Tìm
English
Thứ năm, 19/09/2019 - 8:30

Hội thảo khoa học: Quan hệ giữa các môn khoa học chính trị với các khoa học chuyên ngành ở Học viện Tài chính
(HVTC) – Sáng 17/9 tại trụ sở chính (số 58 Lê Văn Hiến, Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khoa Lý luận chính trị đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm tăng cường sự gắn kết giữa các môn khoa học chính trị với các khoa học chuyên ngành ở Học viện Tài chính và đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị. 6 tham luận được trình bày tại Hội thảo, 37 bài viết có có giá trị lý luận và thực tiễn được đăng trong kỷ yếu.

 Đại biểu tham gia tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của PGS., TS. Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Học viện; ThS. Trương Văn Quý – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy; TS. Nguyễn Thị Thuý Nga - Phó Trưởng ban Quản lý khoa học; Đại diện Đoàn TNCSHCM; PGS., TS.Vũ Thị Vinh – Trưởng khoa; Lãnh đạo các bộ môn và các giảng viên – nhà khoa học khoa Lý luận chính trị, Học viện Tài chính.

PGS.,TS.Vũ Thị Vinh - Trưởng khoa Lý luận chính trị - chủ trì Hội nghị phát biểu

Phát biểu mở đầu, PGS., TS.Vũ Thị Vinh - Trưởng khoa Lý luận chính trị đã nêu vai trò đặc biệt quan trọng trong giảng dạy các môn lý luận chính trị ở các trường đại học và yêu cầu của việc “Đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo bước tiến mới, có kết quả, chất lượng cao hơn, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội” theo Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư.

PGS., TS.Vũ Thị Vinh cũng nêu chất lượng các bài viết của các nhà khoa học thuộc Khoa Lý luận chính trị tham gia hội thảo: Các bài viết thể hiện sự tâm huyết và trăn trở của các nhà khoa học với sự nghiệp giáo dục của đất nước. Với cách nhìn đa chiều về “Quan hệ giữa các môn khoa học chính trị với các khoa học chuyên ngành” các nhà khoa học đã đề cập khá toàn diện mối quan hệ giữa các môn khoa học chính trị với các khoa học chuyên ngành ở Học viện Tài chính. Các bài viết cho cuộc hội thảo này không chỉ đem lại những giá trị lý luận mà còn có ý nghĩa thực tế hết sức sâu sắc.

TS. Nguyễn Văn Sanh trình bày tham luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, 6 tham luận đã được trình bày và nhận được nhiều ý kiến phản biện của đại biểu. TS. Nguyễn Văn Sanh trình bày tham luận về phương pháp Ankét trong nghiên cứu các đề tài kinh tế. Trong tham luận này, TS. Nguyễn Văn Sanh đã chỉ rõ: Ankét là phương pháp nghiên cứu cơ bản của khoa học xã hội. Với khả năng và tính ưu việt tìm kiếm thông tin, Ankét được sử dụng trong nhiều khoa học, trong đó có các khoa học kinh tế. Là công cụ khoa học, để sử dụng hiệu quả đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có kiến thức cơ bản về công cụ khoa học đó. Những kiến thức cơ bản trên hướng tới mục tiêu sử dụng Ankét một cách hiệu quả trong nghiên cứu khoa học.

PGS.TS. Hà Quý Tình tham gia Hội thảo bằng tham luận “Lý luận Tư bản của C.Mác với phạm trù vốn trong môn Tài chính doanh nghiệp”. Với tham luận này, PGS.TS. Hà Quý Tình đã chỉ rõ Lý luận tư bản của C.Mác được vận dụng triệt để, sáng tạo trong khoa học chuyên ngành tài chính doanh nghiệp. Đó là cơ sở khoa học giúp doanh nghiệp trong việc lựa chọn nguồn vốn và phân bổ, sử dụng có hiệu quả từng nguồn vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ chu chuyển của vốn kinh doanh, để giảm thiểu chi phí, tối đa hóa lợi nhuận.

