Tìm
English
Thứ năm, 08/11/2018 - 10:3

Cảnh giác tình trạng kinh doanh hàng giả trong thương mại điện tử
Hưởng ứng Công văn số 4233/SCT-QLTM của Sở Công Thương Hà Nội đề nghị sở, ngành, các trường Đại học, cao đẳng cảnh báo tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử. CB,VC, sinh viên Học viện Tài chính cảnh giác và kiên quyết không tham gia mua, bán, tiêu thụ những mặt hàng này.


Thương mại điện tử nở rộ

Nội dung Công văn số 4233/SCT-QLTM 
Công văn số 4233/SCT-QLTM ngày 23/8/2018 nêu rõ về tình hình thực tế và phản ánh của một số phương tiện truyền thông đại chúng gần đây về tình trạng kinh doanh thương mại điện tử trên không gian mạng tồn tại nhiều website, app thương mại điện tử, tài khoản mạng xã hội kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Để kịp thời ngăn chặn các tình trạng nêu trên, bảo vệ quyền người tiêu dùng, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng trên không gian mạng, Sở Công Thương đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý, nhân dân và người tiêu dùng trên địa bàn về việc không tham gia kinh doanh hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trên không gian mạng và không mua bán, tiêu thụ những mặt hàng này.
Người mua trực tuyến cần đối chiếu, kiểm tra kỹ thông tin, tình trạng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thực nhận so với quảng cáo của người bán, tránh tình trạng mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, không tiếp tay tiêu thụ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ khi tham gia mua sắm trực tuyến.
Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về thương mại điện tử thì kịp thời thông báo đến đường dây nóng để kịp thời xử lý giải quyết.
Không tiếp tay cho trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc 

Ma trận hàng nhái, hàng giả

Kinh doanh trực tuyến nở rộ với sự xuất hiện của facebook (Fb), youtube, nhất là thương mại điện tử (TMĐT) vì sự tiện lợi to lớn của nó đem lại đã lôi cuốn nhà nhà, người người kinh doanh. Chỉ cần click chuột, người tiêu dùng ở bất cứ nơi nào, chỉ cần điện thoại smart phone nối mạng internet là có thể mua bất cứ loại hàng nào muốn. 
Các trang TMĐT giống như một cái chợ, trong đó Công ty quản lý trang TMĐT đóng vai trò là ban quản lý chợ cung cấp các gian hàng cho thuê và thu phí người bán. Vì vậy, các công ty TMĐT càng có nhiều gian hàng thì lợi nhuận sẽ tăng theo tỷ lệ thuận với số gian hàng. Việc  đăng ký một gian hàng trên các trang TMĐT là khá dễ dàng. Dễ dàng hơn rất nhiều là việc bán hàng trên Fb, fanpage, các diễn đàn mà không cần đăng ký kinh doanh và không phải trả phí cho nhà xây dựng nền tảng, thậm chí không cần xác minh danh tính. 

 Hàng giả, hàng nhái được bán công khai trên nhiều trang TMĐT (Ảnh minh họa)

Việc cam kết không bán hàng giả, hàng nhái nếu có của các Công ty quản lý trang TMĐT chỉ là hình thức, không có kiểm duyệt, giám sát. Hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc có cơ hội tung hoành mà trong số đó, sinh viên, CBVC ở các trường, các cơ quan nhà nước tham gia không ít. Bên cạnh đó, nhiều người không bán hàng nhưng tham gia tích cực việc like, share và bình luận các mẫu hàng được đang giới thiệu và quảng cáo. 
Một khảo sát vừa công bố gần đây dựa trên 700.000 mẫu thảo luận ngẫu nhiên liên quan đến các thương hiệu trên mạng xã hội trong khoảng 8, có hơn 347.800 tương tác về quảng cáo sản phẩm dịch vụ trên Facebook. Trong đó, có nhiều trang có dấu hiệu chạy quảng cáo, phát tán tin tức thiếu tính chính xác để câu khách truy cập vào đường dẫn trang bán hàng hoặc sử dụng những thủ thuật để tăng lượt like, share và bình luận. 
Youtube cũng là một kênh được người sử dụng thực hiện để kiếm tiền từ quảng cáo bằng lượt view quảng cáo.

