Với mọi người, Cha tôi luôn độ lượng, bao dung, hòa đồng nên ông được đồng nghiệp và học trò các thế hệ quý trọng; đặc biệt là các thế hệ Thầy Cô giáo trong Bộ môn Kinh tế chính trị-nơi Cha gắn bó suốt những năm tháng dài giảng dạy và công tác.
Học viện Tài chính được thành lập năm 1963, trải qua gần nửa thế kỷ tồn tại và phát triển với những tên gọi khác nhau như: Trường cán bộ Tài chính kế toán Trung ương, Trường cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương và Trường Đại học Tài chính kế toán. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Học viện Tài chính không chỉ trải qua thăng trầm mà còn đóng góp những người con ưu tú trên cả hai mặt trận xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Các thế hệ Thầy Cô giáo ngày ấy đến bây giờ, người còn, người khuất, nhưng trên tất cả đều là những con người đáng được kính trọng và tri ân.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Học viện Tài chính (1963 -2013) cũng là dịp để các thế hệ Thầy và trò cùng nhìn lại lịch sử, ôn lại kỷ niệm về những tháng năm đã qua và lấy đó làm hành trang để tiếp bước.
Với tôi, mỗi khi nghĩ về mái trường - nơi tôi đã từng học tập và nay đang công tác; từ tận đáy lòng tôi lại trào dâng lòng biết ơn đối với những Thầy Cô giáo đã dìu dắt và truyền cho tôi những nền tảng kiến thức vững chắc để bước vào đời. Trong số những Thầy Cô giáo đó, có một người đặc biệt không chỉ dạy dỗ tôi những năm tháng trên giảng đường đại học mà còn bảo ban, che chở và nuôi dưỡng tôi khôn lớn. Người tôi muốn nói đến, đó là Cha tôi, Thầy giáo Phạm Xuân Đạt.
Giờ đây, Cha tôi không còn nữa nhưng ký ức về Cha, một nhà giáo đáng kính mãi còn đó, mãi vẹn nguyên trong tâm trí tôi.
Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Học viện Tài chính đã phát động cuộc thi “Viết về Học viện Tài chính”; bởi qua đó, thế hệ trẻ chúng tôi có cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn về lịch sử của Học viện, về các Thầy Cô – những người lái đò đã đưa chúng tôi đến bến bờ của tri thức./.
Phần 1: Tuổi thơ và những năm tháng xa gia đình
Cha tôi xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học và ông, bà, cha, mẹ của Cha đều tham gia tích cực vào phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh (1930-1931). Ông nội là Hội trưởng hội phụ lão, còn Cha đẻ được kết nạp Đảng CSVN năm 1945 và tham gia hoạt động chính quyền xã, Bí thư chi bộ xã,… Những truyền thống tốt đẹp đó đã hun đúc và khơi dậy sớm sự giác ngộ cách mạng đối với Cha.
Tuổi thơ của Cha cũng như những người cùng trang lứa chịu nhiều thiệt thòi và thiếu thốn do đất nước bị chiến tranh tàn phá. Năm 1945, Cha đã tham gia vào đội thiếu nhi với chức vụ đội trưởng. Từ năm 15 tuổi (1950-1953), Cha làm công tác thuế và tham gia tích cực vào đội du kích tại địa phương. Bước sang tuổi 18, lứa tuổi nhiều ước mơ và hoài bão đối với cuộc đời mỗi con người, Cha lên đường nhập ngũ và chính thức gia nhập vào quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi Cha đóng quân và chiến đấu là Tiểu đoàn C5D2E270 – Vĩnh Linh – Quảng Trị, đây là một trong những vùng chiến sự ác liệt nhất của cả nước. Sau ngày nhập ngũ 2 năm (1955-1960), Cha được đồng đội bầu làm Tiểu đội trưởng đại liên và ngày 06/6/1957, Cha được kết nạp vào Đảng CSVN tại chiến trường. Việc được gia nhập vào Đảng CSVN là ước mơ cháy bỏng, là niềm vinh dự của mỗi người lính, trong đó có Cha. Tám năm tại chiến trường (1953-1960), Cha và đồng đội của mình không quản ngại hy sinh xương máu, đã chiến đấu cho sự chính nghĩa để đóng góp vào sự trường tồn của dân tộc. Ngày ấy, Cha và đồng đội tham gia vào quân đội theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và sự thôi thúc của con tim; tuyệt nhiên không xác định ngày trở về, những người sống sót trở về là những người may mắn bởi bom đạn không loại trừ ai. Chính sự hy sinh và quyết tử của thế hệ Ông cha đã mang lại nền độc lập nước nhà.
Hết thời hạn quân ngũ, Cha tôi tiếp tục theo học tại Trường Bổ túc văn hóa công nông Nghệ An-Thanh Hóa và Trung Ương (1960-1963).
