Tìm
English
Thứ hai, 07/06/2021 - 14:31

Học viện Tài chính Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2021
(HVTC) - Học viện Tài chính phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2021 trong toàn thể CBVC, SV Học viện với chủ đề “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”.

Ngày Đại dương thế giới năm 2021 

Ngày Đại dương thế giới do Liên Hợp quốc thông qua thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương. Với chủ đề “Đại dương: Sự sống và sinh kế” (The Ocean: Life and Livelihoods), với ý nghĩa làm nổi bật sự đa dạng hệ sinh thái biển, lan toả ý nghĩa của địa dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái đất.

Nguồn lợi hải sản lớn đem lại cho con người từ từ đại dương

Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích bề mặt Trái đất, nhưng lại chiếm tới 90% sinh quyển và là những vùng có thể sống được của các sinh vật trên hành tinh.  Đại dương sản xuất ít nhất 50% lượng oxy của hành tinh, nó là nơi có đa dạng sinh học trên trái đất và là nguồn cung cấp protein chính cho hơn một tỷ người trên thế giới. Theo các số liệu thống kê gần đây, ở biển và đại dương có trên 160,000 loài động vật và 10,000 loài thực vật. Trong lòng đất dưới đáy biển và đại dương có đủ các loại khoáng sản như trên lục địa, nhiều loại có trữ lượng lớn hơn các mỏ trên lục địa nhiều lần. Người ta ước tính trữ lượng dầu mỏ ở biển và đại dương khoảng 21 tỉ tấn, khí tự nhiên khoảng 14 nghìn tỉ m3,… Rất nhiều mỏ khoáng sản ở biển và đại dương đã được con người khai thác từ lâu đời như quặng sắt, lưu huỳnh, đồng, phốt pho,… Ngoài ra, biển và đại dương còn là nguồn hóa học to lớn với trên 70 nguyên tố hóa học khác nhau. Thủy triều là nguồn năng lượng vô tận của nhiều quốc gia trên thế giới. Công suất lí thuyết của năng lượng thủy triều ước tính khoảng 1 tỉ kW. Nhà máy thủy điện đầu tiên được xây dựng ở cửa sông Răng-sơ (Pháp) vào năm 1967 với công suất thiết kế là 240,000 kW. Sự chênh lệch nhiệt độ của nước biển trên bề mặt và dưới sâu cũng là nguồn thủy nhiệt vô cùng to lớn. ở vùng nhiệt đới, mức chênh lệch nhiệt độ của nước trên mặt và dưới sâu khoảng 10 – 15°C; dựa vào sự chênh lệch này người ta đã xây dựng những nhà máy thủy nhiệt. Nhà máy thủy nhiệt đầu tiên đang hoạt động ở gần A-bit-gian (Cốt Đi-voa) với công suất 14,000 kw.Biển và đại dương là “chiếc cầu nối liền giữa các lục địa với nhau”. Biển và đại dương là đường giao thông vận tải hết sức rộng lớn. Hiện nay vận chuyển trên biển đóng vai trò hàng đầu trong buôn bán quốc tế. Vận tải đường biển chiếm hơn 3/4 khối lượng hàng hóa trao đổi trên thế giới.

Biển Việt Nam đem lại những nguồn lợi to lớn cho sự phát triển

Vì vậy, không khó để hiểu đại dương là chìa khóa cho nền kinh tế với khoảng 40 triệu người đang làm việc trong các ngành công nghiệp dựa trên đại dương vào năm 2030.