Loại hình kinh doanh đa cấp lừa đảo cần cảnh giác 

Hệ lụy tiêu cực mà hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đem đến cho xã hội không nhỏ, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính, gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. 
Bên cạnh sự bất cập trong cơ chế quản lý,  sự “tiếp tay” của người phân phối, tiêu dùng đóng vai trò to lớn cho tình trạng này càng trầm trọng.   
Do những tác hại rất lớn đối với nền kinh tế từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, nhà nước và pháp luật đã có những quy định hình phạt tương ứng cho những người có hành vi nêu trên.
Mặt khác, các loại hình kinh doanh đa cấp lừa đảo với thủ đoạn lừa đảo tinh vi những năm gần đây đã lôi cuốn không ít người dân tham gia, không ít trong số đó là CBVC, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Những người tham gia đã bước chân vào con đường tiếp tay cho lừa đảo và phân phối, tiêu dùng hàng hóa kém chất lượng, giả mạo..
Học viện Tài chính kêu gọi và nhắc nhở mỗi CBVC, sinh viên không tham gia, tiếp tay đối với việc tiệu thụ, tiêu dùng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, hàng giả. 

Cách tránh mua, bán, tiêu dùng hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ

- Chỉ nên giao dịch mua bán sản phẩm, hàng hóa trên những website, app thương mại điện tử đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thông báo, đăng ký theo quy định (danh sách được công khai tại địa chỉ mạng http://online.gov.vn).

-    Lựa chọn địa chỉ mua hàng uy tín, được nhiều người tin cậy. Tìm hiểu trang web của công ty, đơn vị sản xuất hàng hóa hay đại lý chính thức được ủy quyền bán sản phẩm.

- Về giá cả: Dù giá tiền không phải yếu tố quyết định nhưng sản phẩm chính hãng thường không có giá quá rẻ. Nếu rẻ quá, cần cân nhắc.

- Chọn sản phẩm nguyên hộp: nên mua các sản phẩm vẫn còn nguyên niêm phong (seal) và giấy bóng kính kiểm tra tem, hộp và vỏ bao bì, quy cách đóng hộp, chai phải nguyên vẹn, in sắc nét

- Để ý các chi tiết trên hộp: Hàng chuẩn thường có vỏ hộp được in cẩn thận, sắc nét, rõ ràng, hài hoà về mặt thẩm mỹ và cực kỳ ít lỗi sai.

- Cảm quan cá nhân trên sản phẩm: Với những mặt hàng như giày dép, quần áo, sản phẩm chính hãng thường ít có lỗi vặt (chỉ thừa, may lỗi, đường may không sắc nét).. Nước hoa, cần cảm nhận trực tiếp từ mùi hương, thời gian bay mùi...

- Đặc biệt chú ý mã vạch hay mã QR không hoàn toàn là công cụ để kiểm tra hàng giả hàng nhái. Đây chỉ là chìa khóa dẫn đến kho dữ liệu tương ứng (mô tả thông tin về sản phẩm) chứ không phân biệt hàng giả và hàng thật mà phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau của sản phẩm.

- Không đăng, like, share trên Fb, youtube... những sản phẩm không rõ tính hợp pháp hay chắc chắn là hàng chính hãng.

 