Tháng 7/1963, Trường cán bộ Tài chính-Kế toán Trung ương được thành lập (nay là Học viện Tài chính) và Cha là thế hệ sinh viên đầu tiên của Trường (1963-1967). Với tính cách giản dị, hòa đồng và tác phong kỷ luật từ những năm quân ngũ nên Cha được các Thầy cô, bạn bè quý mến. Khóa đại học đầu tiên của Trường tốt nghiệp vào tháng 1/1968 và có 28 sinh viên được giữ lại bổ sung cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường, trong đó có Cha.
Từ năm 1968, Cha tôi chính thức trở thành giảng viên của Trường với những tên gọi khác nhau qua các thời kỳ: Trường Đại học Tài chính Kế toán Trung ương, Trường Đại học Tài chính Kế toán ngân hàng Trung ương và Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính). Những năm tháng giảng dạy ở Trường, nhất là khoảng thời gian đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề (1968-1975), Cha và các Thầy Cô cùng thời với Cha đã gặp vô vàn khó khăn nhưng vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình. Những gian khổ không thể nào quên của Cha và thế hệ Thầy-trò cùng thời đó như: việc địch đánh phá ác liệt nên việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, soạn giáo án, học tập,…trở nên khó khăn hơn bao giờ hết; còn điều kiện vật chất thì hết sức thiếu thốn. Ngoài giờ lên lớp, các Thầy-trò còn phải thực thi nhiệm vụ trực chiến. Sự thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần do chiến tranh gây ra tác động không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của Cha và những người cùng thời như Cha; song vượt trên tất thảy những khó khăn đó, bản chất người lính cụ Hồ đã rèn luyện cho Cha thêm ý chí, nghị lực, trách nhiệm và lòng quyết tâm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong bản tự nhận xét công tác giai đoạn 1972-1973, Cha tôi viết “Năm học 1972-1973,… , địch đánh phá ác liệt, việc giảng dạy gặp nhiều khó khăn, nhưng bản thân đã thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, không sợ hy sinh, gian khổ nên đã hoàn thành tốt một số nhiệm vụ sau đây:
- Học kỳ một: Bản thân được giao nhiệm vụ trực chiến và bảo vệ tài sản của Nhà trường, mặt khác lại có nhiệm vụ hướng dẫn khóa 9 học môn Kinh tế chính trị phần TBCN,…..
- Học kỳ hai: Giảng dạy phần XHCN cho khóa 9, tiếp tục nghiên cứu khoa học, soạn giáo án,…, bản thân đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đưa hết khả năng để phấn đấu nên đã làm tốt nhiệm vụ của trên giao,…. Có ý thức tổ chức kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành tốt nội quy của Nhà trường, không hề nao núng trước những nhiệm vụ khó khăn. Ví dụ như nhiệm vụ trực chiến, có khi địch đánh phá ác liệt những vùng lân cận, anh em sơ tán cả chỉ còn lại có hai người, nhưng bản thân vẫn bám lấy Trường sở, làm đầy đủ nhiệm vụ trực chiến cũng như bảo vệ tài sản của cơ quan. Mặt khác, những lúc hoàn cảnh anh chị em trong Bộ môn gặp khó khăn như : do địch họa gây ra hoặc di chuyển sơ tán người và của thì bản thân hết lòng giúp đỡ. Trong khi tiến hành công tác, không những nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật mà còn nêu cao tinh thần tương thân, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao tinh thần đoàn kết, đấu tranh nên đã đảm bảo được sự đoàn kết nhất trí và được anh em yêu mến,…”
Những cố gắng của Cha trong giảng dạy và công tác đã được tập thể Bộ môn, Nhà trường ghi nhận. Thầy Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Quang Long (1972-1985) đã nhận ghi bản nhận xét về Cha tôi như sau: “Là một bộ đội chuyển ngành, học khóa 1 của Trường được giữ lại giảng môn Kinh tế chính trị, chưa qua lớp bồi dưỡng chính trị nào nhưng giảng có hệ thống. Nhưng với tinh thần nỗ lực phấn đấu học tập, tự bồi dưỡng đ/c đã hoàn thành nhiệm vụ công tác giảng dạy được giao, chất lượng, ngày càng tiến bộ, được bình bầu lao động tiên tiến. Có ý thức tổ chức kỷ luật, cần cù, bền bỉ, có tinh thần đấu tranh nội bộ và tích cực tham gia mọi mặt công tác khác của Bộ môn,…”.
Năm 1973, Cha tôi được cử đi học chuyên môn nghiệp vụ tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Khi trở về Trường, Cha tiếp tục công tác giảng dạy của mình và làm Phó chủ nhiệm Bộ môn Mác - Lênin (1975-1984).
Năm 1984, Cha vinh dự được Nhà trường cử sang Liên Xô (cũ) học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lý luận kinh tế chính trị để phục vụ tốt hơn cho công tác giảng dạy. Sau gần 1 năm học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, Cha tôi được Bộ môn tín nhiệm làm chủ nhiệm Bộ môn Kinh tế chính trị, làm chủ nhiệm Khoa Mác – Lênin và chủ nhiệm Khoa Đại cương của Trường Đại học Tài chính Kế toán trong giai đoạn 1985-1998.
