Tìm
English
Thứ ba, 25/12/2018 - 11:38

Gặp mặt NCS sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn TCDN & bộ môn ĐGTS
Nhằm phát huy vai trò của Bộ môn trong công tác quản lý chuyên môn đối với các NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn; với mục đích trao đổi kinh nghiệm hướng dẫn NCS; chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai kế hoạch nghiên cứu của các NCS, ngày 23/12/2018, Bộ môn Tài chính doanh nghiệp (TCDN) đã phối hợp với Bộ môn Định giá tài sản tổ chức buổi gặp mặt NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại hai Bộ môn.

Đến dự buổi gặp mặt NCS của hai Bộ môn, về phía Lãnh đạo Học viện và các đơn vị ngoài Khoa có sự hiện diện của PGS, TS.Trương Thị Thuỷ – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Tài chính; PGS, TS. Đinh Văn Hải – Phó trưởng Khoa Kinh tế; TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính; TS. Phạm Văn Bình – Giám đốc Trung tâm dữ liệu Quốc gia và dịch vụ về giá. Về phía Khoa TCDN có sự hiện diện của PGS, TS. Vũ Văn Ninh –  Phó trưởng Khoa, Trưởng Bộ môn TCDN; PGS,TS. Đoàn Hương Quỳnh –  Phó trưởng Khoa,  Phó trưởng Bộ môn TCDN; TS. Nguyễn Minh Hoàng – Trưởng Bộ môn Định giá Tài sản; Các Nhà khoa học đang tham gia hướng dẫn NCS; các Lãnh đạo, giảng viên của Bộ môn TCDN và Bộ môn ĐGTS cùng toàn thể các NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại hai Bộ môn.

Quang cảnh của buổi gặp mặt NCS sinh hoạt chuyên môn tại 2 Bộ môn

Hai Bộ môn phối hợp tổ chức buổi gặp mặt nhằm thực hiện kế hoạch đào tạo của Học viện Tài chính năm học 2018-2019, đồng thời đẩy mạnh công tác quản lý nghiên cứu sinh, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các Bộ môn với Nghiên cứu sinh đang sinh hoạt tại Bộ môn, với các giáo viên hướng dẫn cũng như để nắm bắt trao đổi, giải đáp băn khoăn nhằm giúp các nghiên cứu sinh yên tâm học tập và nghiên cứu tại Học viện Tài chính.

PGS, TS.Vũ Văn Ninh và TS.Nguyễn Minh Hoàng chủ trì buổi gặp mặt NCS

TS.Trần Thanh Hà – Phó Trưởng BM ĐGTS khai mạc buổi gặp mặt NCS

Sau phần khai mạc, giới thiệu đại biểu của TS.Trần Thanh Hà - Phó trưởng Bộ môn ĐGTS; PGS,TS.Đoàn Hương Quỳnh - Phó trưởng Bộ môn TCDN đã thay mặt cho hai Bộ môn báo cáo quá trình hình thành và phát triển của hai Bộ môn, đội ngũ giảng viên của hai Bộ môn để giúp cho các NCS mới được xét tuyển trong thời gian qua hiểu rõ hơn về truyền thống và đội ngũ các Nhà khoa học của Bộ môn có thể tham gia hướng dẫn, góp ý về chuyên môn trong quá trình NCS nghiên cứu luận án sau này.

*Bộ môn TCDN là một trong những Bộ môn nghiệp vụ chuyên ngành lớn của Học viện Tài chính với lực lượng giáo viên đông đảo gồm 24 giáo viên; trong đó có 23 giáo viên cơ hữu và 01 giáo viên kiêm chức. Tính đến nay, 100 % giáo viên của bộ môn có học vị từ Thạc sỹ kinh tế trở lên. Trong đó, có 5 Phó giáo sư, 15 tiến sĩ kinh tế, 07 thạc sĩ kinh tế, 05 giảng viên cao cấp, 02 giảng viên chính và hiện đang có 07 giáo viên đang làm NCS. Bộ môn có 9 giáo viên được đào tạo ở nước ngoài với trình độ ngoại ngữ cao và đang đảm nhiệm giảng dạy môn học TCDN bằng Tiếng Anh tại Học viện Tài chính.

