Tìm
English
Thứ ba, 25/05/2021 - 10:17

Học viện Tài chính hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2021) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2021)
(HVTC) - Tiếp tục tăng cường thực thi Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, hạn chế ảnh hưởng của khói thuốc lá ở môi trường học đường, công sở, Học viện Tài chính phát động cuộc vận động toàn thể CBVC, sinh viên Học viện hửơng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5/2021) và “Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá năm 2021” (25/5-31/5/2021).

Hút thuốc lá và khói thuốc lá, hiểm họa được báo trước

Theo WHO, việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với khoảng 90/trên 600.000 người mắc ung thư phổi hằng năm và là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.Tại Việt Nam, theo số liệu của bệnh viện Ung bướu trung ương, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá chiếm 96,8%.

Việc hút thuốc lá và hít khói thuốc lá đã giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động.

Tác hại của việc hút thuốc lá không còn là vấn đề phải tranh cãi với những con số kinh hoàng về số bệnh nhân mắc các bệnh nghiêm trọng về phổi ngày càng tăng và số người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá trên thế giới.

Từ sự tàn phá quá lớn của thuốc lá đối với sức khỏe con người, môi trường, xã hội và kinh tế của các quốc gia nên năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra Công ước khung kiểm soát thuốc lá, lần lượt các nước trên thế giới cũng đưa ra những quy định nhằm hạn chế dần người  hút thuốc lá trong cộng đồng. Việt Nam tham gia công ước khung kiểm soát thuốc lá vào năm 2004 và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc Hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/8/2012 và có hiệu lực thi hành  từ ngày 01/5/2013.

Ngày Thế giới Không thuốc lá được kỷ niệm hàng năm nhằm nhấn mạnh những rủi ro sức khỏe liên quan đến sử dụng thuốc lá và ủng hộ các chính sách hiệu quả để giảm mức tiêu thụ thuốc lá.

Mục tiêu của Ngày thế giới không thuốc lá là để bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai không chỉ khỏi những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe do thuốc lá, mà còn tránh khỏi các hậu quả về kinh tế, môi trường và xã hội của việc sử dụng thuốc lá và hút thuốc thụ động. 

Tại Việt Nam, thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả điều tra tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, so với năm 2015, tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành giảm từ 22,5% xuống 21,7%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới…

 Người hút thuốc lá có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng và tử vong vì COVID-19

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên thế giới có khoảng 780 triệu người muốn bỏ thuốc lá, đặc biệt trong đại dịch COVID-19 đã có thêm hàng triệu người muốn bỏ thuốc vì lo ngại hút thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19, đặc biệt ở những người đã mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp, ung thư, tiểu đường. Nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong trên toàn cầu do các bệnh liên quan đến thuốc lá, năm 2021 Tổ chức Y tế thế giới chọn chủ đề “Cam kết bỏ thuốc lá” cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các quốc gia tăng cường thực hiện các dịch vụ cai nghiện thuốc lá, khuyến khích người hút thuốc tiếp cận các dịch vụ cai nghiện thuốc lá theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. 

Biển cấm hút thuốc tại Học viện Tài chính

Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

 Học viện Tài chính với thông điệp về cấm hút thuốc lá

COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch, suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại vi rút COVID-19  và các bệnh khác. Hút thuốc lá cũng là yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với COVID-19.

Các nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc khi mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn. Những người hút thuốc khi nhiễm COVID-19có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần bình thường. Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế): "Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khỏe của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền dịch bệnh COVID-19 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.

Các liệu pháp thay thế nicotin, như kẹo cao su và miếng dán được thiết kế để giúp người hút thuốc bỏ thuốc lá. WHO khuyến cáo người hút thuốc nên bắt đầu thực hiện ngay các bước để bỏ thuốc bằng cách sử dụng các phương pháp đã được chứng minh, như tư vấn bỏ thuốc qua số điện thoại miễn phí (ở Việt Nam là số 18006606), chương trình nhắn tin giúp bỏ thuốc qua điện thoại di động và liệu pháp thay thế nicotin.

Trong vòng 20 phút sau khi bỏ thuốc, nhịp tim và huyết áp giảm. Sau 12 giờ, nồng độ các-bon mô-nô xít trong máu giảm xuống mức bình thường. Trong vòng từ 2-12 tuần, hệ tuần hoàn được cải thiện và chức năng phổi tăng lên. Sau 1-9 tháng, ho và khó thở giảm.

Thực hiện công văn số 470/KHTC-QT ngày 24/05/2021 của Bộ Tài chính,  Học viện Tài chính kêu gọi toàn thể  CBVC, sinh viên Học viện hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá  (31/5/2021) và “Tuần lễ quốc gia không khói thuốc lá năm 2021” từ ngày 25/5-31/5/2021. Theo đó, hãy cùng nhau “Cam kết bỏ thuốc lá” đối với người hút thuốc lá ngay hôm nay và cùng nhau thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng như phấn đấu vì một môi trường làm việc, học tập, sinh sống không khói thuốc lá.

Lợi ích đối với sức khỏe khi bỏ thuốc lá: Cơ thể sẽ không còn tích lũy chất độc, loại từ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm được 50% nguy cơ chết trước 65 tuổi, giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sau khi bỏ thuốc 10 năm.

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 1736

Danh sách liên kết