Đảng bộ Học viện Tài chính luôn là một khối đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động nhằm thực hiện hoàn thành sứ mệnh “cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho xã hội, nhất là các sản phẩm về Tài chính – Kế toán”,
Đảng bộ Học viện Tài chính trực thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính với hơn 550 đảng viên với trình độ học vấn cao, chuyên môn nghiệp vụ vững, được rèn luyện qua thực tiễn; có bản lĩnh chính trị cao, tuyệt đối trung thành với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có lối sống giản dị, lành mạnh, có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, có tinh thần xây dựng và ý chí phấn đấu cao,… Vì vậy, đảng bộ Học viện Tài chính luôn là một khối đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động nhằm thực hiện hoàn thành sứ mệnh “cung cấp các sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao cho xã hội, nhất là các sản phẩm về Tài chính – Kế toán”, đưa Học viện Tài chính trở thành cơ sở đào tạo và NCKH hàng đầu trong cả nước, từng bước khẳng định vị thể ở khu vực và trên toàn thế giới.
1. Đánh giá vai trò lãnh đạo của Đảng ủy đối với công tác NCKH
Trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 vừa qua, Đảng ủy Học viện đã vượt qua không ít khó khăn và thách thức; luôn bám sát tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của Học viện, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng bộ Học viện Tài chính. Đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đã tạo nên phong trào nghiên cứu khoa học rộng khắp trong cán bộ viên chức Học viện, tăng mạnh cả số lượng và chất lượng các công trình khoa học, điều đó được thể hiện như sau:
Thứ nhất: Chủ trương, chính sách mới và đúng đắn
Tiếp nối các thế hệ trước, trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy Học viện kiên định thực hiện sứ mệnh và giá trị cốt lõi đã đề ra đó là cung cấp các sản phẩm đào tạo và NCKH chất lượng cao cho xã hội. Trên trục sứ mệnh đó, Đảng ủy đã có nhiều chủ trương, chính sách, định hướng hàng năm, trung hạn và dài hạn phát triển khoa học và công nghệ của Học viện. Đảng ủy Học viện Tài chính luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả của các công trình nghiên cứu khoa học; khơi dậy năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, đảng viên. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học ở Học viện ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, hiệu quả; hoạt động nghiên cứu khoa học đã phát triển thành một phong trào rộng khắp trong toàn Học viện.
Thứ hai: Chỉ đạo quyết liệt thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao về khoa học và công nghệ:
Nhiệm kỳ 2010-2015, trên cơ sở phối hợp với lãnh đạo Học viện, Đảng ủy Học viện đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn thể cán bộ đảng viên triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị về khoa học và công nghệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của Học viện mà Đại hội Đảng làn thứ IV đề ra trên tất cả các mặt hoạt động, trong đó có công tác NCKH. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động NCKH của Học viện được minh chứng qua các nhiệm vụ cơ bản sau:
- Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ NCKH cấp Bộ, Nhà nước: Hoàn thành nhiều công trình NCKH cấp Nhà nước (11 đề tài), cấp Bộ (89 đề tài) đã đáp ứng được yêu cầu và chỉ đạo của Bộ Tài chính, góp phần hoàn thiện căn cứ lý luận cho việc ban hành, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách kinh tế- tài chính phục vụ lãnh đạo, điều hành của Bộ Tài chính và bộ ngành khác.
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ NCKH cấp cơ sở (Học viện): Từ năm 2010 đến nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Học viện phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng với trọng tâm là phục vụ công tác đào tạo; tổng kết thực tiễn góp phần phát triển lý luận; xây dựng, hoàn thiện các khung chương trình, nội dung môn học; hoàn thiện hệ thống giáo trình; nghiên cứu lý luận cơ bản. Cụ thể, số lượng đề tài cơ sở đã hoàn thành là 818, liên kết với các đơn vị thực tế là 4; số sách xuất bản phục vụ đào tạo là 187 đầu sách, 01 sách quốc tế; số bài báo khoa học là 1.258 bài, 28 bài quốc tế. Chính từ hoạt động NCKH phát triển đã đóng góp đáng kể vào việc xây dựng các chuyên ngành mới của Học viện; đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy, phương pháp NCKH; góp phần tích cực rèn luyện giảng viên có năng lực nghiên cứu khoa học độc lập, tự cường và tự trọng.