Đại dương đang bị ô nhiễm do bởi rác từ  hoạt động của con người

Tuy nhiên, đại dương đang bị ô nhiễm nghiem trọng, bị khai thác cạn kiệt. Với 90% quần thể cá lớn bị cạn kiệt và 50%  rạn san hô bị phá hủy. Hơn nữa, có hơn 14 triệu tấn vi hạt nhựa đang nằm sâu dưới đáy các đại dương trên thế giới theo kết quả của 1 nghiên cứu mới được các nhà khoa học tại Australia công bố.  Theo số liệu của Chương trình Môi trường LHQ, mỗi năm khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, trong khi cần từ 400 - 1.000 năm để rác thải nhựa phân hủy hoàn toàn. Tờ National Geographic dẫn một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances cho thấy, từ những năm 1950 đến nay, toàn thế giới đã sản xuất khoảng 8,3 tỷ tấn nhựa. Trong đó, khoảng 6,3 tỷ tấn đã bị vứt bỏ. Trong tổng số nhựa bị vứt bỏ này, chỉ 9% được tái chế, khoảng 12% bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại chiếm tới 79% đã tích lũy trong những bãi chôn lấp hoặc đổ vào các đại dương.

Với tình hình này, khoảng 12 tỷ tấn chất thải nhựa sẽ được đổ vào bãi chôn lấp hoặc đại dương vào năm 2050. Lượng rác thải nhựa sẽ nhiều hơn lượng cá nếu tính theo trọng lượng.

Ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới sau biến đổi khí hậu. Con người không chỉ đang lấy từ đại dương nhiều hơn những gì có thể được bổ sung mà còn hủy hoại địa dương.

Để bảo vệ và gìn giữ đại dương cũng như tất cả những gì nó duy trì được, chúng ta phải tạo ra một sự cân bằng mới, bắt nguồn từ sự nghiên cứu thực sự về đại dương và mối liên hệ giữa loài người với nó. Chúng ta phải xây dựng một kết nối tổng thế với đại dương, đổi mới bằng những bài học từ quá khứ.

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (8/6- 15/6)

Đảo Nam Yết-Trường Sa nhìn từ trên cao (ảnh: Mai Thắng)

Luật biển 1982  - Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được ký kết ngày 10/12/1982 và chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 là cơ sở pháp lý quốc tế vô cùng quan trọng cho Việt Nam trong việc xác lập cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phù hợp với quy định của luật quốc tế.  

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: CSIS/AMTI

Việt Nam, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế biển gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ. Tài nguyên và lợi thế do biển mang lại hứa hẹn nhiều triển vọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước.

 Đảo Cô Lin

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo từ xa xưa đến nay thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Việt Nam có cơ sở pháp lí vững chắc, cũng như các quyền và nghĩa vụ hợp pháp với hai quần đảo này, đã và đang được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, sự đồng thuận của nhân dân trong nước trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AP

“Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; phát triển bền vững, thịnh vượng” – đó là quan điểm xuyên suốt được khẳng định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc định hướng trong xây dựng và ban hành Chiến lược này đóng một vai trò rất quan trọng, nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động bất lợi tới tài nguyên, môi trường biển trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Đảo Trường Sa lớn Nhìn từ trên cao xuống

Những năm qua Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT) biển. Mục tiêu trọng tâm của các chủ trương, chính sách đó là: Xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo, ven biển phải gắn kết với yêu cầu bảo vệ đất nước. Thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng… Qua đó, góp phần xây dựng Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động, có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương…

 Đảo Hoàng Sa (DR)

Học viện Tài chính phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (8/6- 15/6) trong toàn thể CBVC, sinh viên Học viện. Thông qua đó, kêu gọi toàn thể CBVC, sinh viên Học viện:

Nâng cao nhận thức về vai trò của biển đảo, ý thức trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường biển cũng như phát triển tài nguyên biển bền vững và lan tỏa ý thức ý thức trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm xã hội về vấn đề cấp bách này ra cộng đồng, cùng tham gia việc làm cụ thể, thiết thực hưởng ứng.

Pin đã qua sử dụng không phải loại rác thông thường, nó chứa rất nhiều hoá chất độc hại môi trường và sức khoẻ con người, cần được thu gom và xử lý riêng.

