(HVTC) – Sáng ngày 1/12/2021, Đảng bộ Học viện Tài chính tổ chức quán triệt Các quy định tại Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư và Quy định số 37 – QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, với phương thức trực tiếp và trực tuyến cho toàn thể cán bộ, đảng viên. Báo cáo viên của Hội nghị là TS. Nguyễn Đức Hà - báo cáo viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng - Ban Tổ chức Trung ương.
Tham dự Hội nghị có sự hiện diện của PGS.,TS. NGND. Nguyễn Trọng Cơ - Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính; PGS, TS. NGƯT. Trương Thị Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy; Phó Giám đốc Học viện Tài chính; - PGS, TS. NGƯT. Nguyễn Vũ Việt - Phó Giám đốc, Chủ tịch BCH Công đoàn Học viện Tài chính; TS, GVCC. Nguyễn Đào Tùng – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Tài chính; đồng chí Ủy viên BTVĐU, Ủy viên BCHĐB, các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Cấp ủy các chi bộ; Trưởng, phó các đơn vị, các tổ chức đoàn thể Học viện và đảng viên trong toàn Đảng bộ.
![](/Portals/0/2021/12.2021/HND3.JPG)
PGS.,TS. NGND Nguyễn Trọng Cơ - Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu
Phát biểu khai mạc, PGS.,TS. NGND Nguyễn Trọng Cơ - Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài chính, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Tài chính nêu mục tiêu, ý nghĩa của Hội nghị và khẳng định đây là sự triển khai cụ thể những chủ trương, chỉ đạo của Đảng từ nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Học viện Tài chính. PGS.,TS. NGND. Nguyễn Trọng Cơ bày tỏ sự trân trọng và lời cảm ơn dành cho TS. Nguyễn Đức Hà, báo cáo viên cao cấp, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng - Ban Tổ chức Trung ương là báo cáo viên của Hội nghị. Theo đó, Hội nghị đã vinh dự được TS. Nguyễn Đức Hà – người có bề dày kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng thuyết trình, sự tâm huyết về những vấn đề về lý luận chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng trình bày những nội trung trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư, Quy định số 37 – QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và cũng nhấn mạnh về yêu cầu các chi ủy chi bộ và toàn thể Đảng viên nghiêm túc lắng nghe, học tập, từ đó quán triệt việc thực hiện đầy đủ các nội dung được quán triệt.
![](/Portals/0/2021/12.2021/HND2.JPG)
Đại biểu tham dự trực tuyến
Tại hội nghị, toàn thể đảng viên của Đảng bộ Học viện Tài chính đã được nghe TS. Nguyễn Đức Hà phổ biến, phân tích cũng như liên hệ thực tế các nội dung nội dung cơ bản, cốt lõi và những điểm mới trong các quy định của Đảng về về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá” trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư; Những điểm mới được điều chỉnh, bổ sung rất quan trọng.
TS. Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng và coi đây là nhiệm vụ then chốt, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có nhiều điểm mới điều chỉnh, bổ sung so với Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII mà trước hết là những điểm mới về mở rộng phạm vi, Kết luận 21 không chỉ đề cập đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị. Đây là một yêu cầu khách quan vì Đảng ta tuy giữ vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội nhưng Đảng không đứng ngoài hệ thống chính trị, không phải là nhân tố độc lập hoàn toàn với hệ thống chính trị. Vì vậy, xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng cần phải coi trọng việc xây dựng hệ thống chính trị, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái. Điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp, Kết luận Trung ương 4 khóa XIII chỉ rõ phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mới. Đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ, bảo đảm xuyên suốt, liên tục, đa chiều, có tiêu chí, thông qua sản phẩm cụ thể, chất lượng, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Gắn đánh giá cá nhân với tập thể, kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Tập trung vào phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát người đứng đầu thực hiện trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, tập trung giám sát cán bộ, đảng viên có lời nói, việc làm biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"… Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tự phê bình và phê bình, thực hiện trách nhiệm nêu gương và khắc phục khuyết điểm của tập thể, cá nhân.
TS. Nguyễn Đức Hà cũng nêu: Ngoài ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp cũng có điểu chỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể như: nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, xác định việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; xử lý tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; đề cao thực hiện thẩm quyền tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới để kiểm tra, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, không để bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật. Nhóm nhiệm vụ về phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, có bổ sung việc phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và việc hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở để thực hiện có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"…
Đối với Quy định số 37 – QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, TS. Nguyễn Đức Hà đã chỉ rõ: Quy định giữ nguyên 19 điều như Quy định 47-QĐ/TW và nhất quán trước sau về quan điểm đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ, vai trò tiên phong gương mẫu và phẩm chất đạo đức của người đảng viên, quy định mới kế thừa cơ bản những nội dung còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới cho phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Nội dung sửa đổi, bổ sung là những vấn đề cốt lõi, quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng, của Hiến pháp năm 2013; những nội dung mới trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua, nhất là các Nghị quyết trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận của Trung ương khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hội nghị là hoạt động thường xuyên của Đảng bộ Học viện Tài chính, khẳng định sự chủ động, tích cực và nhanh chóng triển khai cũng như triệt để thực hiện những chủ trương, đường lối lãnh đạo, đổi mới của Đảng ta. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trong để Đảng bộ Học viện luôn giữ vững danh hiệu thi đua là Đản bộ trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng, nhà nước giao.