Tìm
English
Thứ tư, 24/12/2014 - 10:2

Những cựu sinh viên danh tiếng của Học viện Tài chính
Ngày 31/7/1963, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 117/CP thành lập Trường cán bộ Tài chính kế toán Trung ương (trực thuộc Bộ Tài chính), đây chính là cơ sở tiền thân của Học viện Tài chính hiện nay. Với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực tài chính, kinh tế chất lượng cao cho sự nghiệp quản lý, xây dựng và phát triển đất nước,trải qua 51 năm hoạt động và trưởng thành, Học viện Tài chính là cái nôi bồi dưỡng, nâng bước và chắp cánh cho rất nhiều thế hệ sinh viên. Từ ngôi trường AOF (Academy of Finance) rất nhiều cựu sinh viên Học viện đã trở thành những cán bộ quản lý kinh tế chủ chốt, những chính khách nổi tiếng, có tài, có tâm đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Rất nhiều chính khách, nhà quản lý kinh tế được đào tạo và trưởng thành dưới mái trường Học viện tài chính

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - cựu sinh viên khóa 5 (1966 – 1970)

Ít ai biết rằng đương kim Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng là một trong số sinh viên những khóa đầu tiên của trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương.

Vị trí công tác đầu tiên của ông sau 4 năm đại học là cán bộ của Ngân hàng Kiến thiết Trung ương, Bộ Tài chính. Sau đó, ông lần lượt kinh qua các chức vụ: Trưởng phòng Tổng hợp, Vụ trưởng Vụ đầu tư xây dựng cơ bản – Bộ Tài chính, Chánh văn phòng Bộ tài chính, Cục trưởng Kho bạc Nhà nước, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là cựu sinh viên khóa 5 của Học viện Tài chính

Tháng 6 năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Đảng Cộng sản Việt Nam, ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và giữ cương vị này liên tiếp các khoá VIII, IX, X, XI. Đồng thời ông cũng là đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII, XIII. Tại Đại hội Đảng lần thứ X, XI ông đều được bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 11 năm 1996, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX, ông được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bí thư Ban Cán sự Ðảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ngày 28 tháng 6 năm 2006, ông được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Thường trực, theo đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đảm nhiệm các công việc chung trong hệ thống điều hành công việc của Chính phủ. Được giao trọng trách đảm nhận những công việc khi Thủ tướng đi vắng hoặc được Thủ tướng ủy quyền.

Ngày 23 tháng 7 năm 2011 ông được quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khoá XIII (2011-2016) với 91,4% phiếu bầu (tỷ lệ 457/497 đại biểu đồng ý).

Với những đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cựu sinh viên Học viện Tài chính khóa 5 từng được trao tặng nhiều huân trương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2002); năm 2007, ông cũng vinh dự được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trao tặng Huân chương Itsala hạng nhất.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh

Người kế nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính sau khi Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ vào tháng 6/2006 là Thứ trưởng Vũ Văn Ninh - một cựu sinh viên của Học viện Tài chính, vào thời điểm bổ nhiệm, ông chính là thành viên trẻ nhất trong số 8 nhân vật được bổ nhiệm vào Chính phủ lúc bấy giờ.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng từng là một sinh viên của Học viện Tài chính

Vào ngày 03/08/2011, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh lại được Quốc hội phê chuẩn làm Phó thủ tướng Chính phủ và liên tục giữ chức vụ đó cho đến hiện nay.

Ngày 13/06/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phê chuẩn ông làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững (nhiệm kỳ 2011 - 2020).

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI; đồng thời cũng là Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ - cựu sinh viên khóa 12

Ngoài 4 năm theo học và công tác tại Ban thường vụ Đoàn trường tại Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội (tiền thân của Học viện Tài chính), Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ còn có thêm 10 năm gắn bó với mái trường Học viện Tài chính trên các cương vị giảng viên (1991 – 1992), Phó Trưởng khoa (10/1992 – 5/1993), Quyền Trưởng khoa rồi Trưởng Khoa Kế toán (6/1993 – 2/1999), trường Đại Học Tài chính - Kế toán Hà Nội.

Theo các cựu sinh viên Đại học Tài chính – Kế toán những năm 90, những tiết giảng của thầy Vương Đình Huệ lúc nào cũng “chật kín” sinh viên vì cách giảng bài hấp dẫn, hóm hỉnh, dể hiểu và lượng kiến thức quý báu, sâu sắc của người thầy trẻ tuổi, tài năng.