ThS. Nguyễn Thị Hạnh trình bày tham luận “Quan điểm của Hồ Chí Minh về công bằng xã hội trong thực hiện chính sách thuế - nền tảng cho môn học Thuế ở Học viện Tài chính hiện nay”.  Tham luận đã chỉ rõ: Công bằng xã hội là một nội dung quan trọng, cơ bản được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, giải quyết trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, đặc biệt trong việc thực hiện chính sách thuế - nguồn thu chủ yếu của ngân sách quốc gia.Mục tiêu, động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Quan điểm của Hồ Chí Minh còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong đổi mới ở nước ta hiện nay.

TS. Lương Quang Hiển trình bày tham luận “Chủ trương của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và mối liên hệ với chuyên ngành Kinh tế - Luật ở Học viện Tài chính”.

 PGS.TS. Phan Thị Thoa trình bày tham luận tại Hội thảo

PGS.TS. Phan Thị Thoa trình bày tham luận “Vận dụng phương pháp nghiên cứu kinh tế trong nghiên cứu và giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trong phạm vi tham luận này, nhóm tác giả  đi sâu bàn về việc vận dụng phương pháp  thống kê – một trong những phương pháp nghiên cứu kinh tế chủ yếu trong nghiên cứu và giảng dạy môn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay. Việc vận dụng phương pháp này trong nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam là một đòi hỏi khách quan.

Với tham luận “Học thuyết giá trị của Các Mác – Cơ sở, nền tảng để định giá thương hiệu trong nền kinh tế thị trường”, ThS. Vũ Thị Thu Hương đại diện cho nhóm nghiên cứu đã đưa được ra những giá trị to lớn của thương hiệu từ Học thuyết giá trị của Các Mác.

PGS., TS. Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Học viện phát biểu

Phát biểu đánh giá Hội thảo, PGS., TS. Trương Thị Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Học viện đã đánh giá cao nội dung, ý nghĩa của Hội thảo trong việc góp phần đổi mới nội dung, phương pháp cũng như nâng cao chất lượng đào tạo của Học viện. Với chủ đề này, cần được Khoa Lý luận chính trị nâng tầm Hội thảo lên ở cấp Học viện.

PGS., TS. Trương Thị Thủy viện dẫn những kiến thức cụ thể, sinh động, thực tế về mối quan hệ chặt chẽ của các môn khoa học chính trị với các chuyên ngành khoa học đào tạo tại Học viện. Thông qua những dẫn chứng này, PGS., TS. Trương Thị Thủy khẳng định thêm vai trò của triết học Mác – Lênin - chủ nghĩa duy vật biện chứng trong việc xem xét giới tự nhiên cũng như xem xét đời sống xã hội và tư duy con người. Với tư cách là môn khoa học, kinh tế chính trị Mác-Lênin cung cấp những tri thức về sự vận động của các quan hệ sản xuất, về sự tác động lẫn nhau giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất, hệ thống tri thức mở về những quy luật chi phối sự phát triển của sản xuất, về lịch sử phát triển các quan hệ sản xuất  và trao đổi của nhân loại nói chung về nền sản xuất tư bản chủ nghĩa và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội nói riêng. Nó cung cấp những phạm trù kinh tế cơ bản, bản chất, phát hiện và nhận diện các quy luật kinh tế của nền kinh tế thị trường làm cơ sở lý luận cho việc nhận thức các hiện tượng kinh tế biểu hiện trên bề mặt xã hội.

Hội thảo này là một trong những hoạt động nghiên cứu khoa học được Khoa Lý luận chính trị luôn chú trọng, triển khai thường xuyên bên cạnh hoạt động đào tạo. Hội thảo là sự bổ sung, phát triển và vận dụng sáng tạo lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin của khoa và nhằm nâng cao hơn nữa việc thực hiện chủ trương của Đảng cũng như của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện trong đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Một số hình ảnh khác

 Các đại biểu trình bày tha luận tại Hội thảo

 ThS. Trương Văn Quý – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phát biểu tại Hội thảo

Ban CTCT&SV
Số lần đọc: 3

Danh sách liên kết