Tìm
English
Thứ sáu, 30/07/2021 - 15:6

Học viện Tài chính hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (30/7)
(HVTC) – “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” ( 30/7) hướng tới mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng. Học viện Tài chính kêu gọi CBVC, sinh viên Học viện tích cực hưởng ứng và chung tay đẩy lùi nạn mua bán người.

“Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và  “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người

 Vấn nạn buôn người là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu

“Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người” được Liên Hợp Quốc chọn từ năm 2013. Hàng năm, ngày 30/7 được lấy như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ.

Nhằm thể hiện cam kết và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, ngày 10/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm, trùng với ngày Liên hợp quốc chọn làm “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.

IOM - Cơ quan Di cư LHQ tại Việt Nam (thuộc tổ chức Di cư Quốc tế) đã làm việc để phòng chống nạn mua bán người từ giữa những năm 1990. Trên toàn cầu, IOM đã hỗ trợ hơn 85.000 người bị mua bán, và trong năm 2015, cứ một trong bảy nạn nhân được xác định trên thế giới thì nhận được sự bảo vệ và dịch vụ hỗ trợ chuyên môn từ IOM.

Công an Trung Quốc bàn giao các nạn nhân bị mua bán cho Bộ đội biên phòng Lào Cai (ảnh: Tường Long, báo Thanhnien.vn)

Nạn mua, bán người ở nước ta vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, thậm chí có chiều hướng gia tăng, gây nhức nhối dư luận xã hội. Nó đã xuất hiện với 63 tỉnh thành trên cả nước. Trung bình, mỗi năm Việt Nam phát hiện 500 vụ phạm tội, liên quan tới 700 người và lừa bán hơn 1,000 nạn nhân. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 2,200 vụ, với 3,300 người, lừa bán gần 4,500 nạn nhân.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn quốc phát hiện gần 1.100 vụ, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. Bên cạnh những nạn nhân bị lừa và dụ dỗ, sẽ có những nạn nhân trả tiền để được đưa sang các quốc gia phát triển với mong muốn đổi đời. Ban Kinh tế - Xã hội của Liên Hiệp Quốc cho hay, đã có khoảng 18.000 người Việt Nam cố gắng di cư lậu đến châu Âu thông qua các hoạt động môi giới khá “tích cực” cũng từ cộng đồng người Việt trong 2017.

Nạn nhân của cư bất hợp pháp trên thế giới- đối tượng của bọn buôn bán người

Bộ Nội vụ Anh cho biết, chỉ riêng trong năm 2019, số lượng người Việt Nam có nguy cơ là nạn nhân của nô lệ thời hiện đại cao thứ ba tại Anh, với 887 trường hợp được chuyển tuyến. Trong đó, có đến 55%, tức 487 người đã từng bị bóc lột lao động, và khoảng 629 người mang giới tính nam, kể cả trẻ em. Những người bị bán để ép làm việc, họ phải chịu sự cưỡng bức lao động, bị đối xử tệ bạc và không được hưởng những quyền cơ bản của con người. Những hậu quả để lại cho những nạn nhân bị mua bán là không thể kể xiết đó là nỗi sợ hãi, bị mắc bệnh trầm cảm, tự ti mặc cảm, mất lòng tin vào cuộc sống đôi khi ngay cả với người thân của mình... Họ rất khó lòng vượt qua để có thể hoà nhập với cộng đồng.

Những nạn nhân nữ bị buôn bán phần lớn bị ép làm nô lệ tình dục, bị hãm hiếp, đánh đập, bỏ đói, lạm dụng thuốc, và bị tra tấn đến kiệt quệ. Họ có thể bị rối loạn về tinh thần và thường dẫn đến khuynh hướng tự sát…

Cảnh giác với cạm bẫy buôn bán người và cùng chung tay đẩy lùi nạn buôn bán người

Cảnh giác với môi giới hôn nhân bất hợp pháp ở Việt Nam

Khi công nghệ phát triển, những kẻ buôn người càng có nhiều mánh khóe, thủ đoạn. Chúng sử dụng internet, trang web chơi game, đặc biệt các phương tiện truyền thông để dụ những đối tượng tiềm năng. Nhiều phụ nữ và cô gái trẻ đã bị bắt buộc trở thành nạn nhân lạm dụng tình dục do các mối quan hệ hẹn hò trực tuyến. Hơn thế nữa, ngày nay, đối tượng cho vay tiền, đặc biệt cho vay nặng lãi, có mối liên hệ chặt chẽ với các nạn nhân và thường đóng vai trò như người môi giới. Kẻ buôn người thường lợi dụng sự ràng buộc nợ nần và ngoài ra, còn đe dọa thông qua gia đình của nạn nhân để kiểm soát họ.

 Các bạn trẻ phải nâng cao cảnh giác để không rơi vào bẫy của bọn buôn người

Khi phát hiện hành vi buôn bán người, hãy thông báo cho cơ quan pháp luật, tổ chức chính quyền nơi gần nhất. Dù nhỏ tuổi hay đã trưởng thành, mỗi người  đều được hưởng quyền công dân và quyền con người.

Tích cực phòng chống nạn mua bán người, mỗi CBVC, sinh viên Học viện  cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.

Để chủ động phòng, chống mua bán người, mỗi sinh viên Học viện nêu cao tinh thần cảnh giác, đề phòng, tự bảo vệ mình, người thân và bạn bè:

 - Hãy cảnh giác trước những mối quan hệ qua mạng xã hội, những hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao.

 - Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

 - Hãy tuyên truyền cho người thân, bạn bè trong cộng đồng người Việt Nam biết và cảnh giác trước những thủ đoạn của tội phạm mua bán người: hứa hẹn giới thiệu việc làm nhàn hạ, thu nhập cao để lừa bán ra nước ngoài nhằm cưỡng bức lao động; hứa hẹn giúp đỡ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nhằm mục đích lừa bán ra nước ngoài để cưỡng ép kết hôn, bóc lột tình dục; sinh con ở nước ngoài rồi bán trẻ sơ sinh hoặc trẻ còn trong bào thai cho người bản địa …

 - Hiểu rõ hậu quả của việc mua bán người: bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn; bị bóc lột tình dục; có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (HIV/AIDS…); bị sang chấn tâm lý (lo sợ, mặc cảm …)…

Việc ra nước ngoài học tập hay tìm kiếm công việc hoặc du lịch là một quyết định lớn và quan trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau” cung cấp cho mọi người thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem  các tập phim của dự án “Nghĩ trước bước sau” nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài cho người Việt Nam. 

Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau

Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW

Tổng đài quốc gia 111 về BVTE và MBN: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

Tài khoản Zalo chính thức của tổng đài: Tổng Đài 111: https://zalo.me/1249273939821550616

 - Kịp thời thông báo Tổng đài Bảo hộ công dân: (+84) 981 84 84 84) để được trợ giúp khi bị mua bán ra nước ngoài hoặc khi phát hiện các hành vi, đối tượng nghi vấn phạm tội mua bán người.

Ban CTCT&SV (Tổng hợp)
Số lần đọc: 341

Danh sách liên kết