Đại biểu tham dự Hội thảo khoa học chụp ảnh kỷ niệm
- Lãnh đạo, chỉ đạo công tác NCKH sinh viên: Hoạt động NCKH trong sinh viên Học viện Tài chính đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy Học viện trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt từ năm 2010 đến nay. Kết quả là đã tạo được một phong trào NCKH rộng khắp trong sinh viên toàn Học viện, liên tục tăng cả số lượng và chất lượng các công trình của sinh viên NCKH như đề tài khoa học dự thi, bài đăng Nội san SV NCKH, bài Hội thảo khoa học và các hoạt động Festival, Olympic – điều đó đã tạo nên sự khác biệt, một môi trường NCKH dành riêng cho sinh viên mà ít trường có được như Học viện.
Thầy vào trò Học viện Tài chính tham dự Hội nghị SV NCKH năm 2014
- Lãnh đạo, chỉ đạo về hợp tác quốc tế trong NCKH: Hợp tác quốc tế về NCKH được Đảng ủy và lãnh đạo Học viện quan tâm chỉ đạo như một nhiệm vụ chiến lược trong tiến trình nâng cao vị thế của Học viện ở khu vực và trên thế giới. Học viện có quan hệ hợp tác với nhiều trường đại học, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và nghiên cứu khoa học của các nước tiên tiến. Hoạt động hợp tác quốc tế về NCKH đã tạo điều kiện cho nhiều cán bộ giảng viên và sinh viên được tiếp cận với những kiến thức mới về lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, nghiên cứu khoa học kinh tế, tài chính, kế toán thông qua hợp tác thực hiện các công trình nghiên cứu, các cuộc Hội thảo khoa học, tọa đàm và trao đổi.
Trong giai đoạn 2010 – 2015, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao và đúng hướng của Đảng ủy Học viện, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của cán bộ, giảng viên và sinh viên đã có những bước tiến vượt bậc góp phần xây dựng nội dung, chương trình đào tạo; xây dựng các ngành, chuyên ngành mới đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường; biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên khảo phục vụ kịp thời công tác đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội; nhiều công trình được vinh danh ở cấp Bộ, cấp Nhà nước. Đồng thời, nhiều sản phẩm khoa học đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chính sách và điều hành, quản lý tài chính của Bộ Tài chính, phát triển nền tài chính quốc gia.
Lãnh đạo Học viện Tài chính và Ban QLKH
2. Những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Hoạt động NCKH&CN giai đoạn 2010-2015 đã đạt được những kết quả đáng trân trọng và khích lệ đối với toàn bộ cán bộ giảng viên và sinh viên Học viện tài chính, tuy nhiên cùng với sự phát triển và thay đổi phương thức quản lý trường đại học hiện nay thì hoạt động NCKH&CN của Học viện còn một số hạn chế cần khắc phục giai đoạn tới, cụ thể:
Một là, về chất lượng các công trình NCKH: Nhiều nhà khoa học đã nhận định rằng hoạt động NCKH của Việt Nam nói chung còn nhiều bất cập, không chỉ hạn chế về chất mà còn thiếu về lượng; đây có thể nói là tình trạng phổ biến và Học viện chúng ta cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Nhiều công trình nghiên cứu không có giá trị thực tiễn và tính mới khoa học, tỷ lệ trùng chéo khá lớn và nhiều công trình sau nghiệm thu chỉ xếp vào tủ hoặc thư viện.
Hai là, việc gắn kết giữa NCKH với đào tạo, với thực tiễn/sản xuất: Những năm qua, ở các trường đại học tại Việt Nam nói chung và Học viện chúng ta nói riêng hoạt động NCKH chưa gắn kết chặt chẽ với đào tạo, giữa các Viện nghiên cứu tách rời khỏi khối đào tạo; NCKH nặng về lý luận chưa gắn với thực tiễn cuộc sống/sản xuất tại các doanh nghiệp.