PGS,TS.Đoàn Hương Quỳnh -  Phó trưởng Bộ môn TCDN giới thiệu về truyền thống và đội ngũ giảng viên của hai Bộ môn

*Bộ môn ĐGTS là một trong ba bộ môn nghiệp vụ thuộc Khoa TCDN với đội ngũ giáo viên gồm 8 người, trong đó: có 07 giáo viên cơ hữu, 01 giáo viên kiêm chức, 100% giáo viên có trình độ từ Thạc sỹ kinh tế trở lên, trong đó, có 05 tiến sỹ, 3 thạc sỹ kinh tế và hiện đang có 04 giáo viên đang làm NCS.

Tất cả các thầy cô của hai Bộ môn đều rất tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Học viện, đang từng ngày nỗ lực phấn đấu vươn lên trong giảng dạy và NCKH.

Sau khi nghe báo cáo đánh giá về lịch sử hình thành, phát triển của hai Bộ môn và đội ngũ các nhà khoa học của 2 Bộ môn; PGS.TS.Vũ Văn Ninh - Trưởng Bộ môn TCDN đã thay mặt cho hai Bộ môn báo cáo đánh giá tình hình NCS và công tác quản lý NCS của Bộ môn trong thời gian qua.

* Về tình hình NCS và tiến độ thực hiện nghiên cứu của các NCS sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn TCDN :

Tính đến thời điểm hiện tại (12/2018), Bộ môn TCDN đang quản lý 36 NCS sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn. Số lượng các NCS trúng tuyển và được giao về bộ môn TCDN để sinh hoạt có xu hướng tăng lên trong năm năm qua. Năm 2015 có 9 NCS được giao về bộ môn thì đến năm 2016 có 14 NCS, chỉ tính riêng đợt 1/2017 đã có 7 NCS được giao về BM để sinh hoạt chuyên môn. Dự kiến tuyển sinh đợt 2/2017 và đợt 1/2018 số lượng NCS sẽ được giao về sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn khoảng trên 10 NCS. Tính từ tháng 01/2018 đến nay, đã có 7 NCS thực hiện bảo vệ chuyên đề chuyên sâu, có 7 NCS bảo vệ luận án ở cấp Bộ môn, 06 NCS đã bảo vệ luận án cấp Học viện. 07 NCS bảo vệ cấp bộ môn đều chỉ bảo vệ một lần, 06 luận án bảo vệ cấp Học viện đều được các thành viên hội đồng bỏ phiếu tán thành 100%. Qua theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch nghiên cứu cho thấy, có 21 NCS vẫn đang trong hạn nghiên cứu luận án (tỷ lệ 58,3%), có 04 NCS đã đến hạn (tỷ lệ 11,1%). Trong số 36 NCS đang sinh hoạt tại BM, thì số NCS đã bảo vệ chuyên đề tính đến thời điểm này là 16 NCS (tỷ lệ 44,45%), có 07 NCS đã bảo vệ luận án cấp Bộ môn (tỷ lệ 19,4%).

* Về tình hình NCS và tiến độ thực hiện nghiên cứu của các NCS sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn ĐGTS :

Bộ môn ĐGTS đang quản lý 08 NCS sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn; bao gồm : 01 NCS xét tuyển năm 2012, 03 NCS xét tuyển năm 2013, 02 NCS xét tuyển năm 2014, 01 NCS xét tuyển năm 2015, 01 NCS xét tuyển năm 2016. Năm 2018, đã có 02 NCS bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Qua theo dõi quá trình triển khai kế hoạch nghiên cứu của các NCS cho thấy tất cả các NCS vẫn đang trong hạn nghiên cứu. Trong số đó đã có 02 NCS đã bảo vệ luận án ở cấp Bộ môn.