Những quy định hình phạt tương ứng cho những người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự.
1. Phạm tội theo khoản 1 Điều 156
Khoản 1 Điều 156 quy định:
“1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154, 155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.
Theo Điều 3 giải thích từ ngữ của Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động Thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì:
– “Sản xuất” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in ấn, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa.
– “Buôn bán" là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.
– “Hàng giả” gồm:
a) Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
b) Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc trong các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
c) Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
d) Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;
h) Tem, nhãn, bao bì giả.
Việc xác định giá trị hàng giả bằng cách tính giá trị số lượng tương ứng với hàng thật để xác định giá trị cụ thể.
2. Phạm tội theo khoản 2 Điều 156
Người phạm tội theo khoản 2 Điều 156 sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm nếu thuộc một trong các trường hợp quy định:
a) Có tổ chức
Là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong đó, ít nhất có người tổ chức, người thực hành…
b) Có tính chất chuyên nghiệp
Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định bộ luật hình sự quy định:
“5.1. Chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
a) Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xoá án tích;
b) Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Ví dụ: A là một người không nghề nghiệp, chuyên sống bằng nguồn thu nhập từ việc phạm tội. Trong một thời gian, A liên tiếp thực hiện năm vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng tình tiết định khung hình phạt “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
5.2. Khi áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, cần phân biệt:
a) Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
Ví dụ: B đã bị kết án về tội “trộm cắp tài sản”, nhưng chưa chấp hành hình phạt hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt, trong một thời gian, B lại liên tiếp thực hiện bốn vụ trộm cắp tài sản (tài sản chiếm đoạt được trong mỗi vụ có giá trị từ năm trăm ngàn đồng trở lên). Trong trường hợp này, B phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị áp dụng ba tình tiết tăng nặng là “phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”.
b) Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS. Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS”.
c) Tái phạm nguy hiểm
Khoản 2 Điều 49 BLHS quy định:
“Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý”.
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Là trường hợp người phạm tội có chức vụ hay quyền hạn về lĩnh vực mình làm và đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để thực hiện hành vi phạm tội. Ví dụ: nhân viên Hải quan A lợi dụng các mối quan hệ của mình khi đang làm việc để buôn bán bánh xà phòng giả...
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức
Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức là trường hợp người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để sản xuất, buôn bán hàng giả. Ví dụ: A làm nhân viên sản xuất bánh kẹo cho công ty B; lợi dụng mình là nhân viên công ty B, A sản xuất và bán bánh kẹo giả cho C để thu lợi.
e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng.
g) Thu lợi bất chính lớn
Là số tiền mà người phạm tội thu được do sản xuất, buôn bán hàng giả. Số tiền thu lợi bất chính là hiệu số của giá trị nguyên liệu làm nên hàng giả hoặc số vồn mà người phạm tội bỏ ra để mua hàng giả với số tiền thu được mà người phạm tội bán số hàng giả đó. Ví dụ A sản xuất 100.000 chai dầu gội giả hết 300 triệu đồng, A bán hết số hàng giả đó được 500 triệu đồng, như vậy số tiền thu lợi bất chính sẽ là 500-300=200 triệu đồng.
Chưa có hướng dẫn cụ thể thu lợi bao nhiêu là lớn nhưng thực tiễn xét xử cơ quan tố tụng thường xem xét toàn diện để xác định và thường số tiền bất chính từ 50 triệu đến 200 triệu đồng.
h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng
Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gây ra là những thiệt hại rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên có thể hiểu hậu quả rất nghiêm trọng ở đây có thể là gây nhiều người bị thương, bị trúng độc do dùng hàng giả; số lượng hàng hóa giả lớn tiêu thụ nhiều nơi; gây hoang mang dư luận không dám sử dụng sản phẩm thật nữa…
3. Phạm tội theo khoản 3 Điều 156
Người phạm tội theo khoản 3 sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm nếu thuộc một trong các trường hợp:
a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn
Số tiền thu lợi bất chính có thể từ 200 triệu đồng trở lên là thu lợi rất lớn; có thể là từ 500 triệu đồng trở lên là thu lợi đặc biệt lớn.
c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Hàng giả gây ra chết người hoặc gây thương tích cho nhiều người; có thể gây ra hoang mang sợ hãi trong dư luận; mọi người “tẩy chay” hàng thật gây thiệt hại rất lớn cho đơn vị sản xuất hàng thật…
* Hình phạt bổ xung theo khoản 4 Điều 156: “4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

 

 

Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo kinh doanh đa cấp

Bán hàng đa cấp bất chính hay hình tháp ảo là một hiện tượng biến tướng của phương thức kinh doanh đa cấp; trong đó, lợi nhuận không xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ việc tuyển dụng các thành viên mới. Đối tượng làm việc của kinh doanh theo mạng là hàng hóa, lợi nhuận thu được từ bán hàng hóa; còn đối tượng sử dụng hình tháp ảo hướng tới là tiền.

SV cần tránh xa các doanh nghiệp chỉ chú trọng phát triển hệ thống, lôi kéo, ép buộc tham gia nhưng không có hàng bán thực tế. Kinh doanh đa cấp hợp pháp không quan trọng bạn tham gia khi nào, ở vị trí nào trong hệ thống, mà chỉ quan tâm bạn kinh doanh như thế nào.

Kinh doanh đa cấp hợp pháp sẽ không mất phí, nếu có, chỉ là khoản phí nhỏ để mua tài liệu, làm thẻ; còn kinh doanh đa cấp theo hình tháp ảo thì phải mất khoản tiền lớn để tham gia. Theo đó, kinh doanh đa cấp hợp pháp, giá sản phẩm bán cho nhà phân phối phải thấp hơn giá thị trường, còn đa cấp hình tháp ảo thì không thể bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, sản phẩm được cung cấp phải được cam kết nhận lại và trả lại ít nhất 90% giá trị, còn kinh doanh theo hình tháp ảo thì không cam kết hoặc cố tình trì hoãn thực hiện nhận lại sản phẩm…

 

CBCC Học viện Tài chính lưu ý

Theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 quy định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, Điều 28 quy định về điều kiện đối với người tham gia bán hàng đa cấp và các trường hợp không được tham gia bán hàng đa cấp bao, khoản đ quy định: Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức không được tham gia bán hàng đa cấp.

 

Thông tin hoặc khiếu nại để được tư vấn, bảo vệ khi mua phải hàng giả, hàng nhái: Người tiêu dùng cũng như nhà phân phối, bán lẻ cần liên hệ với Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (vca.gov.vn) hoặc cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (online.gov.vn) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Đối với hiệp hội, người tiêu dùng liên hệ với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (vecom.vn) hoặc Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (vinastas.org).

Hotline Sở Công thương: 024.6269.1251/024.2215.5527;

Hotline Chi cục Quản lý thị trường: 024.3355.3711/024.3355.3981

 

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 142

Danh sách liên kết