Tìm
English
Thứ sáu, 05/07/2013 - 7:1

Cuộc thi viết hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập Học viện: Học viện Tài chính vững bước vào tương lai
Học viện đã xây dựng và tạo lập được uy tín, vị thế trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam và khu vực là nhờ các thế hệ lãnh đạo, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ viên chức và các cựu sinh viên của Học viện đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp “trồng người” trong gần 50 năm qua và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó trong thời đại mới.

Trở thành sinh viên của Học viện Tài chính luôn là ước của nhiều thí sinh khi đăng ký dự tuyển vào đại học, mặc dầu điểm trúng tuyển vào các chuyên ngành của Học viện trong những năm qua đều cao hơn rất nhiều so với điểm sàn chung của cả nước. Nhu cầu của xã hội, của người học ngày càng tăng đã khẳng định uy tín, chất lượng đào tạo nhưng đồng thời cũng tạo ra sức ép đối với mọi hoạt động của Học viện. Thành lập từ năm 1963, gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Tài chính (HVTC) đã có nhiều bước phát triển về quy mô, cơ cấu tổ chức, chất lượng đào tạo ,thực hiện tốt sứ mệnh cung cấp sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho xã hội,cung cấp lực lượng lớn cán bộ có trình độ đại học và sau đại học về lĩnh vực tài chính - kế toán cho Ngành Tài chính Việt Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia. 

Gần 50 năm, quả là một chặng đường dài, một khoảng thời gian phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách của cán bộ, viên chức trong các tổ chức thành viên của HVTC. Ngày 31/7/1963, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Cán bộ Tài chính kế toán trực thuộc Bộ Tài chính. Sự ra đời của trường có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp đào tạo cán bộ có trình độ đại học cho ngành Tài chính và nền kinh tế quốc dân. Tháng 11/1964 trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo cán bộ ngân hàng và được đổi tên thành Trường Cán bộ Tài chính Kế toán Ngân hàng Trung ương. Sau ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, để phù hợp với nhiệm vụ mới, ngày 27/10/1976 đổi tên trường thành Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội. Cũng trong năm này, cơ sở II của trường được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1987 đánh dấu bước tiến quan trọng về năng lực và chất lượng đào tạo của trường, với nhiệm vụ đào tạo sau đại học về tài chính kế toán.

Những ngày đầu thành lập, nhà trường mới chỉ có khoảng 50 cán bộ giảng viên, trong đó giáo viên có 17 người, tổ chức thành 3 khoa: Tài chính, Ngân hàng, Kế toán. Số sinh viên hệ chính quy dài hạn khoảng 350 người, và hơn 200 sinh viên hệ chuyên tu. Đến nay, Học viện có 29 đơn vị thuộc và trực thuộc, trong đó  khối các viện nghiên cứu, gồm 2 đơn vị là Viện Kinh tế Tài chính và Viện Đào tạo Quốc tế. Khối đào tạo gồm  13 khoa, 3 trung tâm và 10 ban chức năng. Số lượng cán bộ công chức viên chức của Học viện đã lên tới gần 700 cán bộ, trong đó có 400 giảng viên, 80 nghiên cứu viên với hơn 67% có trình độ trên đại học. Số học viên, sinh viên hiện Học viện đang đào tạo lên tới 24.000 người, trong đó hơn 12.000 sinh viên hệ chính quy tập trung, 7.600 sinh viên tại chức, 2169 học viên cao học và nghiên cứu sinh, trong đó có hơn 200 lưu học sinh, học viên và NCS của Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Hiện nay Học viện đang thực hiện đào tạo trình độ đại học 5 ngành: Tài chính – Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin kinh tế và Ngành Tiếng Anh với 16 chuyên ngành đào tạo và 3 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ. Bên cạnh đó, Học viện còn tiến hành nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phân tích, dự báo tài chính và triển khai công nghệ quản lý tài chính; tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng, cập nhật và hiện đại hoá kiến thức cho cán bộ, công chức viên chưcư trong và ngoài ngành Tài chính. Với những thành tích đạt được, Học viện đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất; hạng Nhì; hạng Ba, đồng thời được Nhà nước CHDCND Lào tặng Huân chương Hữu nghị, Huân chương độc lập. Nhiều cá nhân và đơn vị trong Học viện đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc, bằng khen…