Cựu sinh viên khóa 12 và cũng là nguyên giảng viên, Hiệu phó Trường ĐH Tài chính Kế toán Hà Nội nay là Học viện Tài chính - Vương Đình Huệ

Từ tháng 03/1999 đến tháng 06/2001, ông giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nôi.

Từ tháng 07/2001 đến tháng 07/2006, cựu sinh viên khóa 12 giảng viên tài năng của khoa Kế toán, Đại học Tài chính – Kế toán Hà Nội được bầu làm Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ khối cơ quan Kinh tế Trung ương.

Sau đó, từ tháng 7/2006 đến tháng 8/2011 ông bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước, Bí thư Đảng uỷ cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng; đại biểu Quốc hội Khoá XIII. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIII, được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ngày 28/12/2012, được Bộ Chính trị phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng - cựu sinh viên khóa 16

Người kế nhiệm vị trí Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng như Bộ trưởng Bộ Tài Chính của “cựu sinh viên Tài chính” Vương Đình Huệ. Tháng 3 năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học, ông được phân về làm Cán bộ Phòng Tài vụ của Tổng công ty Sông Đà (thuộc Bộ Xây dựng). Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 5 tháng 1 năm 1987.

Sau đó, ông lần lượt kinh qua các chức vụ khác nhau tại Tổng công ty Sông Đà: Phó Kế toán trưởng Công ty xây dựng Thủy công, Phó phòng Tài vụ Công ty Cung ứng Vât tư Sông Đà, Kế toán trưởng Công ty Xây dựng Sông Đà 1. Đến tháng 4 năm 1993, ông được phân về làm Kế toán trưởng Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng).

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là một cựu sinh viên khóa 16 của Học viện Tài chính

Từ tháng 10/1997 đến tháng 6/2003, ông Đinh Tiến Dũng tiếp tục đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Bộ Xây dựng  như Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán, Ủy viên Ban Cán sự, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Tháng 5 năm 2008: ông được điều động tham gia Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên và được bầu làm Phó bí thư. Hai tháng sau, tại phiên họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên, ông được bầu làm Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, thay cho bà Lò Mai Trinh chuyển sang giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.

Tháng 10 năm 2010: Trung ương Đảng điều động ông Dũng về giữ chức Bí thư tỉnh Ninh Bình.

Tháng 1 năm 2011: ông trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam khoá XI.

Ngày 2 tháng 8 năm 2011: ông được Quốc hội bầu vào chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước (Việt Nam) thay người tiền nhiệm là ông Vương Đình Huệ.

Ngày 24 tháng 5 năm 2013, ông được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức vụ Bộ trưởng Tài chính thay ông Vương Đình Huệ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng – cựu sinh viên khóa 16

Vị Bộ trưởng Giao thông vận tải đầy nhiệt huyết Đinh La Thăng chính là một cựu sinh viên khóa 16 (1978 – 1982) của mái trường Học viện tài chính. Trước khi đảm nhiệm vị trí “Tư lệnh” ngành Giao thông, vị Bộ trưởng “dám nghĩ, dám làm” Đinh La Thăng từng kinh qua rất nhiều vị trí quan trọng tại Tổng công ty Sông Đà và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Ngay sau khi ra trường ông về công tác tại Công ty Cung ứng Vật tư thuộc Tổng công ty xây dựng Sông Đà rồi sau đó lần lượt đảm nhận nhiều cương vị chủ chốt như Kế toán trưởng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn rồi Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Sông Đà.

Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng - cựu sinh viên khóa 16 của Học viện Tài chính

Từ tháng 11 năm 2003 đến tháng 12 năm 2005, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế; đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

Ông đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) vào ngày 5 tháng 10 năm 2006. Từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 12 năm 2008, ông là Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PetroVietnam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông còn là đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Bí thư Đảng uỷ cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa XIII.

Tại kỳ họp thứ nhất, theo đề nghị của thủ tướng chính phủ Việt Nam, Quốc hội khóa XIII ngày 3 tháng 8 năm 2011 phê chuẩn ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải  với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 71,2%.

Ngoài những chính khách kể trên, còn có rất nhiều những “cựu sinh viên Tài chính” xuất sắc đang đảm nhận nhiều cương vị quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị trên khắp cả nước. Có thể kể đến những cái tên như Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn, Nguyên Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Hồng Hà, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng, đương kim Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh,….

Báo điện tử An ninh tiền tệ & Truyền thông
Số lần đọc: 66830

Danh sách liên kết