Mỗi cá nhân giảm thiểu sử dụng túi nilon, và vật dụng dùng một lần bằng nhưa. Thực hiện phân loại và tuân thủ bỏ rác đúng nơi quy định. Bỏ pin đã sử dụng vào đúng nơi quy định để xử lý riêng.

Tham ra thu gom rác thải, dọn dẹp môi trường nơi cư trú.

Hãy là những người con quê hương biển đảo hay du khách có trách nhiệm với môi trường biển, thực hiện những hành vi, hành động bảo vệ biển (không vứt rác bừa bãi, tham gia làm sạch môi trường biển, nhắc nhở khác và khuyến khích mọi người cùng thực hiện…).

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam của Học viện Tài chính là hoạt động cụ thể, thiết thực góp phần lan tỏa thông điệp về bảo vệ, giữ gìn môi trường biển gắn với tình yêu biển đảo, tình yêu Tổ quốc để cùng “Bảo vệ đại dương và phát triển bền vững sinh kế biển Việt Nam”. 

 Quần đảo trường sa:

Quần đảo Trường Sa là huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam, nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp biển Philippin, phía Nam giáp biển Malaixia, Brunây và Inđônêxia.

Từ trung tâm quần đảo Trường Sa đến biển của Malaixia khoảng 250 hải lý, đến biển của Philippin khoảng 201 hải lý, đến biển của Brunây khoảng 320 hải lý, đến đảo Nam Hải khoảng 585 hải lý và đến đảo Đài Loan khoảng 810 hải lý; cách Cam Ranh khoảng 243 hải lý, cách Vũng Tàu 440 hải lý.

Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 hòn đảo nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 410.000 km2 nằm ở giữa vĩ độ 6030 đến 12Bắc và kinh độ 111030’ đến 117020’ Đông. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 3km2, được chia làm 8 cụm (Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên), đảo cao nhất là Song Tử Tây (khoảng 4 - 6m), đảo lớn nhất là đảo Ba Bình (0,44 km2), sau đó là đảo Nam Yết (0,06 km2). Khoảng cách giữa các đảo cũng khác nhau, gần nhất từ đảo Song Tử Đông đến Song Tử Tây khoảng 1,5 hải lý, xa nhất Song Tử Tây (phía Bắc) đến An Bang (phía Nam) khoảng 280 hải lý.

Trong đó đảo Ba Bình có diện tích lớn nhất, được coi là nơi cư dân có thể sinh sống bình thường. Các nguồn lợi thiên nhiên gồm: cá, phân chim, tiềm năng dầu mỏ và khí đốt còn chưa được xác định. Ngoài nghề cá, các hoạt động kinh tế khác bị kiềm chế do tranh chấp chủ quyền. Do nằm gần khu vực lòng chảo trầm tích chứa nhiều dầu mỏ và khí đốt, quần đảo Trường Sa có tiềm năng lớn về dầu khí. Hiện địa chất vùng biển này vẫn chưa được khảo sát nhiều và chưa có các số liệu đánh giá đáng tin cậy về tiềm năng dầu khí và khoáng sản khác. Các khảo sát khác nhằm phục vụ kinh tế và thương mại còn ít thực hiện. Quần đảo Trường Sa hiện chưa có cảng hay bến tàu nhưng có bốn sân bay trên các đảo có vị trí chiến lược nằm gần tuyến đường vận chuyển tàu biển chính trên biển Đông.

*Quần đảo Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa của là một huyện đảo thuộc Thành phố Đà Nẵng của Việt Nam, bao gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 1504500”N - 171500” và kinh độ 111000’00”E - 113000’00”E trên vùng biển có diện tích 30.000 km2, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 8km2. Quần đảo Hoàng Sa chia thành hai nhóm An Vĩnh (còn gọi là nhóm Đông - Bắc) và Trăng Khuyết (còn gọi là nhóm Tây).

