Tìm
English
Thứ hai, 08/07/2013 - 7:3

Cuộc thi viết hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện: Nhà giáo nhân dân Ngô Thế Chi: Người thầy giáo mẫu mực, Người quản lý đức độ vừa có tâm vừa có tầm
Đôi mắt thầy ánh lên niềm hạnh phúc khi chúng tôi hỏi về gia đình nhỏ của thầy.Dù chỉ được học thầy thời gian ngắn nhưng em rất quý thầy. Thầy rất tâm lý, thầy không chỉ giảng dạy kiến thức về môn kế toán hay mà thầy còn dạy cả cách sống, cách suy nghĩ. Không hiểu sao học môn thầy giảng em nhớ được rất lâu - đó là những tình cảm của một em sinh viên dành cho GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Ngô Thế Chi – Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy của Học viện Tài chính.

Từ chiến trường trở về tiếp tục sự nghiệp trồng người

Thầy sinh ra và lớn lên tại thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, trong một gia đình đông anh chị em. Cũng như bao học sinh khác, thầy ấp ủ ước mơ được vào một trường Đại học, năm 1971, vượt qua những khó khăn chung của cuộc sống thời chiến tranh, thầy bước chân vào trường Cán bộ Tài chính - Kế toán - Ngân hàng Trung ương. Khi đang là sinh viên năm nhất cũng là thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ngày càng ác liệt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy tạm xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.

Thật khó mà diễn tả được bằng lời cảm giác vừa vui mừng vừa lo lắng, vừa sung sướng, tự hào khi ấy của thầy và các bạn của mình, bởi màu áo trắng sinh viên đã thay bằng màu áo xanh người lính, trở thành anh bộ đội cụ Hồ đi giải phóng quê hương. Tháng 8 -1975 trở về, thầy tiếp tục học tại trường và được giữ lại làm giảng viên năm 1980. Từ đó, thầy bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với chuyên ngành được đào tạo là kế toán, bằng niềm đam mê và khả năng phân tích, dự đoán kinh tế của mình, tròn 10 năm sau, năm 1990, thầy là người đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Kế toán-Tài chính và phân tích hoạt động kinh tế tại trường Đại học Tài chính – Kế toán. Năm 1996 và 2004, thầy được phong phó Giáo sư, Giáo sư, trở thành chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và khu vực. Ngoài ra, thầy còn tham gia viết hơn 30 cuốn sách và hàng trăm đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở; nhiều bài báo, bài nghiên cứu tại các hội thảo trong nước, quốc tế. Từ nhiều năm nay, sách của thầy luôn là “cẩm nang” cho nhiều thế hệ sinh viên Học viện Tài chính, các nhà nghiên cứu và đông đảo cán bộ, công chức muốn tìm hiểu chuyên sâu về lĩnh vực kế toán, tài chính.

Một tấm lòng yêu nghề, say mê nghiên cứu khoa học

Phó Chủ tịch nước trao Huân chương lao động hạng nhì cho Nhà giáo nhân dân, GS. TS. Ngô Thế Chi

Trên cương vị là Giám đốc Học viện kiêm Bí thư Đảng ủy, GS.TS. Nhà giáo nhân dân Ngô Thế Chi đã trực tiếp chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý. Hiện nay, Nhà trường có hơn 700 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên (trong đó có 23 GS, PGS; gần 300 tiến sĩ, Thạc sĩ).

Dù bận rộn với công việc quản lý nhưng thầy luôn dành thời gian để lên lớp, giảng bài. Kế toán là một môn học khó nhưng với các em sinh viên, mỗi lần được nghe thầy giảng bài đều cảm thấy rất hào hứng. Thầy cho biết: Với Thầy, người giảng viên phải làm thế nào để cho sinh viên biết môn học của mình, hiểu môn học của mình và chỉ cho họ biết đứng ở vị trí nào để học môn học đó. Nếu các em biết mình học môn học đó để làm gì và yêu quí nó thì các em sẽ thấy môn học đó rất nhẹ nhàng.

Được ngồi nói chuyện với Thầy, tôi mới hiểu hết được tâm tư của những người Thầy- những thế hệ đi trước, những con người hết lòng vì sinh viên. Trên bục giảng Thầy không chỉ muốn truyền đạt cho sinh viên kiến thức mà Thầy còn muốn dẫn dắt, hướng sinh viên trở thành một con người có ích cho xã hội. Thầy luôn động viên khích lệ sinh viên - những thế hệtrẻ tham gia nhiệt tình vào các phong trào nghiên cứu học tập, tạo điều kiện hết sức để sinh viên của mình tiếp cận được với công nghệ mới. Giúp cho sinh viên phát huy được khả năng của mình. Biết bao thế hệ học trò đã được thầy dìu dắt giờ đây đã thành đạt trong cả cuộc sống gia đình và xã hội, đã trở thành những nhà khoa học, những thầy cô giáo, những doanh nhân và có nhiều người giữnhững trọng trách trong các Bộ, ngành và địa phương. Với những thành tích đó, năm 2008, thầy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Huân chương lao động hạng Nhì và những danh hiệu cao quý khác, nhưng điều làm thầy vui và hạnh phúc hơn cả, đó là đã đóng góp sức lực của mình vào việc trồng người.

Đôi mắt thầy ánh lên niềm hạnh phúc khi chúng tôi hỏi về gia đình nhỏ của thầy. Thầy cô có ba người con đều đang là những người thầy giáo, cô giáo giỏi. Căn nhà của thầy luôn được sưởi ấm bởi tiếng nói tiếng cười và tình yêu thương giữa những người ruột thịt. Thầy tâm sự: “Điều may mắn nhất trong cuộc đời của Thầy là gặp được cô. Người bạn đời đã kề vai sát cánh cùng Thầy trong suốt cuộc đời. Cô luôn động viên khuyến khích và tạo điều kiện cho Thầy hoàn thành công tác và nghiên cứu khoa học. Thầy rất tự hào về cô, thành quả của Thầy hôm nay phần lớn là nhờ vào công sức của cô”. Chia tay với Thầy, tôi không khỏi lưu luyến - Một người Thầy mà khi nhắc tới các cán bộ giáo viên và sinh viên Học viện Tài chính luôn dành cho Thầy sự tôn kính và khâm phục.

Cuộc đời và sự nghiệp của GS.TS, nhà giáo nhân dân Ngô Thế Chi là một chuỗi tích luỹ các kiến thức về cuộc sống nhưng ẩn sau những trang sách đó là một tấm lòng yêu nghề, say mê nghiên cứu khoa học.

                                                     Nguyễn Hồng Sâm_Thời báo Tài chính

Số lần đọc: 7926

 


Danh sách liên kết