Tìm
English
Thứ năm, 10/05/2018 - 8:16

Tọa đàm khoa học - góc nhìn chính sách và thực tiễn đối với việc sửa đổi bổ sung các Luật thuế năm 2018
Với mục tiêu nâng cao trình độ cả về lý luận và thực tiễn cho các cán bộ, giáo viên trong Học viện, sáng ngày 8 tháng 5 năm 2018, Học viện Tài chính đã tổ chức lớp bồi dưỡng "Nghiệp vụ chuyên sâu về Thuế và Hải quan" tại cơ sở Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trọng tâm của khóa bồi dưỡng là nâng cao kỹ năng tham gia xây dựng và phản biện chính sách thuế và hải quan.

Buổi đầu tiên của khóa bồi dưỡng với nội dung “Tọa đàm khoa học- góc nhìn chính sách và thực tiễn đối với việc sửa đổi bổ sung các Luật thuế năm 2018”với sự có mặt của PGS.TS  Nguyễn Mạnh Thiều - Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, PGS.TS Nguyễn Thị Thương Huyền - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan; PGS.TS Nguyễn Văn Dần - Trưởng khoa Kinh tế  và 61 cán bộ giảng viên Khoa Thuế, Hải quan và Khoa Kinh tế và đặc biệt là sự có mặt của ông Nguyễn Văn Phụng - chuyên gia cao cấp - Vụ trưởng Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn - Tổng Cục thuế - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế - Bộ Tài chính đồng thời là Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam.

Bắt đầu buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Thị Thương Huyền đã nhấn mạnh: chính sách tài chính nói chung, chính sách thuế nói riêng trong những năm gần đây đang có rất nhiều thay đổi. Với vai trò là một đơn vị tham gia xây dựng, phản biện độc lập về các chính sách tài chính được thực thi ở Việt Nam trong đó có chính sách thuế, các giảng viên Học viện Tài chính rất cần phải hiểu sâu sắc về từng sắc thuế cũng như quy trình ban hành các Luật thuế để đóng góp những tiếng nói nhất định với tư cách là những chuyên gia độc lập trong việc xây dựng các Luật thuế, đặc biệt là giai đoạn lấy ý kiến về các Dự thảo Luật. PGS.TS Nguyễn Thị Thương Huyền cũng đã giới thiệu về sự cần thiết và mục tiêu của khóa bồi dưỡng.

PGS.TS Nguyễn Thị Thương Huyền giới thiệu về sự cần thiết và mục tiêu của khóa bồi dưỡng

Phiên 1 của buổi tọa đàm, với bề dày hơn 37 năm kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu, xây dựng, soạn thảo hầu hết các Luật thuế ở Việt Nam, ông Phụng đã trình bày một số vấn đề hết sức cơ bản về những quan điểm, định hướng trong việc sửa đổi bổ sung các chính sách thuế, đặc biệt là  các vấn đề đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận cũng như các vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc, nghiên cứu  như việc mở rộng phạm vi đánh thuế Giá trị gia tăng và thuế Tiêu thụ đặc biệt; ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp cho các DNNVV; việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh và  mức thuế suất đối với thuế Thu nhập cá nhân; đối tượng chịu thuế, giá tính thuế tài nguyên và một số vấn đề liên quan đến dự án xây dựng Luật thuế Tài sản. 

Phiên 2 của buổi tọa đàm các nhà khoa học tập trung thảo luận các nội dung trong các dự thảo Luật đang có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Một số câu hỏi được các nhà khoa học đưa ra trên tinh thần hết sức thẳng thắn,khách quan như việc tăng thuế suất thuế GTGT lên 12% có ảnh hưởng gì đến người có thu nhập thấp? Có nên đánh thuế tài sản vào nhà ở thứ nhất hay không? Nên đánh thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm như thế nào? Quan điểm đánh thuế tài sản? Đối tượng, phạm vi đánh thuế tài sản? v.v…Ông Phụng cũng đã thẳng thắn trả lời và trao đổi các vấn đề này dựa trên các chủ trương, định hướng của Chính phủ, các căn cứ khoa học và từ thực tiễn cũng như kinh nghiệm quản lý của mình trên các vị trí công tác. 

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hoài - Phó trưởng khoa Thuế &Hải quan, trưởng Bộ môn Thuế đã có những bình luận về nội dung sửa đổi thuế GTGT và thuế TNCN. Bà Hoài cũng đã nêu ra một số băn khoăn khi không cho hoàn thuế trong trường hợp cơ sở đang hoạt động có thuế đầu vào chưa được khấu trừ hết trong nhiều tháng; việc áp dụng 7 mức thuế suất thuế TNCN không gây phức tạp cho người nộp thuế, ngược lại, Luật thuế TNCN hiện nay đang áp dụng quá nhiều đối tượng được giảm trừ gia cảnh...

PGS.TS Nguyễn Văn Dần đưa ra một số ý kiến về tỷ lệ động viên từ thuế vào NSNN có ảnh hưởng như thế nào đối với điều tiết kinh tế vĩ mô và sự tác động của chính sách thuế sửa đổi.

TS  Nguyễn Đình Chiến, Ths.Phan Tiến Bình, PGS.TS Lê Thị Thanh, PGS.TS Vương Thị Thu Hiền và các nhà khoa học khác cũng có những ý kiến, những câu hỏi xoay quanh các vấn đề liên quan đến dự thảo về thuế tài sản, những thay đổi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt ... và đã nhận được câu trả lời, giải thích với những ví dụ phong phú từ ông Nguyễn Văn Phụng.

Cuộc tọa đàm kéo dài đến gần 12 giờ trưa và sôi nổi đến những phút cuối cùng. Đây thực sự là một hoạt động có ý nghĩa và các thành viên tham dự đều nhất trí đề nghị Học viện nên  tổ chức thường xuyên hơn các khóa bồi dưỡng, các buổi tọa đàm tương tự để các giáo viên, các nhà khoa học có cơ hội đưa ra các quan điểm của mình, góp phần thực hiện tốt  vai trò là một đơn vị tham gia xây dựng, phản biện độc lập chính sách tài chính, chính sách thuế  ở Việt Nam.

Khoa Thuế - Hải quan
Số lần đọc: 8

Danh sách liên kết