*Về vai trò của hai Bộ môn trong công tác quản lý NCS thời gian qua: Trong những năm qua hai Bộ môn luôn coi trọng công tác quản lý NCS và coi đây là một trong những nhiệm vụ chính của Bộ môn. Hai bộ môn đã chủ động nắm bắt, xây dựng cơ sở dữ liệu về các NCS và giảng viên hướng dẫn; tư vấn cho các NCS mới trúng tuyển chuẩn hóa tên đề tài luận án và tên các chuyên đề chuyên sâu trước khi Giám đốc Học viện ra quyết định giao đề tài; định kỳ yêu cầu NCS báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch; báo cáo kết quả nghiên cứu luận án, tổ chức cho NCS tham gia vào các hoạt động chuyên môn của Bộ môn. Đồng thời, hai Bộ môn cũng nhanh chóng hoàn thành các thủ tục như thẩm định sơ bộ luận án, thẩm định bài báo, đề xuất danh sách hội đồng đánh giá luận án cấp bộ môn; tham gia tích cực, có hiệu quả, đóng góp ý kiến cho NCS ở Hội đồng cấp Bộ môn; v.v. tạo thuận lợi nhất cho các NCS hoàn thành các nội dung trong kế hoạch nghiên cứu của mình.

TS. Nguyễn Minh Hoàng trao đổi ý kiến về công tác quản lý NCS của bộ môn ĐGTS

Sau khi nghe báo cáo đánh giá tình hình NCS và công tác quản lý NCS của Bộ môn, PGS, TS.Trương Thị Thuỷ - Phó Giám đốc Học viện Tài chính đã có ý kiến phát biểu và chia sẻ những kinh nghiệm hướng dẫn NCS. Cô cũng bày tỏ mong muốn các NCS sinh hoạt tại hai Bộ môn ngày một chủ động hơn, quyết tâm hơn cùng với sự quan tâm đặc biệt của các Thầy cô trong hai Bộ môn, để ngày một đạt được những bước tiến vững bền trong con đường nghiên cứu của chính mình, cùng chia sẻ, cùng đồng hành tạo ra nhiều hơn giá trị cộng hưởng cho cả Bộ môn và NCS. Đồng thời, PGS.TS. Trương Thị Thủy cũng yêu cầu các Bộ môn phải thường xuyên theo dõi và đôn đốc NCS trong việc thực hiện kế hoạch nghiên cứu; chủ động giúp đỡ và hỗ trợ tích cực để các NCS hoàn thành kế hoạch nghiên cứu theo đúng thời hạn được giao.

PGS, TS.Trương Thị Thuỷ - Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu tại buổi gặp mặt NCS của 2 bộ môn TCDN và ĐGTS

Để lắng nghe các NCS sinh hoạt tại hai Bộ môn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình nghiên cứu và những đề xuất đối với Học viện, Khoa và Bộ môn, chủ toạ đã tạo điều kiện cho các NCS thẳng thắn trao đổi những khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu luận án. Qua sự chia sẻ rất thẳng thắn của NCS Nguyễn Văn Đức, NCS Hồ Quỳnh Anh có thể nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân có thể đưa đến sự chậm chễ trong quá trình thực hiện luận án như: Về việc lựa chọn đề tài nghiên cứu; về việc tiếp cận tổng quan nghiên cứu; về vấn đề tiếp cận, xử lý dữ liệu, số liệu; về việc hoàn thành các điều kiện cần có như chứng chỉ tiếng anh, công bố bài báo trên các Tạp chí; về kinh phí cho việc nghiên cứu, điều tra số liệu…v v.

NCS.Nguyễn Văn Đức chia sẻ những khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu và viết luận án

NCS. Hồ Quỳnh Anh phát biểu về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình nghiên cứu sinh của bản thân