Ba là, về tổng kết đánh giá và khảo sát thực tiễn: Những năm qua/giai đoạn 2010-2015 công tác tổng kết, đánh giá hoạt động NCKH&CN chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đánh giá thực chất, chất lượng, tìm ra nguyên nhân để có định hướng và giải pháp cho thời gian tiếp theo. Đối với các công trình khoa học xã hội, nghiên cứu cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội thì thiếu khảo sát thực tiễn nên giá trị khoa học đóng góp trong chính sách còn khiêm tốn, chính sách khó đi vào đời sống.
Bốn là, phân tích dự báo phục vụ hoạt động của Học viện: Công tác phân tích dự báo thời gian qua chưa được quan tâm đúng mực, chưa có định hướng nội dung, do đó chưa đáp ứng được yêu cầu của Học viện như công tác đào tạo, tuyển sinh, NCKH,...
Năm là, về kinh phí: Kinh phí dành cho NCKH của Học viện chúng ta còn hạn chế, chỉ đủ khuyến khích nhà khoa học thực hiện những công trình nhỏ lẻ, không thể đảm bảo điều kiện thực hiện các công trình lớn, dài hạn, có chất lượng cao, do vậy chưa tạo được động lực thúc đẩy nhân tài khoa học, tập trung trí tuệ cho nghiên cứu sáng tạo.
3. Nguyên nhân của những hạn chế
Công tác chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động NCKH giai đoạn 2010-2015 vẫn còn những hạn chế cần khắc phục và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu như sau:
Một là, nguyên nhân khách quan: Những hạn chế trong hoạt động NCKH của HVTC giai đoạn 2010-2015 do những nguyên nhân khách quan như nền kinh tế nước ta còn chậm phát triển; hoạt động NCKH còn yếu, trình độ khoa học công nghệ còn thấp; Thông tin phục vụ cho hoạt động NCKH còn chưa đầy đủ và minh bạch; cơ chế quản lý hoạt động NCKH&CN mang tính bình quân; phân bổ kinh phí và mang nặng “xin, cho”; kinh phí dành cho NCKH và dành cho hoạt động khảo sát thực tiễn, liên kết nghiên cứu hạn chế; nguồn thông tin phục vụ phân tích dự báo phục vụ hoạt động của Học viện rất khó khăn,…
Hai là, nguyên nhân chủ quan: Những hạn chế trong hoạt động NCKH của HVTC giai đoạn 2010-2015 do những nguyên nhân chủ quan sau: Đây là giai đoạn Học viện tập trung thúc đẩy hoạt động NCKH theo chiều rộng. Quản lý hoạt động NCKH theo cơ chế xét duyệt, phân bổ kinh phí nên khó có thể lựa chọn được công trình có chất lượng; trong đánh giá nghiệm thu đôi khi còn nể nang, vì vậy giá trị các công trình NCKH chưa cao. Kinh phí phân bổ cho đề tài không đủ để thực hiện các cuộc khảo sát thực tế với chất lượng thông tin cao; không tổ chức bộ phận chuyên trách thực hiện phân tích dự báo và cũng chưa đầu tư kinh phí cho hoạt động này.
4. Khuyến nghị, đề xuất giải pháp định hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Qua nghiên cứu, đánh giá kết quả hoạt động NCKH&CN của Học viện Tài chính đã đạt được giai đoạn 2010-2015, phân tích những tồn tại hiện hữu cần khắc phục; chúng tôi đề xuất một số khuyến nghị cơ bản nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động NCKH&CN nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế giai đoạn 2010 – 2015, qua đó góp phần đưa hoạt động NCKH &CN ở Học viện Tài chính phát triển thực chất và hiệu quả, các khuyến nghị cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong Học viện thực hiện triệt để các Nghị quyết của Đảng ủy Học viện đã đề ra, trong đó có nhiệm vụ tăng cường công tác NCKH&CN theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị thực tế công trình.
