(HVTC) Ngày 26/4/2025, tại Hội trường A1, Học viện Tài chính đã tổ chức Hội nghị “Giao ban Khoa học và Công nghệ năm 2025” nhằm đánh giá kết quả công tác khoa học và công nghệ trong 4 tháng đầu năm 2025, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn còn lại của năm theo định hướng nâng cao chất lượng, đẩy mạnh ứng dụng thực tiễn, gia tăng công bố quốc tế và phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy

NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng – Giám đốc Học viện Tài chính chủ trì Hội nghị
Hội nghị có sự hiện diện của NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng – Giám đốc Học viện Tài chính, chủ trì Hội nghị; TS. Nguyễn Văn Bình – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường (tham dự trực tuyến); NGƯT. PGS.TS Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện; PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Công đoàn Học viện; cùng lãnh đạo các đơn vị, các Bộ môn trong toàn Học viện. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường HTA1 và trực tuyến qua nền tảng Zoom Cloud Meetings.

NGƯT. PGS. TS. Nguyễn Đào Tùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Đại diện lãnh đạo Học viện, NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng – Giám đốc Học viện Tài chính – đã phát biểu chỉ đạo, nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học và công nghệ trong chiến lược phát triển tổng thể của Học viện trong giai đoạn mới.
NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng khẳng định: “Trong thời gian tới, Học viện sẽ tập trung phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, hiệu quả, ưu tiên cho các chương trình nghiên cứu trọng điểm và các đề tài có tính ứng dụng cao. Công tác đào tạo sẽ ngày càng gắn bó chặt chẽ với nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyển giao công nghệ, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và chuyển đổi số trong giáo dục đại học.”
NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ có giá trị thực tiễn, hướng tới phục vụ nhu cầu xã hội và nền kinh tế tri thức. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là nâng cao năng lực công bố quốc tế của giảng viên, với chỉ tiêu cụ thể đạt trung bình 0,3 bài báo thuộc hệ thống ISI/Scopus/giảng viên/năm. Đồng thời, Học viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các đề tài nghiên cứu các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng học thuật, tính ứng dụng thực tiễn và đóng góp cho việc hoạch định chính sách công.
Bên cạnh đó, NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh việc gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học với các tiêu chí xếp hạng đại học quốc tế, coi đây là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Học viện. Việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn giảng dạy, sản xuất, quản lý kinh tế – tài chính cũng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm gia tăng giá trị chuyển giao tri thức và đóng góp thiết thực cho xã hội.
Đặc biệt, NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh các giải pháp cụ thể cần được triển khai đồng bộ trong thời gian tới, gồm:
Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tổng thể kết hợp giữa kế hoạch khoa học và kế hoạch giảng dạy trong từng khoa, đảm bảo phân bổ nguồn lực đồng bộ, hiệu quả và có sự giám sát tiến độ rõ ràng.
Thứ hai, thiết lập cơ chế khen thưởng hàng năm, trao giải cho cán bộ, giảng viên có thành tích xuất sắc trong công bố quốc tế cả về số lượng và chất lượng; đồng thời nghiên cứu xây dựng quỹ thưởng nghiên cứu khoa học riêng nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa hoạt động công bố quốc tế.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các khoa chủ động tham gia các đề tài cấp tỉnh, cấp bộ, hướng tới vừa đóng góp địa phương vừa nâng cao năng lực nghiên cứu quốc tế hóa. Cơ chế khen thưởng cho đề tài cấp tỉnh sẽ áp dụng cho cả tập thể và cá nhân tham gia.
Thứ tư, tăng cường hợp tác khai thác nguồn lực bên ngoài, bao gồm hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, địa phương, tổ chức quốc tế để đa dạng hóa nguồn vốn và cơ hội phát triển nghiên cứu khoa học.
Thứ năm, khắc phục tình trạng gián đoạn trong nghiên cứu sinh viên, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nhóm sinh viên nghiên cứu xuất sắc, hướng tới có các bài báo, công trình nghiên cứu sinh viên công bố quốc tế.
Thứ sáu, Phát triển sách, giáo trình điện tử, khuyến khích xây dựng các giáo trình điện tử phục vụ đào tạo sau đại học, đồng thời tận dụng nguồn lực tài chính hiện có, từng bước thương mại hóa sản phẩm học thuật điện tử để tạo nguồn thu bền vững cho Học viện.
Thứ bảy, chú trọng nâng cao chỉ số trích dẫn khoa học, đẩy mạnh truyền thông kết quả nghiên cứu sau công bố, nhằm tăng cường uy tín học thuật và hiệu quả lan tỏa các công trình nghiên cứu.
Và cuối cùng, thầy Nguyễn Đào Tùng kêu gọi toàn thể cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên Học viện phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; tích cực tham gia công bố quốc tế, chủ động trong việc nghiên cứu, tư vấn chính sách, phát triển sản phẩm nghiên cứu ứng dụng, nhằm góp phần khẳng định vị thế của Học viện Tài chính là trung tâm đào tạo, nghiên cứu tài chính- kinh tế hàng đầu quốc gia, vững bước hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.