Cùng với những chia sẻ chân thành, buổi gặp mặt NCS của hai Bộ môn TCDN và ĐGTS còn được lắng nghe những ý kiến chia sẻ về quá trình nghiên cứu, hoàn thành luận án của TS.Diêm Thị Thanh Hải đã hoàn thành luận án tại Italia và TS. Trần Thanh Thu đã hoàn thành luận án tại Nhật Bản. Qua sự chia sẻ của hai TS trẻ, các NCS cũng thấy được rằng, Thầy cô hướng dẫn khoa học ngay từ những bước đầu trong hành trình nghiên cứu rất quan trọng, bởi họ sẽ là người đảm bảo cho NCS không đi lệch hướng. Dù bản thân nghiên cứu sinh mới là người tự tìm tòi, khám phá nhưng nếu đề tài nghiên cứu thiếu sự dẫn dắt của người hướng dẫn khoa học có thể xảy ra nhiều vấn đề. Việc lựa chọn người hướng dẫn đúng lĩnh vực nghiên cứu của NCS và đặc biệt có phương pháp hướng dẫn phù hợp để hỗ trợ cả về mặt chuyên môn và tinh thần là hết sức quan trọng. Lời khuyên của hai TS đối với các NCS đó là: “NCS nên tích cực chủ động trong việc giữ liên lạc với người hướng dẫn khoa học, hơn là để các thầy cô tự liên lạc với mình. Con đường nghiên cứu rất cần sự kiên trì và quyết tâm cao độ của mỗi cá nhân các NCS”. Không chỉ mong muốn các NCS chủ động trong quá trình nghiên cứu, hai TS còn chia sẻ cách thu thập dữ liệu, xử lý số liệu sơ cấp, thứ cấp. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý dữ liệu, trích dẫn tài liệu bằng các phần mềm sẽ làm tăng tính hiệu quả nghiên cứu đối với các NCS.

TS. Diêm Thị Thanh Hải chia sẻ cách thức khai thác phần mềm trích dẫn tài liệu tham khảo, xử lý số liệu thứ cấp tại Ý, Mỹ và Singapore

TS. Trần Thanh Thu chia sẻ về cách thức lập bảng hỏi điều tra, khảo sát, cách xử lý số liệu sơ cấp trong quá trình nghiên cứu luận án tại Nhật Bản

Sau khi lắng nghe chia sẻ về những băn khoăn, vướng mắc của các NCS trong quá trình nghiên cứu luận án tại buổi gặp mặt các NCS, các Đại biểu và Giáo viên hướng dẫn đã phát biểu ý kiến về kinh nghiệm hướng dẫn NCS và chia sẻ cách giải quyết những vướng mắc cho các NCS. Theo PGS,TS. Đỗ Văn Thành; PGS,TS.Nguyễn Đình Kiệm; PGS, TS. Đinh Văn Hải thì các NCS phải thường xuyên tham dự các buổi sinh hoạt chuyên môn của Bộ môn, đặc biệt là tham dự đầy đủ các Hội đồng bảo vệ luận án các cấp để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức chuyên môn trong quá trình nghiên cứu luận án của mình. Các Thầy cũng mong muốn các NCS tham gia các khoá học đào tạo về kinh tế lượng, học hỏi từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, bố trí thời gian tối đa cho vấn đề nghiên cứu trong giai đoạn nghiên cứu, đảm bảo tuân thủ các kế hoạch đặt ra trong quá trình nghiên cứu tránh tính trạng chậm trễ, không tập trung trong quá trình nghiên cứu. PGS, TS. Nguyễn Đăng Nam cũng chia sẻ thêm với các NCS: “Xét về góc độ bằng cấp, tấm bằng tiến sỹ là cấp độ đào tạo cao nhất. Tuy nhiên, việc hoàn thành luận án tiến sỹ không phải là sự kết thúc mà chính là khởi đầu của nghề nghiên cứu chuyên nghiệp”. Các NCS mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu những hãy luôn chủ động mở rộng sự kết nối, kiên trì quyết tâm cao trong quá trình nghiên cứu của mình.

PGS,TS. Đỗ Văn Thành góp ý về cách lựa chọn đề tài nghiên cứu khoa học của NCS

PGS, TS. Nguyễn Đình Kiệm chia sẻ những khó khăn mà NCS thường vướng mắc và giải pháp để NCS chủ động hơn trong quá trình nghiên cứu

PGS, TS. Nguyễn Đăng Nam chia sẻ về phương pháp nghiên cứu, xác định rõ tầm quan trọng của tiểu luận tổng quan tới các hướng nghiên cứu của các NCS.

Cùng chia sẻ với những khó khăn trong việc công bố các bài báo khoa học tại các Tạp chí nghiên cứu, PGS,TS. Ngô Trí Long khuyên các NCS hãy tiếp cận chủ động tìm kiếm các trang báo có uy tín để công bố các nghiên cứu, chủ động trao đổi trực tiếp với các hướng dẫn khoa học, để cùng nhau đưa ra các ý tưởng, trình bày các bài báo gắn liền với chủ đề nghiên cứu của NCS.