Hai là, chỉ đạo sát sao việc đổi mới hoạt động NCKH không những gắn với đào tạo, mà còn đảm bảo hiệu quả kinh tế, khai thác đa dạng các nguồn thu từ khoa học công nghệ; quan tâm và tăng cường khuyến khích các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cơ bản. Chỉ đạo các đơn vị chức năng có cơ chế xã hội hóa hoạt động NCKH, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong Học viện khai thác triệt để các nguồn lực tài chính từ xã hội vào hoạt động NCKH cấp Học viện và cấp Bộ (để cán bộ giảng viên đăng ký thực hiện đề tài cấp Học viện, cấp Bộ Tài chính lấy công trình khoa học bằng nguồn tài chính xã hội hóa – làm được như vậy thì hàng năm số lượng đề tài các cấp sẽ tăng và đáp ứng nhu cầu của giảng viên).
Ba là, chỉ đạo kịp thời đổi mới phương pháp NCKH theo hướng tăng cường khảo sát, tổng kết thực tiễn, áp dụng các phương pháp NCKH định lượng, không nghiên cứu chung chung về lý thuyết; nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn đời sống xã hội/doanh nghiệp; tăng cường xã hội hóa sản phẩm khoa học để nâng cao nguồn thu bằng nhiều hình thức như phát hành ấn phẩm, cung cấp thông tin khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ.
Bốn là, chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng NCKH trong nhiệm kỳ 2015-2020, hạn chế và tiến tới bãi bỏ cơ chế “xin, cho”, cơ chế “phân bổ” kinh phí bình quân như hiện nay; từng bước thay thế bằng cơ chế tuyển chọn cạnh tranh hơn, chất lượng hơn; tuyển chọn được công trình khoa học thực sự có giá trị thực tiễn, theo đó kinh phí cho một công trình cũng cao hơn nhiều hiện nay. Từng bước đưa Học viện Tài chính trở thành một Học viện/đại học nghiên cứu – lấy tích lũy khoa học làm cốt lõi của sản phẩm cung cấp cho xã hội.
Năm là, chỉ đạo triển khai qui định về nghiên cứu khoa học trong cán bộ giảng viên trẻ theo hướng tập trung ưu tiên tài năng trẻ bằng các hình thức thích hợp và bền vững như thành lập câu lạc bộ giáo viên trẻ, xây dựng các Vườn ươm khoa học (giáo viên trẻ, sinh viên) để đến hết nhiệm kỳ V của Đảng ủy Học viện vào năm 2020, Học viện chúng ta có thể tự hào có 5 thế hệ giảng viên trẻ, sinh viên liên tục kế tiếp có đủ khả năng cạnh tranh với các trường trong nước và khu vực về các loại hình NCKH; như vậy việc đạt giải cao trong các cuộc thi NCKH trẻ và sinh viên NCKH không còn là chuyện khó khăn, xa vời như hiện nay nữa.
Sáu là, chỉ đạo triển khai chi tiết chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học của Học viện đã đề ra cho từng năm thật đúng, trúng và hiệu quả. Theo đó các đơn vị rà soát các cán bộ giảng viên có khả năng, có nhu cầu hoặc gần đạt được các tiêu chuẩn nhà nước qui định về GS, PGS, NGND, NGƯT,…để qui hoạch, bồi dưỡng, phân công nhà khoa học giúp đỡ; Học viện hỗ trợ và tạo điều kiện đề họ đạt được tiêu chuẩn đó, qua đó ngày càng tăng đội ngũ các nhà khoa học của Học viện, đồng thời cũng nâng cao vị thế của Học viện chúng ta.
Trên đây là một số đánh giá, nhận định về vai trò lãnh đạo của Đảng ủy đối với công tác NCKH&CN của HVTC giai đoạn 2010 – 2015 và những khuyến nghị, định hướng trong lãnh đạo chỉ đạo của Đảng ủy Học viện giai đoạn 2015 – 2020./.
Nguyễn Mạnh Thiều - Bí thư Chi bộ Ban QLKH – HTQT