Trong những năm gần đây, HVTC không ngừng đổi mới và phát triển, Học viện đã tăng cường hoạt động liên kết đào tạo với các trường, các tổ chức kinh tế xã hội trong nước cũng như nước ngoài. Thực hiện chủ trương mở rộng đào tạo theo nhu cầu xã hội, HVTC đã tham gia Hội thảo Quốc gia Đào tạo nhân lực Tài chính – Ngân hàng. Hiện nay đã có nhiều tổ chức, doanh nghệp điển hình triển khai các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo với Học viện như tổ chức các khóa học dài hạn, khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, hợp tác thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là hiện nay, HV đã mở được 5 chương trình liên kết đào tạo trình độ đại học và thạc sỹ với các trường đại học có uy tín của Anh, Pháp giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình này đã và đang thực hiện đạt hiệu quả tốt; thực hiện chương trình đào tạo thạc sỹ cho Lào tại Viên chăn với 150 học viên cao học và 180 vinh viên đại học. Tự hào với những thành tích về đào tạo và nghiên cứu khoa học đã được vun đắp trong gần 50 năm qua, HVTC vững tin bước vào tương lai với mục tiêu: Tiếp tục xây dựng, phát triển HV ngày càng lớn mạnh, góp phần to lớn và quan trọng vào việc xây dựng HVTC trở thành trung tâm đào tạo có chất lượng cao của cả nước, từng bước vươn lên ngang tầm khu vực và có uy tín quốc tế. Để tiếp tục phát triển, đáp ứng và thỏa mãn những yêu cầu mới của thực tiễn đặt ra nhằm nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm đào tạo và NCKH của HV ra ngoài xã hội, trong thời gian tới, HV luôn xác định định hướng phát triển sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo và NCKH; Tăng cường các hoạt động liên kết trong NCKH với các trường đại học, các tổ chức, cơ quan đoàn thể, Viện nghiên cứu trong và ngoài nước; Đổi mới cơ chế chính sách phù hợp với NCKH để động viên đội ngũ cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tham gia NCKH.

Đối với công tác đào tạo và NCKH, HV tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm đào tạo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và nhu cầu, khả năng của các đối tượng đào tạo, Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đào tạo đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, tạo nên bản sắc riêng và uy tín về chất lượng sản phẩm đào tạo; Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội. Từ năm 2008 đến nay, HV đã thay đổi phương thức tổ chức đào tạo cho hệ đại học chính quy theo hệ thống tín chỉ. Với phương thức tổ chức đào tạo mới này đã tạo ra những thay đổi căn bản trong công tác tổ chức quản lý đào tạo, đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả sinh viên. Đặc biệt là nâng cao được tính chủ động, linh hoạt cho sinh viên trong việc lựa chọn đăng ký học tập các môn học trong toàn khóa học.

Có thể nói, với tiềm lực sẵn có lại được tiếp thêm sức mạnh của các Viện nghiên cứu chuyên ngành, HVTC đã bước vào một thời kỳ phát triển mới với những hoạt động nghiên cứu được mở rộng và nâng cao cả về chiều rộng và chiều sâu. Số lượng công trình nghiên cứu và sản phẩm nghiên cứu của cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên ngày càng tăng. Hoạt động NCKH của HV đã góp phần vào việc xây dựng các chuyên ngành mới như Thuế, Hải quan, Định giá tài sản và kinh doanh bất động sản, Kinh doanh chứng khoán… Các chuyên ngành của HV đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế thị trường, hội nhập. NCKH đã phục vụ cho việc xây dựng chương trình; đổi mới nội dung chương trình; biên soạn và xuất bản giáo trình, tài liệu tham khảo; đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh hoạt động NCKH, HVTC luôn quan tâm đến việc xã hội hóa các kết quả nghiên cứu, tham gia quản lý khoa học toàn ngành. Nhiều kết quả nghiên cứu và thông tin kinh tế tài chính của HV đã được xã hội đón nhận và đánh giá cao.

Nhìn lại chặng đường đã qua, cán bộ, giáo viên, sinh viên của Học viện không dấu được niềm vui mừng và tự hào về sự nghiệp trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của mình. TS. Phùng Quốc Hiển - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, là cựu sinh viên khoá 14 - Học viện Tài chính chia sẻ: “Tôi luôn tự hào mình từng là sinh viên trường Đại học Tài chính - Kế toán và hôm nay là Học viện Tài chính, là một trường Đại học có uy tín, có “thương hiệu” trong các trường Đại học kinh tế của cả nước;trở thành sinh viên của Học viện là ước mơ và là sự lựa chọn của đông đảo các bạn trẻ mới rời trường trung học phổ thông. Những sản phẩm của Học viện đã được xã hội chấp nhận, đó là hàng vạn cán bộ có trình độ cử nhân, thạc sỹ và tiến sĩ được Học viện Tài chính đào tạo đã có mặt trên mọi lĩnh vực và đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Có thể nói, trường Đại học Tài chính là nơi đào tạo tôi trở thành người cán bộ tài chính và ngành Tài chính đã dìu dắt, bồi dưỡng tôi trưởng thành như hôm nay. Tôi không bao giờ quên những công lao to lớn đó của nhà trường và của ngành Tài chính”.

Biết bao thế hệ cán bộ thầy cô giáo đã dày công xây đắp cho sự phát triển của Trường Đại học Tài chính Kế toán nay là Học viện Tài chính. Với cương vị là người đứng đầu Học viện hiện nay, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Ngô Thế Chi, thay mặt gần 700 cán bộ viên chức Học viện Tài chính khẳng định:  Học viện đã xây dựng và tạo lập được uy tín, vị thế trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam và khu vực là nhờ các thế hệ lãnh đạo, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ viên chức và các cựu sinh viên của Học viện đã khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp “trồng người” trong gần 50 năm qua và tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó trong thời đại mới.

                                                           Nguyễn Hồng Sâm_Thời báo Tài chính

Số lần đọc: 11591

 

Danh sách liên kết