- Nhóm An Vĩnh: nguyên là tên của một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Theo sách Đại Nam Thực lục Tiền biên quyển 10 ghi chép về xã này như sau: “Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 100 cồn cát… chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa châu. Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng 3 cưỡi thuyền ra đảo, 3 đêm thì tới nơi…”. Nhóm đảo An Vĩnh bao gồm các đảo tương đối lớn, đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn và các bãi ngầm chính, trong đó đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm (khoảng 2,3km2).

- Nhóm Trăng Khuyết (hay còn gọi là nhóm lưỡi liềm): có hình cánh cung hay lưỡi liềm gồm có các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh, Quang Hòa, Bạch Quỷ, Tri Tôn và các bãi ngầm, trong đó có đảo Hoàng Sa dài 950m, rộng khoảng 650m, diện tích 0,32km2. Về yếu tố quân sự, đảo Hoàng Sa là đảo chính của quần đảo nhưng không phải là đảo lớn nhất. Nhiều nhà quân sự cho rằng đảo này có vị trí quan trọng nhất, hơn cả đảo Phú Lâm trong việc phòng thủ bờ biển Việt Nam. Trong thời gian chính quyền Việt Nam Cộng hòa quản lý, ở đảo này có nhà cửa, căn cứ quân sự, đài khí tượng, hải đăng, miễu Bà, cầu tàu và bia chủ quyền. Bia chủ quyền do người Pháp dựng lên năm 1938, ghi nhận lại chủ quyền chính thức của Việt Nam từ năm 1816. Cơ sở quân sự được thiết lập từ đầu thập niên 1930. Sang thập niên 1950, 1960, nhà cửa được xây cất thêm, tạm đủ cho sự trú phòng của một tiểu đoàn Thủy quân Lục chiến. Bia chủ quyền Việt Nam được đặt gần giữa đảo. Nhà Nguyễn đã chính thức đặt chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa năm 1816.

Quần đảo Hoàng Sa tuy chỉ gồm một số đảo nhỏ giữa Biển Đông, có một thời không được các nước trong khu vực chú ý, không có cư dân sinh sống thường xuyên, chỉ có người Việt Nam ra khai thác theo mùa các tài nguyên như phân chim, tổ yến, san hô, đánh cá trong hàng thế kỷ. Nhưng cùng với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, sự xuất hiện các khái niệm về chủ quyền, lãnh hải, sự ra đời của luật biển, khả năng khai thác tài nguyên biển, nhất là dầu khí… thì các quốc gia có tiềm lực và tầm nhìn xa bắt đầu nhòm ngó quần đảo này như một cơ sở khí tượng thủy văn; quan trọng hơn là một cơ sở hậu cần và là căn cứ quân sự chiến lược có khả năng khống chế Biển Đông, đường giao thông trên biển và cả trên không trong khu vực, một cơ sở pháp luật để bành trướng chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên phần lớn Biển Đông nhằm khai thác các tài nguyên biển, nhất là dầu lửa và khí đốt.

Links bài viết về chủ quyền 02 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam: http://openedu.vn/Kho-tri-thuc/Hoang-Sa-Truong-Sa-Nhung-trang-su-duoc-viet-bang-mau

https://thanhnien.vn/van-hoa/luat-quoc-te-va-chu-quyen-tren-hai-quan-dao-hoang-sa-truong-sa-ky-1-213970.html

https://thanhnien.vn/van-hoa/luat-quoc-te-va-chu-quyen-tren-hai-quan-dao-hoang-sa-truong-sa-ky-2-suc-ep-va-phan-ung-325437.html

https://thanhnien.vn/van-hoa/luat-quoc-te-va-chu-quyen-tren-hai-quan-dao-hoang-sa-truong-sa-ky-3-su-lieu-trung-quoc-noi-gi-212473.html

Ban CTCT&SV (Tổng hợp)
Số lần đọc: 704

Danh sách liên kết