Seminar 01 trình bày tại Seminar 01
Tại Seminar 01, PGS.,TS. Vũ Sỹ Cường – GVCC Học viện Tài chính, giảng viên Seminar 01 đã trình bày “Tổng quan tài chính toàn diện” với 03 nội dung chính: (1) – Khung lý thuyết tiếp cận tài chính toàn diện theo hướng công bằng và bình đẳng; nội hàm, đặc điểm, nội dung, vai trò và xu hướng phát triển tài chính toàn diện; (2) – Trụ cột tài chính toàn diện; (3) – Đánh giá cơ bản về tài chính toàn diện: đặc biệt là tác động của tài chính toàn diện lên đời sống người dân. Các thể chế tài chính có thể hưởng lợi ích gì từ tài chính toàn diện? Rủi ro gì người dân gặp phải khi tiếp cận tài chính toàn diện. Sự mất cân bằng quyền lực với thiết chế tài chính…
Chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc tại Seminar 01
Seminar đã tập trung lắng nghe PGS.TS. Vũ Sỹ Cường trình bày và có những ý kiến trao đổi thực tế về những vấn đề còn khúc mắc trong tiếp cận tài chính toàn diện của các cán bộ tham gia chuỗi chia sẻ. Thông qua tình huống thực tế, đại diện Oxfam và Học viện đưa ra một số câu hỏi xoay quanh vấn đề thực tiễn triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam như: Bộ chỉ số Việt Nam đang sử dụng để phản ánh thực trạng tài chính toàn diện có còn phù hợp với thay đổi thực tế hiện nay? Thách thức để các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính thực thi tài chính toàn diện tại Việt Nam? Ngân hàng có những chính sách, yêu cầu gì để giảm thiểu rủi ro khi người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tài chính thực thi tài chính toàn diện như thanh toán online, mua bảo hiểm, mở thẻ tín dụng, đăng ký gói vay tín dụng?... Từ đó gợi mở các cách tiếp cận khác nhau để đánh giá vai trò tài chính toàn diện đối với cộng đồng, cũng như những nội dung trao đổi cho các Seminar tiếp theo về hoàn thiện chính sách trong phát triển tài chính toàn diện, tài chính vi mô, quản lý tài chính cá nhân tại Việt Nam.
Bà Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc chương trình Tài chính công bằng, đại diện Oxfam tại Việt Nam phát biểu
Phát biểu bế mạc Seminar 01, bà Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc chương trình Tài chính công bằng, đại diện Oxfam tại Việt Nam đánh giá cao tinh thần tập trung lắng nghe và sự tích cực tương tác của các thành viên tham gia buổi chia sẻ về các nội dung mà giảng viên đã trình bày. Seminar đã cập nhật những luận cứ mới về tổng quan tài chính toàn diện, góp phần nâng cao kiến thức cơ bản về tiếp cận các dịch vụ của tài chính toàn diện tại Việt Nam. Bùi Thị Thu Hà mong muốn các thành viên duy trì sự nhiệt tình tham gia hưởng ứng các chuỗi Seminar tiếp theo về tài chính toàn diện.
Sự thành công của Seminar 01: Tổng quan về tài chính toàn diện là tiền đề và cơ sở quan trọng để triển khai các Seminar 02, 03 và 04 vào chiều thứ Ba hàng tuần. Chuỗi chia sẻ gồm 04 Seminar chính: (1) Tổng quan về tài chính toàn diện; (2) Khung chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam; (3) Tiếp cận tín dụng, thanh toán qua ngân hàng cho các thiết chế tài chính trong hệ thống tài chính toàn diện tại Việt Nam; (4) Kinh nghiệm quốc tế về phát triển tài chính toàn diện.
Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm
Các báo cáo và các ý kiến đóng góp tại Seminar được tổng hợp và lưu trữ tại Phòng Tổng hợp, Viện Kinh tế - Tài chính, số 179, Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.
Seminar buổi thứ nhất đã diễn ra trong 3 giờ làm việc và kết thúc vào hồi 16h30 ngày 28/11/2023.