PGS,TS. Ngô Trí Long góp ý hướng giải quyết trong việc công bố các bài báo khoa học của các NCS trong quá trình nghiên cứu

PGS, TS. Đinh Văn Hải chia sẻ hướng giải quyết trong khâu tập hợp tài liệu và xử lý số liệu trong quá trình thực hiện nghiên cứu luận án

TS. Nguyễn Minh Hoàng cũng chỉ ra một thực tế hiện nay có nhiều người lựa chọn học tiến sĩ chỉ đơn thuần như một phương tiện đưa họ đi xa hơn trên con đường sự nghiệp, chính điều này đã đưa lại không ít khó khăn cho các NCS. Bởi trong khoảng thời gian học tiến sĩ hàng năm trời, khó tránh khỏi việc thay đổi hành trình nghiên cứu, hoặc kết quả nghiên cứu không như dự tính… Nếu không thực sự đam mê và có tố chất thích hợp với nghề nghiên cứu, các NCS khó có thể vượt qua quãng thời gian này.

PGS, TS. Vũ Văn Ninh - Phó trưởng Khoa TCDN, Trưởng bộ môn TCDN tổng kết nội dung của buổi gặp mặt NCS năm 2018

Đồng thời, các Đại biểu và Thầy cô giáo cũng đưa ra những kiến nghị đối với Học viện, Khoa SĐH, Bộ môn và các NCS để cho công tác đào tạo tiến sĩ của Học viện ngày càng có hiệu quả hơn.

Buổi gặp mặt NCS của hai Bộ môn đã diễn ra thành công tốt đẹp, thông qua buổi gặp mặt này, các NCS sẽ có thêm những kinh nghiệm quý báu để triển khai nghiên cứu luận án của mình hiệu quả hơn, đồng thời cũng tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết hơn giữa NCS với các GVHD và Bộ môn sinh hoạt chuyên môn trong quá trình thực hiện nghiên cứu luận án./.

Một số hình ảnh tại Hội nghị gặp mặt NCS của hai Bộ môn:

Các Đại biểu, GVHD, GV của hai BM và các NCS chụp ảnh kỷ niệm

PGS.TS. Nguyễn Thị Hà, một trong những PGS trẻ có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn NCS đang chăm chú ghi chép tại buổi gặp mặt NCS

TS.Phạm Thị Vân Anh và TS.Trần Thị Thanh Hà - Hai lãnh đạo trẻ tiềm năng tại buổi gặp mặt NCS 2018

Các đại biểu đang nghiên cứu tài liệu hội nghị

Các NCS chăm chú lắng nghe những chia sẻ đến từ các Đại biểu, GVHD tham dự  buổi gặp mặt NCS năm 2018

Một số NCS đã và đang sinh hoạt chuyên môn tại Bộ môn TCDN

Lãnh đạo bộ môn trao đổi về công tác chuẩn bị cho buổi gặp gỡ các NCS

… và tiếp tục kiểm tra lại các nội dung chương trình để đảm bảo cho buổi gặp mặt diễn ra thành công tốt đẹp

Ban tổ chức đang rà soát lại nội dung chương trình của buổi gặp mặt NCS

Luôn luôn lắng nghe, chủ động trong quá trình nghiên cứu của các NCS sinh hoạt tại Bộ môn TCDN và Bộ môn ĐGTS

Niềm vui hội ngộ của các thầy cô giáo hướng dẫn khoa học tại buổi gặp mặt NCS

Một số NCS đang sinh hoạt chuyên môn tại bộ môn ĐGTS và lãnh đạo bộ môn

Lãnh đạo hai bộ môn tại buổi gặp mặt NCS năm 2018

Sự gắn kết bền vững của các thầy cô giáo hướng dẫn và các thế hệ NCS sinh hoạt tại các bộ môn TCDN và ĐGTS

BỘ MÔN TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP - ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN
Số lần đọc: 1

Danh sách liên kết