30 năm đứng trên bục giảng (1968-1998) và giảng dạy môn học Kinh tế chính trị Mác-Lênin thuộc Bộ môn Mác-Lênin, Cha tôi đã sống và cống hiến hết mình cho sự nghiệp trồng người. Những đóng góp của Cha đã vinh dự được Bộ trưởng Bộ Giáo dục&Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính trao tặng:
Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp Tài chính Việt Nam; Huy hiệu 30 năm và 40 năm tuổi Đảng,…
Với mọi người, Cha tôi luôn độ lượng, bao dung, hòa đồng nên ông được đồng nghiệp và học trò các thế hệ quý trọng; đặc biệt là các thế hệ Thầy Cô giáo trong Bộ môn Kinh tế chính trị-nơi Cha gắn bó suốt những năm tháng dài giảng dạy và công tác. Trong công tác chuyên môn, Cha luôn quan tâm tới thế hệ giảng viên trẻ trong Bộ môn, Cha đã khuyến khích và động viên đồng nghiệp cố gắng học lên cao hơn để sau này trở thành đội ngũ giảng viên nòng cốt xây dựng Bộ môn phát triển.
Phần 2: Những năm tháng đoàn tụ gia đình
Trong suốt 45 năm kể từ ngày tham gia vào quân ngũ đến khi nghỉ hưu (1953-1998), cuộc sống của Cha là xa gia đình, xa quê hương. Những năm tháng dài không có Cha bên cạnh, gia đình tôi không chỉ gặp khó khăn về mọi mặt mà còn thiếu sự chia sẻ kịp thời của Cha. Có những lần về phép, Cha phải đi xe đạp gần 350 km, vừa đạp xe vừa tránh bom đạn. Tất cả thử thách đó, Cha tôi đều vượt qua bởi những giây phút gia đình đoàn tụ đã tiếp sức cho cha con chúng tôi cùng hoàn thành nguyện ước của mỗi người. Cha từng nói: “Điều vui nhất đối với mỗi người Cha, đó chính là nhìn thấy các con trưởng thành”.
Với Cha, gia đình là tất cả và mặc dù ở xa nhưng Cha vẫn một lòng một dạ nghĩ về gia đình; đặc biệt Cha vẫn dành cho Mẹ tôi sự son sắt thủy chung, có lẽ Cha hiểu hơn ai hết sự vất vả, lo toan của Mẹ tôi trong những năm tháng dài hy sinh vì chồng, vì con và thay Cha gánh vác việc gia đình. Còn gia đình vẫn luôn là hậu phương vững chắc để Cha yên tâm công tác.
Chiến tranh đã đi qua nhưng cuộc sống của gia đình tôi cũng như bao gia đình khác vẫn còn bội phần khó khăn, gia đình tôi vẫn phải chịu cảnh xa cách vì nhiều lý do khác nhau. Sau 43 năm, mãi đến năm 1996, khi Trường Đại học Tài chính kế toán chuyển về địa điểm mới ở Hà Nội, Cha và Mẹ tôi mới được đoàn tụ với nhau.
Có thể nói cuộc đời Cha giống như một bức tranh đủ sắc màu, ở đó không chỉ có sự nỗ lực phấn đấu trong lao động, học tập mà còn là một ý chí kiên cường vượt qua thử thách gian nan, không sợ hy sinh.
Gần 50 năm tham gia cách mạng, khi thì hoạt động ở địa phương, khi thì tham gia quân đội hay giảng dạy ở Trường Đại học Tài chính kế toán (nay là Học viện Tài chính), nhưng với cương vị nào, Cha tôi cũng đều giữ vững truyền thống cách mạng của gia đình, dòng tộc, quê hương. Cuộc đời Cha là một tấm gương về sự liêm khiết, tận tụy, vô tư, vượt khó để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Những thế hệ học trò của Cha ngày ấy đã trưởng thành, nhiều người đã giữ những trọng trách quan trọng trong nhiều lĩnh vực công tác trên mọi miền đất nước. Còn thế hệ các Thầy Cô giáo cùng thời với Cha tôi, giờ người còn - người mất. Nhiều người tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn đem trí tuệ của mình cùng các thế hệ trẻ bước tiếp con đường đã lựa chọn và đang đóng góp hết mình cho sự nghiệp xây dựng trồng người tại Học viện Tài chính. Với tôi, tất cả đều là những tấm gương tiêu biểu để thế hệ chúng tôi mãi noi theo, mãi trân trọng và tri ân.
Còn giờ đây, Cha tôi đã đi xa nhưng với tôi những ký ức về Cha mãi vẹn nguyên trong tâm trí. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện Tài chính (1963-2013), tự đáy lòng, tôi muốn tri ân tới người Thầy, người Cha kính yêu: “Cha là tất cả cha ơi, ngàn năm con vẫn trọn đời yêu thương”./.
Phạm Thị Hà _ Ban Quản lý Đào tạo