PGS. TS. Ngô Thanh Hoàng Trưởng ban QLKH trình bày Báo cáo giao ban khoa học và công nghệ
Đại diện Ban Quản lý Khoa học, PGS.TS Ngô Thanh Hoàng đã trình bày tóm tắt Báo cáo Giao ban Khoa học và Công nghệ năm 2025. Báo cáo nêu bật những kết quả nổi bật trong 4 tháng đầu năm, bao gồm: hoàn thành thanh quyết toán 6 đề tài cấp Bộ, triển khai nghiên cứu đề tài Nafosted, đồng thời giao nhiều đề tài cấp cơ sở với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Công tác nghiên cứu khoa học sinh viên ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, với số lượng đề tài NCKH sinh viên cấp khoa tăng 69%; hơn 98% sinh viên CQ59 hệ Chất lượng cao đủ điều kiện tốt nghiệp sớm nhờ thành tích nghiên cứu khoa học.
Hoạt động xuất bản Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán tiếp tục duy trì ổn định với 24 kỳ tiếng Việt và 6 kỳ tiếng Anh mỗi năm. Đặc biệt, từ năm 2025, Tạp chí đã áp dụng mã số DOI (Digital Object Identifier) nhằm tăng cường khả năng truy cập, trích dẫn và hội nhập học thuật quốc tế.
Báo cáo cũng đề ra mục tiêu đẩy mạnh công bố quốc tế, phấn đấu đưa Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán vào hệ thống cơ sở dữ liệu Scopus và nâng tỷ lệ công bố ISI/Scopus đạt 0,3 bài/giảng viên/năm vào năm 2030.
Hoạt động hội thảo khoa học tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, với kế hoạch tổ chức 17 hội thảo trong năm 2025. Trong đó, đáng chú ý là các hội thảo quốc tế do Học viện chủ trì, cùng nhiều hội thảo quốc gia và cấp Học viện về các chủ đề tài chính, thuế, trí tuệ nhân tạo (AI), thị trường Carbon...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác khoa học và công nghệ của Học viện trong thời gian tới.
PGS.TS Mai Ngọc Anh, Trưởng khoa Kế toán đã đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy chương trình nghiên cứu khoa học gắn với công bố quốc tế được hiệu quả. Theo đó, các giảng viên cần xây dựng lộ trình rõ ràng để hoàn thành mục tiêu công bố; các khoa và đơn vị cần tăng cường giám sát và hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, Ông cũng nhấn mạnh vai trò của việc phát triển nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, hướng tới các công trình có chất lượng đủ điều kiện công bố quốc tế.
Tiếp nối nội dung về nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, PGS.TS Lê Xuân Trường tập trung vào việc hoàn thiện cơ chế xây dựng tài liệu giảng dạy cho hệ đào tạo Đại học và Sau đại học. Ông nhấn mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học sinh viên, hướng tới đạt được các giải thưởng nghiên cứu sinh viên chất lượng cao. Theo thầy, đây là cách thức thiết thực để nâng cao giá trị chương trình đào tạo và tạo lập môi trường học tập quốc tế cho sinh viên.
Liên quan đến hoạt động tổ chức hội thảo khoa học, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về kế hoạch tổ chức các hội thảo quốc tế và quốc gia trong năm 2025 nhằm khẳng định vị thế nghiên cứu và đào tạo của Học viện. Các ý kiến thống nhất sẽ tổ chức hội thảo quốc tế theo quy trình chuẩn, hướng tới xuất bản tại các nhà xuất bản uy tín; đồng thời, tăng cường công tác truyền thông đối với hội thảo quốc gia và phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khoa học để phân bổ hợp lý thời gian, nguồn lực cho hội thảo cấp Học viện.
Ở góc độ kiểm định chất lượng và xếp hạng quốc tế, GS.TS Chúc Anh Tú, Trưởng ban Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã báo cáo tóm tắt tiến trình Học viện hướng tới đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học và nâng cao thứ hạng quốc tế. Ông Chúc Anh Tú nhấn mạnh vai trò then chốt của hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt là chỉ số trích dẫn trong công bố quốc tế, thể hiện mức độ lan tỏa của các nghiên cứu. Đồng thời, thầy đề xuất giải pháp phối hợp nguồn lực giữa sinh viên, giảng viên và nghiên cứu viên nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Vân, Trưởng ban Hợp tác quốc tế cũng đưa ra những giải pháp nhằm thu hút sinh viên quốc tế theo học tại Học viện và thúc đẩy các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế. Trong đó, Cô đề xuất xây dựng các lớp "vườn ươm tài năng" nhằm thu hút sinh viên ưu tú, đồng thời gắn kết hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên với hợp tác quốc tế.
Sau gần 4 giờ làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị đã kết thúc với sự đồng thuận cao về các mục tiêu và giải pháp trọng tâm. Các đại biểu thể hiện quyết tâm đưa hoạt động khoa học và công nghệ trở thành điểm sáng của Học viện Tài chính, góp phần hoàn thiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học và hướng tới thứ hạng cao trong bảng xếp hạng quốc tế.
Hội nghị Giao ban Khoa học và Công nghệ năm 2025 đã khẳng định quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Học viện Tài chính trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công bố quốc tế, gắn kết đào tạo với nghiên cứu và chuyển giao tri thức. Với sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn thể lãnh đạo, giảng viên và cán bộ nghiên cứu, Học viện Tài chính tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong hệ sinh thái đào tạo và nghiên cứu tài chính - kinh tế quốc gia, hướng tới chuẩn cơ sở giáo dục đại học, hội nhập sâu rộng vào môi trường học thuật quốc tế, góp phần nâng tầm vị thế của Học viện trên bản đồ giáo dục đại học Việt Nam và khu vực.
Ảnh hoạt động của Hội nghị:

